NSGN - Một bậc đã rửa sạch hai mươi mốt phiền não, thì được gọi là Mộc dục1
Khái luận về nước và sự thanh tẩy2
Trong hệ thống các hình thức tùy tế thời Ấn Ðổ cổ đại, thì sự thanh tẩy bằng nước (Arghya)3 có một vị trí quan trọng, xuất hiện trong nhiều dạng thức nghi lễ. Tùy theo yêu cầu của mỗi nghi lễ mà nước được sử dụng trong những hình thức khác nhau. Nước có thể được sử dụng để rảy lên đầu một vị hoàng nam trong lễ quán đảnh, đánh dấu sự xuất hiện của một đấng minh quân và sự ra đời của một tân triều đại4. Rưới nước lên tay cũng là nghi lễ quan trọng trong buổi đầu đến lớp. Bức phù điêu mô tả Thái tử Siddhartha cầm bình đựng nước trong ngày đầu đến lớp của nghệ thuật Gandhara, đã minh chứng cho điều này5. Nước còn là biểu hiện cho một hình thức cúng dường và sự tiếp nhận tôn trọng6. Ðó cũng là hình ảnh vua Bimbisara cầm bình nước bằng vàng rưới lên tay Ðức Thế Tôn khi phát tâm hiến cúng tinh xá Veluvana7. Ðặc biệt, trong tín niệm của Bà-la-môn giáo, một số nguồn nước linh thiêng còn có khả năng thanh tẩy và đưa con người trở về Phạm Thiên giới8.
HT.Thích Trí Quảng tắm Phật
Chính vì vậy trong thời Ðức Phật và mãi cho đến ngày nay, các dạng thức siêng năng tắm rửa tại những nguồn nước linh thiêng, đã được Bà-la-môn giáo cực lực đề xướng. Ðã có nhiều bản kinh đề cập đến sự kiện này, xuất hiện trong cả hai truyền thống Hán tạng và Nikaya9.
Theo Ðức Phật, dù dòng sông có linh thiêng cỡ nào và hành giả có siêng năng trong việc tắm rửa, thì cũng không có tác dụng gì đến việc thanh lọc và chuyển hóa nội tâm. Bởi một khi thân kia đầy tội cũ, sông thiêng tẩy được gì?10. Không những thế, trong kinh Tăng nhất A-hàm, Ðức Phật đã đưa ra một định nghĩa quan trọng về lý thuyết thanh tẩy, còn được gọi là mộc dục (沐浴). Theo Ðức Phật, một bậc đã rửa sạch hai mươi mốt phiền não11, thì được gọi là Mộc dục12.
Với Ðức Phật, việc tắm rửa chỉ là một điều kiện cần của đời sống và không mang tính quan yếu, tác động nhiều đến sự tu tập. Trong suốt cuộc đời của Ðức Phật, có rất ít tư liệu ghi nhận về việc tắm rửa của Ngài. Theo Nidanakatha13, với thân hình đầy cáu bẩn sau nhiều năm khổ tu ép xác, nhà khổ hạnh Siddhartha đã xuống tắm ở dòng sông Niranjana trước khi đến gốc bồ-đề thiền định. Tôn giả A Nan đã từng xin nước nóng về để Ðức Thế Tôn tắm chữa bệnh. Cô gái Bà-la-môn ở làng Thuna, thuộc Kosala đã dâng nước uống cho Ðức Phật để rồi sau đó được sanh Ðao Lợi thiên14. Trong Culla Vagga đã ghi nhận nhiều chi tiết về sự quan tâm của Ðức Phật đến việc tắm rửa của chúng Tăng15. Tuy nhiên, sự quan tâm của Ðức Phật liên quan đến việc thanh tẩy chỉ dừng lại ở phương diện y khoa và sức khỏe, mà không xây dựng thành một nghi lễ mang tính biểu tượng, thiêng liêng.
Như vậy, việc thanh tẩy cơ thể chỉ là thanh tẩy cơ thể. Ðức Phật không gắn kết những giá trị mang tính tâm linh vào trong hành động mang tính thường nhật này. Ðây là điểm khác biệt căn bản của Phật giáo so với các tôn giáo cùng thời. Trong một liên hệ thoáng qua, trong 90 giới Ba-dật-đề của giới luật Tỳ-kheo16, thì yêu cầu tắm rửa có chừng mực có lẽ chỉ nhằm khẳng định sự khác biệt giữa hạnh tu của Phật giáo, so với các hạnh tu của các tôn giáo khác, liên quan đến việc thanh tẩy. Nói rõ hơn, Ðức Phật không quá chú trọng đến việc dùng nước để điều phục tâm. Với Ngài, nước chỉ ngừa khát và trừ bụi nhớp.
Từ quan điểm xem việc thanh tẩy có một ý nghĩa quan trọng trong lễ nghi của một vài tôn giáo ở xã hội Ấn Ðộ cổ đại, đã từng bước dẫn đến sự hình thành quan niệm thanh tẩy tượng thờ, xem đó là một trong những hạnh tu dễ thực hiện và tích tập nhiều phước đức.
Nguồn gốc lễ mộc dục tượng thờ
1- Mộc dục tượng thờ trong nghi lễ Bà-la-môn giáo
Thanh tẩy tượng thờ hay nghi lễ mộc dục, Phạn ngữ gọi là Abhisheka. Abhisheka có căn ngữ là sic, mang nghĩa là tưới, rảy, nước, ướt17. Abhisheka nghĩa là rảy nước, tưới nước lên tượng thờ, vốn là nghi lễ thường được sử dụng trong các tôn giáo ở Ấn Ðộ18. Về khởi nguyên, nghi lễ Abhisheka có nguồn gốc từ Atharva-Veda, rồi từng bước trở thành một phương pháp tu tập khá phổ biến của Bà-la-môn giáo19 và được duy trì cho đến ngày nay. Tư liệu về lễ Abhisheka của Bà-la-môn giáo được vài kinh văn Phật giáo ghi lại. Cụ thể, như trong kinh Ðại Bảo Tích, quyển thứ 100 ghi lại trường hợp con gái của vua Ba Tư Nặc tên là Vô Cấu Thí, vào ngày mùng tám tháng Hai, đã cùng với năm trăm vị Bà-la-môn ra ngoài thành làm lễ mộc dục cho tượng thần20.
Trong kinh điển Mật giáo, hình thức mộc dục cho tượng thần được nhiều bản kinh đề cập như Phật thuyết kim cang hương Bồ-tát đại minh thành tựu nghi quỹ kinh21; Kim cang tát đỏa thuyết tần-na-dạ-già thiên thành tựu nghi quỹ kinh22; Phật thuyết tối thượng bí mật na-noa thiên kinh23…Dấu ấn của Bà-la-môn giáo thể hiện trong ba bản kinh này khá rõ, khi đề cập đến Phạm Thiên và tán thán việc mộc dục Thiên tượng (tượng các vị Trời) sẽ hoạch đắc nhiều lợi ích lớn.
Xét ở phương diện tích cực, nếu loại bỏ đi những yếu tố huyền hoặc, những yêu cầu khắt khe, những nghi tiết rườm rà, những mong cầu quá đáng trong việc mộc dục tượng thờ của các tôn giáo Ấn Ðộ cổ đại, thì việc làm này còn có ý nghĩa là giữ gìn, tu sửa và làm thanh khiết các Thánh tượng đang được phụng thờ. Tiếp biến và chọn lọc phương diện tích cực này, đã mở ra hình thức mộc dục tượng thờ trong một số lễ nghi của Phật giáo.
2- Mộc dục tượng thờ trong truyền thống Phật giáo
Tư liệu khả tín về hình thức mộc dục tượng thờ trong những tự viện Phật giáo, được ngài Huyền Tráng đề cập ngắn gọn trong tác phẩm Ðại Ðường Tây Vức ký, quyển thứ năm. Theo mô tả của ngài, vua Giới Nhật và các vua bằng hữu của ông ta đã kiến thiết một ngôi già-lam nguy nga tráng lệ. Trong ngôi già-lam đó, ở đài phía Nam có thiết trí một bảo đàn dùng làm nơi tắm tượng Phật24.
Ghi nhận về một bảo đàn chuyên dùng để tắm tượng Phật phù hợp với nội dung bản kinh Dục Phật công đức do ngài Nghĩa Tịnh dịch. Theo kinh, cách làm đàn tràng như sau: Dùng đất sạch đắp một cái đàn vuông hoặc tròn ở chỗ thanh tịnh, tùy điều kiện mà làm đàn lớn hay nhỏ, trên đó thiết trí một cái bàn rồi thỉnh tượng Phật lên trên. Khi tắm Phật, phải dùng nước nóng thơm tinh khiết rưới lên đỉnh tượng, sau đó rưới lại bằng nước sạch. Nước tắm Phật nên dùng nước sạch ở chỗ hợp dòng, chớ để côn trùng bị tổn thương… Sau khi tắm xong thì thỉnh tượng về chỗ cũ25.
Quang cảnh của một buổi lễ mộc dục trong các tự viện ở Ấn Ðộ thời xưa được ngài Nghĩa Tịnh miêu tả chi tiết trong Nam Hải ký quy nội pháp truyện26.
Tại một số tu viện ở các nước phía Tây, vào giờ Tỵ mỗi buổi sáng là lễ tắm tôn tượng. Vị Thọ sự (Karmadana) đánh kiền chùy, trước sân chùa thì giăng bảo cái, bên hiên chánh điện sắp đặt sẵn các bình nước thơm, cung thỉnh các bảo tượng bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng hay bằng đá, tôn trí trên những cái bồn bằng vàng, bằng bạc, bằng đá hay bằng gỗ. Trong lúc các thiếu nữ tấu nhạc cúng dường, thì chư Tăng mài các thứ hương liệu quý hòa với nước, rồi dùng nước đó rưới lên tôn tượng. Tắm tôn tượng xong, dùng khăn sạch nhẹ nhàng lau khô, sau đó thỉnh tôn tượng về vị trí cũ trong bảo điện và trần thiết các loại hoa quý xung quanh. Ðây là nghi thức do chúng Tăng trong chùa thực hiện dưới sự hướng dẫn của vị Thọ sự (Karmadana). Tại các phòng riêng trong tu viện thì chư Tăng tự mình thực hiện lễ tắm tôn tượng, mỗi ngày đều chuyên tâm không hề quên bỏ27.
Có thể nói, việc tắm tượng là một nghi lễ quan trọng và thiêng liêng trong một số tự viện Phật giáo, được ghi nhận đã tồn tại ở Ấn Ðộ trong khoảng thế kỷ thứ VII. Truyền thống tắm tượng này đã được một vài bậc cao tăng nghiêm túc thực thi. Theo Tống cao tăng truyện, quyển 3, Khai nguyên thích giáo lục, quyển 9, đề cập đến tiểu sử của ngài Bảo Tư Duy, dịch giả của bộ kinh Phật thuyết dục tượng công đức28, cho thấy rằng vị cao tăng này rất chuyên tâm trong việc tắm tượng. Theo đó, vào giờ Thìn mỗi sáng, ngài mài hương với nước, dùng nước thơm đó tắm rửa tượng Phật, sau đó mới dùng điểm tâm29. Truyền thống này cũng được quốc vương Ô Trường ở Bắc Ấn Ðộ, nghiêm cẩn thực hiện vào giờ Thìn mỗi sáng30.
Mặc dù chứa đựng nhiều ý nghĩa, thế nhưng việc siêng năng mộc dục tượng thờ hàng ngày không phải ai cũng đủ khả năng và có thể phát tâm thực hiện đều đặn. Và do vậy, có một xu hướng tổ chức lễ mộc dục tượng thờ trong những ngày lễ lớn của Phật giáo.
Trong kinh Bát nê hoàn hậu quán lạp31, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch, Tôn giả A Nan đã hỏi Ðức Phật về lễ mộc dục trong ngày Phật đản (mùng tám tháng Tư) và ngày rằm tháng Bảy cần phải thực hiện như thế nào (四月八日七月十五日.灌臘當何所用). Trong bản kinh này, Ðức Phật đã chỉ rõ, trong ngày tổ chức lễ tắm Phật, nên tu sửa kinh tượng, cúng dường chúng Tăng, thí cho kẻ khó. Tư liệu bản kinh đã cho thấy, việc mộc dục tượng Phật có thể được thực hiện trong ngày rằm tháng Tư và cả trong ngày rằm tháng Bảy.
Tư liệu bản kinh vừa nêu đã đồng thời cho thấy rằng, lễ hội tắm Phật không chỉ hạn hẹp trong việc mộc dục tượng thờ, mà còn bao hàm nhiều hoạt động cầu phúc khác. Chính vì vậy, lễ mộc dục tượng thờ còn là một lễ hội lớn, có những ảnh hưởng nhất định trong xã hội và đã được nhiều bộ sử liệu ghi nhận.
Theo Phật Tổ thống kỷ, quyển thứ 35 đã ghi nhận rằng, vào năm Hưng Bình thứ hai (195), đời Hán Hiến Ðế, Trung lang tướng Trách Dung (笮融,側格切)32 ở Hạ Phi đã xây dựng chùa Phật, khuyến thỉnh mọi người phát tâm tụng kinh, tổ chức tắm Phật, thiết trai cúng dường. Lễ hội lúc ấy có trên năm ngàn người tham dự33. Mở rộng thông tin về Trung lang tướng Trách Dung, thì được biết, nhân vật này cũng được đề cập trong Hoằng minh tập, quyển 1, trong bài tựa Mâu Tử lý hoặc luận34 và cả trong Phá tà luận35 của Sa-môn Thích Pháp Châu. Sự kiện Trung lang tướng Trách Dung tổ chức tắm Phật và thiết trai cúng dường là một sự kiện lịch sử, được đánh giá dưới nhiều giác độ khác nhau.
Chẳng hạn, Phá tà luận cho rằng, Trách Dung mượn cớ dục Phật thiết trai để khởi nghịch, đào thoát đến Giang Ðông36. Tương tự, Hoằng minh tập, quyển 1 cho rằng, Trách Dung lợi dụng chức vụ là quan vận lương, đã lấy của công để xây dựng chùa Phật, đệ tử Phật mà còn đãi rượu37…Trong Tam quốc chí, Ngô Thư, quyển 4, truyện Lưu Do thì ghi rằng, mỗi lần Trách Dung tổ chức lễ tắm Phật thường đãi tiệc rượu và thức ăn dọc hai bên đường, dài cả mười dặm, người đến dự lễ và ăn uống cả vạn người, chi phí không thể tính kể38…
Thông tin về việc làm của Trung lang tướng Trách Dung tuy nhiều chiều, đa dạng, thế nhưng tất cả mọi nguồn thông tin đều xác tín rằng, ông ta từng tổ chức lễ hội tắm Phật, thiết trai có vài ngàn người tham dự. Sự kiện đó đã đồng thời khẳng định rằng, lễ hội mộc dục đã xuất hiện rất sớm tại Trung Hoa.
Như vậy, việc mộc dục tượng thờ trong Phật giáo là một sự kiện lịch sử, xuất hiện khá sớm trong một số tự viện ở Ấn Ðộ và Trung Hoa, được tổ chức hàng ngày hoặc diễn ra trong ngày Phật đản hoặc lễ Vu lan. Mộc dục tượng thờ không chỉ riêng là lễ mộc dục, sửa sang các tượng thờ trong chùa, mà còn được tiến hành đồng thời với nhiều thiện sự quan trọng khác như thiết trai, bố thí. Ðây là một sự kiện có tác động rất lớn trong xã hội về nhiều phương diện. Do vậy, việc khảo sát về cơ sở lý luận của sự kiện này, hay nói cách khác là tìm hiểu về nguồn gốc kinh điển của lễ mộc dục, cũng là một nhu cầu quan yếu.
3- Cơ sở kinh điển của lễ mộc dục tượng thờ
Trong ÐTK ÐCTT hiện có các bản kinh liên quan đến mộc dục tượng thờ. Bao gồm các bản kinh sau:
Kinh Bát nê hoàn hậu quán lạp, số 391, do Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ dịch39.
Phật thuyết kinh dục tượng công đức, số 697, do Tam tạng Bảo Tư Duy dịch40.
Kinh Dục Phật công đức, số 698, do Sa-môn Thích Nghĩa Tịnh dịch41.
Ðây là ba bản kinh hiện còn trong ÐCTT ÐTK đề cập và bàn đến việc mộc dục thờ. Trong ba bản kinh này, hai bản kinh sau có sự trùng lặp rất lớn.
Trước hết, kinh Bát nê hoàn hậu quán lạp, ghi rằng, trong ngày mùng tám tháng Tư và ngày rằm tháng Bảy đều có thể tổ chức lễ mộc dục. Trong trai hội này nên an trí tượng Phật trong bồn để tác lễ, tự mình tắm tượng Phật bằng năm loại hương thủy42. Bản kinh này chỉ nêu việc tắm tượng Phật nói chung và không để cập đến việc tắm riêng tượng đản sinh. Ở đây, trong khi thực hiện lễ mộc dục tượng thờ, nên làm các thiện sự khác như: cúng dường các vật dụng cần thiết cho chùa chiền như đèn nến, hương hoa, in kinh tạo tượng, cúng dường chư Tăng, chu cấp cho kẻ nghèo khó. Bản kinh còn đề cập đến nội dung báo hiếu cha mẹ, người thân đã khuất và có sự khiên cưỡng khi đề cập hơi sâu vào chuyện thu chi tiền bạc.
Kế đến, Phật thuyết kinh dục tượng công đức. Theo kinh, có một vị Bồ-tát tên là Thanh Tịnh Tuệ đã hỏi Ðức Phật về sự khác biệt về công đức cúng dường khi Ðức Phật còn tại thế và sau khi Ðức Phật diệt độ. Ðức Phật xác tín rằng: Như kẻ thiện nam người tín nữ nào sau khi Ðức Phật diệt độ, nếu cúng dường xá-lợi, tạo hình tượng Phật dù nhỏ như hạt lúa mạch, tạo tháp chỉ như trái xoài, cột tràng phan trên đỉnh bảo tháp nhỏ như cái kim, bảo cái chỉ như lá lục bình, bên trong cất giữ xá-lợi Phật nhỏ như hạt cải, thì vẫn được công đức như cúng dường Ðức Phật hiện thế43.
Nhân đó, Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ còn hỏi về cách thức mộc dục tượng thờ và được Ðức Phật chỉ dạy: Thiện nam tử, nếu muốn mộc dục tượng, nên dùng ngưu đầu chiên đàn, tử đàn, hoắc hương, cam tùng, khung cùng, bạch đàn, uất kim, long não, trầm hương, xạ hương, đinh hương, lấy các thứ diệu hương như vậy, tùy theo cân lượng mà hòa với nước nóng đựng trong tịnh bình. Trước tiên làm một cái đàn hình vuông, trên đó thiết trí một sàng tọa phù hợp, trên sàng tọa an trí tượng Phật, dùng các thứ nước thơm tắm tượng nhiều lần. Sau khi tắm tượng bằng các thứ nước thơm xong, thì nên dùng nước sạch tắm tượng lần nữa. Mỗi người lấy một chút nước tắm tượng đó, xức lên đầu của mình, thắp các loại hương để cúng dường44.
Có thể nói, Phật thuyết kinh dục tượng công đức đã chỉ bày rất mực chi tiết về công đức và phương thức tắm tượng. Ðặc biệt bản kinh này trình bày khá rõ về 11 loại danh hương khi thực hiện nghi thức tắm tượng. Ðiều đáng lưu ý, bản kinh này cũng được ngài Nghĩa Tịnh dịch với tên gọi là kinh Dục Phật công đức.
Theo khảo sát, kinh Dục Phật công đức chỉ là tên gọi khác của Phật thuyết kinh dục tượng công đức. Cả hai bản kinh này giống nhau đến từng chi tiết. Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra năm chi tiết căn bản. Thứ nhất, vị Bồ-tát khai mở nhân duyên cùng mang tên Thanh Tịnh Tuệ, thứ hai, địa điểm thuyết kinh là núi Linh Thứu; thứ ba, nếu cúng dường xá-lợi thì được 15 thứ công đức; thứ tư, hướng dẫn cách thức làm đàn tràng tắm tượng; thứ năm, tên gọi các thứ danh hương cũng gần giống nhau. Trong hai bản dịch thì bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh văn pháp sáng tỏ hơn bản dịch của ngài Bảo Tư Duy, thế nhưng bị lược đi một vài chi tiết.
Như vậy, cơ sở kinh điển của lễ mộc dục tượng thờ được phát hiện qua hai bản kinh. Thứ nhất là kinh Bát nê hoàn hậu quán lạp và thứ hai là bản kinh Phật thuyết kinh dục tượng công đức với hai bản dịch, của ngài Bảo Tư Duy và của ngài Nghĩa Tịnh. Căn cứ vào khảo sát cho thấy, nghi lễ mộc dục tượng thờ có thể thực hiện vào nhiều thời điểm trong năm và được tiến hành với nhiều công tác thiện sự khác. Mộc dục tượng thờ là lễ thanh tẩy các tượng thờ trong một tự viện nói chung.
Ở đây, cần phân biệt rõ hình thức nghi lễ này với nghi lễ tắm tượng Ðản sanh. Vì tắm tượng Ðản sanh mặc dù là một sự kiện được tổ chức phổ biến trong giai đoạn hôm nay, thế nhưng nguồn gốc của sự kiện này vẫn chưa được biện biệt thỏa đáng.
Tắm tượng Ðản sanh, nguồn gốc và sự hình thành
1- Nguồn gốc kinh điển của lễ tắm tượng Ðản sanh
Lễ tắm tượng Ðản sanh được phát hiện trong hai bộ kinh hiện còn được bảo lưu trong ÐTK ÐCTT. Ðó là kinh:
- Phật thuyết kinh quán tẩy Phật hình tượng, số 695, do Sa-môn Thích Pháp Cự dịch45.
- Phật thuyết kinh Ma-ha sát đầu, số 696, do Sa-môn Thích Thánh Kiên dịch46.
Thứ nhất, Phật thuyết kinh quán tẩy Phật hình tượng do Sa-môn Pháp Cự dịch. Bản kinh này Ðức Phật mô tả bối cảnh đản sanh và tán thán công đức tắm tượng. Theo kinh, khi thái tử đản sanh, thì Thích Ðề Hoàn Nhân cho đến Thiên chủ cõi Ðao Lợi là Phạm Thiên, cùng các vị chư Thiên tay cầm 12 loại hoa quý, hòa cùng nước thơm của các thứ danh hoa đem đến tắm cho thái tử…47 Các thiện nam và thiện nữ, sau khi Phật diệt độ… nếu tắm tượng Phật như khi Phật tại thế, thì được phước vô lượng không thể tính kể48. Nếu người nào lấy hoa thơm, nước quý để tắm tượng thì mọi sở nguyện đều được thành tựu, được chư Thiên long thần ủng hộ và chứng minh49.
Ðây là một bản kinh chứa dựng nhiều thông tin liên quan đến việc tắm tượng thái tử đản sanh, nhưng chứa đựng nhiều ngữ khí mang tính thậm xưng. Ðặc biệt, theo nghiên cứu của Hajime Nakamura, bản kinh này có nguồn gốc từ Bà-la-môn, nhưng sau đó được thừa tiếp bởi Phật giáo Ðại thừa50. Theo lời chú giải ở cuối bản kinh của các nhà biên tập ÐTK ÐCTT, thì bản kinh này có nhiều điểm tượng tự như bản kinh Phật thuyết kinh Ma-ha sát đầu do Sa-môn Thích Thánh Kiên dịch, nhưng không trùng lắp hoàn toàn mà có nhiều chi tiết dị biệt.
Thứ hai, Phật thuyết kinh Ma-ha sát đầu. Kinh văn cũng mô tả khi thái tử chào đời thì có Phạm Thiên, Ðế Thích, Tứ Ðại Thiên vương quang giáng, đem mười hai loại hương hoa cùng với nước thơm của các thứ danh hoa dùng để tắm Thái tử. Kinh ghi, Nhân ngày Ðản sanh của Phật, mọi người trong thiên hạ cùng niệm Phật công đức, tắm hình tượng Phật như khi Phật tại thế, đó là điều ta dạy mọi người51… Hôm nay các vị hiền giả, hễ ai có tâm tốt, lòng thành, niệm công đức của Phật Thích Ca Văn, dùng hương hoa tắm hình tượng Phật, cầu phước tối thắng, thì quỷ thần chư Thiên sẽ chứng giám cho việc làm này52.
Mặc dù kinh văn tán thán công đức tắm Phật, thế nhưng khi đọc kỹ và chiêm nghiệm sâu về bản kinh này, đã bộc lộ ra ít nhất năm dấu hiệu cho thấy, đây là một bản kinh được biên tập hoặc biên soạn.
a) Bản kinh được mang tên Ma-ha-sát-đầu. Ma-ha-sát-đầu vốn được phiên âm từ chữ Mahasattva, đôi khi được phiên âm là Ma-ha-tát, dịch nghĩa là đại chúng sanh, là đại Bồ-tát53. Như vậy, nếu như dịch nghĩa thì bản kinh Ma-ha-sát-đầu có một tựa đề kinh rất lạ.
b) Bản kinh được khởi đầu khá lạ: Ma-ha-sát-đầu, chư Thiên, trưởng lão và nhân dân đều yên lặng lắng nghe. Luận rằng, được làm thân người rất khó, nghe được đạo vô thượng cũng khó như thế54. Ðây là dạng thức khởi đầu của những bản kinh mang tính tập thành.
c) Nội dung kinh văn cho thấy rằng, vào lúc nửa đêm ngày mùng tám tháng Tư thì Phật đản sanh, nửa đêm ngày mùng tám tháng Tư thì Phật xuất gia, nửa đêm ngày mùng tám tháng Tư thì Phật thành đạo, và nửa đêm ngày mùng tám tháng Tư thì Phật nhập Niết-bàn. Nếu như, Ðức Phật đản sanh nửa đêm thì rất nhiều bộ lịch sử Ðức Phật cần được xem xét để viết lại.
d) Sau khi tắm Phật xong, lấy nước đó nhỏ lên đầu của mình, gọi là nước cát tường. Việc làm này gần giống với một trong những thánh lễ của Ấn giáo.
e) Kinh văn đề cập đến chuyện tiền bạc quá nhiều. Ðơn cử như câu thành ngữ: Khi sanh không có một đồng, đến thời phải chết không đồng ra đi55. Không những thế, sau khi tổ chức lễ tắm Phật xong, số tiền thu được nhiều hay ít thì nên phân chia làm ba phần, một phần cúng Phật, một phần cúng Pháp và một phần cúng cho chúng Tăng. Tuyệt đối không được sử dụng những đồng tiền này để lo cho vợ con, như thế mang tội rất nặng56.
Như vậy, kinh Ma-ha-sát-đầu là một bản kinh rất ngắn, chỉ hơn một ngàn chữ nhưng nội hàm năm dấu hiệu đặc thù, nếu không nói là đáng nghi ngại như chúng tôi đã chỉ ra. Và do đó, khi viện dẫn tư liệu từ bản kinh này, cũng nên có một sự thận trọng và cân nhắc.
2- Nghi thức tắm tượng Ðản sanh trong các bộ Thanh quy
Thanh quy là những quy định trong thiền môn. Trong sinh hoạt thiền môn, ngoài giới luật Phật chế còn có những quy định cụ thể tùy theo từng ngôi chùa, nhằm tạo nên một sự ổn định trong sinh hoạt của Tăng-già. Trong quá trình phát triển của Phật giáo, cụ thể là ở Trung Hoa, một trong những bản thanh quy có ảnh hưởng nhất là thanh quy của ngài Bách Trượng (720 - 784). Từ cơ sở thanh quy của ngài Bách Trượng, tác phẩm Sắc tu Bách Trượng thanh quy57 được ngài Ðức Huy trùng biên, ngài Ðại Hân hiệu đính. Vào năm thứ nhất niên hiệu Chí Nguyên (1335), vua Thuận Ðế nhà Nguyên đã xuống chiếu cho Tăng nhân trong thiên hạ tất phải tuân theo thanh quy này mà phụng hành58.
Trong Sắc tu Bách Trượng thanh quy, nghi thức tắm Phật xuất hiện trong lễ Phật đản, được thanh quy hướng dẫn như sau: đến ngày, khố ty nghiêm túc thiết trí hoa đình, trong đó an trí tượng Phật giáng sinh trong chậu đựng nước thơm, an bài hai cái thìa nhỏ. Trước tượng Phật trưng bày các món cúng dường xong, trú trì thượng đường chúc hương rằng: “Phật đản tốt ngày, trụ trì tại chùa mỗ, tỳ kheo mỗ giáp là cháu xa của di giáo (Phật giáo) kiền thành đốt bửu hương, cúng dường đức Bổn Sư Thích Ca Như Lai Ðại Hòa thượng, trên báo đáp bóng che từ bi, dưới những mong chúng sanh trong pháp giới niệm niệm Phật xuất hiện trong đời59. Trong nghi thức Phật Ðản ở bản thanh quy này, từ tắm Phật (浴佛) xuất hiện hai lần, nhưng không có những hướng dẫn cụ thể về cách thức tắm tượng như thế nào, mà phần lớn lễ nghi bao gồm các hoạt động như thuyết pháp, dâng hương, tụng kinh, dâng nước nóng, cơm canh, dâng trà và lạy tạ. Và như vậy, đến ngài Bách Trượng, những nghi tiết mang tính hướng dẫn cách thức tắm tượng đản sanh, vẫn chưa được định hình cụ thể.
Có thể nói, Sắc tu Bách Trượng thanh quy là một bộ thanh quy được biên soạn theo yêu cầu của nhà vua, nhằm tạo nên tính thống nhất trong nghi lễ của Phật giáo. Trong bộ thanh quy này, có những quy định và hướng dẫn rất chi tiết. Ngay như trong lễ Phật đản, việc nhỏ nhất như viết sớ văn, trải tọa cụ, dâng cơm canh, được mô tả chi tiết và hướng dẫn kỹ càng. Trong khi đó bản thanh quy lại không hướng dẫn chi tiết về cách thức tắm Phật trong lễ Phật đản. Ðiều này hẳn có những lý do mà đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Trong nỗ lực tìm kiếm những quy định và sự hướng dẫn cách thức tắm Phật, chúng tôi phát hiện một tác phẩm là Huyễn Trụ Am thanh quy 60 đã có những hướng dẫn chi tiết về nghi lễ này.
Theo thanh quy, đến tháng Tư, vào ngày mùng tám Phật giáng đản, chuẩn bị sẵn một tòa hoa đình, trong đó thiết trí tượng Phật đản sanh, an trí trong bồn đựng nước thơm, để sẵn hai cái gáo nhỏ có cán. Ðợi am chủ dâng lễ cúng Phật xong, đại chúng đứng dậy lạy. Duy na cử kệ tắm Phật, đại chúng theo đó mà hòa, từ ngài thủ tọa am chủ cho đến toàn thể đại chúng lần lượt sắp hàng xung quanh Phật đình, dùng gáo múc nước nóng tắm Phật. Sau khi hai chúng xuất gia và tại gia thực hiện tắm Phật xong, cử chú Lăng nghiêm, trì Lăng nghiêm xong thì dâng lễ vật cúng dường, tuyên sớ và hồi hướng61.
Như vậy, nghi lễ tắm Phật đã được hướng dẫn khá chi tiết và cụ thể trong Huyễn Trụ am thanh quy. Vậy Huyễn Trụ am là ai?
Huyễn Trụ am là nơi ở của Thiền sư Trung Phong (中峯禪師)62, húy là Minh Bổn (1263-1323). Ngài xuất gia lúc mười lăm tuổi, từng cầu học với Thiền sư Cao Phong Nguyên Diệu (1238-1295), thọ cụ túc giới vào năm 24 tuổi. Sư thường ẩn cư tại am Huyễn Trụ ở Biện Sơn, đồ chúng theo học đông đảo. Vua Nhân Tông (1311-1320) đã từng cho sứ thỉnh mời nhưng ngài không yết kiến. Mặc dù vậy vua không giận mà còn ban hiệu là Phật Từ Viên Chiếu Quảng Tuệ thiền sư và ban cho cả y Kim Lan. Tăng tục theo ngài tham học rất đông, được đồ chúng tôn xưng là Giang Nam Cổ Phật (江南古佛)63. Năm Chí Trị thứ ba (1323), Thiền sư viên tịch, thọ sáu mươi mốt tuổi. Tác phẩm còn lại của Thiền sư là bộ Quảng lục gồm 30 quyển. Năm Nguyên Thống thứ hai (1334), 30 quyển Quảng lục được chính thức nhập tạng64.
Với ảnh hưởng từ sự tôn xưng của đồ chúng là Giang Nam Cổ Phật, với sự hỗ trợ của triều đình khi quyết định đưa những tác phẩm của Thiền sư nhập tạng, đã gián tiếp quảng bố tầm ảnh hưởng bộ thanh quy của Huyễn Trụ thiền sư. Và một trong những ảnh hướng kéo theo là nghi thức tắm Phật trong lễ Phật đản, được hướng dẫn và quy định rõ ràng.
Từ những định hình mang tính gợi mở của ngài Bách Trượng, từ những hướng dẫn mang tính chi tiết trong Huyễn Trụ am thanh quy, nghi thức tắm Phật đã từng bước bổ sung và định hình trong quá trình phát triển của Phật giáo. Xét về nguồn cội, thì hai bộ thanh quy vừa nêu là một trong những cơ sở ban đầu để hình thành nên nghi lễ tắm Phật trong thời đại hôm nay.
Nhận định
Mộc dục tượng thờ là một quy định mang tính lễ nghi của nhiều tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo. Theo kinh điển, tượng Phật đã có khi Phật còn tại thế65. Tuy nhiên, với những bằng chứng khảo cổ cho thấy, tượng thờ Phật giáo xuất hiện trong những năm trước hoặc đầu kỷ nguyên Tây lịch, có lẽ do vậy nên cơ sở lý luận của việc mộc dục tượng thờ cũng được định hình muộn màng.
Với Phật giáo, mộc dục tượng thờ có hai hình thức. Một là mộc dục tượng thờ nói chung, một hình thức lễ nghi mang tính thanh tẩy, tu sửa và tôn tạo. Hình thức này giống như các hình thức mộc dục tượng thờ của các tôn giáo khác, được tổ chức có tính cách lễ hội dân gian, và được tiến hành vào một số thời điểm thích hợp trong năm. Thứ hai là mộc dục tượng đản sanh. Ðây là hình thức mộc dục tượng thờ chỉ dành riêng cho tượng đản sanh và chỉ được tổ chức vào ngày đản sanh của Ðức Phật. Căn cứ vào những khảo sát ở trên, đã chỉ ra sự khác biệt căn bản về hai hình thức mộc dục tượng thờ này.
Riêng với lễ mộc dục tượng đản sanh, mặc dù ngày nay sự kiện này đã phổ biến và mang tầm quốc tế; thế nhưng căn cứ vào khảo sát của chúng tôi, đã cho thấy rằng, xét về cơ sở lý luận, tức là nền tảng kinh điển của sự kiện, vẫn chưa được khẳng định vững chãi. Vì hai bản kinh liên quan đến sự kiện này chứa đựng nhiều dấu hiệu mang tính biên soạn, tập thành và thừa tiếp của những tôn giáo khác.
Theo quan điểm Phật giáo phát triển, sự đản sanh của Ðức Phật chỉ mang tính thị hiện, và Ngài trong sạch ngay từ trong thai. Không những thế, ngay trong thời khắc đản sanh, tư liệu kinh điển không ghi lại người thân của thái tử hỗ trợ, mà chỉ có chư Thiên với các loại hương thang quý hiếm mới có thể tác lễ mộc dục.
Thời Phật tại thế, đệ tử phần lớn cúng nước để Phật rửa chân, dù tịnh thủy hay hương thủy của ngưu đầu chiên đàn66. Chúng ta chưa phải chư Thiên, nước tắm Phật chưa phải là mười hai loại hương thang theo hướng dẫn trong kinh điển, phải chăng đó cũng là quan ngại của Tổ Bách Trượng cũng như các tôn đệ của ngài, khi không đưa ra những quy định mang tính chi tiết trong nghi thức tắm Phật đản sanh?
Với Ðức Phật, bên cạnh những hình thức lễ hội, lễ nghi, Ngài luôn chú trọng đến phương diện tu tập, hành trì. Trong đêm cuối cùng ở Kushinagar, Ngài đã chỉ định hàng cư sĩ lo việc tang nghi và hàng xuất gia hãy chuyên tâm nỗ lực tu tập. Trong giai đoạn hôm nay, khi thanh, sắc đang lên ngôi và hình thức cũng là một phương tiện đang được chú trọng vận dụng, thì nhu cầu cần có những khóa tu trong mùa lễ hội, đặc biệt là lễ hội Phật đản, cũng là một phương thức mộc dục tối ưu, mà Ðức Phật đã từng chỉ dạy67.
Chúc Phú
____________________________
(1) 大正新脩大藏經第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第四十七, 放牛品. Nguyên văn: 以其洗二十一結, 故名為沐浴.
(2) Ở phương Tây, người đầu tiên đề cập đến khái niệm thanh tẩy là Aristotle (384-322), ông gọi là Cartharsis, trong tác phẩm On the Art of Poetry.
(3) M.Monier-Williams, A Sanskrit - English Dictionary. Springfield, MA: Nataraj Books, 2014, p.89. Chữ Hán phiên âm là 閼伽. Cf, William Edward Soothill, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms. London: Kegan Paul, Trench, Trubner & Co., Ltd. 2005, p. 451.
(4) Kinh Trung bộ, Tiểu kinh Saccaca, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2012, tr. 288; kinh Trung bộ, kinh Hiền ngu, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2012, tr. 503.
(5) Ihsan Ali - Muhammad Naeem Qazi, Gandharan Sculptures in the Peshawar Museum (Life Story of Buddha). Pakistan: Hazara University Mansehra NWFP, 2008, p.69.
(6) M.Monier-Williams, A Sanskrit - English Dictionary. Springfield, MA: Nataraj Books, 2014, p.89.
(7) Maha Vagga, chương Trọng yếu, Tụng phẩm thứ tư, Sự cúng dường Veluvana, đoạn 63.
(8) Bimala Churn Law, A History of Pali Literature, Vol 1. Delhy: Indological Book House, 1983, p.120.
(9) 大正新脩大藏經第 01 冊 No. 0051 梵志計水淨經; 大正新脩大藏經第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第六, 利養品第十三; Kinh Trung bộ, kinh Ví dụ tấm vải, số 7; kinh Tiểu bộ, kinh Phật tự thuyết, chương 1, phẩm Bồ-đề, Ud.6.
(10) 大正新脩大藏經第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第六, 利養品第十三. Nguyên văn: 宿罪內充軀, 彼河焉能救.
(11) Theo kinh Tăng nhất A-hàm, phẩm Lợi dưỡng thứ mười ba, thì hai mươi mốt phiền não đó bao gồm: Sân tâm, nhuế hại tâm, thùy miên tâm, trạo cử tâm, nghi tâm, nộ tâm, kỵ tâm, não tâm, tật tâm, tắng tâm, vô tàm tâm, vô quý tâm, huyễn tâm, gian tâm, ngụy tâm, tránh tâm, kiêu tâm, mạn tâm, đố tâm, tăng thượng mạn tâm, tham tâm.
(12) 大正新脩大藏經第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第四十七, 放牛品. Nguyên văn: 以其洗二十一結, 故名為沐浴.
(13) T.W. Rhys Davids. Buddhist Birth stories. New Delhi: Asian Educational Service, 1999, p.187.
(14) Bimala Churn Law, A History of Pali Literature, Vol 2. Delhy: Indological Book House, 1983, p.482.
(15) Culla Vagga, chương Phận sự thứ 8. Phận sự ở nhà tắm.
(16) 大正新脩大藏經第 22 冊 No. 1422b. 五分戒本. Nguyên văn: 若比丘減半月內沐浴. 除因緣. 波夜提.
(17) M.Monier-Williams, A Sanskrit-English Dictionary. Springfield, MA: Nataraj Books, 2014, p.71.
(18) Bimala Churn Law, A History of Pali Literature, Vol 2. Delhy: Indological Book House, 1983, p.4: Pouring water over the God’s image (Abhisheka).
(19) Hajime Nakamura, Indian Buddhism. Delhy: Motilal Banarsidass, 2007. p. 330. Cf: Consecration by sprinkling water (Abhiseka), widely practiced in Brahmanism since the Atharva-Veda.
(20) 大正新脩大藏經第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第一百, 無垢施菩薩應辯會.
(21) 大正新脩大藏經第 20 冊 No. 1170 佛說金剛香菩薩大明成就儀軌經.
(22) 大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1272 金剛薩埵說頻那夜迦天成就儀軌經.
(23) 大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1288 佛說最上祕密那拏天經.
(24) 大正新脩大藏經第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第五, 羯若鞠闍國. Nguyên văn: 臺南起寶壇為浴佛像之處.
(25) 大正新脩大藏經第 16 冊 No. 0698 浴佛功德經. Nguyên văn: 於清淨處以好土作壇. 或方或圓隨時大小. 上置浴床中安佛像. 灌以香湯淨潔洗沐. 重澆清水. 所用之水皆須淨瀘勿使損虫… 安置本處.
(26) 大正新脩大藏經第 54 冊 No. 2125 南海寄歸內法傳, 卷第四, 三十一灌沐尊儀.
(27) 但西國諸寺. 灌沐尊儀. 每於禺中之時. 授事便鳴健稚 (授事者. 梵云羯磨陀那. 陀那是授. 羯磨是事. 意道. 以眾雜事指授於人. 舊云維那者非也. 維是]唐語. 意道綱維. 那是梵音. 略去羯磨陀字) 寺庭張施寶蓋. 殿側羅列香瓶. 取金銀銅石之像. 置以銅金木石槃. 內令諸妓女奏其音樂. 塗以磨香灌以香水 (取栴檀沈水香木之輩. 於礎石上. 以水磨使成泥. 用塗像身. 方持水灌). 以淨白疊而揩拭之. 然後安置殿中布諸花綵. 此乃寺眾之儀. 令羯磨陀那作矣. 然於房房之內自浴尊儀. 日日皆為要心無闕.
(28) 大正新脩大藏經第 16 冊 No. 0697 佛說浴像功德經.
(29) 大正藏第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳, 卷第三, 唐洛京天竺寺寶思惟傳. Nguyên văn: 每於晨朝磨香為水塗浴佛像. 後方飲食.
(30) 大正藏第 50 冊 No. 2060 續高僧傳, 卷第二. Nguyên văn: 次到辰時香水浴像.
(31) 大正新脩大藏經第 12 冊 No. 0391 般泥洹後灌臘經.
(32) Hai chữ này, tác giả Lê Mạnh Thát phiên âm là Trức Dung. Xem, Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 1, NXB. TP. HCM, 2001, tr.87. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Lang lại phiêm ân là Sạ Dung. Xem, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Phương Ðông, 2012, tr. 37. Theo Từ điển Khang Hy, đó chính là Trách Dung.
(33) 大正新脩大藏經第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第三十五. Nguyên văn: 興平二年. 下邳相笮融(側格切) 起佛祠. 課人誦經浴佛設齋. 時會者五千餘人.
(34) 大正新脩大藏經第 52 冊 No. 2102 弘明集.
(35) 大正新脩大藏經第 52 冊 No. 2109 破邪論.
(36) 笮融託佛齋而起逆.逃竄江東.
(37)大正新脩大藏經第 52 冊 No. 2102 弘明集. Nguyên văn: 遂斷盜官運以自利入大起佛寺云云. 行人悉與酒食云云.
(38) 每浴佛, 多設酒飯, 布席於路, 經數十里, 民人來觀及就食且萬人, 費以巨億計.
(39) 大正新脩大藏經第 12 冊 No. 0391 般泥洹後灌臘經.
(40) 大正新脩大藏經第 16 冊 No. 0697 佛說浴像功德經.
(41) 大正新脩大藏經第 16 冊 No. 0698 浴佛功德經.
(42) 為佛投槃作禮. 以五種香水手自浴佛師.
(43) 若善男子善女人等. 供養舍利造佛形像如大麥等. 造塔如菴羅果. 表剎如針. 蓋如浮萍. 持佛舍利如芥子大安置其中. 所得功德. 如我在世等無差別.
(44) 善男子. 若欲沐像. 應以牛頭栴檀紫檀多摩羅香甘松芎藭 白檀欝金 龍腦 沈香 麝香 丁香. 以如是等種種妙香. 隨所得者. 以為湯水置淨器中. 先作方壇敷妙床座. 於上置佛. 以諸香水次第浴之. 用諸香水[8]周遍訖已. 復以淨水於上淋洗其浴像者. 各取少許洗像之水. 置自頭上燒種種香以為供養.
(45) 大正新脩大藏經第 16 冊 No. 0695 佛說灌洗佛形像經.
(46) 大正新脩大藏經第 16 冊 No. 0696 佛說摩訶剎頭經
(47) 第一四天王. 乃至梵天忉利天王. 其中諸天各持十二種香和湯雜種名花以浴太子.
(48) 諸善男子善女人。於佛滅後…浴佛形像如佛在時, 得福無量不可稱數.
(49) 大正新脩大藏經第 16 冊 No. 0695 佛說灌洗佛形像經. Nguyên văn: 善若以香花雜物浴佛形像者所願皆得. 諸天龍神常隨擁護皆當證明.
(50) Hajime Nakamura. Indian Buddhism. Delhy: Motilal Banarsidass, 2007. p. 223. Cf: One sūtra (灌洗佛形像經) enjoins to pour water on them especially on April 8, which date must have been mentioned being translated into the Chinese calendar of that time. The rosary was originally used by Brahmins, but later it was adopted by Mahāyānists.
(51) 今是佛生日故. 諸天下人民共念佛功德. 浴佛形像如佛在時. 是故以示天下人.
(52) 今日諸賢者. 誰有好心善意念釋迦文佛恩德者. 以香華浴佛形像. 求第一福者. 諸天鬼神所證明知.
(53) Theo, Ðinh Phúc Bảo, Phật học Ðại Từ điển, quyển hạ, Phật Ðà Giáo Dục Cơ Kim Hội ấn hành, 2012, tr. 2572. Xem thêm: Maurice Winternitz, A History of Indian Literature, Vol 2. Delhy: Motilal Banarsidass, 1999, p.304.
(54) 摩訶剎頭諸天人民長老皆明聽. 夫得為人難. 無上道亦然.
(55) 人生不持一錢來. 死亦不持一錢去. Câu kinh này giống với câu ngạn ngữ: 生不帶來, 死不帶去. Xem thêm, 朱介凡, 中華諺語志, 台灣商務印書館, 1989年, 523頁.
(56) 灌佛形像所得多少. 當作三分分之. 一者為佛錢. 二者為法錢. 三者為比丘僧錢… 不應各各竟分分歸與妻子. 是為種於石上. 根株焦盡終無生時.
(57) 大正新脩大藏經第 48 冊 No. 2025 勅修百丈清規.
(58) Thiền sư Ðức Huy trùng biên, Sắc tu Bách Trượng thanh quy, tập 1, Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng, dịch, NXB.Phương Ðông, 2008, tr.33.
(59) Sđd, tr.99.
(60) 新纂續藏經第 63 冊 No. 1248 幻住庵清規.
(61) 初八日佛降誕. 預結花亭一座. 以示生佛相安立香湯盆內. 用小杓二柄. 俟菴主上食. 大眾拜起. 維那舉浴佛偈. 大眾隨舉而和. 自菴主首座及大眾次第周行至佛前執杓舀湯浴佛. 僧道俱畢即舉楞嚴呪. 其上供宣疏及楞嚴後回向等. 總與涅槃時同. 茲不重具.
(62) 卍新纂續藏經第 84 冊 No. 1579 續指月錄, 卷七; 卍新纂續藏經第 86 冊 No. 1608 八十八祖道影傳贊, 卷之四, 中峯本禪師傳.
(63) 卍新纂續藏經第 84 冊 No. 1579 續指月錄, 卷七.
(64) Sđd.
(65) 大正新脩大藏經第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 聽法品第三十六, 卷第二十八, 五.
(66) 大正新脩大藏經第 02 冊 No. 0130 佛說給孤長者女得度因緣經, 卷下. Nguyên văn: 時善無毒女說伽陀已. 即取牛頭栴檀香水奉佛洗足. 佛洗足已處于最上莊嚴寶座.
(67) 大正新脩大藏經第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第四十七, 放牛品. Nguyên văn: 以其洗二十一結, 故名為沐浴.