“Một phần lỗi do người dân thái quá…”

Sau rất nhiều nỗ lực xin gặp, TT.Thích Chân Tính - sư phụ Đại đức Thích Tâm Mẫn đã dành cho PV cái nhìn toàn cảnh về hạnh nguyện của đệ tử và những chuyện liên quan đến hành trình nhất bộ nhất bái.

Chùa Hoằng Pháp không có ai đi theo

Thượng tọa có ý kiến gì về việc đệ tử là Đại đức Thích Tâm Mẫn quyết định hành trình “nhất bộ nhất bái” từ Nam ra Bắc?

DSC00484.JPG
TT.Thích Chân Tính - Ảnh: GNO

Trong cuộc sống, tôi luôn tôn trọng quyết định của mọi người. Với thầy Tâm Mẫn cũng vậy. Khi thầy ấy quyết định nhất bộ nhất bái, tôi không có ý kiến phản đối hay đồng ý gì hết nhưng tôi tôn trọng quyết định đó! Trước khi đi tôi có dành nhiều thời gian để khuyến tấn và dặn dò đệ tử trong quá trình hành trì.

Khi thầy Tâm Mẫn rời chùa Hoằng Pháp có ai đi cùng không thưa Thượng tọa?

Ngày thầy Tâm Mẫn bắt đầu đi (năm 2009 - PV) đã có rất đông người đến tiễn và lúc đó có mấy Phật tử đi theo nhưng ra khỏi địa phận TPHCM họ đã trở lại. Bởi họ không thể bỏ cuộc sống riêng của mình để đi theo làm thị giả cho thầy Tâm Mẫn được. Do đó, tôi khẳng định: Không có một ai ở chùa Hoằng Pháp đi theo thầy Tâm Mẫn cho đến bây giờ.

Hiện nay, những người đi theo thầy Tâm Mẫn đều là người của địa phương nơi thầy Tâm Mẫn (từng) đi qua. Họ tự nguyện đi theo tháp tùng và dẹp đường cho thầy ấy.

Vậy Thượng tọa đánh giá thế nào về những người đi theo thầy Tâm Mẫn bây giờ?

Theo tôi thì họ có tâm và nhiệt tình đấy, dù họ là ai. Nhưng do hình ảnh bên ngoài của họ như đầu cạo trọc, mình xăm trổ... nên gây phản cảm với nhiều người.

Trên thực tế, rất hiếm ai dám bỏ công việc cá nhân và gia đình, để đi theo một thầy tu suốt một thời gian dài như vậy. Đó là chưa kể đến những áp lực và khó khăn mà họ sẽ gặp phải.

Nhưng gần đây dư luận phản ánh cách hành xử của họ không khác gì những kẻ “bặm trợn” thưa Thượng tọa?

Chúng ta nên nhìn nhận và đánh giá sự việc ở hai chiều. Cái gì cũng có căn nguyên của nó. Không tự nhiên một người lại có cách hành xử thiếu văn hóa với người khác cả.

Tôi đã chứng kiến việc hàng nghìn người dân địa phương đổ xô ra đường xem thầy Tâm Mẫn hành trì. Trong khi đó nhóm theo thầy Tâm Mẫn ước chừng chỉ có khoảng 20 người.

Với số lượng người dân ra đường đông như vậy, sẽ gây ùn tắc giao thông, gây trở ngại cho thầy Tâm Mẫn hành trì. Khi nhóm người đi theo thầy Tâm Mẫn nhắc nhở để lưu thông đường thì nhiều người tỏ ra thiếu ý thức hoặc vì tín kính, tò mò một cách thái quá. Đây là nguyên nhân khiến tâm của những người tháp tùng bực bội và nổi sân lên.

Do vậy, việc đôi khi ứng xử thiếu văn hóa (nếu có) là điều không thể tránh khỏi nhưng lỗi không hoàn toàn thuộc về họ, một phần cũng là do người dân thái quá nữa.

Vụ việc người đi theo thầy Tâm Mẫn đánh đổ máu người dân ở Bắc Ninh, chùa Hoằng Pháp sẽ ứng xử như thế nào?

Về lý mà nói thì tại sao chùa Hoằng Pháp lại phải có ứng xử với người dân bị đánh? Như ở trên tôi đã nói, những người đi theo thầy Tâm Mẫn không thuộc người của chùa Hoằng Pháp nói chung và không phải là đệ tử của tôi hay của thầy Tâm Mẫn nói riêng. Như vậy, giữa chùa Hoằng Pháp và những người đó không có quan hệ gì.

Mặt khác, hiện tại cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc này. Chỉ thông qua một hình ảnh, chưa có tang chứng, vật chứng thì làm sao có thể vội khẳng định nhóm đi theo thầy Tâm Mẫn đánh người?

Sẽ rất vui khi thầy Tâm Mẫn đến đích Yên Tử

Trong suốt thời gian thầy Tâm Mẫn hành trì, giữa hai thầy trò Thượng tọa có truyền thông qua lại với nhau không?

Với trách nhiệm của một người thầy và bổn phận của một người đệ tử thì thi thoảng chúng tôi vẫn gọi điện thăm hỏi nhau.

Riêng tôi, khi có những phản ánh không hay về nhóm đi theo thầy Tâm Mẫn, tôi đã gọi điện hỏi lý do và nói với thầy Tâm Mẫn khuyên họ giảm bớt cái sân trong người đi. Đặc biệt, tôi luôn nhắc nhở phải cẩn thận và giữ được hạnh nguyện của mình cho tới non thiêng Yên Tử.

Thượng tọa khuyên thầy Tâm Mẫn cẩn thận, phải chăng quá trình thầy Tâm Mẫn hành trì, nhất là giai đoạn gần đến Yên Tử sẽ gặp nhiều khó khăn?

Đúng vậy. Lúc đức Phật sắp thành đạo đã gặp nhiều khó khăn bởi bọn ma quân bao vây. Ở đây trường hợp thầy Tâm Mẫn cũng có thể ví như thế. Thầy Tâm Mẫn sẽ phải gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm không lường trước được.

Tuy nhiên, tất cả sẽ là những thử thách đòi hỏi thầy Tâm Mẫn phải kiên trì và có niềm tin hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thử thách ở hiện tại và phía trước.

Khi thầy Tâm Mẫn đến đích là non thiêng Yên Tử, Thượng tọa sẽ cảm thấy như thế nào?

Cá nhân tôi sẽ cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Không phải cho tôi mà cho đệ tử của mình vì đã hoàn thành một hạnh nguyện vô cùng lớn.

Xưa nay rất hiếm người phát nguyện và thực hiện được việc này nên nếu thành công thì nó có ảnh hưởng rất lớn đến chùa Hoằng Pháp nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Khi đó chùa Hoằng Pháp có dự định gì về sự kiện này không?

Khi thầy Tâm Mẫn đến được Yên Tử, chùa Hoằng Pháp không có dự định gì hết. Ngoài việc, có mấy huynh đệ với thầy Tâm Mẫn sẽ đưa thầy ấy về chùa Hoằng Pháp và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường như những người tu sĩ ở đây.

Xin cảm ơn Thượng tọa!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày