Một số ý kiến về việc sẽ di dời tượng đài Quách Thị Trang

GN - Gần đây, người dân TP.HCM cũng như nhiều người Việt ở trong và ngoài nước rất quan tâm về thông tin quần thể tượng đài tại Công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành (Q.1), trong đó có tượng đài của liệt nữ Quách Thị Trang, một trong những hình tượng của phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam, sẽ di dời để “giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên”. PV Giác Ngộ đã ghi nhận một số ý kiến của chư tôn đức giáo phẩm, Phật tử trước thông tin này.

Lưu tên vào lịch sử ở tuổi 15

Là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn - TP.HCM, HT.Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM  rất tường tận về sự kiện Phật tử Quách Thị Trang bị sát hại. Hòa thượng cho biết, tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang được Hội Sinh viên - Học sinh Sài Gòn và những sinh viên cảm tình với Phật giáo xây dựng vào đầu tháng 8-1964. 

vg (13).jpg

Tượng đài Quách Thị Trang được sinh viên - học sinh Sài Gòn dựng năm 1964 - Ảnh: Vũ Giang

Đây là tượng đài ghi lại chứng tích nơi sự kiện Phật tử Quách Thị Trang (pháp danh Diệu Nghiêm, sinh năm 1948) bị Nguyễn Văn Khánh, Phó Trưởng Chi bót cảnh sát Lê Văn Ken (nằm trên đường Lê Lợi, cạnh BV.Sài Gòn) bắn chết khi cầm biểu ngữ đi hàng đầu tham gia biểu tình với 5.000 sinh viên - học sinh Sài Gòn trước Công viên Diên Hồng, gần cổng chính chợ Bến Thành nhằm chống lại chính sách “thiết quân luật” của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa vào ngày 25-8-1963. Khi đó Quách Thị Trang mới 15 tuổi. Xác chị bị cảnh sát đem chôn trong nghĩa trang Tổng tham mưu vì muốn dìm sự kiện này.

Cũng trong năm 1964, GHPGVNTN đã đặt tên chị cho một cô nhi viện nuôi hơn 7.000 trẻ em mồ côi tọa lạc phía sau Việt Nam Quốc Tự. Năm 1965, Thượng tọa Thích Mãn Giác, đại diện GHPGVNTN đã cho đặt một tấm biển đồng với dòng chữ "Liệt nữ Quách Thị Trang" tại bệ tượng. Năm sau, phần mộ của người liệt nữ này đã được gia đình và một số Phật tử đưa về cải táng ở chùa Phổ Quang cho đến hôm nay.

Ghi nhớ công ơn chị, sau 1975, Nhà nước công nhận Quách Thị Trang là liệt sĩ và nơi chị đã hy sinh cũng được chính thức mang tên Công trường Quách Thị Trang.

Tượng đài sẽ di dời đến… bảo tàng

TP.HCM được xem là thành phố ít tượng đài, theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL), TP.HCM có khoảng 11 tượng đài được xây dựng trước năm 1975. Công trường Quách Thị Trang gần chợ Bến Thành, trước Bệnh viện Sài Gòn (Q.1) là nơi tọa lạc di tích - chứng tích lịch sử liệt sĩ Quách Thị Trang ghi dấu ấn phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Sài Gòn chống chế độ Ngô Đình Diệm đã khá thân thuộc, gắn liền với người dân Sài Gòn - TP.HCM trong suốt 50 năm tồn tại với sự phát triển của TP.HCM.

Tuy nhiên, mới đây, UBND TP.HCM trong Công văn số 4139/CV-VX ngày 20-5-2014 đã giao Sở VH-TT & DL trực tiếp phối hợp, hỗ trợ UBND Q.1 lập báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình di dời tượng đài Trần Nguyên Hãn về Công viên Phú Lâm (Q.6) và tượng đài bán thân liệt nữ Quách Thị Trang (Q.1) cũng được dời đi. Theo đó, phương án di dời tượng đài bán thân liệt sĩ Quách Thị Trang thuộc dự án “Bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên trên địa bàn Q.1”.

Theo báo cáo phương án di dời tượng đài liệt sĩ Quách Thị Trang của ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM gởi UBND TP.HCM ngày 25-6-2014, kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận phương án di dời tượng đài đến Bảo tàng TP.HCM (đường Lý Tự Trọng, Q.1) quản lý và trưng bày sẽ phù hợp hơn so với phương án di dời đến Bảo tàng Lịch sử Nam Bộ (Thảo Cầm Viên, Q.1) như đề xuất của UBND Q.1.

Như vậy, tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang sẽ di dời đến đâu vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Cần lưu lại chứng tích lịch sử tượng đài Quách Thị Trang

Đối với Phật tử Việt Nam, Quách Thị Trang được tôn vinh là một trong những thánh tử đạo. Sự hy sinh của chị góp phần đấu tranh cho sự trường tồn của Đạo pháp và Dân tộc. Và, hình ảnh của Phật tử Quách Thị Trang tại Công trường trung tâm thành phố trở thành một tấm gương tiêu biểu trong lòng Tăng Ni, Phật tử, là biểu tượng hòa bình của thế hệ trẻ thành phố đang phấn đấu, học tập trong một thành phố trẻ, năng động, văn minh và nghĩa tình.

vg (4).jpg

Tượng đài Quách Thị Trang tại quận 1- Ảnh: Vũ Giang

Cũng như nhiều kiều bào khác khi trở về quê hương, ông Tự Tích, Việt kiều Mỹ lần nào đến TP.HCM cũng đều cùng gia đình đến Công trường Quách Thị Trang. Hay tin từ thông tin đại chúng, ông đã có tâm thư đề nghị giữ lại tượng đài này “Một khi chứng tích lịch sử đã bị phá hủy, di dời thì chẳng bao giờ còn tạo dựng lại được nữa”, ông viết trong tâm thư của mình.

Nêu quan điểm của mình về tượng đài sắp di dời đưa vào bảo tàng, HT.Thích Thanh Sơn, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận 1, cho biết: “Không nên di chuyển tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang như thế, bởi đây là một tượng đài - chứng tích lịch sử của cả một thế hệ của sinh viên – học sinh Sài Gòn đấu tranh cho hòa bình dân tộc. Một di tích lịch sử thì không thể đem vào bảo tàng để “quản lý và trưng bày”. Di tích tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang cần đứng ở đó - ở nơi mà chị đã ngã xuống mới thể hiện được hết giá trị của một chứng tích lịch sử”.

Hòa thượng cũng trăn trở, di tích ấy, cùng với các tượng đài ít ỏi hiện có là một phần “linh hồn” của thành phố này. Với tư cách là người đứng đầu BTS PG quận 1, Hòa thượng đã thiết tha đề nghị bảo lưu tượng đài Quách Thị Trang tại vị trí hiện nay. “Tôi cho rằng, nếu UBND TP.HCM có quy hoạch lại Công trường Quách Thị Trang thì tượng đài Quách Thị Trang phải được tôn trí tại vị trí cũ. Diện tích tượng đài không cần quá lớn, chỉ cần khoảng 4 đến 5 mét vuông thôi cũng đủ để lưu giữ lại, để mọi người chiêm ngưỡng một chứng tích lịch sử gắn với phong trào sinh viên - học sinh thành phố góp phần đem lại độc lập, hòa bình cho miền Nam, thống nhất đất nước”, HT.Thích Thanh Sơn cho biết.

Hơn một tháng qua, rất đông người đã đến chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Quách Thị Trang vì hay tin tượng đài sẽ không còn ở đây nữa. HT.Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cho biết hơn 70 năm sinh sống tại Sài Gòn cũng như bao Tăng Ni, Phật tử, người dân TP.HCM, tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang ở cửa chính chợ Bến Thành, ngay trung tâm thành phố đã trở thành biểu tượng hòa bình không chỉ riêng cho giới Phật giáo. Chứng tích lịch sử ấy là giá trị rất sống động của tuổi trẻ Sài Gòn - TP.HCM đã 50 năm thân thuộc. Ngày nay, di tích tượng đài còn là địa chỉ đỏ của tuổi trẻ thành phố, điểm tham quan, du lịch đặc biệt của người dân cả nước, khách quốc tế khi đến TP.HCM.

“Tuyến metro đô thị TP.HCM sẽ là diện mạo mới ở thành phố hiện đại nhưng khi thiết kế công viên mới tại đây phải quy hoạch làm sao giữ lại tượng đài vì chúng ta cần phải biết tôn trọng lịch sử. Duy trì tượng đài liệt sĩ Quách Thị Trang tại vị trí cũ là rất cần thiết, thể hiện lòng biết ơn, sự tôn trọng của thế hệ hôm nay đối với những người đã ngã xuống vì dân tộc, vì thành phố này. Nếu không có cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Sài Gòn nói riêng và phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam nói chung thì sẽ không có chiến thắng Mậu Thân và Đại thắng năm 1975 mang lại độc lập cho thành phố này”, Hòa thượng Thích Như Niệm cho biết thêm.

tải xuống.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày