Mùa hè, game, và nỗi lo - Kỳ 1: Giới trẻ “say” game

Giác Ngộ - Trong “cơn bão” game online (GO) mấy năm trở lại đây, nhiều người trẻ đã không còn đứng vững trước những ma lực cám dỗ của GO. Chơi game không chỉ còn là một thú vui giải trí mà đã trở thành “sự sống” của nhiều người trẻ. “Nghiện” game, cùng với tự kỷ, là hai trong số những căn bệnh “hiện đại” mới xuất hiện trong giới trẻ, đặc biệt dịp hè rảnh rỗi thì cơn “say” ấy càng mạnh hơn...

Ngành công nghiệp “không khói”

Việt Nam chính thức “kết nối” với thế giới vào ngày 19-11-1997. Internet bùng nổ, mang theo một “đứa con” với cái tên bây giờ chẳng còn ai lạ lẫm: game online (trò chơi trực tuyến). Tính đến đầu năm 2011, Việt Nam có khoảng trên dưới 70 trò chơi trực tuyến, với hơn 10 triệu người chơi game (trong tổng số 20,2 triệu người dùng Internet ở Việt Nam). 

Với một số lượng trò chơi lớn như vậy, thì chuyện “lách luật” thông tư 60 của Chính phủ (về việc giới hạn giờ chơi game) là chuyện quá bình thường, vì hết thời gian chơi game này thì người chơi chuyển qua game khác. Cấm như vậy vẫn chưa thể khiến “cơn bão” game lắng dịu.

anh Nghien game 2.jpg

Học trò nghiện game - Ảnh minh họa

Chưa biết nội dung các trò chơi có những gì, nhưng thực tế mà không ai có thể phủ nhận, đó là game online đang rất “hút” giới trẻ. Có khoảng 4 triệu người thường xuyên chơi game. Các quán game, “phố” game mọc lên như nấm và không lúc nào “vắng khách” (có chăng là lúc mất điện). 

Không quá lời khi nói rằng, game online là một ngành công nghiệp của giới trẻ, vì tính riêng năm 2008, tổng doanh thu thị trường dịch vụ GO của Việt Nam đạt khoảng 80 triệu USD, nộp thuế cho ngân sách nhà nước ước khoảng 287 tỉ đồng (Theo Vinagame). Tất cả nhờ “công sức” của người trẻ, đặc biệt là những “tín đồ” game online.

“Nghiện” game cũng giống như nghiện ma túy!

Đó là lời khẳng định của bà Keith Bakker, giám đốc Dưỡng đường tư vấn và điều trị nghiện game ở Amsterdam (Hà Lan). Bà cho biết: “Những người nghiện game cũng run rẩy và toát mồ hôi dữ dội khi nhìn thấy một máy vi tính. Ngoài ra, ở người nghiện game, khi họ chơi game, não bộ họ tiết ra chất endorphine (một loại nội tiết tố mang lại sự hưng phấn), vì vậy họ thường né tránh những vấn đề cá nhân bằng game. Và khi một thiếu niên giam mình trong phòng riêng (có máy tính) hàng giờ liền mà không cần đến bất kỳ hoạt động xã hội nào khác thì khả năng nghiện game là rất lớn”. 

Đúng như vậy, một trong những biểu hiện đầu tiên của bệnh “nghiện” game là có thể chơi game hơn năm giờ/ngày hoặc không có cảm giác về thời gian, không gian khi chơi game. Một biểu hiện khác, luôn bị thôi thúc bởi các hình ảnh trong trò chơi, cố gắng giảm thiểu thời gian ngồi trước máy vi tính nhưng đều thất bại, cũng là dấu hiệu nhận biết người “nghiện”. 

Chơi game không chỉ còn là một thú vui giải trí mà đã trở thành “sự sống” của nhiều người trẻ. Họ như bị những ma lực lôi kéo chẳng thể dứt ra được. Họ lấy cuộc sống ảo trong game để thay thế cuộc sống thật. Khi bị tách khỏi game, phản ứng của họ trở nên chậm chạp, kém linh hoạt, thậm chí phản ứng một cách tiêu cực để được chơi game.

anh Nghien game 1.jpg

Ảnh minh họa

“Nghiện” game, cùng với tự kỷ, là hai trong số những căn bệnh “hiện đại” mới xuất hiện trong giới trẻ. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã quan tâm nghiên cứu và tìm cách giải quyết tình trạng này. Các nhà tâm thần và tâm lý học Mỹ đã nghiên cứu và tranh cãi rất nhiều về chứng nghiện game online, có hay không nên đưa tình trạng trên vào bảng xếp loại các bệnh tật.

 Chính phủ Thái Lan cũng đã có những đạo luật để hạn chế tình trạng này. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có những chương trình và trại cai nghiện game online. Tại Amsterdam, Hà Lan cũng đã có Dưỡng đường tư vấn và điều trị các thiếu niên nghiện game online nhằm đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ của các phụ huynh có con em nghiện trò chơi điện tử trực tuyến. Từ đó có thể thấy tính nghiêm trọng của “căn bệnh” này. 

Đáng buồn, “căn bệnh” này không chỉ xuất phát từ sự vô ý của người trẻ (khi không lường trước được hậu quả) mà cũng còn vì sự vô tâm của những người cha mẹ trong gia đình. 38,35% phụ huynh biết con em chơi game online nhưng vẫn để cho các em chơi thoải mái. 22,58% khác thì tỏ thái độ không quan tâm khi các em chơi game online xếp (Theo kết quả nghiên cứu của nhóm sinh viên Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM)

Hầu như phụ huynh chỉ thực sự quan tâm khi con em mình đã say mê hoặc quá “nghiện” game rồi. Thậm chí, có những người cha mẹ, vì quá bận rộn với công việc hàng ngày nên không có nhiều thời gian dành cho con trẻ, đã ngã ngửa khi phát hiện ra những hành vi lệch lạc của các em chịu sự tác động của game online. Họ không thể ngờ rằng, những trò chơi các em say mê hàng ngày và tưởng như vô hại ấy lại mang bộ mặt thật của một “chất gây nghiện thời đại số”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày