GNO - Hàng triệu người đã mong mỏi một phép màu cho những người chiến sĩ ở Rào Trăng 3 những ngày qua, nhưng thực tế khắc nghiệt một lần nữa đã chứng minh phép màu chỉ có trong huyền thoại.
“Có ai không”
Những ngày này, dù niềm hy vọng ngày càng ít, nhiều người đã nghĩ và biết đến một kết cục vô cùng xót xa trong hiện trường bị san phẳng, chỉ còn lại một phần mái tôn của trạm kiểm lâm, diện tích sạt lở lên đến cả nghìn m2.
Lực lượng công binh đã vào đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) nơi 13 người trong đoàn đi cứu hộ cứu nạn khi đang dừng chân nghỉ tại đây đã bị núi sạt lở vùi lấp.
Những người công binh từng giờ vẫn vừa đào đất đá vùi lấp
Những người công binh từng ngày từng giờ vẫn vừa đào đất đá vùi lấp, vừa khản giọng gào gọi "Còn ai không" với hy vọng tìm được đoàn công tác. Những tiếng gọi của lực lượng cứu hộ ngay khi đặt chân đến nơi 13 cán bộ chiến sĩ mất tích. Không còn dấu vết căn nhà mà các anh đã nằm nghỉ lại, tất cả đã bị vùi lấp bởi đất đá.
Cả 1 trạm kiểm lâm mà bây giờ chỉ còn là khoảng bùn đất mênh mông, mọi người gọi hỏi: "Có ai không..." hy vọng nhận được lời hồi đáp dù là nhỏ nhất. Nhưng không, chỉ có tiếng mưa, tiếng gió vọng về.
Tất cả mọi người vẫn ngày ngày cầu nguyện và hy vọng vào sự may mắn hay phép màu nào đó cho những cán bộ chiến sĩ ấy, những người đồng chí, đồng đội sẵn sàng xả thân vào nơi hiểm nguy nhất vì đồng bào. Họ chỉ mong còn ai đó, với phép nhiệm màu có thể vượt qua được cửa tử. Nhưng…
Mười ba cán bộ, chiến sĩ đã bị vùi sâu trong lòng đất ngay trạm kiểm lâm 67 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền khi đi cứu nạn và 16 công nhân mất tích gần thủy điện Rào Trăng 3 đang được lực lượng chức năng nỗ lực lực tìm kiếm là sự tổn thất kinh hoàng, nỗi thiệt hại vô cùng lớn của quân và dân trong “cuộc chiến” với thiên tai.
Sự việc đau lòng do thiên tai gây ra ở thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế là minh chứng rõ nét nhất về tinh thần "dĩ công vi thượng", phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4, Tỉnh đội Thừa Thiên Huế và lãnh đạo tỉnh, huyện Phong Điền.
Khi nhận được tin báo về việc có nhiều người mắc kẹt ở thủy điện, đoàn công tác đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường để cứu nhân dân. Không may là 13 người bị sạt lở đất vùi lấp, mất tích, trong đó có đồng chí Phó Tư lệnh Quân khu 4. Đây là nỗi đau, mất mát chung của quân đội và nhân dân Việt Nam.
Đồng đội các anh đã nằm xuống
Nhiều người đau đớn, xót xa khi trong đoàn cán bộ chiến sĩ bị vùi lấp kia còn có cả một vị tướng – Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4. Là một Phó Tư lệnh Quân khu, vị tướng ấy có quyền truyền lệnh khiển dụng hàng ngàn binh sĩ thuộc quyền.
Thế nhưng nhận được tin có người dân bị thiên họa mắc kẹt tại vùng núi hiểm trở, vị tướng ấy đã lên đường đến tận nơi hiện trường trực tiếp thị sát thay vì ngồi điều binh khiển quân. Là tướng lĩnh, anh có quyền ngồi nơi an toàn, cách xa hiểm nguy để ban lệnh chỉ huy.
Nhưng anh đã không làm vậy. Anh muốn đích thân xông xáo vào nơi nguy hiểm nhất cùng đồng chí đồng đội của mình.
Cả nước xốn xang
Sạt lở núi là hiểm họa bất khả kháng, có thể nuốt chửng mọi sinh mạng. Hùng khí của một vị tướng chỉ huy đã khiến anh bất chấp điều đó. Giờ này, có lẽ vợ con anh đang xót lòng chờ tin anh từng giây. Hy vọng mong manh như sợi tơ nhện, rằng anh vẫn còn sống và bị vùi lấp đâu đó dưới lòng đất, là cứu cánh duy nhất để vợ con anh không ngã gục… vậy mà!.
Những ngày này, trời vẫn mưa vần vũ, tin mưa gió và áp thấp cứ liên tục báo về. Từng phút trôi qua, tin tức từ hiện trường vụ sạt lở núi khu vực thủy điện Rào Trăng 3 khiến hàng ngàn người dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế và cả nước xốn xang.
Nước mắt đã rơi hòa vào dông bão
Tại Sở Chỉ huy tiền phương Phong Xuân, hàng trăm người dân đội nắng mưa để quyên góp từng ký gạo, bó rau, củ quả, heo, gà… mang đến tiếp sức cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội vượt rừng tìm kiếm người mất tích.
Nhìn cảnh tượng nhân dân huyện Phong Điền tình nguyện góp gạo, gà, vịt, thực phẩm và tự nấu ăn để phục vụ đoàn tìm kiếm cứu nạn mới thấy rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn và bi đát nhất, khối đại đoàn kết toàn dân lại một lần nữa được thể hiện.
Chắc sẽ ít người biết, ngày 15 tháng 10 là sinh nhật của một trong số những người trong đoàn bị vùi lấp kia. Anh Phạm Văn Hướng, một trong 13 người bị vùi lấp trong vụ thủy điện Rào Trăng 3 vừa được tìm thấy thi thể chiều 15-10. Anh Hướng là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế.
Vì nhiều lý do nên hiện anh Hướng một mình gà trống nuôi hai con, một đang học phổ thông, một đang học đại học. Không biết tới đây các con của anh sẽ thế nào khi không còn ba…
Ngày 15-10 chắc chắn là ngày kỷ niệm buồn nhất của lực lượng vũ trang Quân Khu 4 vì hôm nay đón các chiến sĩ trở về. Nhưng không có những cái bắt tay, cái ôm thắm thiết mừng rỡ như mọi lần mà thay vào đó là những giọt nước mắt.
Những giọt nước mắt đã rơi giữa thời bình, đất mẹ đã ôm lấy những người con ưu tú của mình nhưng theo cái cách mà không ai mong muốn. Các anh nằm lại dưới hàng trăm khối đất đá kia có nghe thấy 1 lần nữa Tổ Quốc gọi tên mình.
Tiêu Dao