GNO - Sốc! Đương nhiên, con người ai rồi cũng sẽ có lúc nếm trải trạng thái này. Trạng thái tâm lý sốc xuất hiện khi ta gặp phải một việc mà mình không ngờ tới hoặc một hy vọng nung nấu với niềm tin gần như chắc nịch sẽ thành hiện thực thì đến phút... 89 nó lại thể hiện kết quả ngược lại.
Giống như hôm 11-12 vừa qua, người dân Việt yêu bóng đá và nặng lòng với tuyển Việt Nam đã thêm lần nữa sốc với kết quả 4-2 ngoài mong đợi (nghiêng về Malaysia) - bởi trước đó, ở sân khách, đội tuyển đã đá đẹp và thắng thiệt đã 2-1, nuôi hy vọng đặt chân vào chung kết AFF Cup.
Hoặc, như hôm kia hôm kìa, nhiều người xôn xao, thật hư hay sự thật nào phía sau hình ảnh tung lên khiến cộng đồng mạng xì xào... Họ sốc vì biểu hiện của sự việc và đương nhiên, sẽ có nhiều người cạn nghĩ mà sinh tâm quy chụp, quơ đũa cả nắm.
Dù là gì thì ta cũng an nhiên mà mỉm cười thay vì
lúc khóc hu hu, lúc cười ha hả, lúc thì sốc đến đắng lòng - Ảnh minh họa
Tất nhiên, nhân đó, bên trong và bên ngoài, người chưa bị "hé lộ" và người chống phá sẽ có dịp "ném đá". Có người sẽ nhân đó lên án và rao giảng đạo đức nhằm hạ bệ "nạn nhân" thêm nữa để chứng minh cho thiên hạ thấy mình là người tốt. Có một số khác sẽ ác ý mà xâu chuỗi những sự kiện khác lại hầu làm cho cái lý "con sâu làm rầu nồi canh" phát huy tối đa hiệu ứng.
Tôi luôn nghĩ, những người bị "lộ tẩy" hay bàn tay lỡ "nhúng chàm" là một "nạn nhân" của chính họ - trước tiên. Không vượt qua được sức hút của ngũ dục (danh-sắc-tài-ăn-ngủ) thì sẽ dễ trần trụi trước bức tranh cuộc đời và sẽ càng trở nên trần trụi hơn trước miệng lưỡi thế gian - nhất là khi mình đang diễn vai chân-thiện-mỹ.
Khi chúng ta sống, chúng ta sẽ có lúc yếu lòng vì thực sự mình cũng chỉ là con người bình thường, khi "mưa dầm thấm sâu" thì ngã quỵ trên hành trình đi về phía trước là chuyện khó ngờ - đôi khi sau cú ngã ta còn không chấp nhận được chính mình nên cũng dễ hiểu vì sao thiên hạ lại xôn xao "ném đá" mình như vậy. Và, sẽ càng dễ hiểu hơn khi ở thì quá khứ, mình đã dễ dàng vung tay ném đá xối xả người khác một cách tàn nhẫn dù mình chưa tỏ tường hoặc mình cũng chẳng tốt hơn người ta tí nào.
Thực ra, ném đá người khác hay bằng lý lẽ đạo đức đem ra nhận chìm người khác vì những lầm lỡ của họ thì ta không những không tốt thêm lên mà ngược lại, mình đã để một cái đuôi xấu xí lòi ra rất kỳ cục, phản cảm.
Thực ra, một cá nhân không phải là tất cả vì tập thể là kết cấu của nhiều cá thể hợp lại. Nhưng, một cá thể có vấn đề chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn cục và ít nhiều làm tổn thương tập thể ấy. Giống như khi ta đau, dẫu chỉ là cái khóe móng tay, móng chân nhưng cũng có thể khiến cả người mình đảo điên, phiền não.
Sự thật là, khi mình sai, mình thường yếu đuối bằng cách không dám nhận lỗi hoặc nhận lỗi mà đem ra vô vàn lý do biện bạch. Do vậy, sau lỗi lầm, ai sửa sai và nhìn nhận thẳng sự yếu kém của mình thì đó đã là một nhân cách đáng trân trọng. Một lời sám hối và nghiêm túc làm lại cuộc đời sẽ giúp người ta thấy ở mình chữ Dũng đáng ghi nhận.
Sự thật là ai cũng có thể có lỗi lầm, nhưng ai cũng thiếu kỹ năng nhận diện lỗi lầm thì làm sao mà có được kỹ năng chữa lành những vết thương, hay cắt gọt đi những ung nhọt trong tâm hồn?
Nhìn vào BÊN TRONG thay vì ngó quanh BÊN NGOÀI để ném đá cho đã tay và nuôi lớn sự càng quấy của bản thân, gieo thêm nhân thị phi giữa cõi người lênh đênh ngắn ngủi chính là một cách tư duy tích cực. Từ đó, biến thành sự im lặng bình yên, hùng tráng trong tinh thần bi-trí Phật dạy - đó chính là cách dưỡng nuôi tâm hồn mình tốt nhất.
Khi ấy, những hình ảnh đi qua nơi mắt thường dẫu có kinh khủng cỡ nào, đáng chê ra sao thì qua màn lọc của nội tâm vững chãi, chứa đầy năng lượng thương yêu cũng trở nên đáng thương hơn là đáng trách. Và, ngay lúc đó, dù là gì thì ta cũng an nhiên mà mỉm cười thay vì lúc khóc hu hu, lúc cười ha hả, lúc thì sốc đến đắng lòng, tan nát hết trơn hết trọi, bơ vơ, lạc lõng rồi liu xiu ngã quỵ xuống trong khi lẽ ra ta sẽ có thể đi xa vào lộ giới ngọt ngào!