Nghĩ từ việc tranh thủ "du lịch" ở Đại Nam

GNO - Dòng thời sự của các báo ngày qua nghiêng về sự kiện "khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) đóng cửa", đáng chú ý là ghi nhận lượng khách tranh thủ về du lịch ở đây tăng đến mức năng lực phục vụ không xuể, những bãi xe chật cứng, phải tăng cường thêm...

Binh Duong.jpg
Sân chính của khu du lịch Đại Nam tập trung rất nhiều du khách tham quan - Ảnh: Xuân An

Đọc nhiều bài và xem những hình ảnh liên quan mô tả sự chen chúc nhau đi... du lịch của người dân mà thương quá đỗi.

Điều thường thấy ở những hoạt động miễn phí ở xứ ta chính là hình ảnh đông đúc như thế này - một sự quá tải và... quá khổ sở. Vì điều kiện kinh tế của người dân không đủ để sống thoải mái, lúc nào cũng trong cảnh "gạo châu củi quế", nơm nớp lo cái ăn thì làm gì có khoản chi phí riêng cho chuyện du lịch? Do vậy mà hễ có "cơ may" được miễn phí thì người dân lại tận dụng hết mình với tâm lý "đi cho biết" hoặc được một lần đi du lịch - "mang tiếng" cho ngơm vậy, nhưng thực ra không khác gì đi hành xác.

Những người dân lam lũ muôn đời ở giữa phố thị chật hẹp ấy chính là những người dân nghèo tứ xứ, từ quê lên thành phố mưu sinh, làm công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy, xưởng may... mà nhiều lần tôi có dịp ghé thăm ở các khu trọ chật hẹp, có rất nhiều người là đồng hương thân thương của mình.

"Cực thấy tía" - là tâm sự thực lòng khi tôi hỏi về công việc làm ăn của những công nhân lao động - lực lượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất nhưng cũng là lực lượng nghèo khó nhất - dù ở TP.HCM hay Bình Dương, việc các tổ chức xã hội chăm lo đời sống công nhân có quan tâm đến mấy cũng chỉ là an ủi nho nhoi vậy thôi.

Và, những ngày qua, cái tin đi Đại Nam miễn phí thì khu du lịch tư nhân lớn ở Bình Dương này trở thành "điểm hẹn" để nhiều người thuộc đối tượng kể trên đi tới cho biết trong nỗi khổ chen lấn, mỏi mệt.

Tất nhiên, trong dòng người chen chúc đó có một bộ phận người kinh tế không đến đỗi nào, cũng tương đối, có thể bỏ 400.000 - 500.000 đồng đi được, nhưng vì thói quen thích miễn phí đã ăn sâu, cũng tranh thủ hòa vào dòng người đến Đại Nam những ngày qua, cùng "góp thêm" sự đông đúc cho điểm này.

Nếu mang tâm lý đó để đi, thực ra không được tốt lắm, vì việc được miễn phí mà mình thụ hưởng cũng là việc mình "rút bớt phước của mình" chứ đâu phải ai ban không cho?

Do vậy, tôi nghĩ, nếu mỗi người tự kiểm được việc tiêu thụ của mình, từ miếng ăn tới những dịch vụ nào đó trên cõi đời này, thì sẽ biết tàm quý (hỗ thẹn) khi thọ nhận, dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, để không háo hức khi được... miễn phí.

Đừng quên, khi mình thụ hưởng mà không làm gì cả thì có rất nhiều người phải làm nhiều hơn bình thường để phục vụ mình. Nghĩ thế để trăn trở mà làm nhiều hơn, giữ mình nhiều hơn; khi bắt buộc thọ nhận hoặc lỡ thọ nhận ít nhiều từ cuộc sống, từ ai đó... thì cố gắng tích lũy tâm-sức cống hiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn, ít nhất là sống tốt hơn với tự thân để đóng góp an vui cho xã hội, trả ơn người và đời đã trực tiếp hoặc gián tiếp cưu mang mình...

Chợt nhớ, Tổ Bách Trượng Hoài Hải - thiền sư thời Đường (Trung Quốc) từng có câu nổi tiếng: "một ngày không làm, một ngày không ăn" (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực). Đó chính là thái độ nhân văn đối với cuộc sống, nghiêm cẩn với tự thân, nhất là với người học tu đạo Bồ-đề.

Lưu Đình Long

__________________

* Bạn có ý kiến gì về vấn đề này và những vụ việc tương tự? Hoặc có tin, bài cộng tác với Giác Ngộ, xin mời bạn gửi bài về:
baogiacngo@yahoo.com hoặc toasoan@giacngo.vn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày