Nghĩ về những chiếc bánh chưng ngày Tết

Hai thế hệ ngồi bên nhau trong đêm giao thừa nấu bánh chưng
Hai thế hệ ngồi bên nhau trong đêm giao thừa nấu bánh chưng

GNO - Đông hết xuân sang, đó là quy luật của đất trời. Con người cũng vậy, sau một năm vất vả làm lụng, bởi có những hoàn cảnh phải tha phương cầu thực, lại có những người vì nhiệm vụ cao cả cần thực hiện nên xa quê - xa gia đình, không phải ai cũng được bên nhau và lắng nghe nhau, để có thể kết nối tình thương. Do đó, chúng ta cần có những phút giây bên nhau, lắng nghe và chia sẻ yêu thương.

Vậy cái gì làm điều kiện cho sự nối kết? Một trong những sợi dây nối là nồi bánh chưng xanh, chúng ta ngồi bên nhau, xung quanh bếp lửa để chuyện trò và chờ đón phút giây thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ qua năm mới.

Nồi bánh chưng xanh là chất liệu kết nối của một gia đình nói riêng và một dân tộc nói chung.

Đầu tiên là chuyện kết nối gia đình, bởi quá bận rộn với công việc, chúng ta đã bỏ qua những hạnh phúc giản đơn, nhưng thiêng liêng và thật đẹp. Cuối năm, chúng ta quây quần bên nồi bánh chưng xanh, bên ánh lửa hồng, trong cái không khí se se lạnh, không gian thật ấm cúng để một gia đình truyền thông chia sẻ cùng nhau.

Qua đó, mỗi người nhận thức sự có mặt của nhau và ý nghĩa của nhau trong cuộc sống - để hiểu và thương.

Ngồi bên nhau cũng là phương pháp để gìn giữ giềng mối gia đình, ôn lại truyền thống tốt đẹp của gia tộc – cơ hội để trị liệu các vết thương trong tâm hồn của các thành viên, hàn gắn vết rạn nứt sau một năm dài đè nặng; tháo gỡ sự ghẻ lạnh trong mỗi tâm hồn, tạo nên nhiệt huyết và sự hòa đồng, và hâm nóng bầu không khí gia đình.

Hơn hết, đó là biểu hiện của một gia đình êm ấm, đồng tâm, đồng lòng, và có giá trị truyền thống.

Thứ đến, nồi bánh chưng kết nối một dân tộc, vì nó là nét văn hóa đẹp thể hiện sự thống nhất và đoàn kết của một đất nước. Từ Bắc đến Nam, non sông một dãi, đâu đâu cũng bắc nồi bánh chưng và ngồi bên nhau để chuyện trò, nhà nhà như một. Điều đó nói lên được một điều là tiếng nói chung của một cộng đồng dân tộc, thấm đẫm giá trị văn hóa truyền thống.

Nấu nồi bánh chưng xanh trong đêm giao thừa là hình thức giáo dục văn hóa uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ. Khi bánh chưng chín, trước phút giao thừa vớt bánh chưng ra và dâng cúng bánh còn nóng hổi lên gia tiên, thắp nén nhang cầu nguyện bình an cho toàn gia đình trong năm mới.

Hành động dâng bánh chưng nóng hổi vừa mới vớt lên gia tiên vào phút giây giao thừa, thắp nhang nguyện cầu là nét đẹp chỉ có trong gia đình Việt Nam truyền thống, chỉ người Việt mới có. Đây là dịp giáo dục con cháu văn hóa uống nước nhớ nguồn, tri ân báo ân. Đó là phút giây kết nối tổ tiên và con cháu, giữ quá khứ-hiện tại và tương lai.

Hơn nữa, còn phải để dành một cặp bánh chưng xanh để mồng một Tết đi chùa lễ Phật, cầu may mắn bình an đầu năm, nguyện cầu để tương lai tươi sáng, tinh thần lạc quan và hướng thượng. 

Cuối cùng, bánh chưng xanh cộng với củ hành, kiệu muối chua là món ngon để đãi khách trong những ngày Tết. Ngày Tết không thể thiếu món bánh chưng truyền thống, thiếu nó là thiếu hương vị ngày Tết…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày