Ngũ Đài sơn

NSGN - Ngũ Đài sơn (五臺山) nằm ở địa phận huyện Ngũ Đài (五臺縣), thành phố Hãn Châu (忻州), tỉnh Sơn Tây (山西省), Trung Quốc. Ngọn núi này được xem là một trong bốn đại danh sơn của Phật giáo Trung Quốc (ba ngọn núi khác là Phổ Đà, Nga Mi và Cửu Hoa), được xếp vào danh sách năm danh thắng hàng đầu của nước này và mười danh thắng của tỉnh Sơn Tây. Ngũ Đài sơn trải rộng trên một diện tích 2.837km vuông với năm ngọn núi chính, có độ cao trung bình cách mực nước biển trên 1.000 mét, và đỉnh của ngọn núi phía Bắc mà nó được mệnh danh như là “nóc nhà của miền Bắc Trung Quốc” cao đến 3.061 mét.
ngudaison 1.jpg
Ngũ Đài sơn vốn dĩ là một thánh địa của đạo giáo và các đạo sĩ thường lui tới ngọn núi này

Sở dĩ ngọn núi có tên là Ngũ Đài bởi vì năm đỉnh núi núi bằng phẳng của nó, bao gồm Đông Đài Vọng Hải Phong (東臺望海峰) ở phía Đông, Nam Đài Cẩm Tú Phong (南臺錦綉峰) ở phía Nam, Trung Đài Thúy Nham Phong (中臺翠岩峰) ở giữa, Tây Đài Quải Nguyệt Phong (西臺掛月峰) ở phía Tây, và Bắc Đài Diệp Đẩu Phong (北臺葉斗峰) ở phía Bắc. Và ngoài ra, theo kinh Hoa nghiêm, Bồ-tát Văn Thù được nói là cư trú trên một ngọn núi thanh lương về phía Đông bắc, và điều này khiến người ta đi đến đồng nhất Ngũ Đài sơn với ngọn núi mà Bồ-tát Văn Thù cư trú, và vì vậy Ngũ Đài sơn cũng còn được gọi là Thanh Lương sơn (清涼山). Bên cạnh, tên gọi Thanh Lương sơn cũng xuất phát từ thời tiết mát mẻ nhưng cũng có khi giá rét ở địa danh này.

Ngũ Đài sơn vốn dĩ là một thánh địa của đạo giáo và các đạo sĩ thường lui tới ngọn núi này. Ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được xây ở Ngũ Đài sơn là dưới triều Minh Đế thời Đông Hán (25-220). Truyện kể rằng hai vị Tăng sĩ Ấn Độ là Ca Diếp Ma Đằng (迦葉摩騰 Kasyapamatanga) và Trúc Pháp Lan (竺法蘭 Dharmaratna) đã đến Ngũ Đài sơn và xây một ngôi chùa trên đó sau khi tranh luận thắng những đạo sĩ của đạo giáo ở đây.

Vào thời kỳ Nam Bắc triều (420-589), Phật giáo phát triển mạnh ở đây với sự hỗ trợ của Hiếu Văn Đế (孝文帝, 467-499, hoàng đế Bắc Ngụy). Ông cho mở rộng chùa Linh Thứu (靈鷲寺) và xây thêm 12 ngôi chùa khác. Vào thời Bắc Tề (北齊, 550-577), con số chùa trên núi Ngũ Đài lên đến hơn 200 ngôi. Dưới thời Tùy Văn Đế (隋文帝, 581-604), vị vua này ra lệnh xây một ngôi chùa trên mỗi đỉnh của Ngũ Đài sơn để thờ Bồ-tát Văn Thù (Manjusri). Đó là chùa Vọng Hải trên đỉnh phía Đông, chùa Phổ Tế (普濟寺) trên đỉnh phía Nam, chùa Pháp Lôi (法雷寺) trên đỉnh phía Tây, chùa Linh Ứng (靈應寺) trên đỉnh phía Bắc, và chùa Diễn Giáo (演教寺) trên đỉnh ngọn núi giữa.

Thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh thứ hai ở Ngũ Đài sơn là vào đời nhà Đường (618-907). Vào thời này có hơn ba trăm ngôi chùa và hơn ba ngàn Tăng sĩ tu tập ở đây và Ngũ Đài sơn được xem như một thánh địa Phật giáo. Và cũng vào thời này, nhiều Tăng sĩ từ Ấn Độ, Nepal, Nhật Bản, Triều Tiên, Tích Lan… đã hành hương đến Ngũ Đài sơn để chiêm bái và học đạo.

Trong quá khứ có hơn 300 ngôi chùa ở Ngũ Đài sơn nhưng ngày nay chỉ còn 53 ngôi tồn tại cùng với vào khoảng 30.000 tượng Phật được làm từ những chất liệu khác nhau như đất sét, sành sứ, kim loại, đá và gỗ. Trong số những ngôi chùa hiện còn, chùa Phật Quang (佛光寺) và chùa Nam Thiện (南禪寺) là những ngôi chùa bằng gỗ cổ nhất ở Trung Quốc; trong khi chùa Hiển Thông (顯通寺), chùa Tháp Viện (塔院寺), chùa Bồ-tát Đính (菩薩顶), chùa Thù Tượng (殊像寺) và chùa La Hầu (罗喉寺) là năm ngôi chùa lớn ở Ngũ Đài sơn. Vào thời nhà Thanh (1644-1911), chùa ở Ngũ Đài sơn được chia thành chùa xanh và chùa vàng. Những Tăng sĩ của chùa xanh, những người mang y xanh hay xám, là những Tăng sĩ gốc Hán, trong khi những ngôi chùa vàng là những Tăng sĩ theo Phật giáo Tây Tạng. Trong số những ngôi chùa ở Ngũ Đài sơn hiện nay, có 10 ngôi theo Phật giáo Tây Tạng. Và hầu hết những ngôi chùa ở đây đều thờ Bồ-tát Văn Thù.

Chùa Hiển Thông (顯通寺) là ngôi chùa lớn và có lịch sử lâu dài nhất tại Ngũ Đài sơn. Tọa lạc trên một diện tích 80.000 mét vuông, ngôi chùa này được xây dựng lần đầu vào năm 68 dưới thời Đông Hán (25-220) và tiếp tục được mở rộng và xây thêm vào những triều đại tiếp theo. Hiện nó đóng vai trò quan trọng trong các ngôi chùa ở đây do đó Hiệp hội Phật giáo Ngũ Đài sơn được đặt ở nơi này. Ở ngôi chùa này có một quả chuông lớn phía trước cổng, mà mỗi khi đánh lên âm thanh phát ra vọng khắp ngọn núi.

Chùa Tháp Viện (塔院寺) được xem là biểu tượng của Ngũ Đài sơn, bởi vì nó là ngôi chùa tọa lạc phía trước những ngôi chùa khác. Ngôi chùa này có chiều cao 75.3 mét với kiến trúc nổi bật ở đây là ngôi tháp cao được sơn màu trắng với tên gọi là Tháp Trắng Lớn mang kiến trúc Tây Tạng.

Chùa Văn Thù hay cũng được gọi là viện Đại Văn Thù (大文殊院) được thành lập vào thời Bắc Ngụy. Truyền thuyết nói rằng Bồ-tát Văn Thù đã trú ở đây, vì vậy nó cũng được gọi là “Chân Dung viện” (真容院) hay “Bồ-tát Đính” (菩薩顶). Vào thời hoàng đế Vĩnh Nhạc (永樂) nhà Minh (1368 -1644), các vị Lạt-ma được trú lại Ngũ Đài sơn và từ đó về sau chùa Văn Thù trở thành ngôi chùa chính thuộc phái Mật tông. Hai vị hoàng đế nhà Thanh là Khang Hy và Càn Long đã từng đến đây và để lại thủ bút.

Chùa Thù Tượng (殊像寺) nằm cận chùa Tháp Viện, được xây vào thời nhà Nguyên (1271-1368) trên một diện tích 6.400 mét vuông và gồm 50 kiến trúc khác nhau. Trong số chúng, điện Văn Thù là kiến trúc lớn nhất với tượng Bồ-tát Văn Thù được tôn trí ở đó. Có một con suối trong vắt chảy ra từ ngôi chùa này và có tên gọi là suối Bát-nhã, mà nước của nó từng được các triều đình vua chúa lấy sử dụng.

Chùa La Hầu (罗喉寺) nằm ở phía Đông chùa Hiển Thông. Ngôi chùa này được xây dựng vào thời nhà Đường dành cho những vị Lạt-ma.

Bên cạnh các ngôi chùa tháp, Ngũ Đài sơn còn được tô điểm bởi những triền núi, vách đá, suối nước, cây xanh..., tạo thành một cảnh quan vô cùng tú lệ. Ngũ Đài sơn là một nơi có hệ thực vật phong phú với hơn 600 loại cây cỏ được tìm thấy mà trong số đó có hơn 150 loại cỏ có thể được sử dụng làm thảo dược. Ngoài ra ở đây cũng lưu giữ vô số tác phẩm nghệ thuật như tranh tượng, bích họa, thư pháp...

Viếng thăm Ngũ Đài sơn, ngoài việc tận hưởng không khí trong lành và cảnh quan tươi đẹp, đây cũng là dịp cho ta tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Phật giáo Trung Quốc, tận mắt chứng kiến những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo mà chúng được cho là có ảnh hưởng đến kiến trúc cung điện của Trung Quốc trên một ngàn năm.

Ngũ Đài sơn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2009.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày