Người bác sĩ có tâm hồn thi sĩ

Không chỉ riêng tôi mà có lẽ hàng trăm, hàng nghìn độc giả đã “yêu thầm, nhớ trộm” người bác sĩ này bởi ông chính là tác giả của những tác phẩm đem lại cho mọi người tiếng cười, cảm giác dễ chịu cùng những lời khuyên đời thường, dung dị và khoa học…
chandung.jpg

Tôi không ngờ được gặp trực tiếp “người trong mộng” của mình giữa đời thường như thế. Cái nhìn đầu tiên đã thấy yêu quý, gần gũi nhưng được nói chuyện với ông, được nghe ông nói lại càng thêm yêu quý và kính trọng  biết bao. Ông chính là “người bác sĩ có tâm hồn thi sĩ” Đỗ Hồng Ngọc.

Chân dung bác sĩ - thi sĩ

Với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, báo chí đã dành nhiều ngôn từ hoa mỹ để ngợi ca ông và tôi không định sẽ lặp lại điều ấy. Bởi những gì mà ông làm tự thân đã đi vào lòng người nhẹ nhàng, gần gũi và tự nhiên nhất.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một bác sĩ có nụ cười hiền hậu, phong thái giản dị mà đĩnh đạc… Ông có đôi bàn tay và trái tim ấm nóng đến kỳ lạ. Và người ta thấy ông trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi “thất thập cổ lai hy” của mình. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã “vẽ” ông: “Có một chàng thi sĩ một hôm vì lẽ gì đó bỏ đi làm thầy thuốc. Mười năm, hai mươi năm… anh cặm cụi chăm sóc, chữa lành, làm dịu nỗi đau của trẻ thơ…


"Mộng văn chương"

“Mộng văn chương” là ước mơ thuở thiếu thời nhưng ông chọn y khoa bởi cho rằng văn chương phải là cái “nghiệp”. Nếu ai có cái nghiệp đó, tự khắc nó sẽ tìm đến.

Ông chọn y khoa và mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ. Để rồi y đức của người thầy thuốc và tâm hồn luôn đau đáu, thổn thức cho đời, cho người hòa quyện từ lúc nào ông cũng không biết.

SBHN.JPG


Để đến hôm nay, có lẽ không nhiều người Việt Nam có nhiều danh xưng như ông: một Đỗ Hồng Ngọc viết văn, làm thơ; một Đỗ Hồng Ngọc viết về Phật học; có một Đỗ Hồng Ngọc là bác sĩ và cũng là nhà tư vấn tâm lý, sức khỏe cho tuổi mới lớn, doanh nhân, người già… được nhiều người quý mến. Tất cả những “con người” đó đều tồn tại hài hòa, tự nhiên trong ông.

Vị "bác sĩ già” cho biết ông “mê” trẻ con ngay từ khi còn là một sinh viên y khoa, đi thực tập ở các bệnh viện nhi. Ông “mê” chúng đến nỗi đã chọn trở thành một bác sĩ nhi khoa và vì: “Khám chữa bệnh cho trẻ con có cái thú là chúng không… biết nói, thỉnh thoảng còn giật kiếng cận và ống nghe của mình, lúc cao hứng còn… “tè” vào mặt mình. Thú vị nữa là chỉ cần bẵng đi một thời gian, đã thấy chú nhóc bệnh nhi dạo nọ bế trên tay một… chú nhóc khác (đứa con) đến khám bệnh!”.

Vậy đấy, cứ phải dí dỏm, hài hước và đơn giản triệt để như vậy nhưng ai cũng hiểu rằng chỉ tài hoa thôi chưa đủ, phải bắt đầu từ trái tim đầy ắp yêu thương.

Ông quan niệm: “Là thầy thuốc nhi khoa phải đặc biệt thương trẻ con. Phải coi nó như con mình mới biết xót biết thương. Cần thiết lắm mới chọc hút, xét nghiệm… Đừng coi bệnh nhân là phương tiện thử nghiệm cách chữa mới, thuốc mới của mình. Không làm đau nó nếu không cần thiết, tội nghiệp lắm!”.

Ông không chỉ được gọi là bác sĩ nhi khoa, rất nhiều người còn gọi ông là bác sĩ của tuổi mực tím, tuổi trưởng thành và cả tuổi... trăng xế. Ông không chỉ đến để giúp họ chữa lành những nỗi đau thể xác mà còn xoa dịu những bất an, những mất mát về tinh thần cho từng số phận.

Những ai từng đọc tác phẩm của ông như “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, “Thư cho bé sơ sinh” hay  “Những bệnh thường gặp ở tuổi học trò”… đều nhận thấy những trang viết, lạ thay, đủ sức lay gợi cho người đọc cái cảm giác dễ chịu và thư thái hơn, dễ dàng áp dụng vào đời thường cứ như chính ông đang ngồi đối diện cầm tay chỉ bảo ân cần.

Với các tác phẩm “Gió heo may đã về”, “Già ơi… chào bạn”, “Nghĩ từ trái tim”, “Gươm báu trao tay”, “Như thị”, "Chẳng cũng khoái ru”… người ta lại chợt thấy cần đơn giản hóa cuộc sống này để hạnh phúc hơn, biết quý trọng bản thân mình hơn và biết “nhìn” không chỉ bằng mắt mà bằng cả trái tim nữa.

Y đức, tâm đức của ông tự thân nó đã tỏa sáng, đã đến được với mọi người.

Tôi nhớ mãi câu trả lời đơn giản, ngắn gọn của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong một hội thảo với các bạn trẻ là sinh viên y khoa về đạo đức người thầy thuốc: “Học làm người rồi mới học làm nghề”. Ước sao triết lý đào tạo này được nhiều, thật nhiều người thực hiện.

Đã ở vào tuổi “70 xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn như con ong chăm chỉ, cần mẫn làm mật cho đời. Nét trẻ trung và “phong độ” vẫn lan tỏa trong nụ cười, ánh mắt người thầy thuốc này. Ông sống mẫu mực, giản dị, cách sống này đã xóa nhòa khoảng cách giữa ông với mọi người và cũng vì lẽ đó, ông được tất thảy mọi người yêu thương là điều tất yếu. Xin được gửi đến ông những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam!

Sơ lược tiểu sử của Bs. Đỗ Hồng Ngọc


Thầy thuốc ưu tú Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại La Gi, Hàm Tân, Bình Thuận.
•   Nguyên bác sĩ Khoa nhi, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Tp.HCM.
•   Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM.
•   Từ năm 1960, anh là hội viên Hội nhà văn T.PHCM với bút danh Đỗ Nghê.

Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho người ta thú vị”, lời nhận xét của dịch giả Nguyễn Hiến Lê viết về bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc...
 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày