Người đàn ông 20 năm “rong chơi”

GN - Hơn 20 năm qua, hình ảnh người đàn ông dáng cao, da ngăm cùng nụ cười thân thiện đẩy chiếc xe Cub 50 cũ kỹ bán bánh tráng nướng dạo đã trở thành hình ảnh rất đỗi quen thuộc với bà con tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang).

Cuộc “dạo chơi” của hương vị “xứ dừa” ở Mỹ Tho

Phía sau xe là cái cần xé khá to treo lủng lẳng những bọc bánh tráng, phía trước tay lái cũng được treo đầy các loại: bánh tráng (dừa), bánh phồng nếp, bánh phồng mì, bánh tráng mè… những món quà quê dân dã đặc sản từ quê dừa Đồng Khởi (Bến Tre) được người đàn ông này “giới thiệu” sang tận TP.Mỹ Tho (Tiền Giang). Đó là ông Hồ Văn Minh, 20 năm qua, hàng ngày đều đặn, ông vượt sông Tiền đến Mỹ Tho bán những món ăn dân dã ấy.

Bánh tráng, bánh phồng nướng của ông mang đậm hương vị vùng đất xứ dừa, có vị ngọt của mía đường, vị beo béo của nước dừa, của mè…; ăn giòn rụm, tan ra trong miệng… đã không thay đổi chất lượng suốt 20 năm qua. Đó là những đặc sản nổi tiếng của Bến Tre: bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc. Hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh) và bánh phồng Sơn Đốc (xã Hương Nhượng) nổi tiếng của Bến Tre đều thuộc huyện Giồng Trôm, cách nhà ông Minh không xa.

Theo ông Minh, mỗi làng nghề hiện nay có trên 500 cơ sở sản xuất. Ngày trước, bánh chỉ làm vào mùa nắng, đặc biệt là dịp Tết, nhưng bây giờ do sử dụng máy móc nên lò hoạt động suốt năm, đôi lúc không kịp bán. Để tìm được nơi có bánh ngon cũng không dễ. Do bán lâu năm nên ông Minh chỉ nhìn độ bóng là biết độ béo, nhìn màu hay sờ tay vào là cảm nhận độ dày và biết được chất lượng của bánh.

xh 108.JPG

20 năm qua, ông Minh mang đặc sản từ Bến Tre sang Tiền Giang bán dạo, mưu sinh

Mỗi ngày, ông Minh bắt đầu công việc khoảng 8 giờ sáng, đến các lò lấy bánh về. Khoảng từ 14 giờ, ông đến đăng ký lò điện và tự tay nướng bánh, cho vào cần xé được lót cẩn thận để vận chuyển bánh không bị bể.

Hành trình của ông đều đặn 20 năm nay là từ thị xã Bến Tre vượt sông Tiền (trước đi phà, hiện nay thì qua cầu Rạch Miễu). Đoạn đường đi xe máy này khoảng 17km. Dừng chân khi vừa ra khỏi bến phà trên đường Lê Thị Hồng Gấm, ông Minh bắt đầu treo những món quà quê lên và đẩy xe đi bán. Con ngựa sắt cà tàng này, ông Minh chỉ tay vào chiếc xe cúp bảng số 64 của tỉnh Vĩnh Long, đã theo ông suốt hành trình 20 năm qua.

Ông Minh dắt xe dọc các tuyến đường: Lê Thị Hồng Gấm, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Tết Mậu Thân, Ấp Bắc, Trần Quốc Tuấn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa rồi quay về đường Ấp Bắc, đến đường Yersin, theo hướng đường 30-4, đi đến Công viên Lạc Hồng, đánh vòng sang chợ cá Mỹ Tho và thường kết thúc ở đây. Nếu còn bánh, ông rẽ sang bên kia cầu Quay.

Đoạn đường đi bộ này theo ông ít nhất khoảng 8km. Mỗi tuyến đường đi qua, ông Minh đều dừng chân ở một vài chỗ để bán khoảng 10 đến 20 phút rồi tiếp tục đẩy xe đi. Người dân ở Mỹ Tho dường như đã quen với thời gian và điểm dừng chân của ông rồi nên rất đỗi thân thuộc.

Tấm chân tình của người Mỹ Tho

Chúng tôi đến thăm nhà ông Minh ở thành phố Bến Tre. Hỏi ông mập mập chở cần xé to đi bánh tráng thì ai cũng biết nhưng họ đều bất ngờ khi biết ông đã có đến 20 năm sang Mỹ Tho bán bánh tráng nướng.

Đó là một ngôi nhà nhỏ xíu diện tích chỉ khoảng 40m2 bằng đủ chất liệu: gỗ, ny-lông… nằm nép mình dưới gốc cây phượng trên đường tỉnh 885, khu phố 2 (P.8, TP.Bến Tre) bên dốc cầu Cá Lóc. Khi chúng tôi cho biết, đoạn đường ông đi bộ 20 năm qua đã là 1.5 vòng trái đất và đoạn đường đi và về xe máy cũng đã 6 vòng trái đất, thì ông Minh bật cười thật tươi.

Tôi biết ông Hồ Văn Minh khá lâu, gần 10 năm trước. Khi đó, ông thường đứng trước nhà tôi bán bánh mỗi chiều vào khoảng 17 giờ. Ông cùng chiếc xe đứng nép bên lề đường, đứng bán khoảng 10-15 phút.

Trẻ con, người lớn mua vài cái bánh, có lúc đứng trò chuyện với ông. Em Duy Khải (đường Lê Thị Hồng Gấm), hiện là sinh viên năm 3 Đại học Tài chính nhớ lại: “Chú bán bánh tráng vui tính lắm, hồi còn là học sinh tiểu học, em cùng những đứa trẻ hàng xóm buổi chiều thường ra mua bánh tráng và chơi trò đố ca dao tục ngữ, hay học cửu chương… với chú”.

Bẵng đi một thời gian, tôi không thấy ông bán giờ đó nữa. Tình cờ một lần gặp ông mới biết ông chuyển sang bán khuya. Bởi, người ăn bánh tráng không còn là các cháu học sinh nữa mà đa số là những người lớn, những người còn chút hoài niệm với những món quà quê dân dã.

Với sự xuất hiện của bánh công nghiệp cùng nhiều món ăn vặt khác và hơn nữa giá bánh tráng tăng do phải nướng bằng điện nên việc buôn bán cũng khó hơn trước rất nhiều. Trước đây, ông bán khoảng 16 giờ chiều đến tối khoảng hơn 20 giờ thì hết bánh, về tới nhà trễ nhất chỉ gần 21 giờ. Còn bây giờ chủ yếu là bán đêm, gần 19 giờ ông mới đến Mỹ Tho nên có khi về đến nhà đến gần 1 giờ sáng.

Xe bánh tráng của ông giờ có thêm cả đậu phộng rang, kẹo chuối… Mỗi món ăn vặt ấy thường có giá từ 7 ngàn đồng đến dưới 20 ngàn đồng. Cái vị ngọt dịu của bánh hòa quyện cùng vị béo, bùi và mùi thơm đặc trưng của nước cốt dừa, mè… tạo ra một thứ quà làm say đắm lòng người. Thỉnh thoảng ngồi với nhau thưởng thức từng miếng bánh tráng giòn tan bên câu chuyện cuộc sống, dễ làm cho người ta bồi hồi nhớ về thuở ấu thơ, bên ông bà ở những miền quê thanh bình.

Thường thì ở phố thị, người ta ăn bánh tráng là dịp để hồi ức về nét bình dị ở chốn quê, cùng vị thanh đạm của bánh tráng cũng làm hồn người đầy cảm xúc. Chị Nguyễn Thị Mỹ Thanh (nhà ở Ấp Bắc) cho biết: “Tôi thường ăn bánh tráng vào buổi chiều, nhớ về ông bà tôi ngày xưa thường nướng cái bánh tráng cho ‘sắp nhỏ’ mỗi dịp Tết đến”.

Vượt sông Tiền sang Mỹ Tho bán bánh tráng từ năm 1999, nay ông Minh đã 60 tuổi nhưng trông ông còn khá khỏe mạnh. Nghề bán bánh tráng chỉ vừa đủ chi tiêu cho gia đình nhỏ của ông Minh. Hai đứa con gái của ông đều được đến trường, có nghề nghiệp (một cháu chuẩn bị đi làm việc ở Nhật Bản) nhờ xe bánh tráng của cha.

20 năm qua, chứng kiến biết bao thăng trầm của vùng đất Mỹ Tho, với ông: “Đất Mỹ Tho đã cưu mang tôi. Người dân Mỹ Tho đã đón tôi với tất cả những tình cảm của họ. Không chỉ mua bánh ủng hộ mà họ còn sẻ chia với tôi những buồn vui của cuộc sống. Nhiều người gặp tôi hỏi thăm như người thân, nhắc lại những câu chuyện thuở mua bánh ngày xưa. Tuy bán đêm nhưng chưa bao giờ tôi bị quấy rối… Đó chính là động lực giúp tôi đeo đuổi nghề cho đến khi nào không còn đi bán được nữa”, ông Minh tâm sự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày