Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba...
Với diện tích khoảng trên 400ha, cho đến nay Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc đã trở thành một tâm điểm giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ. Tại đây có khu tưởng niệm các vua Hùng, gọi là khu cổ đại rộng 84ha. Khu trung đại là khu thể hiện các sự kiện lịch sử từ thời Đinh đến thời Tây Sơn, rộng 29ha. Khu cận hiện đại tái hiện thời kỳ nhà Nguyễn, thời kỳ đấu tranh giành độc lập qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rộng 35ha. Còn lại là khu sinh hoạt văn hóa với những phức hợp như khu làng văn hóa dân tộc; khu bảo tàng lịch sử tự nhiên…
Khu tưởng niệm các vua Hùng được xem là nơi trang trọng nhất trong khu vực, với quy hoạch 3 bậc bao gồm: Bậc 1 thờ Quốc tổ Hùng Vương; bậc 2 thờ Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ và bậc còn lại là các hoa văn, họa tiết về văn hóa Đông Sơn. Với sứ mệnh hoàn toàn mới mẻ, khu đền Hùng, biểu trưng nền văn hiến Việt Nam của thời đại ngày nay đã và đang phục vụ người Việt Nam cũng như kiều bào hải ngoại, là mục tiêu của các cuộc giao lưu quốc tế.
Ngoài khu tưởng niệm các vua Hùng ở quận 9, TP.Hồ Chí Minh còn có một số nơi xây dựng đền Hùng như Công viên Văn hóa Suối Tiên; đền Hùng trong khuôn viên Thảo Cầm Viên; đền Hùng trong Công viên Tao Đàn… Về cấp quốc gia, năm nay giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức chính ở Đền Hùng (TP.Việt Trì) tỉnh Phú Thọ với chủ đề tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Lễ hội có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành… Tại đây, ngày 10-3 ÂL đã tổ chức chương trình nghệ thuật chủ đề “Về miền quê di sản” để tôn vinh “Hát xoan ở Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trong đề án giỗ Tổ Hùng Vương năm nay - 2014 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài tỉnh Phú Thọ - nơi có đền Hùng là chủ thể, lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng được diễn ra cùng thời điểm tại các đền Hùng trong cả nước. Tại TP.Hồ Chí Minh, giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào 2 ngày mùng 9 và 10 ÂL tại khu tưởng niệm các vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc quận 9. Nhân dịp này, tại đây sẽ khánh thành văn bia đặt tại khu tưởng niệm các vua Hùng do Giáo sư Vũ Khiêu phụng thảo. Ngoài ra, còn có các hoạt động của phần hội như biểu diễn võ thuật, triển lãm nghệ thuật thư họa Việt; tổ chức hội trại chủ đề “Tự hào nòi giống Tiên Rồng”. Cũng dịp này, triển lãm “5 năm hoạt động khu tưởng niệm các vua Hùng” cũng được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên.
Khu tưởng niệm các vua Hùng là công trình lịch sử văn hóa đầu tiên trong Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc khánh thành năm 2009, biểu thị tấm lòng và ước nguyện của TP.HCM, những người con phương Nam về Quốc Tổ cũng là tìm lại cội nguồn của dân tộc trong thời hiện đại.