Người ghi lời tri ân trên những chiếc cầu

Giác Ngộ - Mỗi lần bàn giao một cây cầu bê tông mới cho bà con nông thôn nghèo, HT.Thích Như Niệm, Phó ban Thường trực Ban TTXH T.Ư lại có cảm giác rất lạ, cùng hòa một niềm vui bình dị với bà con xóm làng và sự kỳ vọng về đời sống no đủ của những người xung quanh chiếc cầu mới…

Và niềm vui đó như mỗi ngày một nối dài ra, lan rộng ở những bưng biền, những con rạch, nhánh sông, bà con nghèo nông thôn ở những nơi tận cùng này không những nhờ chiếc cầu bê tông nối hai bờ mà còn kết nối, tạo sự "đoàn kết, gần gũi" thêm cho nghĩa tình chòm xóm của những vùng hẻo lánh Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre.

WTT.JPG
 

Thông cầu mang tên Hòa thượng Đạo Thanh

Đã từ lâu, nhiều người cứ ngỡ rằng HT. Như Niệm là người con đi xa của đất Đồng Khởi (Bến Tre) nhưng thật sự không phải vậy. Hỏi vì sao HT lại dành sự đặc biệt cho hơn 100 chiếc cầu bê tông ở Bến Tre, HT cười bảo rằng, HT là người được sinh ra và lớn lên ở đất Gò Vấp (TP.HCM) nhưng nghĩa tình với dân nghèo Bến Tre là sự tri ân. Qua câu chuyện lịch sử có đầu có cuối, chúng tôi mới hiểu rằng sự tri ân đó là gan ruột của HT đối với vùng đất nghèo khó này. HT nói, "tôi là con của liệt sĩ mà, tôi yêu mến dân nghèo Bến Tre bởi lẽ ở đó có xương máu của cha ông đổ xuống cho Phong trào Đồng khởi, có cuộc khởi nghĩa Đồng Khởi mới có độc lập tự do ngày nay". Và bởi lẽ, Bến Tre có nhiều bưng biền, sông rạch chằng chịt, đời sống người dân còn nghèo vì đường sá không được thông thương nên người nghèo lại càng nghèo hơn. Chiếc cầu bê tông thay cho chiếc cầu khỉ vắt vẻo đầy nguy hiểm là sự thay thế hữu hiệu cho việc nâng cao dân trí cũng như đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa.

Biết đến Bến Tre là một trong những tỉnh còn khó khăn, năm 1981, khi dự Đại hội đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ I tại Hà Nội, HT.Như Niệm được gặp cố HT.Thiện Lạc (tức HT.Hồng Liên) cũng là một người con của Bến Tre, qua HT.Hồng Liên biết đời sống của dân nghèo Bến Tre quá khó khăn. Từ đó, những món quà cứu trợ giúp dân nghèo đã đến kịp thời và sau này là sự hình thành những chiếc cầu. Chiếc áo nâu giản dị từ đó cũng là hình ảnh thân thương của biết bao người con Bến Tre dành riêng cho HT.

Hơn 100 chiếc cầu bê tông ở Bến Tre là cả quá trình gần 20 năm HT.Như Niệm lặn lội cùng với cán bộ địa phương và người dân đi đến tận nơi hẻo lánh khảo sát để có thể xây dựng một chiếc cầu mới có địa thế thuận lợi nhất cho con em đến trường, bà con thuận lợi cho việc làm ăn, sinh sống. Không ngại khó khăn, gian khổ, nhiều khi HT xắn quần lội bùn, rồi vắt vẻo đi trên những chiếc cầu khỉ như chực rơi xuống nước, HT bảo lúc đó mình mới thấy càng khâm phục và thương cho những em bé, cụ già ở đây. Niềm thương cảm đó là động lực để HT tiếp tục dấn thân vào chốn khổ cực để làm nên những chiếc cầu bê tông mới, niềm mơ ước của biết bao người dân nông thôn.

HT nhớ như in sự xúc động của một cụ già ở xã Tân Phú nói trong ngày khánh thành chiếc cầu mới rằng, mẹ của cụ đã chết vì đi qua chiếc cầu khỉ ở đây nên cả đời cụ đã tâm nguyện dành dụm tiền để xây một chiếc cầu mới. Cụ nói, cả đời khổ cực cụ chỉ dành được 4 triệu đồng, may mà có HT đến, chiếc cầu mới chi phí lên đến 60 triệu được hình thành. Cụ già đã xem HT là một ân nhân. Và đó cũng là chiếc cầu đầu tiên đầy xúc động đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để HT xây dựng thêm những chiếc cầu tiếp theo.

WTTU.jpg

Chiếc cầu liên xã Bình Khánh Đông, Bình Khánh Tây cũng là chiếc cầu có ý nghĩa kinh tế khá đặc biệt. Hai xã này có một ngôi chợ đông đúc và bị ngăn cách bởi một con rạch lớn. Bà con nghèo muốn đi chợ bán trái cà, trái mướp phải đánh một vòng khá xa, hoặc phải qua một chiếc cầu khỉ khá nguy hiểm. Khảo sát địa hình ở đây, HT nhận thấy bà con sẽ có đời sống khá hơn nếu ở đây bắc chiếc cầu nối liền hai xã, chỉ cần đi qua chiếc cầu này là đến chợ. HT nhớ lại: "Chẳng thể nào nhớ hết và kể hết tâm trạng vui mừng và phấn khởi của bà con ở đây".

Mỗi chiếc cầu bê tông được hình thành đều có một lịch sử và "sứ mệnh" riêng, như chiếc cầu bắc qua trường mẫu giáo cho các cháu đến trường; hay như chiếc cầu Phan Triêm là chiếc cầu lớn nhất trong hơn 100 chiếc cầu xây tại Bến Tre được bắc qua sông Cái, nối liền mạch thông thương của bà con nhiều xã. Đó cũng là chiếc cầu ghi nhớ công ơn của vị Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Bến Tre.

Nói về ý nghĩa của mỗi chiếc cầu, HT cho biết mỗi chiếc cầu sẽ giúp cho bà con nghèo được thuận tiện đi lại, con em đến trường, cải thiện tình hình kinh tế… nó còn được ghi trên đó nhiều ý nghĩa khác nhau qua từng cái tên riêng được đặt cho mỗi chiếc cầu. Đó là những ngày kỷ niệm đáng nhớ của Bến Tre, những anh hùng liệt sĩ của Bến Tre và vài năm gần đây là những chiếc cầu mang tên các vị cố Hòa thượng đã có công với đất nước, dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Đó là những chiếc cầu mang tên HT.Khánh Hòa, HT.Thiện Hào, HT.Thiện Thông, HT.Đạo Thanh, HT.Vĩnh Khương… Chính vì thế, mỗi lần bàn giao một chiếc cầu, HT.Như Niệm lại giảng giải ý nghĩa của mỗi cái tên được đặt và nguồn gốc kinh phí hỗ trợ để bà con hiểu thêm về lịch sử của tên cầu, ý nghĩa của đồng tiền để bà con nâng cao ý thức trân trọng, tri ân và giữ gìn.

Một chiếc cầu bê tông mới hình thành cũng đã giúp bà con bớt đi những tai nạn, những cái chết bất ngờ quanh chiếc cầu khỉ trong mùa mưa lũ. Điều đặc biệt của những chiếc cầu cho bà con nông thôn nghèo ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu và Bến Tre phần nhiều kinh phí được trích từ tiền phúng điếu đám tang người thân của Phật tử chùa Pháp Hoa, tuyệt đối không có sự đóng góp của Phật tử nước ngoài. HT.Như Niệm nói: "Đó cũng là một lý do nữa để mọi người khi đi qua những chiếc cầu nghĩa tình đó cần phải trân trọng và ghi nhớ".

Nhiều tổ chức và cá nhân hiện nay tham gia công tác TTXH chủ yếu qua hình thức tặng quà cứu trợ, riêng HT.Như Niệm xác định một hướng hoạt động khác có tính vững chắc và lâu dài hơn là trao "chiếc cần câu cho người nghèo". Đó là xây dựng những chiếc cầu mới đầy triển vọng cho một vùng quê. Nó là con đường dẫn đến những đổi thay cho bộ mặt nông thôn ngày nay: sự no đủ, năng động và hiện đại. Và, đó cũng là điều quan trọng mà Phật tử chùa Pháp Hoa đã nhận thấy và cùng sát cánh bên HT để góp tay làm giàu và đẹp cho những vùng quê hẻo lánh của Mỏ Cày, Giồng Trôm, Chợ Lách…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày