GN - Bà Usuda Reiko, nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật - Việt (thành phố Kawasaki, Nhật Bản) với những chuyến đến Việt Nam, trong đó có các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đặc biệt là phố cổ Hội An. Cảm nhận trước vẻ đẹp cổ kính của từng góc phố, từng mái nhà rêu phong, ngôi chùa Cầu trầm mặc, là linh hồn, biểu tượng trong lòng di sản… nên bà đã chọn Hội An làm quê hương thứ hai của mình…
Nặng lòng với phố cổ
Từ những ngày đầu năm 2009, bà Usuda Reiko đã định cư tại đường Huyền Trân Công Chúa, khối phố Thanh Nam, P.Cẩm Châu, TP.Hội An, Quảng Nam). Để gắn bó với Hội An, bên cạnh cảm nhận vẻ đẹp lâu đời của phố cổ, bà còn thực hiện những tâm nguyện với những đối tượng kém may mắn, đó là được giúp đỡ, san sẻ yêu thương với những cảnh đời bất hạnh, trẻ em đường phố.
Qua nhiều trăn trở, bà mở quán café để trải nghiệm, đặt mục tiêu ứng xử văn hóa thân thiện với môi trường. Ở đó, bà tổ chức các lớp đào tạo nghề, dạy ngôn ngữ cũng như các kỹ năng, ứng xử cho các trẻ em đường phố trên hành trình mưu sinh của chúng.
Bà Reiko (phải) đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai - Ảnh: CTV
Bà Reiko đã làm cầu nối cho Hội Hữu nghị Nhật - Việt, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội ở Nhật Bản, cũng như bỏ ra chi phí và công sức của mình trong những năm qua và đã hỗ trợ hơn 10.000 chiếc xe đạp cùng các thiết bị văn phòng phẩm, giúp học sinh nghèo tại các trường học trên địa bàn TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Những chuyến đi thiện nguyện thường xuyên của bà ghi dấu ấn sâu sắc cho người dân địa phương thị trấn Prao (huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam). Bằng tấm lòng và sự tận tụy, tâm huyết, bà Reiko đã trao đổi, tìm hiểu, giao lưu, mua những sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ Tu, để về dưới xuôi và thành phố quảng bá, khuyến khích mọi người sử dụng mặt hàng truyền thống của đồng bào miền núi.
Đặc biệt, dự án sản xuất xe đạp tre xuất khẩu mới lạ, độc đáo của anh Võ Tấn Tân (thôn 2, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) cũng được bà Reiko đứng ra tài trợ, làm cầu nối xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu… từ đó trực tiếp giúp đỡ nhiều người có cơ hội “câu cơm” chủ động. Với trẻ em nghèo, cơ nhỡ, bà như người mẹ, chia sẻ lúc khó khăn và tạo cho chúng nhiều kỷ năng sống và công việc bằng cách thiết thực nhất là đào tạo, dạy nghề, dạy ngôn ngữ để các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Hơn thế, bà thường xuyên đến thăm nom, giúp đỡ, hỗ trợ các em có hoàn cảnh bất hạnh tại Mái ấm mồ côi chùa Quang Châu (xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). ..
“Tôi đã chọn phố cổ Hội An, Việt Nam, là quê hương thứ hai của mình và sẽ sinh sống hết quãng đời còn lại tại nơi đây. Tâm niệm của tôi là được giúp đỡ, hỗ trợ và san sẻ yêu thương với nhiều người để họ bớt khó nghèo. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành, làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản, để có điều kiện làm công tác nhân đạo, từ thiện và giúp đỡ những hoàn cảnh còn khốn khó…”, Reiko trải lòng.
Bằng chứng là Reiko đã giao lưu, kết nối với nhiều bạn thân ở các tổ chức Global Village Foundation (Tổ chức Ngôi làng toàn cầu), Helping Invisible Victims Of War (Tổ chức Giúp đỡ nạn nhân chiến tranh) và nhiều doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện khác đến Việt Nam nhằm giúp đỡ cho trẻ em mồ côi nghèo khó, những hoàn cảnh thương tâm, bất hạnh ngoài xã hội và xây dựng các dự án bảo vệ môi trường...
Trao đổi với chúng tôi, SC.Thích nữ Minh Tịnh, trụ trì chùa Quang Châu (TP.Đà Nẵng) chia sẻ: “Dù là người Nhật nhưng bà Usuda Reiko đã chọn sinh sống ở Hội An, bà thường đến thăm trẻ mồ côi của chùa Quang Châu. Bà Reiko có tấm lòng nhân hậu, thương cảm với trẻ mồ côi, bất hạnh và đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ, sẻ chia cùng đồng hành với những mảnh đời thiếu may mắn ở nơi này…”.
Vì môi trường của phố cổ
Với Reiko thông điệp về nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường cho phố cổ cần được truyền tải rộng rãi qua các hoạt động hàng ngày. Chính vì thế, bà đã mở quán café với tên gọi U Café Hội An ngay tại nhà của mình, nhằm mục đích để trải nghiệm, ứng xử thân thiện với môi trường. Ở đó, bà gặp gỡ, giao lưu với bạn bè trong và ngoài nước về công tác thiện nguyện. Quán được thiết kế 3 tầng mang dáng dấp độc đáo, đặc biệt bởi kiến trúc sư người Nhật Arika Yoshida với lối kiến trúc theo mô hình sinh thái mở, gần gũi với thiên nhiên.
Vì vậy, không gian sống, làm việc, tiếp khách… tất cả đều là khoảng không gian thoáng đãng, kiểu dáng xây dựng theo mẫu Nhật Bản, tường xây gạch trần thô, cầu thang gỗ, các cửa sổ, cửa chính… đều giúp tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Điều độc đáo hơn cả là mái nhà được thiết kế như một bể nước lớn, đón nước mưa xuống để sử dụng, sau đó được đưa vào hầm xử lý.
Hệ thống xử lý nước thải trong nhà gồm 5 hầm: Hầm đầu tiên được xử lý chất thải nơi nhà ăn và nhà vệ sinh, sẽ kết hợp công năng các loại chất thải khác nhau, khi đến mức bão hòa nước thải tự tràn qua hầm số 2. Hầm số 2 có nhiều ống nước tạo sức đẩy chuyển động mạnh, giúp trao đổi nước và không khí, sự phân giải chất thải mạnh hơn nhờ sự có mặt của oxygen hòa tan. Tiếp tục nước thải sẽ đẩy qua hầm số 3, hầm này tích tụ nhiều vi sinh vật tự làm sạch nguồn nước.
Đến hai hầm cuối số 4,5 thì nước thải đã làm sạch, tự thoát ra môi trường và lượng nước sạch này tái sử dụng cho hồ nuôi cá, cây hoa quanh mặt hồ nằm dưới sân nhà, tạo ra cảnh quan thư thái, xanh sạch, đẹp bốn mùa. Tại chính ngôi nhà của mình, Reiko đã truyền đi thông điệp sống có văn hóa và ứng xử thân thiện với môi trường. Và ngôi nhà ấy là “kiểu thức sống động” để mọi người chia sẻ và ứng dụng.
“Tôi quyết định chọn phố cổ Hội An để trải nghiệm sống thân thiện với môi trường, vì cảm nhận được vẻ đẹp rêu phong mà người dân ở đây gìn giữ và nếu để dòng sông Hoài hiền hòa chảy trong lòng di sản bị ô nhiễm thì rất đáng tiếc. Chúng ta hãy gìn giữ vẻ đẹp ấy. Bắt đầu từ việc kết nối các nhóm sinh viên ở Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, các bạn sinh viên đồng hành với tôi trong Hội Hữu nghị Nhật - Việt, hai thành phố Kawasaki - Đà Nẵng đã giúp chúng tôi kết nối.
Chúng tôi đã tổ chức cùng các bạn sinh viên đi khảo sát dòng sông Hoài, lấy mẫu nước để đo các chỉ số, từ đó có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Điều lớn hơn mà tôi mong muốn hướng đến, là truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường cho con người và dòng sông…”, bà Reiko nhắn gửi.
Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời chia sẻ của chị Hoàng Thị Thúy Phượng, hướng dẫn viên du lịch, nhà trên đường Nguyễn Văn, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), cảm nhận về người phụ nữ Nhật: “Tôi thường xuyên dẫn tour du lịch từ Huế vào Hội An, hay ghé tới quán café của Reiko và hết sức quý mến, kính trọng một người phụ nữ Nhật phúc hậu, mến khách, sống vì mọi người và luôn nêu cao văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường cho Hội An, sông Hoài xinh đẹp…”.