GN - 1. Ba năm trước, Nguyễn Thái Lam thông báo: “Em sẽ về Việt Nam mở quán chay, anh à”. Tôi nghe xong, hơi ngỡ ngàng vì chưa hiểu lý do, nhất là khi hai năm trước đó bạn đã thật nỗ lực để thi đậu và bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để được đi Nhật làm việc. Tôi hỏi lý do, Lam bảo để về gặp mới kể.
Thái Lam (trái) kinh doanh nhà hàng chay và dành lợi nhuận cho những hoạt động từ thiện - Ảnh: NVCC
Rồi Lam về, do là anh em đồng hương Quảng Nam, lại cùng tham gia nhóm từ thiện trước đó nên chúng tôi thân nhau, vẫn thường chia sẻ công việc, cuộc sống. Gặp tôi giữa Sài Gòn, Lam cho biết, nhịp sống và cường độ làm việc ở Nhật bạn không quen, thu nhập cao hơn nhưng nó không làm Lam cảm thấy hạnh phúc. Nghĩ đến chuyện kinh doanh, Lam tìm nhiều ngành nghề để khởi nghiệp, cuối cùng chọn mở một nhà hàng chay theo hướng cung cấp thực phẩm tinh, sạch, để người ăn chay trên tinh thần muốn tốt cho sức khỏe có thêm một “kênh” lựa chọn.
Chính vì tiêu chí khuyến khích nhiều người ăn chay - để sống xanh, thuận xu hướng của người hiện đại, nhất là Âu, Mỹ; đồng thời, không vì lợi nhuận mà lấy nguồn nguyên liệu không đảm bảo nên Lam xây dựng nhà hàng của mình một cách chỉn chu, bắt đầu từ những bó rau. Lam lấy nguyên liệu từ chính những công ty cung cấp rau sạch theo chuẩn VietGAP dù giá cao hơn hàng chợ nhiều. Theo Lam tìm hiểu: “Người Việt hiện đang nạp vào cơ thể rất nhiều thức ăn không đảm bảo do quy trình sản xuất không được kiểm tra. Lúa gạo thì phun thuốc vô tội vạ, thịt chăn nuôi bằng thức ăn tăng trọng, rau củ quả cũng vậy…”.
Những điều Lam trình bày thực ra báo chí đã đăng tải nhiều và dù người dân cũng hiểu, có lo lắng, dè dặt trong việc chọn nguồn thực phẩm nhưng rồi cũng đâu dễ dàng tinh sạch hoàn toàn. Vì vậy, chuyện ăn hàng ngày trở thành chuyện lo nhưng cũng không biết làm gì hơn. “Em muốn góp phần cùng những người sản xuất, kinh doanh có tâm, theo xu hướng xanh, sạch, an toàn góp một tiếng nói thay đổi nhận thức của cộng đồng, trước tiên từ chính cái gốc của nông nghiệp cùng ngành dịch vụ liên quan tới ăn uống.
“Bệnh tùng khẩu nhập”, Lam dẫn ý của người xưa đúc kết, tức là bệnh sinh ra từ ăn uống nên việc thay đổi thực phẩm đưa vào cơ thể sẽ giúp thay đổi bản thân, đó chính là sức khỏe trong ăn uống.
2. Cùng tâm niệm đó, năm 2016 tôi gặp Võ Văn Tiếng, chàng trai sinh năm 1991, quê ở Đồng Tháp, với khát khao phát triển một mô hình sản xuất lúa gạo sạch. Trước khi bắt tay vào làm, Tiếng đã dành thời gian thực tế bằng cách đi bộ qua hàng chục tỉnh phía Bắc, không mang theo tiền mà sống bằng cách tới đâu xin ở nhờ, làm cùng người dân để xem họ sản xuất lúa gạo, chăn nuôi ra sao. Cuối cùng, điều Tiếng thích thú nhất chính là cách canh tác đơn sơ mà gần gũi với tự nhiên của người đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc. “Họ không dùng phân thuốc, cứ gieo trồng một cách tự nhiên, dùng các phương pháp cổ truyền để canh tác, dù năng suất thấp hơn nhưng những sản phẩm thu về chất lượng hơn bất cứ sản phẩm nào”. |
Từ sự tâm đắc đó, Tiếng thuyết phục gia đình cho mượn vài hecta ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự để “khởi sự” với hình thức canh tác xanh, làm nông nghiệp sạch. Ban đầu, Tiếng giảm lượng phân thuốc cho đến bỏ hẳn thuốc phân hóa học; năng suất không cao và ban đầu không đạt chỉ tiêu nhưng Tiếng không nản. “Do đất lúc đầu chưa phục hồi vì đã bị sử dụng quá nhiều, lệ thuộc vào phân bón hóa học các kiểu”, Tiếng chia sẻ và tìm cách khắc phục. Từ chỗ trước đây người dân sản xuất ba vụ, Tiếng chỉ làm hai, rồi đốt rơm rạ, cho đất nghỉ để có thời gian tái tạo dưỡng chất. Đến nay, sau 5 năm kiên trì, mô hình của Tiếng đã được khắp cả nước biết đến qua các kênh truyền thông.
Tháng 3 vừa rồi, Tiếng khoe rằng, hạt gạo Tâm Việt của mình đã được chứng nhận từ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Giá gạo sạch của Tiếng có cao hơn gạo thường nhưng vẫn luôn hút hàng và hiện đang bán tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Mô hình của Tiếng không chỉ trồng lúa mà còn trở thành điểm tham quan, để có ai về xứ sở sen hồng cũng đều muốn đến một lần xem chàng trai 9x chinh phục bản thân mình ra sao.
Còn Nguyễn Thái Lam, sau thời gian ba năm khởi nghiệp, có lúc cũng chông chênh vì lượng khách chưa chấp nhận thức ăn tinh, sạch thì đến nay, bạn có thêm một nhà hàng nữa, cùng chuỗi thương hiệu “Here and Now” vào đầu năm nay. “Sau khi ăn ở nhiều nơi và ăn thịt cá ngán, người ta tìm tới ăn chay vì lợi ích sức khỏe thì việc ăn tinh, sạch sẽ được nhắm tới, vì thế mô hình của em thành công”, Lam hoan hỷ kể.
Võ Văn Tiếng và nông nghiệp xanh với hạt gạo Tâm Việt - Ảnh: FB VVT
3. Ngày càng có nhiều người ý thức trong việc tiêu thụ khi biết, mọi động thái của mình đều có tác động tới môi trường, từ đó môi trường tác động ngược lại. Những thông tin gây đau xót như Việt Nam là nước có khối lượng chất thải nhựa ra biển đứng hàng thứ tư thế giới - với 112 cửa biển, 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Con số trên được công bố trong một hội thảo hồi tháng 10 năm ngoái, cùng dẫn chứng cụ thể từ đại diện Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc: mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Và cách đây hơn tháng, 16-3, một chú cá voi con bị chết, trôi giạt vào đảo Mindanao của Philippines. Khi đó, các nhà sinh vật học và tình nguyện viên từ Bảo tàng Collector Bone ở Davao đã “khám nghiệm tử thi” và sốc vì phát hiện nguyên nhân cái chết của cá chính là do 40kg túi bao gồm túi bao bố đựng gạo, túi mua thực phẩm ở siêu thị, túi bọc quả ở các trang trại trồng chuối và nhiều loại rác sinh hoạt khác. |
Sẽ còn nhiều cái chết đau lòng của các loài sinh vật biển nếu mỗi người không ý thức và ngừng thải ra môi trường những loại rác gây hại. Đó cũng chính là thông điệp của quán cà-phê Lữ ở đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng mà tôi có dịp ghé tới vài lần trong mỗi dịp về quê. Quán Lữ khởi đầu công việc kinh doanh bằng cách khuyến khích khách không sử dụng ống hút nhựa hoặc không dùng ống hút cũng bởi vì ý thức được rất nhiều rác thải nhựa, trong đó có sự góp phần của ống hút từ các quán xá, nhất là quán cà-phê (mô hình kinh doanh mà đâu đâu trên đất nước này cũng dễ dàng bắt gặp).
Lữ đã thật sự thuyết phục tôi khi chia sẻ: “Để tránh trường hợp cá ăn phải ống hút, chúng ta tập chia tay mấy cái ống hút nhựa. Đối với những món bắt buộc phải dùng ống hút cho thanh tao nhã nhặn, quán chúng tôi dùng ống hút tre. Nếu bạn bỏ hẳn được thói quen dùng ống hút, xin vui lòng báo cho chúng tôi, chẳng có gì để tặng bạn, nhưng chủ quán hứa sẽ hạnh phúc vui mừng!”.
Những trường hợp khởi nghiệp xanh như Lam, chủ quán Lữ hay Tiếng với nông nghiệp sạch bây giờ không còn hiếm. Xu hướng chọn sản phẩm, dịch vụ thân thiện cũng đang lan tỏa khi những quán có ống hút tre, inox hay ống hút gạo có thể ăn được luôn đang định hình một mô hình khởi nghiệp xanh trong người trẻ Việt. Thế nhưng, không hiểu vì sao có những “ông lớn” có thương hiệu trong lĩnh vực thức uống như cà-phê Highlands lại vẫn dùng ly nhựa, ống hút nhựa một cách phổ biến, ngay cả khi khách uống tại chỗ?
Tôi không biết mọi người sao, riêng tôi, bắt đầu dị ứng với ống hút nhựa, ly nhựa, không chỉ vì ảnh hưởng môi trường mà còn vì sức khỏe của chính mình. Tôi luôn tự hỏi, làm sao ly nhựa có thể đảm bảo an toàn khi thức uống cho vào lạnh hoặc nóng quá mức? Và việc kiên quyết không sử dụng dịch vụ kinh doanh không sạch cũng là phương án chúng ta cần thực thi, như một cách yêu cầu người cung ứng phải thay đổi cách thức kinh doanh, đừng bỏ qua yếu tố môi trường!
Cảnh báo thảm họa môi trường Nguồn tin CNN vào cuối tháng 3-2019 vừa qua, cho biết xác con cá nhà táng dài 8m dạt vào bờ biển đảo Sardinia (Ý). Các bác sĩ thú y ở thành phố Padua đã sững sờ trước cảnh rất nhiều rác nhựa và một bào thai cá con trong bụng nó khi phẫu thuật tìm nguyên nhân cái chết. Bào thai con cá nhà táng con nằm lẫn giữa rất nhiều túi rác, lưới đánh cá, dây chuyền, ống, túi đựng chất lỏng của máy giặt, túi nilông và nhiều loại rác khác. Theo đó, bào thai con cá bé nhỏ nằm lẫn giữa 22kg rác nhựa, thủ phạm tước đi mạng sống của cả hai mẹ con cá nhà táng khiến nhiều người thương cảm, phẫn nộ và sợ hãi trước thảm họa rác đại dương. Trước sự việc này, Bộ trưởng Môi trường Ý Sergio Costa bày tỏ sự tức giận trong một bài đăng trên trang cá nhân: “Tôi không hiểu vì sao vẫn còn những người nói rằng đây không phải là vấn đề quan trọng! Tôi cho rằng việc giảm rác thải và làm sạch đại dương là những ưu tiên hàng đầu”. |
Lưu Đình Long