Nhà sư chuyên giúp tù nhân Mỹ sẻ chia về hạnh phúc

GN - Thầy Thích Thiện Tâm, một tu sĩ người Mỹ gốc Việt, đang tham gia công tác xã hội - đem Phật pháp đến với tù nhân ở nhiều bang của Hoa Kỳ. Thầy từng là nhân vật của báo Giác Ngộ, nay trở lại với chia sẻ về đề tài hạnh phúc nhân ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3).

 

anh 1, Van hoa, Trong Hieu.jpgThầy Thích Thiện Tâm

Nói về giá trị hạnh phúc trên nước Mỹ, Thầy chia sẻ:
 

- Hạnh phúc, đối với mỗi người mỗi khác nhau. Trước tiên, xin được đề cập đến định nghĩa chung nhất về hạnh phúc từ góc độ tâm lý học. Hạnh phúc thường được định nghĩa thông qua ý niệm “con người hạnh phúc” - người có những trải nghiệm tích cực về mặt cảm xúc như: vui sướng, thú vị, tự hào và ít hoặc không có những cảm xúc tiêu cực như: buồn bã, lo lắng và giận dữ. Ngoài ra, hạnh phúc còn liên quan đến sự thỏa mãn, trân trọng đối với cuộc sống, những khoảnh khắc trải nghiệm tinh thần tích cực.

Người Mỹ rất chú trọng đến hạnh phúc trong đời sống. Với họ, nhìn chung hạnh phúc có mặt khi có được một cuộc sống vật chất đầy đủ, có công ăn việc làm và một gia đình ấm áp trong một căn nhà thuộc sở hữu của mình. Khi nhìn vào xã hội Mỹ qua phim ảnh, âm nhạc, ai cũng tưởng rằng nước Mỹ là thiên đường và rất nhiều người mong muốn đến sống ở đất nước này.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất có tên Unhappiness and Pain Modern American (tạm dịch: Người Mỹ đương đại đau đớn và không hạnh phúc) của hai học giả David Blanchflower và Andrew Oswald về hạnh phúc của người Mỹ, phát hành tháng 11-2017 cho thấy: Đa số người Mỹ không có hạnh phúc, từ phân tích dữ liệu của năm 2016 so với năm 1996. Điều đáng quan tâm hơn là 34% người Mỹ sống trong đau khổ vì thân bệnh - tỷ lệ cao nhất so với tất cả quốc gia ở Tây Âu.

Tại Hoa Kỳ, thường ngày đều có một vài vụ bắn súng, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Mới đây nhất là khủng bố dưới hình thức dùng xe tông vào nhóm đông người “để có thể gây ra số tử vong nhiều nhất”.

Vài người bạn của tôi làm việc tại thung lũng Silicon, dù chức vị và tiền lương rất cao nhưng họ phải chịu nhiều áp lực về tinh thần và phải thường tìm đến những chuyên gia cố vấn đời sống để giải tỏa bất an của mình.

Có thể nói, người dân Mỹ trình độ học vấn thấp hay cao đều phải đối diện với những mối lo lắng riêng của mình từ mưu sinh cho đến những bất an về tình hình xã hội, những điều làm họ không cảm nhận được hoặc đánh mất hạnh phúc trong cuộc sống mỗi ngày dù mặt bằng đời sống vật chất của người dân nước này khá cao.


Theo thầy, hạnh phúc đến từ những điều kiện nào hay tự thân mỗi người đều đã có, chỉ cần mình chạm vào?

- Hạnh phúc chân thật xuất phát từ trong tâm của con người chứ không phải do điều kiện từ bên ngoài. Cho dù cuộc sống có bận rộn đến đâu hoặc vật chất thiếu thốn như thế nào đi nữa nhưng nếu mỗi người đều giữ được sự bình tĩnh và không để bị cảm xúc chi phối thì đó đã là hạnh phúc. Chính vì thế, trong kinh Pháp cú, bài kệ số 199, Đức Phật nói: “Vui thay, chúng ta sống/ Không rộn giữa rộn ràng/ Giữa những người rộn ràng/ Ta sống, không rộn ràng”.

Đắm mình trong đời sống vật chất, con người thường nghĩ rằng hạnh phúc là tạo ra thêm được một món vật chất nào đó (quần áo, điện thoại, xe hơi, nhà cửa) hoặc có người nghĩ rằng tìm được người yêu rồi thì sẽ được hạnh phúc hơn. Nhìn nhận một cách sâu sắc, tất thảy vật chất bên ngoài hay các mối quan hệ yêu đương chỉ giúp con người thỏa mãn cái dục của mình và đây là những điều không bao giờ bền chắc như mong muốn. Hơn nữa, cái ái (thuộc về tâm) không bao giờ cho con người sự thỏa mãn và dừng ngưng. Và khổ đau chính là chúng ta không ngừng lao vào những đam mê vật chất và tình cảm bên ngoài vì tin rằng mình sẽ hạnh phúc khi sở hữu, khi đạt được những điều ấy.

Đương nhiên trong cuộc sống, con người ai cũng cần đến vật chất để bảo đảm sự tồn tại bản thân và những mối quan hệ gia đình, xã hội để có được sự cân bằng tâm lý. Vì lẽ này, Đức Phật đã dạy chúng ta nên sống “thiểu dục tri túc” (ít ham muốn và biết đủ). Kinh Di giáo cũng có câu: “Người nếu biết đủ thì tuy nằm trên mặt đất cũng cảm thấy vui sướng. Người không biết đủ thì cho dù có ở thiên đường cũng không vừa ý”.

Nếu lưu ý và thực tập quán chiếu, mỗi người sẽ có cách để đạt được hạnh phúc chân thật cho bản thân mình, mà không lệ thuộc vào vật chất hay sự xoa dịu bên ngoài vốn dĩ luôn thay đổi và không thể nắm giữ. Với người trẻ, họ càng cần tu tập chánh niệm, vì đây là nhóm đối tượng dễ bị lôi cuốn vào cuộc sống bề nổi và có xu hướng “chạy theo phong trào”.

Và phải khẳng định rằng, hạnh phúc chân thật chỉ có thể đạt được nếu mỗi người thật sự muốn tìm đến, bằng sự rèn luyện của chính mình. Trong quyển sách Nghệ thuật kiến tạo hạnh phúc, ngài Dalai Lama có nói rằng: “Tôi tin là hạnh phúc có thể đạt được do sự huấn luyện tâm”.

Thầy có nhiều năm đem giáo lý Phật đến với tù nhân ở nhiều bang trên nước Mỹ, việc đó giúp họ - những người trong chốn lao tù - cải thiện tinh thần (một biểu hiện của hạnh phúc) ra sao?

- Từ những giáo lý căn bản của Phật giáo và thiền chánh niệm, rất nhiều tù nhân đã tìm được niềm vui - có thể nói là hỷ lạc, từ bên trong nhờ sự thiền tập của bản thân. Các tù nhân biết nương vào chánh niệm, tỉnh giác để “nhìn thấy” những cảm thọ và cảm xúc đang liên tục khởi sanh bên trong họ và tìm được cách “giải quyết” những buồn phiền hay tức giận của mình. Và điều tuyệt vời nhất là họ kiểm soát mình tốt hơn, tránh được những cuộc cãi vã vô ích hay ẩu đả với các bạn tù, quản ngục.

Tôi đã thật hạnh phúc khi được nhìn thấy lại nụ cười tự nhiên và an lạc của một tù nhân với mức án tù 25 năm cho đến chung thân. Hiểu rõ về tâm thức và cảm thọ, cùng với thiền tập, người tù nhiều phiền não, u uẩn và âm ỉ bạo lực này đã trút bỏ được phần nào khổ đau và đã nở nụ cười, hồn nhiên. Vốn là họa sĩ, những bức vẽ tối tăm của anh trong nhà giam giờ đã khởi sắc, như có một thứ ánh sáng an vui, bình tâm và hạnh phúc đã len lỏi vào trong anh - điều này được biểu đạt qua bức vẽ hoa sen thật đẹp, thật tươi sáng và hiền lành mà anh đã vẽ tặng tôi.

Thực ra, không chỉ có tù nhân mới bị giam hãm, mất tự do mà chính mỗi người lao chen bên ngoài cũng có những “nhà ngục” riêng, và đánh mất hạnh phúc. Thầy có nghĩ vậy không?

- Đúng là như vậy. Mỗi người nếu cứ chạy theo vật chất và những mối quan hệ không bền chắc bên ngoài, thì có thể được xem là đang sống trong “nhà ngục” riêng của chính mình. Thiền sư Ajahn Brahm có dạy: “Nếu bạn cứ luyến tiếc những kỷ niệm từ quá khứ, bạn đang ở trong tù. Nếu bạn luôn lo nghĩ, phân vân về tương lai, bạn đang sống trong tù. Nếu bạn muốn sống trong tự do, hãy buông bỏ tất cả những gì của quá khứ, của tương lai và tập trung vào cuộc sống hiện tại và ngay bây giờ”.

Và nếu không khéo tu tập, ngũ uẩn sẽ là “nhà tù tư nhân” do cá nhân mỗi người tạo nên - Giáo sư Lily de Silva, một trong những học giả nổi tiếng của Sri Lanka đã viết (trích từ The Self-made Private Príon, 1990).

Rất nhiều người trong chúng ta luôn sống trong quá khứ, trong tương lai hoặc luôn “chăm sóc” cho ngũ uẩn của mình một cách quá mức. Lại có người phải chịu đựng, sống trong phiền não của công việc, của những mối quan hệ tình cảm không hạnh phúc. Cứ như vậy, phải chăng những tháng năm cuộc đời của chúng ta trôi qua trong “nhà tù tư nhân” của chính mình?

Vậy làm thế nào để tháo bỏ những “nhà ngục” bên trong mình và hạnh phúc?

- Muốn tháo bỏ những “nhà ngục” chắn ngăn chúng ta khỏi hạnh phúc cần có sự thay đổi ở ba phương diện sau: Thứ nhất, về mặt vật chất chúng ta nên biết đủ và bớt ham muốn. Thí dụ như chỉ mua sắm những gì cần thiết cho cuộc sống và đừng chạy theo phong trào hay ao ước những gì dư thừa, không thực tế dù có khả năng mua đi nữa bởi không khéo đây sẽ trở thành thói quen khó bỏ.

Thứ hai, về công việc, nghề nghiệp và những mối quan hệ bạn bè. Nếu công việc đang làm mang lại nhiều phiền não thì tốt nhất là nên dừng lại tìm một việc làm khác. Nếu không hoặc chưa thể thay đổi công việc thì bản thân phải có cách đối trị phiền não cho bản thân vì nếu không sẽ dễ rơi vào khủng hoảng tinh thần. Đồng thời, nên tỉnh giác và có sự chọn lọc trong các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp để giúp ta tiến triển một cách tốt đẹp, an vui hơn.

Thứ ba, về ngũ uẩn - phương diện vi tế hơn. Mỗi người nên có sự quán chiếu kỹ càng và thường xuyên để bản thân có được thời gian chăm sóc sức khỏe, tinh thần và đời sống tâm linh của mình một cách phù hợp.

Và để tiến đến hạnh phúc bền vững hơn, chúng ta có thể hành theo lời dạy trong kinh Sa-môn quả (Trường bộ kinh): “Chúng ta nên từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, từ bỏ sân hận, sống với lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình. Quán năm triền cái và diệt trừ nó thì không mắc nợ, không bệnh tật, như được khỏi tù tội, như được tự do, như đất lành yên ổn”.

Câu hỏi cuối, trên trang Facebook cá nhân, thấy thầy chia sẻ nhiều góc nhìn rất lạc quan và đầy hoan hỷ, hẳn thầy đã đạt được những giá trị an vui từ việc thực tập cũng như tham gia giúp đỡ tù nhân bằng giáo lý đạo Phật?

- Bản thân tôi cũng thực hành thiền định và lời Phật dạy, mỗi ngày. Những niềm vui và lợi lạc bản thân cảm nhận được là tận mắt thấy được thành quả của sự thực tập thiền định, sự chuyển hóa tích cực của các tù nhân từ các khóa học thiền chánh niệm và Phật pháp trong các nhà tù. Thiếu thốn rất nhiều về vật chất và tình cảm gia đình và đa số họ phải chấp nhận với cuộc sống trong tù. Và các tù nhân tìm đến đạo Phật, thực tập thiền chánh niệm để hiểu rõ những vấn đề tâm lý của chính mình.

Sau mỗi chuyến thăm tù và thiền tập, họ đều vui cười rất tự nhiên và nhất là họ thân thiện hơn với những tù nhân khác. Đó là sự an vui, hạnh phúc xuất phát chính từ trong tâm của họ, cũng như sự trao gửi cho nhau tâm từ có được từ sự tu tập của mình. Nhiều tù nhân trong những cuộc gọi điện thoại về nhà, đã chia sẻ niềm hạnh phúc mà họ có được từ sự thực tập của mình và khuyên gia đình mình nên tìm đến đạo Phật và thực tập.

Dù không phải là tín đồ Phật giáo, 95% tù nhân sẽ ra tù và tái hòa nhập xã hội Mỹ - tôi tin rằng, họ sẽ đem giáo lý đạo Phật và thiền tập từ bản thân về với cộng đồng của họ. Và khi thấy hình ảnh Đức Phật hay người tu sĩ Phật giáo, họ sẽ có thiện cảm một cách rất tự nhiên. Bởi hơn ai hết, họ biết rằng hạnh phúc mình có được ngày hôm nay là nhờ giáo pháp của Đức Phật. Từ sự thấu hiểu và thực hành, các tù nhân có được sự tỉnh thức và quan trọng hơn hết là họ đã và đang vun bồi hạt giống Bồ-đề trong tâm mình. Và dần dà, đạo Phật đang bén rễ trên đất Mỹ, cho tất cả các chủng tộc người Mỹ.

Đó chính là niềm vui và hạnh phúc nhất của tôi trong hoạt động đưa giáo lý và sự thực hành Phật pháp đến các nhà tù xứ cờ hoa suốt 5 năm qua.


Trân trọng cảm ơn thầy!

Trần Trọng Hiếu thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày