Nhân mấy câu thơ của Truyện Kiều

NSGN - Truyện Kiều là một áng văn chương tuyệt diễm trong lịch sử văn học Việt Nam, điều đó không ai phủ nhận. Những nhân vật trong Truyện Kiều hầu như đã hóa thân thành những con người

NSGN - Truyện Kiều là một áng văn chương tuyệt diễm trong lịch sử văn học Việt Nam, điều đó không ai phủ nhận. Những nhân vật trong Truyện Kiều hầu như đã hóa thân thành những con người thực trong trong tâm hồn người dân việt, nên ca ngợi Truyện Kiều là điều tưởng chừng như thừa, như kiểu “khen phò mã tốt áo”. 

truyen_kieu.jpg

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, và những bài tiểu luận viết về Truyện Kiều. Tôi cũng như các bạn, chắc chắn ai cũng đã từng mê Truyện Kiều từ thời còn đi học, và cũng cho rằng mình đã cảm nhận được Truyện Kiều. Nhưng khi càng có tuổi, càng trải nghiệm, tôi lại đâm dè dặt vì thấy mình hiểu Truyện Kiều quá hời hợt. Nhiều người bàn phiếm với nhau về Truyện Kiều nhân lúc trà dư tửu hậu, nhiều người bạn tôi dù mê Truyện Kiều nhưng vẫn nêu ra những thắc mắc về những nhiều chỗ mà họ cho là chưa thỏa đáng.

Tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ, khi kẻ lại già họ Đô nói về Từ Hải:

Bỗng đâu lại gặp một người,

Hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh,

Trong tay muôn vạn tinh binh,

Kéo về đóng chật một thành Lâm Truy,

Tóc tơ các tích mọi khi,

Oán thì trả oán, ân thì trả ân,

Đã nên có nghĩa có nhân,

Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen,

Chưa tường được họ được tên,

Sự này, hỏi Thúc Sinh viên mới tường.

Thử hỏi còn gì vô lý hơn khi một kẻ “Hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh” có “trong tay muôn vạn tinh binh, kéo về đóng chật một thành Lâm Truy”, lại được “xa gần ngợi khen” mà thiên hạ lại “chưa tường được họ, được tên”? Ngày trước, các thầy cô cũng không quan tâm để giải thích điểm này. Tôi cũng thắc mắc, nhưng cứ thầm nghĩ có lẽ đó là sơ sót của văn chương. Nhưng sau này, khi có điều kiện đi vào trong thế giới của sách vở, và trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, đọc đi đọc lại Truyện Kiều, tôi chợt “ngộ” ra rằng: trong Truyện Kiều, ngay tại những chỗ mà ta thấy tưởng chừng như “vô lý” hoặc “vụng về” thì thường là lúc Nguyễn Du biểu hiện những tư tưởng thâm trầm, uyên áo trong cõi vô ngôn.

Khi ấy, đọc lại đoạn thơ trên, tôi mới cảm nhận được cái hay nằm chính ở chỗ “Chưa tường được họ được tên” đó! Con người toàn bích của phương Đông phải là nơi kết tụ tinh hoa của “Bi, Trí, Dũng”. Tượng Đức Phật mà ta lễ bái hiện nay cũng chỉ là nơi kết tụ tinh hoa của “Bi, Trí, Dũng” ở mức tối cao theo tinh thần phương Đông, qua nét điêu khắc của nghệ thuật Hy Lạp, trong giai đoạn giao thoa văn hóa. Một người “Hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh” lại được xa gần nô nức ngợi khen thì cũng chỉ mới biểu hiện được Trí và Dũng, cho nên vẫn “chưa tường được họ được tên” bởi vì chúng ta chưa xác định được đâu là phần tinh hoa quảng đại của con người đó. Và điều đó chỉ được biểu hiện khi Từ Hải chấp nhận đầu hàng Hồ Tôn Hiến để hoàn tất tâm nguyện của nàng Kiều. Chấp nhận sự đổ vỡ tan hoang để đẹp lòng hồng nhan tri kỷ, như Antony chấp nhận đổi cả giang sơn vì Cleopatra trong bi kịch Antony and Cleopatra của thiên tài Shakespeare, đó là cách Từ Hải biểu hiện phần tinh hoa quảng đại của bi tâm theo thể điệu của một khách anh hùng. Đây là một trong những điểm mà Truyện Kiều giúp chúng ta mở rộng những viễn tượng mênh mông cho tâm thức, và buộc chúng ta phải suy tư trên một bình diện khác. Chính cuộc tình ngang trái với Thúc Sinh đã đẩy Thúy Kiều vào cuộc lưu lạc thứ hai và gặp được Từ Hải nơi lầu xanh, để người anh hùng đất Việt Đông phải làm “người tử sinh” để kết thúc cuộc tình bằng một nấm mộ nơi thiển thổ. Cho nên mới có câu “Sự này, hỏi Thúc Sinh viên mới tường”.

Trong Truyện Kiều không thiếu những điểm mà nhiều người cho là “vô lý” hoặc “vụng về” như thế. Ngôn ngữ Truyện Kiều luôn chuyển dời bình diện và thiên biến vạn hóa, nên muốn hiểu được Truyện Kiều ta phải sống được trong cảnh giới thơ ca của Nguyễn Du. Nếu Truyện Kiều chỉ là bản án bằng văn chương dành cho chế độ phong kiến, như ý kiến của một số nhà phê bình thô thiển và hời hợt, thì nó đã chết từ lâu trong lòng người rồi. Ta không thể đem những kiến thức tầm chương trích cú vay mượn từ sách vở ra để bắt bẻ hoặc phân tích theo suy nghĩ của mình, khi muốn tìm hiểu tác phẩm một thiên tài. Không thiếu những ông giáo sư, học giả hàn lâm tâm lực chưa cảm thụ được một câu thơ, bút lực chưa viết nỗi một câu vè, trí lực chưa đủ sức vùng vẫy trong cái ao làng chữ nghĩa mà vẫn khệnh khạng đem mớ kiến thức từ chương rẻ tiền ra để phê bình Nguyễn Du theo kiểu thầy giáo trường làng chấm bài trẻ con, và lớn tiếng đòi sửa đổi Truyện Kiều!

Chúng ta phải sống và lịch nghiệm hết cảnh dâu biển trong cõi trăm năm thì mới có thể đọc Truyện Kiều mà không hiểu lệch lạc. Với một đôi chút chủ quan, tôi cho rằng chỉ có một số người hiếm hoi cảm nhận được phần “ý tại ngôn ngoại” trong tư tưởng Nguyễn Du như Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, Trương Cam Vũ, Bùi Giáng, Réne Crayssac v.v... vì trước hết họ đều là những nhà thơ lớn hoặc là những người có tâm hồn thơ nhạc mênh mông. Để hiểu được Tố Như, ta cần phải theo chân họ bước ra khỏi khuôn khổ cứng nhắc của sách giáo khoa để đọc Truyện Kiều bằng một đôi mắt khác.

Trước khi đọc lại Truyện Kiều, chúng ta phải nên luôn nhớ đến câu nói của Mộng Liên đường chủ nhân: “Tố Như Tử dụng tâm đã khéo, tả cảnh như hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”. (Trần Trọng Kim dịch). Và nhất là phải luôn tâm niệm câu thơ đồng điệu của Phạm Quí Thích: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy, Tân thanh đáo để vị thùy thương? (Tạm dịch: Vì ai nên tiếng tân thanh, Tài tình nhất phiến lụy thành thiên thu?).

Huỳnh Ngọc Chiến

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày