Nhìn lại Vesak 2014: yếu trong công tác báo chí

GN - Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014 đã khép lại với nhiều dấu ấn khó quên. Số quốc gia đến VN - cố đô Hoa Lư - Ninh Bình tham dự Đại lễ nhiều nhất từ trước đến nay: 95 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh niềm hãnh diện với những thành quả đạt được, thiết nghĩ chúng ta cũng cần soi xét tìm ra khâu còn yếu để đúc rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức sự kiện quan trọng sau này.

Ấn tượng đội ngũ tình nguyện viên

TNV Vesak 2.JPG


TNV Vesak 2014 lau sàn lễ đài cầu nguyện trước sân điện Thích Ca - Ảnh: D.Trí

“Very good” là những câu cửa miệng mà các đại biểu quốc tế chia sẻ cùng chúng tôi bên lề Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014. Dĩ nhiên thành công được đề cập ở nhiều phương diện: hạ tầng và cơ sở vật chất nơi diễn ra Đại lễ, thiết kế trang trí khánh tiết, tổ chức các chương trình triển lãm và biểu diễn nghệ thuật, công tác đưa đón đại biểu quốc tế, phục vụ ẩm thực và hậu cần… Trong đó, khâu thành công nhất có lẽ là công tác tổ chức đội ngũ các tình nguyện viên trẻ.

Theo Ban Tổ chức, gần 4.000 tình nguyện viên là sinh viên và Phật tử phục vụ Đại lễ Vesak, họ được phân công theo nhiều nhóm: nhóm tháp tùng phái đoàn, nhóm lễ tân khách sạn, nhóm lễ tân hội trường, nhóm phục vụ hậu cần…

Thầy Sraman Sugata đến từ Bangladesh bày tỏ với chúng tôi: “Tổ chức Vesak ở VN lần này khá hoàn hảo. Tôi đã từng dự Vesak tại Thái Lan vào năm 2011, thấy quy mô tổ chức ở 2 quốc gia tương đương nhau. Nhưng đến VN tôi ấn tượng hơn nhiều, trân trọng tình cảm của người ở đây. Khi đến sân bay, đã có nhiều thanh niên trong trang phục quần áo có chữ Vesak đến đón lên xe ô-tô. Đoàn xe Vesak đi đâu cũng có cảnh sát dẫn đường, có đường riêng cho khách đi Vesak. Khi xe đến nơi diễn ra Đại lễ, nhìn thấy cảnh thanh niên xếp hàng vẫy tay đón chào, tôi vô cùng xúc động. Mọi hoạt động đi lại từng nhóm đều có người đi kèm để hướng dẫn. Trong khi ở Thái Lan chúng tôi phải tự đi và tự tìm đến nơi tổ chức hội nghị. Rồi việc ăn ở, đi lại đều phải tự mình thực hiện, không có ai giúp đỡ, hướng dẫn như ở VN”.

TT.Devin Bowles, đại biểu người Australia khen: “Các bạn trẻ đã giúp tôi phiên dịch, đi lại. Tôi quan sát thấy các bạn cầm túi đi nhặt rác, hỏi thăm mọi người khi thấy họ mệt. Đây là những hành động đẹp và là gương sáng cho mọi người tham dự Đại lễ noi theo". Còn Chenet Francois, đại biểu người Pháp thì hết lời cảm ơn: "Nếu không có các tình nguyện viên giúp đỡ chắc tôi đã lạc ở đâu đó trong ngôi chùa rộng lớn này. Các bạn trẻ VN tốt bụng, nhiệt tình, chăm chỉ, họ nói tiếng Anh rất tốt”.

Chúng tôi chứng kiến ở chùa Bái Đính, giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa, hàng trăm tình nguyện viên không ngần ngại cầm chổi lao ra giữa sân chùa để thu gom rác. Rồi hàng trăm tình nguyện viên khác mặt đỏ bừng đứng dưới nắng làm hàng rào hướng dẫn người dân vào nhận cơm chay.

Ở khu vực trước sân Điện Thích Ca, do lượng khách thập phương về chùa quá đông so với dự kiến của Ban Tổ chức nên có lúc nảy sinh nhiều vấn đề không còn trong tầm kiểm soát của các tình nguyện viên. Khắp nơi trong khuôn viên chùa đều có dán những bảng thông báo cho du khách biết rằng nước uống và đồ ăn được phát miễn phí.

Mặc dù Ban Tổ chức chuẩn bị mỗi bữa hàng chục nghìn suất cơm chay để phát cho khách thập phương, nhưng vẫn có lúc xảy ra tình trạng thiếu nước, thiếu đồ ăn để phát cho khách vì số lượng tăng cao so với dự đoán. Một số khách tỏ ra bực bội khi phải đi bộ rất xa đến nơi phát đồ ăn uống thì không còn gì, khiến nhiều  tình nguyện viên phải “chịu trận” với những khách khó tính, thậm chí phải nghe những lời nhiếc móc vô cớ. Thế nhưng các bạn tình nguyện viên vẫn vui vẻ và kiên nhẫn xử lý “sự cố”, người thì trấn an động viên du khách, lấy ghế cho du khách ngồi, đem ô lại che nắng... Rồi sáng kiến xé những tấm bìa các-tông phát cho du khách làm quạt...  

TNV Vesak.jpg


Nhiệt tình hướng dẫn khi khách quốc tế cần giúp đỡ

TNV Vesak 3.jpg


TNV Vesak 2014 và nụ cười không bao giờ thiếu vắng

Vất vả là thế, nhưng chúng tôi thấy bạn tình nguyện viên nào cũng vui vẻ, thường trực niềm hoan hỷ trên gương mặt mà không một lời than mệt. Đáng ngợi ca thay, tâm hoan hỷ phục vụ Đại lễ của các bạn trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.

Công tác báo chí là khâu yếu nhất

Trong sự thành công của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014, có lẽ công tác báo chí là khâu yếu nhất. Buổi lễ khai mạc Vesak vào sáng 8-5-2014, đoàn nhà báo chúng tôi được xe của Ban Tổ chức đón từ chùa Quán Sứ, đưa đến trung tâm báo chí ở chùa Bái Đính. Tuy nhiên, chỉ một số ít nhà báo đeo thẻ A được phép vào hội trường, còn lại hầu hết phải tác nghiệp ở Phòng báo chí và chỉ được theo dõi lễ khai mạc qua màn hình. Nhiều đồng nghiệp than thở: Đến đây chỉ để xem truyền hình thì thà ngồi ở nhà coi ti-vi còn hơn.

Công tác cung cấp thông tin cho báo chí rất đáng phàn nàn. Chúng tôi được phát tờ giấy in lịch trình diễn ra lễ khai mạc, đĩa ghi hình một bộ phim lịch sử Phật giáo do Truyền hình An Viên thực hiện. Nhưng tất cả các tài liệu phục vụ cho việc viết tin bài về lễ khai mạc đều không được cung cấp, chẳng hạn như các bài phát biểu, thông điệp của các vị chư tôn đức, đại biểu đọc tại lễ khai mạc đều không có. Trang websites chính thức của Ban Truyền thông GHPGVN cho dù từ sáng sớm đã đăng tải nhiều bài viết về quang cảnh, hình ảnh những góc nhìn của chùa Bái Đính trong sương sớm bình minh ngày Đại lễ, thế nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất là cung cấp thông tin cho các nhà báo, thì trang web đó cũng không đăng tải kịp thời các thông điệp này.

 May thay, trong thời gian diễn ra lễ khai mạc, chỉ duy nhất trang báo điện tử Giác Ngộ là đăng tải các bản thông điệp, các bài phát biểu tại Đại lễ. Thế là chúng tôi như “chết đuối vớ được cọc”, liền sử dụng ngay nguồn này để viết bài. Các đồng nghiệp của tôi ở hết thảy các tờ báo khác sau một hồi loay hoay không biết lấy thông tin từ đâu, đành cũng sử dụng ngay nguồn từ báo Giác Ngộ như một nguồn thông tin chính thống, thay vì trông chờ ở Ban Tổ chức cung cấp.

Mãi đến cuối buổi chiều, khi chúng tôi đã viết xong bài và gửi về tòa soạn từ lâu, thì trang web được thông báo là kênh thông tin chính thức của sự kiện này mới đăng tải nội dung các thông điệp, các bài phát biểu của lễ khai mạc. Tại bàn tiếp đón của Phòng báo chí, mặc dù họ có phát cho phóng viên những tờ giấy để đăng ký phỏng vấn các đại biểu. Thế nhưng, sau khi đăng ký, tôi quan sát không có trường hợp nào được sắp xếp cho thực hiện các cuộc phỏng vấn.

Là một nhà báo công tác tại Thời báo Kinh Tế Việt Nam, tôi thường xuyên được tác nghiệp ở những sự kiện lớn. Tuy nhiên nhận thấy, tác nghiệp ở những sự kiện do GHPGVN tổ chức thường khó khăn và khe khắt hơn khi đến với các sự kiện khác.

Ở những sự kiện do Chính phủ hay các bộ, ngành của nước ta tổ chức, nhà báo chúng tôi được thoải mái tiếp cận với các vị nguyên thủ quốc gia và các vị khách quốc tế ở bất kỳ đâu, được chụp ảnh họ, dễ dàng phỏng vấn.

Đơn cử như, ngay trước khi diễn ra Vesak, tôi được tác nghiệp ở Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các nhà báo đều được có mặt ở mọi địa điểm diễn ra các hoạt động. Nhờ đó, chúng tôi có được những bức ảnh chụp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang... cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khác thắp hương trên từng ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi A1, hay đi thăm các gia đình cựu chiến binh. Mọi nhà báo đều được vào khu vực diễn ra lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành.

Thế nhưng ở các sự kiện do Phật giáo tổ chức, dường như tiếp cận với các nguyên thủ quốc gia, các chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo để phỏng vấn lại là điều không thể. Việc nhà báo được Ban Tổ chức cấp thẻ cho tác nghiệp, mà lại phải ngồi trước màn hình ti-vi, không được tác nghiệp trực tiếp tại nơi diễn ra sự kiện, thì có lẽ chỉ Phật giáo mới diễn ra tình trạng này.

vesak 1.jpg


Vượt hàng trăm km để tới sự kiện khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 2014 nhưng nhiều PV không được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, lại phải tác nghiệp qua màn hình ở trung tâm báo chí của Đại lễ - đặt cách hội trường chính, nơi diễn ra buổi lễ đến 200m, trong điều kiện đi lại khó khăn, lên xuống các bậc thang cao ngất và không sơ đồ hướng dẫn. Đây là một ấn tượng không đẹp - theo nhận định của tất cả phóng viên đồng nghiệp - Ảnh: CTV

Tại Vesak 2014, một hình ảnh cũng khiến tôi phân vân, đó là buổi tối Cầu nguyện thế giới hòa bình. Hàng chục bạn trẻ được bố trí đứng thành hai hàng, chắp tay cung kính trên sân chùa, chờ đợi hàng chục phút để đón các vị Bộ trưởng đến tham dự. Lúc đó, tôi nhìn thấy Bộ trưởng Đinh La Thăng bước vội trên lối đi giữa qua hai hàng bạn trẻ đó, trông ông có vẻ hơi ngượng giữa sự tôn nghiêm thái quá.

Tôi biết, lễ nghi tôn giáo luôn cần sự tôn nghiêm. Tuy nhiên, nếu trang nghiêm thái quá, đôi khi sẽ dẫn đến phản tác dụng. Những hình thức cung đón mang tính tôn giáo chỉ nên dành cho các bậc giáo phẩm đạo cao đức trọng. Đối với các vị quan khách, cần có những hình thức đón tiếp lịch sự, trang trọng cần thiết và phù hợp. Việc đó không chỉ là lễ nghi của một sự kiện mà còn có ý nghĩa giáo dục các bạn trẻ về lễ nghi, về sự thiêng liêng của tôn giáo, tinh thần bình đẳng và cởi mở của đạo Phật, nhất là qua một sự kiện quốc tế có đông đảo dân chúng, trong đó có nhiều bạn trẻ chứng kiến, tham dự như Đại lễ Vesak vừa qua.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vô thường

Lá vàng ắt phải rụng rơi...

GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Thông tin hàng ngày