Nhìn lại vụ “ném đá” bé Đỗ Nhật Nam

GN - Nhật Nam được xem là “thần đồng Việt Nam”. Năm 7 tuổi, trong thời gian ngắn, bé đã có chứng chỉ của Starters, Movers - ĐH Cambridge với số điểm tuyệt đối. Bé cũng có điểm số thi TOEIC 940/990, IELTS 6.5/9.0.

Nhật Nam là gương mặt khá quen thuộc của khán giả truyền hình, từng làm MC cho chương trình Chúc bé ngủ ngon, Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé. Thậm chí bé còn là “ca sĩ nhí”, “giáo viên” dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ đang điều trị tại khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi TW.

Năm 7 tuổi, Nhật Nam là dịch giả nhí nhỏ tuổi nhất có sách xuất bản. Vào cuối tháng 3-2012, khi mới 11 tuổi, Nhật Nam giành thêm một kỷ lục mới - “Người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam”.

>> Có vô cảm quá không?

Do-nhat-nam.jpg

Đỗ Nhật Nam

Mấy ngày qua, từ một đoạn clip trả lời phỏng vấn tại Hội chợ Sách của bé Đỗ Nhật Nam (11 tuổi), đã có vô số lời chỉ trích, nói xấu, chê bai không thương tiếc của cư dân mạng. Thật thương!

Nguyên nhân chính của vụ “ném đá” này là từ câu nói của Nhật Nam: “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”. Thật ra, những từ này chỉ là một vế trong câu nói của bé. Trọn vẹn câu nói là: “Không nên đọc truyện tranh nhiều, mặc dù truyện tranh có đôi lúc có tác dụng, nhưng cũng như mẹ em nói là con sâu đục khoét tâm hồn”. Như vậy, bé Nhật Nam đã trình bày khá chặt chẽ, khúc chiết về ảnh hưởng hai mặt của việc đọc truyện tranh, em không phủ nhận hoàn toàn lợi ích của truyện tranh, em khuyên các bạn nhỏ không nên đọc truyện tranh nhiều, đấy là một lời khuyên chí tình chí lý.

Còn ở vế “con sâu đục khoét tâm hồn”, nếu xét trong mạch văn này, chúng ta có thể suy luận rằng, đọc truyện tranh nhiều sẽ làm cho tâm hồn các bạn trẻ bị hư hỏng. Việc đọc truyện tranh cũng tương tự như chơi game, có những truyện tranh rất ly kỳ, hấp dẫn, một khi đã đọc rồi thì dễ bị cuốn hút, bỏ bê cả việc học hành, rồi bắt chước các nhân vật xấu trong truyện, hành xử một cách hung hăng, vô phép, như thế thì không phải truyện tranh đã đục khoét tâm hồn sao?! Đấy là chưa kể đến tác hại khi các em thiếu nhi đam mê, lén đọc các truyện tranh không lành mạnh, truyện tranh dành cho người lớn. Nếu thế thì tác hại sẽ vô cùng lớn đối với tâm hồn bé bỏng như các em.

Truyện tranh là một con dao hai lưỡi, nếu biết chọn truyện tranh phù hợp để đọc, biết làm chủ chính mình, không để cho truyện tranh cuốn hút, đọc để thư giãn, vào những lúc rảnh rỗi thì truyện tranh thực sự đem lại lợi ích cho các em thiếu nhi. Đây chính là ý “có đôi lúc có tác dụng” của bé Nhật Nam. Nhưng nếu không biết chọn lựa truyện tranh phù hợp để đọc, không làm chủ được chính mình, đọc quên ăn quên ngủ thì tác hại không phải nhỏ, rõ ràng là “con sâu đục khoét tâm hồn”.

Có một điều rất quan trọng đã bị nhiều người cố tình hoặc vô tình bỏ qua trong câu nói của bé Nhật Nam, rằng: “Cũng như mẹ em nói (truyện tranh) là con sâu đục khoét tâm hồn”. Đấy là mẹ Nhật Nam nói, và em nhắc lại để nhấn mạnh đến mặt trái của truyện tranh. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của một người mẹ dạy con để mà suy nghĩ, nhận định - người mẹ nhắc nhở con những lời như thế là rất bình thường. Người lớn nhiều lúc còn chưa làm chủ được bản thân trước sức hút của truyện tranh, của game online, huống gì trẻ nhỏ. Cho nên việc cha mẹ khuyên con đừng ham mê đọc truyện tranh là điều hợp lý.

Có người phê phán rằng, bé Nhật Nam kiêu ngạo, nói chuyện với người lớn mà “dám” nhìn thẳng vào mắt người khác. Theo các chuyên gia tâm lý, việc nhìn vào mắt người khác khi trò chuyện là thể hiện sự tự tin, đồng thời cũng thể hiện sự tập trung chú ý và tôn trọng người đang nói chuyện với mình. Cho nên, việc bé Nhật Nam nhìn vào mắt người phỏng vấn mình để trả lời không phải là thể hiện sự kiêu ngạo. Còn việc bé luôn ngước mặt lên khi trả lời phỏng vấn như trong hình ảnh của đoạn clip, có người cũng cho đấy là kiêu ngạo, đơn giản chỉ vì bé còn nhỏ, muốn nhìn thấy mặt của người phỏng vấn thì phải ngước đầu lên. Thử nghĩ, nếu khi trả lời phỏng vấn mà bé cứ cúi mặt xuống hoặc nhìn đi nơi khác, liệu bé có trả lời suôn sẻ và hoạt bát như thế không? Mọi người có thể chấp nhận được phong thái nói chuyện của bé như thế không?

Phải thừa nhận rằng, bé Nhật Nam rất giỏi tiếng Anh. Mới 11 tuổi mà có thể đọc và dịch tốt tiếng Anh thì thật đáng phục. Cho nên, việc Nhật Nam kể ra thành tích của mình cũng không có gì gọi là khoe mẽ, tự kiêu. Phóng viên hỏi thì bé trả lời, có sao nói vậy chứ không hề nói khoác. Với một em bé 11 tuổi, cách trả lời như thế là bình thường.

Điều người viết muốn nhắn nhủ ở đây là mọi người đừng a dua theo phong trào để rồi “bóp nghẹt” tài năng của người khác. Khi đánh giá, nhận định một vấn đề thì hãy nhìn một cách toàn diện, hãy đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét, đừng cắt xén, xé nhỏ vấn đề hoặc nhìn một cách phiến diện, hời hợt. Giả dụ như bé Nhật Nam là con cháu của chúng ta thì chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi bé bị “ném đá” như thế?! Hãy suy nghĩ thấu đáo và thương yêu bé nhiều hơn. Cũng may là bé Nhật Nam có tâm lý vững vàng và có suy nghĩ khá chín chắn nên ít bị tác động bởi những lời “ném đá” trên mạng. Nếu em là một đứa trẻ yếu đuối, nông nổi thì không biết hậu quả của việc “ném đá” này sẽ bi thảm đến mức nào?

Cầu chúc bé Nhật Nam và gia đình đủ mạnh mẽ để vượt qua cơn khủng hoảng này. Bé hãy tự tin và vui sống, cố gắng phấn đấu để hoàn thiện nhân cách, nỗ lực theo đuổi những ước mơ của mình! Rất nhiều người vẫn luôn yêu thương cháu và trân trọng, mến phục tài năng của cháu. 

 Hoàng Minh Phú

  • Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP.HCM:

“Thật ra sự việc đang bị nghiêm trọng hóa. Với những gì Nam đã làm được, cậu có quyền tự hào. Những thành tích cậu kể là thành tích thật, nhiều người lớn chúng ta còn chưa làm được những điều cậu đã làm từ lúc 5 - 6 tuổi. Đó là sự thật, ta nên tôn trọng.

(...) Người ta “ném đá” mà quên rằng cậu mới 11 tuổi. Người lớn còn dễ bị tổn thương huống hồ gì là một cậu bé.

Tôi lo sợ rằng sau chuyện này, em ấy sẽ trở nên e dè khi tiếp xúc với công chúng. Biết đâu chúng ta đang giết chết sự tự tin của cậu ấy - cái đã giúp cậu ấy làm được rất nhiều việc phi thường.

  • Lưu Thị Thu Hường - Giáo viên chủ nhiệm lớp 6G, nơi Nhật Nam theo học:

“Thiết nghĩ, một em bé có năng khiếu cần có môi trường để nuôi dưỡng và phát triển. Nếu xã hội đã cho rằng Nhật Nam là “thần đồng” thì xã hội cần có trách nhiệm giúp cho khả năng của em ngày càng tỏa sáng. Nếu chúng ta còn tiếp tục bình luận, mổ xẻ và chê bai thì không phải ai khác mà chính chúng ta đang làm ảnh hưởng tới tuổi thơ của cậu bé. Chúng tôi hy vọng rằng, mọi người hãy cùng nhìn nhận sự việc một cách khách quan và đừng để một em bé bị vùi giập bởi vòng xoáy dư luận”.

  • Chị Phan Hồ Điệp - mẹ bé Nhật Nam

“Như chim mẹ giữa tán rừng cao lắm mưa, nhiều nắng, ngậm cành kết lá để tạo cho con một chiếc tổ ấm êm; Như bầy trâu rừng giữa đêm hoang của rừng thẳm vẫn biết dồn những đứa con non vào giữa đàn, nơi an toàn nhất.” (PCL)

Mỗi người đều có một nơi an toàn nhất. Nơi đó chính là Mẹ”.

Đây là mở bài trong bài văn con viết để tả về mẹ hồi con học lớp 5 mà mẹ chỉ còn nhớ được như vậy. Nhưng những ngày qua, “mở bài” này nhiều lần trở đi trở lại trong đầu mẹ, nó khiến mẹ đôi khi khóc òa, đôi khi nước mắt chảy ngược vào trong, từng dòng, mặn chát. Mẹ đã không thể là “con chim mẹ” là “con trâu rừng” để bảo vệ được con.

(...) - Mẹ nhớ ánh mắt buồn đến không thể buồn hơn được của bố, vậy mà khi con vừa đi học về vẫn vui vẻ như chẳng có chuyện gì. Tối hôm thứ Sáu, bố mở băng Xuân, hạ, thu, đông và gọi mẹ ngồi xem. Mẹ biết, không phải bố muốn mẹ chiêm ngưỡng lại cảnh sắc rợn ngợp của bộ phim mẹ yêu thích, bố chỉ muốn cho mẹ được ngẫm lại những dòng kinh Bát-nhã của chú tiểu khắc trên sân chùa: Có cũng như không, không chẳng khác có, nói gì nữa, có gì để nói...

(Bức thư gửi con trai đăng tải trên trang Facebook cá nhân của chị)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày