GN - Võng ngô đồng trông mỏng mảnh nhưng bao năm vẫn bền chắc, dù có lúc hắt hiu như dáng vẻ chờ chồng của những người đàn bà xứ đảo. Vậy mà, nó có sức sống mãnh liệt và ngạo nghễ với thời gian…
Thương nhớ… ngô đồng
Ở đất đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam), bao lâu nay, cây ngô đồng được xem như là một biểu tượng mang đến cho bao người những thương nhớ ngậm ngùi khi đến với đất đảo này. Vào tháng 6 cho đến tháng 8, cây ngô đồng trổ hoa rất đẹp khi trên cành đã trút hết lá. Khi ánh nắng chiếu xuống, cả sườn núi “nhuộm” từng vệt màu đỏ tươi rực rỡ, ai đến đây cũng phải mê mẩn không muốn rời.
Chiều cù lao thương nhớ, bà lão Nguyễn Thị Quy (78 tuổi, thôn Bãi Ông) vẫn cần mẫn chuốt từng sợi xơ để đan chiếc võng dở dang. Trong căn nhà nhỏ, người phụ nữ tóc bạc ngồi tỉ mẩn với từng mắt võng. Tôi tới bên, nhìn chăm chú vào đôi tay già nua ám đồi mồi nhưng thoăn thoắt, từng mắt võng hiện ra.
Bà Quy đan võng bằng sợi dây ngô đồng
Bà Quy thủ thỉ, võng ngô đồng từng được xem như một biểu tượng đặc trưng của người dân xứ đảo này. Đã có thời, nghề đan võng ngô đồng rất được thịnh hành nhưng rồi giờ đây, khi mà những giá trị của cuộc sống có nhiều đổi thay, những chiếc võng ngô đồng nổi tiếng ngày nào giờ chỉ còn trong những câu chuyện kể, giống như trong màn sương cổ tích của thời xa xưa. Mà, nó có đâu xa lắm, chỉ chừng mươi năm trước thôi.
Võng ngô đồng không phải là thứ võng thông thường. Nó độc đáo ở chỗ được làm từ sợi của thân cây ngô đồng (một loài cây chỉ mọc ở trên những mỏm núi cao, hay vách đá cheo leo). Mặc cho nắng, gió, bão biển, rễ cây vẫn bám chặt vào đá, thân cây luôn dẻo dai, vươn thẳng mình như thách thức với sự khắc nghiệt.
Ngô đồng còn là một loài cây đẹp và không kém phần lãng mạn. Khoảng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, khi gió đảo đã trút đi hết những chiếc lá cuối cùng để lại trơ trọi cành, cũng là lúc cây đâm chồi, nở rực một màu hoa đỏ ngập tràn Cù Lao Chàm.
Bà Quy bảo, đời ông cha bà đã phát hiện ra những đặc tính có một không hai của loài cây đặc biệt trên đảo này, để sử dụng khi đan gùi, võng, làm dây thừng và nhiều thứ vật liệu khác. Nhìn chiếc võng trên tay bà Quy, dấu vết của thời gian đã in hằn trên những mắt võng, trên từng thớ sợi.
Bà Quy chia sẻ: “Để làm ra một chiếc võng ngô đồng phải mất chừng ba tháng ròng rã. Phải lấy sợi từ trên núi, nơi những thân cây ngô đồng to chừng bắp chân người. Sau đó dùng búa đập nát theo thớ của thân cây, rồi đem ngâm trong nước tù của ruộng chừng 7 ngày, cho lớp vỏ cứng mềm mục, nhả dần ra, lộ sợi xơ thì đem vớt lên. Tiếp tục dùng tay tước lớp vỏ cứng đã mục lấy lớp xơ màu trắng đục, đem giặt sạch bằng nước suối trong rồi đem ra phơi nắng thật khô, đến khi chuyển thành màu trắng ngà tinh mới, có độ óng là lúc xơ đã sẵn sàng để đan võng. Người đan không những khéo léo mà còn phải kiên trì, bền bỉ. Khi đan võng tuyệt đối không được đan lỗi, vì khi đã bị lỗi thì không gỡ ra được nữa…”. Nghề đan võng là một công việc rất công phu, đầy tỉ mẩn và rất mất thời gian. Công việc chỉ dành cho những người có tính cần cù, kiên nhẫn nhất mới chịu được.
Lòng người đan võng
Cách đây chừng mươi năm, trên đảo vẫn còn vài người đan võng ngô đồng như cụ Nguyễn Thị Muôn, bà Mai Thị Rài (con gái của cụ Muôn), bà Quy, cùng một vài người khác. Chừng ấy cũng đủ để người dân xã đảo cảm thấy tự hào với cái nghề một đời của mình. Nhưng bây giờ, số người đan võng trên đảo chắc chỉ còn vài người mà thôi.
Trong câu chuyện thân tình với một gã trai trẻ từ phương xa đến, bà Quy với mái tóc đã phai màu theo sương gió đời người kể với tôi câu chuyện cuộc đời, gắn với những chiếc võng mấy chục năm qua. Mặc dầu đã ở cái tuổi “tri thiên mệnh” và qua biết bao gian khó của cuộc đời, nhưng bà Quy vẫn ngày ngày giữ công việc đặc biệt có một không hai trên đảo và trên cả dải đất miền Trung khắc khổ này.
Cứ thế, bây giờ bà trút những nỗi niềm vào những chiếc võng ngô đồng. Có những ngày từ sáng sớm tinh mơ đến khi mặt trời gác mái triền tây, bà lặn lội ở rừng, trèo qua từng vách núi, níu vào những thân cây gai góc để chặt và gùi những nhánh cây ngô đồng về đan võng. Cho đến tận bây giờ, bà Quy chẳng nhớ nổi mình đã đan bao nhiêu chiếc võng trong đời, đã bán cho bao nhiêu người. Nhưng có điều sản phẩm của bà, cũng như của những người phụ nữ xứ đảo này đã để lại ấn tượng rất tốt đối với du khách khi đến với đảo Cù Lao Chàm.
Nhìn những sợi ngô đồng được bện lại, dẫu những vết chai sần và sự nghiệt ngã của thời gian hằn in trên đôi bàn tay nhăn nheo ấy, tôi đã thấy trong đó là cả một sự cố gắng, cả một niềm yêu thích, như một cái nghiệp đeo đẳng suốt đời người.
Nhưng điều làm bà Quy, và có lẽ của cả những người tâm huyết với võng ngô đồng, cái nghề đan võng có một không hai này trăn trở không phải sự vất vả, cực nhọc khi làm võng, mà họ sợ một ngày nào đó cái nghề độc đáo này sẽ biến mất. Bởi lúc này, nhiều người chẳng còn ham đan võng để gìn giữ cái nghề này nữa.
Bà Quy bảo, bà có 8 người con, trong đó có cô con gái cũng được bà truyền nghề, nhưng chỉ được một vài năm rồi thôi. Bởi, nhiều người không đủ kiên nhẫn để chịu nổi sự công phu, tỉ mỉ, lại đem về thu nhập rất ít so với nghề khác.
Dẫu vậy, bà Quy vẫn trân quý nghề này, giá thành của mỗi chiếc võng hiện tại không dưới 5 triệu đồng một chiếc và không đủ để bán, có khi khách phải đặt tiền trước rồi một năm sau mới nhận được hàng. Hiện tại trong nhà bà Quy đang còn giữ 2 chiếc võng đặt hàng của du khách nước ngoài mà họ chưa đến lấy. Nhiều người khách khác khi thấy có sẵn những chiếc võng đan xong rồi, trả giá gấp đôi, gấp ba lần bình thường để được lấy võng ngay. Nhưng, bà không đồng ý, bởi theo bà, làm gì cũng phải có chữ tín mới được.
Người dân trên đảo Cù Lao Chàm bây giờ không mấy ai mặn mà với nghề đan võng nữa. Bởi, cù lao giờ là điểm du lịch phát triển. Những người phụ nữ có thêm nghề bán đồ lưu niệm hoặc kinh doanh hàng quán, đàn ông, trai tráng thì đi biển, chạy xe thồ chở khách, làm hướng dẫn viên… thế nên chẳng còn ai ngày ngày lên núi chặt ngô đồng về đan võng nữa.
Ông Huỳnh Giang, nguyên Trưởng thôn Bãi Ông cũng ngậm ngùi: “Nghề này rất độc đáo nhưng chẳng còn mấy ai làm được nữa. Trên đảo này, ngày trước cũng tổ chức cho chị em học nghề, nhưng chẳng ai theo nổi vì quá cầu kỳ, quá tỉ mỉ”. Chiều trên xứ đảo, hiên nhà bà Quy đầy nắng chiều. Trong ráng chiều, bà Quy vẫn cặm cụi, hai tay tỉ mỉ trau chuốt từng sợi xơ ngô đồng và đan từng mắt võng… Tôi xốn xang lòng, thương nhớ chiếc võng ngô đồng, từ lúc rời đi.