Những câu chuyện cảm động ở Sài Gòn

GN - Sài Gòn, thành phố đông dân luôn tấp nập, náo nhiệt, xô bồ, là mảnh “đất hứa” của biết bao nhiêu người đến từ các tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, có nhiều đối tượng ăn xin, những người vô gia cư, trộm cắp, hút chích, đua xe… Tuy vậy, điều đó không làm mất đi một Sài Gòn nhân ái nghĩa tình bởi ở đây còn có những ấm áp của tình thương từ những hành động biết chia sẻ…

Nước uống miễn phí

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi đi trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp chưa đầy 5km nhưng đã có những “trạm dừng chân” trà đá miễn phí.  Và đúng như vậy, Sài Gòn không giống như nhiều người vẫn thường nói là một thành phố đô thị phồn hoa mà còn có một thứ gì đó khác biệt đến vô cùng ấn tượng.

DP (2).jpg

Một du khách nước ngoài thích thú trước bình trà đá miễn phí trên lề đường - Ảnh: Đ.Vượng

Sài Gòn tháng 3 đang nắng nóng, những bình nước đá đã làm mát lòng nhiều người qua đường. Đó là một món quà nhỏ nhưng mang một nghĩa cử cao đẹp của người dân Việt Nam hướng đến những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh. Mặc dù đó chỉ là một thức uống rẻ tiền cần vài ba ngàn là có thể mua được, nhưng  đối với những người dân nghèo thì đó quả là cả một khoản chi tiêu tương đối lớn.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, tài xế lái xe ôm trên đường Trường Chinh, quận Tân Phú chia sẻ: “Nhiều người nghĩ những ly trà đá này có giá vài ba đồng, chỉ cần bỏ tiền ra là mua được. Thế nhưng đối với tôi đó là cả một gia tài. Nhờ có trà đá miễn phí mà những ngày hè oi bức trở nên dịu lại. Hơn thế nữa, mỗi tháng tôi tiết kiệm được vài trăm ngàn trong số tiền mà cả hai vợ chồng cơ cực lắm mới kiếm được…”.

Không chỉ có những người nghèo mà đôi khi bên cạnh đó là những người nước ngoài du lịch đến TP.HCM. Mới đầu họ thấy ngạc nhiên, sau đó thì cũng muốn thưởng thức hương vị của trà đá miễn phí dọc trên các tuyến đường, bởi đó là một hành động mang ý nghĩa chia sẻ cao đẹp.

Để tìm hiểu chủ nhân của những bình trà đá miễn phí trên là ai, tình cờ chúng tôi đi dọc đường theo hướng ra Bến xe Miền Đông nhưng khi chúng tôi vừa mới tới đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thuộc phường 25, quận Bình Thạnh thì thấy một đôi vợ chồng cũng đã lớn tuổi đang pha nước trà chuẩn bị đặt ở trước cửa nhà để phục vụ người đi đường.

Chúng tôi hỏi một số người dân xung quanh sống gần đó thì mới biết đôi vợ chồng già trên tên là Thanh. “ Vợ chồng chú ấy làm từ thiện đã ba năm nay nhưng chưa bao giờ cho chúng tôi biết về lý lịch. Bất kể trời nắng hay mưa, cứ mỗi sáng sớm vợ chồng chú Thanh cũng mang một thùng xốp khá to với dòng chữ ‘trà đá miễn phí’ đặt trên chân đế bằng gỗ vững chắc kê ngay lề đường. Sợ đổ ngã nên vợ chú đã dùng thêm dây buộc cẩn thận tứ bề và sắm một cái ca bằng inox luôn sạch để ai cũng thấy an tâm mỗi khi sử dụng. Những người ghé vào đây uống nước đủ thành phần, hầu hết là các chị ve chai, bán hàng rong, bác xích-lô, các em học sinh, sinh viên hay những người quét rác”.

Vào những ngày nắng nóng như thiêu như đốt ấy, không khó để bắt gặp những người bán vé số dạo, những anh chị ve chai hoặc những cô dì buôn thúng bán bưng ghé vào uống ly trà đá miễn phí ở những nơi này. Và họ cảm nhận được cái tình người đong đầy trong từng ly nước ấy lớn lao đến dường nào.

Cơm miễn phí cho người nghèo

Chúng tôi ghé qua cổng Bệnh viện Phục hồi Chức năng trên đường Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình. Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi nhận ra đó là quán cơm chay Từ Thương nằm bên hông cổng bệnh viện, nhìn bên ngoài thì thấy thật đơn giản nhưng khi bước vào bên trong thì đây là một mô hình tương đối lạ ít thấy.

Lạ vì đây là một quán cơm chay không giống như những quán khác, quán do nhiều Phật tử có lòng hảo tâm thuê lại một căn nhà nhỏ bên hông bệnh viện để nấu cơm. Cứ mỗi trưa, họ phát những phần cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo, những người lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa…

DP (1).jpg
Các bạn trẻ ăn buffet miễn phí tại chùa Diệu Pháp, Q.Bình Thạnh - Ảnh: H.D

Tiếng lành đồn xa, quán cơm miễn phí giữa lòng Sài Gòn nhanh chóng được nhiều người biết đến, không chỉ là những bệnh nhân nghèo mà còn là những người lao động phổ thông hay các em sinh viên cũng tìm đến để nhận những phần cơm miễn phí. Chị Nguyễn Thị Hà Trang (quê Đồng Tháp) trọ tại đường Trường Chinh, quận 12, cứ mỗi lần đi phát tờ rơi ngang qua đây là chị lại thấy để bảng “cơm miễn phí” thế là hôm nay chị cũng đi phát tờ rơi nhưng chị đã chủ động mang theo hai hộp nhựa đi để nhận cơm.

Một cụ ông đã 80 tuổi, tay xách rất nhiều đồ ve chai như bọc ni-lông, chai nhựa lừ đừ đi vào quán xin ăn. Chúng tôi cảm nhận, chính bữa cơm ấm áp nghĩa tình này khiến cụ muốn tiếp tục sống và yêu thương với chính cuộc đời này của mình hơn. Khác với hình dung của chúng tôi, dù là cơm miễn phí nhưng nhìn rất ngon, vệ sinh sạch sẽ, thậm chí mỗi người còn có một ly chè đậu xanh, hay một ly nước ngọt để giải khát.

Còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, những khó khăn phía trước nhưng những gì mà người Sài Gòn hôm nay làm được quả thật mang một ý nghĩa rất lớn lao, đã làm ấm lòng biết bao những người nghèo, từ các em học sinh, sinh viên đến người lao động.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày