Những cuốn sách Phật giáo nên đọc

NSGN - Sự nghiệp xuất bản Phật giáo thời đại ngay nay phát triển mạnh mẽ. Sách Phật giáo hiện nay nhiều vô số, vậy tín đồ Phật giáo làm thế nào có thể nắm bắt được Phật pháp một cách có hệ thống, có tổ chức, có thứ tự? Nay xin giới thiệu những người có ý nghiên cứu Phật học một số tác phẩm chuyên ngành nên đọc, coi như là kim chỉ nam.

Samanera.jpg

Trước tiên có thể đọc Thái Hư đại sư toàn thư, bộ sách này có 64 tập, trong đó chia làm 20 phần, gồm Phật pháp tổng học, Ngũ thừa cộng học, Tam thừa cộng học, Đại thừa thông học, Pháp tính không tuệ học, Pháp tướng duy thức học, Pháp giới viên giác học, Luật thích, Chế nghị, Học hạnh, Tông y luận, Tông thể luận, Tông dụng luận, Chi luận, Thời luận, Thư bình, Thù đối, Giảng diễn, Văn tùng và Thi tồn. Đọc những phần này có thể xây dựng được những nhận thức bước đầu về Phật giáo, pháp Phật; đồng thời người nhập môn tư tưởng Phật giáo nhân gian hiểu được ý nghĩa thời đại của Phật giáo.

Sau khi có cái nhìn tổng quát toàn bộ về Phật giáo, nên đọc truyện ký về cao tăng các triều đại, mượn những sự tích cầu pháp của các bậc thánh hiền xưa kia để bồi dưỡng tình cảm sâu đậm tôn giáo, lập chí hướng hoằng pháp rộng lớn. Cao tăng truyện được biên soạn từ bốn triều đại Lương - Đường - Tống - Minh, ghi chép chi tiết về sử thoại cao tăng qua các triều đại; Trung Quốc Phật giáo cao tăng toàn tập, với lối tiểu thuyết bạch thoại, trình bày một cách sinh động về đạo phạm và tịnh hạnh (hành vi trong sáng, đúng đắn) của một trăm vị cao tăng, là tài liệu hay về truyện cao tăng hiện đại.

Từ những nhân vật này có thể giúp hiểu được sự phát triển của lịch sử Phật giáo Trung Quốc, nhưng nếu muốn thông hiểu sự diễn biến về lịch sử Phật giáo, thì giáo sử không thể không đọc. Hoằng minh tập do Tăng Hựu đời nhà Lương Nam triều biên soạn là tập luận hộ pháp nói rõ Phật pháp, nhằm làm sáng tỏ những điểm dị đồng của tam giáo Nho - Thích - Đạo. Quảng hoằng minh tập do Đạo Tuyên đời Đường biên soạn, ghi thuật lại sự hưng suy của Phật giáo các triều đại, những tranh luận giữa Phật và Đạo, cũng như những thảo luận nghĩa lý Phật giáo. Dưới đây xin giới thiệu một số trước tác giáo sử đương đại, giúp ích cho người đọc và nghiên cứu: Trung Quốc Phật giáo cận đại sử (Đông Sơ/东初), Ấn Độ Phật giáo tư tưởng sử (Ấn Thuận/印顺), Trung Quốc thiền tông sử (Ấn Thuận), Hán Ngụy lưỡng phổ Nam Bắc triều Phật giáo sử (Thang Dụng Đồng/汤用彤), Trung Quốc Phật giáo thông sử (Liêm Điền Mậu Hùng/镰田茂雄), Trung Quốc Phật giáo phát triển sử (Trung Thôn Nguyên/中村元), và Nam Truyện Phật giáo sử (Tịnh Hải/净海).

Về sự lưu truyền, diễn biến và phát triển của Phật giáo, sau khi có những nhận biết khách quan, thì có thể bắt đầu đi sâu vào kinh tạng, chuyên nghiên cứu Pháp nghĩa. Việc đọc và nghiên cứu kinh luận nên bắt tay từ kinh A-hàm (āgama) - giáo nghĩa căn bản của Phật giáo Nguyên thủy. Trước tiên đọc giáo thuyết (giáo pháp) cơ bản về Bốn Thánh đế, Tám Thánh đạo và Mười hai nhân duyên trong kinh Tạp A-hàm (Saṃyukta-āgama); tiếp theo đọc kinh Trung A-hàm (Madhyama-āgama) - luận thuyết phân biệt pháp tướng; sau đó đọc những những bài có độ tương đối dài hơn, kinh Trường A-hàm (Dīrgha Āgama); sau cùng đọc pháp nghĩa tổng kết, kinh Tăng nhất A-hàm (Ekottara-āgama) - dựa vào pháp số phân loại kết tập.

Bộ Bát-nhã (prajna) là kinh điển căn bản của tư tưởng Đại thừa. Nếu có thể chúng ta hãy đọc kinh Đại Bát-nhã thuộc quyển 600, chắc chắn có thể nắm vững chân lý không, hoặc chí ít phải đọc luận Đại-trí-độ (Maha Prajnaparamita Sastra) - sách chú thích/chú giải kinh Đại phẩm Bát-nhã, thành lập chánh quán (cái nhìn/quan điểm chân chánh, không sai lệch) về giáo lý đại thừa; kinh Kim-cang lại là tác phẩm kinh điển về nghĩa Không. Kinh Hoa nghiêm bàn về vũ trụ quan Phật giáo; kinh Pháp hoa liên quan đến tư tưởng “Hội tam quy nhất”1, dung thông (dung hợp thông đạt) chỉnh thể Phật giáo; kinh Duy-ma trình bày rõ việc thực hành Bồ-tát đạo; đều là những điển tích nếu học Phật cần phải đọc. Kinh Thắng-man, luận Đại thừa khởi tín (còn gọi là luận Khởi tín) là những kinh điển tiêu biểu tư tưởng Như Lai tạng2. Pháp tướng Duy thức là nhập môn của nghiên cứu Phật pháp, người sơ cơ trước đọc luận Bách pháp minh môn, Bát thức quy củ tụng, sau đó tìm hiểu nghiên cứu các chuyên tác như Duy thức nhị thập luận, Duy thức tam thập luận tụng, Thành duy thức luận.

Ngoài ra, những kinh điển được lưu thông đọc tụng rộng rãi còn có: Bát-nhã tâm kinh, A Di Đà kinh, Vô lượng thọ kinh, Quán vô lượng thọ kinh, Phật thuyết Di Lặc thượng, hạ sanh kinh, Đại bát Niết-bàn kinh, Dược Sư Như Lai bổn nguyện công đức kinh, Kim quang minh kinh, Viên giác kinh, Lăng-nghiêm kinh, Phạm võng kinh, Ưu-bà-tắc giới kinh, Lục độ tập kinh, Bách dụ kinh, Pháp cú kinh, Phật di giáo kinh, Tứ thập nhị chương kinh, Phật thuyết bát đại nhân giác kinh, Phụ mẫu ân trọng nan báo kinh.

Những trước tác của Tổ sư Trung Quốc là kết tinh Phật pháp dung hòa tư tưởng truyền thống văn hóa Trung Hoa. Một số tác phẩm tiêu biểu là: Đại thừa đại nghĩa chương, Sa-môn bất kính vương giả luận của Huệ Viễn (334-416) - cao tăng đời Đông Tấn (317-420); Lục tổ đàn kinh của Huệ Năng (638-713) - cao tăng đời Đường; Vĩnh Gia chứng đạo ca, Tín tâm minh của Vĩnh Gia Huyền Giác (665-718) - cao tăng đời Đường; Tông cảnh lục3 của Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975) - cao tăng đời Tống; Giới sát phóng sanh văn, Trúc song tùy bút, Thiền quan sách tiến, Tri môn sùng hạnh lục của Chu Hoằng Liên Trì (1532-1612) - cao tăng đời Minh; Tịnh độ thập yếu của Ngẫu Ích Trí Húc (1599-1655) - cao tăng đời Minh; Hám Sơn đại sư mộng du toàn tập của Hám Sơn Đức Thanh (1546-1623) - cao tăng đời Minh; Tử Bách tôn giả toàn tập của Tử Bách chân khả (1543-1603) - cao tăng đời Minh.

Librarymonk.jpg

Những trước tác cận đại nên đọc gồm: Hư Vân hòa thượng pháp hối của Tăng nhân Hư Vân (1840-1959), Đế Nhàn đại sư dị tập của Tăng nhân Đế Nhàn (1858-1932), Ấn Quang pháp sư văn sao của Tăng nhân Ấn Quang (1862-1940), Viên Anh đại sư pháp hối của Tăng nhân Viên Anh (1878-1953), Từ Hàng pháp sư toàn tập của Tăng nhân Từ Hàng (1895-1954), Bân tông pháp sư dị tập của Tăng nhân Bân Tông (1911-1958), Bát thức quy cũ tụng giảng ký của Tăng nhân Mặc Như (1905-1991), Diệu vân tập của Tăng nhân Ấn Thuận (1906-2005), Kim cang kinh giảng thoại của Tăng nhân Trúc Ma (1913-2002), Đế quán toàn tập của Tăng nhân Diễn Bồi (1917-1996), Tịnh độ giáo khởi nguyên cập khai triển, Luật tông khái luận của Tăng nhân Ấn Hải (1927-), Thiên Thai Phật giáo sử của Huệ Nhạc (1927-), Thương hải văn tập của Huyễn Sinh (1929-), Phật học nghiên cứu thập bát thiên của Lương Khải Siêu (1873-1929), Nội học của Dương Nhân Sơn (1837-1911), Phật học vấn đáp loại biên của Lý Bính Nam (1889-1986), Đới Quý Đào tiên sinh Phật học luận tập của Đới Quý Đào (1890-1949), Hoa nghiêm triết học của Phương Đông Mỹ (1899-1977), Phật giáo nghiên cứu pháp của Lã Trừng (1896-1989), Phật giáo khoa học quan của Vưu Trí Biểu (năm sinh không rõ).

Sách cổ Phật giáo thì nhiều vô kể, muốn có những nhận biết sơ lược về pháp Phật trong thời gian ngắn, có thể chọn đọc và nghiên cứu mấy quyển khái luận (đại cương) về Phật pháp như: Thành Phật chi đạo và Phật pháp khái luận của Ấn Thuận, Phật học khái luận của Tưởng Duy Kiều (1873-1958), Phật pháp khái luận của Lâm Truyền Phương (1931-), Phật học kim thuyên của Trương Trừng Cơ (1920-1988), Trung Quốc Phật giáo của Hội Phật giáo Trung Quốc biên soạn, đều là những nhân tài kiệt xuất đương thời.

Người bình thường muốn tìm hiểu một cách hoàn chỉnh về hệ thống tư tưởng của Phật giáo thì phải tìm đọc những thư tịch Phật học nào? Ngoài loạt chuyên tác được liệt kê trên đây, những năm trở lại đây Tinh Vân cũng đã có những cố gắng xây dựng vạch ra những đại cương một cách toàn diện cho cả Phật giáo, trải qua nhiều lần sưu tập biên soạn, cuối cùng vào năm 1995 đã đưa đi in xuất bản, lấy tên là Phật giáo tùng thư (bộ sách về Phật giáo). Nội dung toàn bộ sách này chia làm mười loại: giáo lý, kinh điển, Phật-đà, đệ tử, giáo sử, tông phái, nghi chế, giáo dụng, nghệ văn (văn học nghệ thuật), nhân gian Phật giáo. Bộ sách này có thể cung cấp cho người học Phật một nguồn tư liệu Phật học ngắn gọn, hoàn chỉnh.

Tinh Vân

Nhã Tuệ dịch

____________________

Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb. Từ Thư Thượng Hải, tr.185-188.

(1) Là giáo nghĩa được lập nên dựa vào kinh Pháp hoa bởi tông Thiên Thai. Tông Thiên Thai cho rằng, các kinh trước Pháp hoa, Đức Phật nói ba thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, là căn cơ chưa chín mà phương tiện thiết lập, do vậy những pháp môn này gọi là quyền pháp hay quyền kinh - tức pháp môn được tuyên thuyết tùy theo hoàn cảnh cụ thể; đến lúc căn cơ của chúng sinh chín muồi, thì sẽ mở bày Nhất thừa chân thật. Nếu khi tình chấp ngăn che đã được trút bỏ, thì quyền tức thực, ba là một, là Phật thừa duy nhất. Mở hội Tam thừa quy vào Nhất thừa như vậy, nên gọi là Hội tam quy nhất.

(2) “Như Lai tạng”, chỉ pháp thân Như Lai vốn thanh tịnh (tức tự tính thanh tịnh) đang ẩn núp trong thân phiền não của tất cả chúng sinh. Như Lai tạng tuy bị che đậy lẫn trốn trong phiền não, nhưng chưa từng vì phiền não mà bị nhiễm ô, có đủ bản tính vốn dĩ tuyệt đối thanh tịnh và bất biến. Cái được cho là hiện tượng ô nhiễm hay thanh tịnh, đều duyên Như Lai tạng mà sinh khởi, gọi là “Như Lai tạng duyên khởi”. Trong kinh luận, tư tưởng này thường được dùng để nói rõ về ý nghĩa mê, ngộ đối lập trong con người. Kinh Thắng-man nói: “Pháp thân Như Lai không lìa sự ẩn nấp phiền não, gọi là Như Lai tạng. Ở Ấn Độ, tư tưởng Như Lai tạng được thành lập sớm hơn thuyết Duy thức, và khác với tư tưởng của Trung quán, Duy thức. Nhưng người đời sau ngoài thuyết Duy thức, không lập riêng Như Lai tạng, mà lại trình bày và phân tích về Như Lai tạng trong thuyết Duy thức. Ở Trung Quốc thì tông Địa luận lấy Như Lai tạng làm cứu cánh, rồi lập ra thuyết Tịnh thức duyên khởi. Tông Thiên Thai thì cho rằng Như Lai tạng là thực tướng, và coi đó là diệu pháp bất khả tư nghị. Trong Khởi tín luận nghĩa ký quyển thượng, Pháp Tạng - Tổ thứ 3 thuộc tông Hoa Nghiêm có lập giáo phán (giáo nghĩa phán quyết một thời của Phật Thích Ca) 4 tông, trong đó tông thứ 4 gọi là tông Như Lai tạng duyên khởi. Nội dung tông này bao hàm những học thuyết của các kinh luận như Lăng-già, Mật nghiêm, Khởi tín, Bảo tính. Ngoài ra, những gì được nói trong Mạn-đồ-la Thai tạng giới của Mật giáo là dựa vào tư tưởng Như Lai tạng mà có vậy.

(3) Biên soạn và hoàn chỉnh vào khoảng thời kỳ Kiến Long (960-963), niên hiệu của Tống Thái Tổ. Được thu thập tổng hợp gồm 60 kinh, luận Đại thừa, và những trước tác của 300 bậc thánh hiền Ấn Độ và Trung Hoa. Nội dung trình bày cặn kẽ đại ý của chư Phật và chánh tông (tôn chỉ đích truyền) của chính luận. Lập luận toàn sách chú trọng đốn ngộ và viên tu (cùng lúc tu tam quán không - giả - trung), gọi là “Thiền tôn Đạt-ma, giáo tôn hiền thủ” (muốn tu thiền, nương sự đốn ngộ của Sư tổ Đạt-ma; muốn tu giáo, theo sự tu hành viên mãn của Hoa nghiêm làm tư tưởng trung tâm, là văn tập đạo lý tu thiền cho thấy Thiền (tông) và Giáo (tông) thống nhất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày