Những mảnh đời da cam

GN - Trong suốt những cuộc hành trình tìm đến chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn, tôi đã gặp không biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, thương và rơi nước mắt. Nhưng chuyến đi cùng Hội Từ thiện “Những trái tim Việt” đến huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk thăm và tặng quà cho bà Mẹ Việt Nam anh hùng, người dân tộc bị ảnh hưởng chất độc da cam nhân kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 vừa qua là những câu chuyện xót xa nhất…

Những số phận đớn đau

Huyện Lắk có 9 Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng 8 mẹ đã khuất, chỉ còn một mẹ Ung Thị Sỹ là còn bên cạnh con cháu. Mẹ sống khỏe đó là niềm vui của cả thôn làng và là niềm tự hào của cả huyện. Thế nhưng ẩn sâu trong niềm vui ấy là những niềm đau, ám ảnh đầy ray rứt về những mảnh đời bất hạnh bị ảnh hưởng chất độc da cam do chiến tranh để lại.

IMG_9754.JPG

Tặng quà cho trẻ em buôn làng - Ảnh: Khánh Vi

Chúng tôi tìm đến gia đình anh H’Dư Ayun trong cơn mưa phùn rả rích. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cậu bé trai bại liệt, chân teo tóp nằm dưới nền gạch ngước nhìn chúng tôi với đôi mắt sáng như muốn nói điều gì nhưng không thốt nên lời. Gia đình anh thuộc hộ nghèo, éo le nhất huyện. Có năm người con thì đã có hai đứa bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nhận được quà và hai suất hỗ trợ đặc biệt, anh và các con của anh mừng lắm, tụi nhỏ ôm chặt lấy quà vừa cười vừa khóc cứ chỉ tay suốt vào bì thư.

Anh Y Tông Jye thì sáng bừng niềm hạnh phúc trên gương mặt khắc khổ. Ba mẹ qua đời, anh sống với anh trai và chị dâu. Nhưng anh chị cũng nghèo, đi làm thuê nên cũng không thể lo cho anh chu đáo. Cầm quà và tiền vừa được trao tặng trên tay, hỏi anh sẽ làm gì với khoản tiền đó thì anh cười toe toét bảo: “Gạo để nấu cơm, mùng để ngủ, mì để dành còn tiền cũng để dành luôn. Để dành cưới vợ”. Thế nhưng, chúng tôi hiểu ước mơ cưới  vợ của anh quá xa xôi bởi vì chất độc da cam đã hủy hoại, làm con người anh biến dạng. Ít ai đến gần để chơi với anh, ngoại trừ tụi con nít trong làng.

Đến nhà H’Loong ở xã Đắk Thời, cả ba người đều bị ảnh hưởng chất độc da cam, mắt không nhìn thấy và suốt ngày hầu như chỉ ngồi một chỗ. Biết chúng tôi đến thăm, chị H’Loog mừng, hỏi chuyện tíu tít nhưng núp trong mùng không chịu bước ra. Chị nói: “Có người đến vui lắm vì lâu rồi không có ai chơi, không có ai nói chuyện, ai cũng đi làm nên buồn. Mà tôi xấu, sợ lắm nên không muốn ai thấy” nghe mà thương, mà xót. Đại diện chính quyền địa phương cho biết, “Đây là hoàn cảnh gia đình liệt sĩ thương cảm nhất. Mẹ là liệt sĩ, con thì trở thành nạn nhân chất độc da cam, tương lai không biết ra sao. Đây là nỗi đau mà không có cách nào bù đắp được”.

… vẫn không quên chia sẻ

Đến thăm nhà cuối cùng trong danh sách tặng quà, chị MaRư nhận quà xong ôm vai những bạn tình nguyện viên cảm ơn không ngớt. Nghe chúng tôi nói đã phát xong 75 phần quà, nhà chị là nơi cuối cùng đoàn đến, chị liền hỏi: “Có 75 phần quà thôi ư. Bà con nghèo giống tôi còn nhiều lắm, cả trăm lận ấy. Các anh giúp cho trót luôn đi, anh mà đi tụi nhỏ đói, phân bò không làm họ no được. Hôm qua, đi hốt phân bò ở trong rẫy với chúng nó, tôi nói nay có Sài Gòn cho quà, tụi nó mừng nghĩ là cũng được nhận”. Nghe chị nói cả đoàn mới biết, 75 phần quà được phát trong ngày hôm nay là chỉ là ưu tiên cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, hoàn cảnh đặc biệt nhất mà thôi. Điều đó có nghĩa là, nơi đây còn có nhiều hoàn cảnh đang đợi chờ, mong mỏi được giúp đỡ.

Đôi bàn tay gầy gò của chị MaRư siết chặt tay anh Thành, Trưởng Hội từ thiện không buông như sự cậy nhờ thiết tha. Nghe anh hứa sẽ về Sài Gòn vận động, đi xin quà rồi trở lại tặng cho bà con, chị MaRư không ngớt nói lời xin nhờ mọi người giúp đỡ. Chị bế đứa con nhỏ đau bệnh của mình ra tận sân tiễn chân mọi người, xe chạy một đoạn xa nhưng chị vẫn đứng nhìn theo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày