GN - Mười bốn người mẹ từ “bến không chồng” này đã viết nên những trang cổ tích rất đỗi bình dị mà thiêng liêng. Họ đã dang đôi tay chở che hết những đứa trẻ bất hạnh với tình yêu thương vô bờ…
Bến đỗ của tình thương
Làng SOS Quy Nhơn nằm ở phường Nhơn Bình, cách trung tâm TP.Quy Nhơn tầm 5km, gồm 14 gia đình, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2010. Đây là nơi cưu mang và nuôi dưỡng hơn 100 mảnh đời trẻ thơ lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi… Mái ấm ấy là “bến đỗ” bình yên, nơi có tình yêu của mẹ, nơi những phận đời thơ trẻ thiếu may mắn có cơ hội trưởng thành.
Ở đây, mỗi người mẹ giáo dưỡng khoảng 10 trẻ trong một mái ấm được gọi tên là “gia đình thay thế”. Mỗi gia đình như thế có một cái tên riêng khá dễ thương như: gia đình Hoa Mai, gia đình hoa Thược Dược, gia đình hoa Thủy Tiên…
Nơi có tình yêu của mẹ, nơi những phận đời thơ trẻ thiếu may mắn có cơ hội trưởng thành
Ở đó, những người mẹ ngày ngày âm thầm thắp lên ngọn lửa yêu thương. Họ là những người phụ nữ tình nguyện không lấy chồng để suốt quãng đời còn lại toàn tâm toàn ý chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa con không phải do mình sinh ra. Theo thời gian, số phận đã gắn kết họ lại với nhau trong tình mẫu tử.
Nhiều trẻ được đưa đến Làng với những xung đột tâm lý phức tạp và rất khó hòa nhập. Những người mẹ phải cố gắng làm sao để trẻ có cảm giác như đang sống trong chính ngôi nhà của mình, có tình thương của mẹ và các anh chị em. Các mẹ ở đây cho biết, đó là cả một quá trình đầy thách thức, nếu không có sự kiên nhẫn và tình yêu dành cho con trẻ thật sự thì sẽ phải bỏ cuộc.
Chị Lê Thị Ngọc Bích, người mẹ đại diện của Làng bộc bạch: “Ngày đầu vào Làng bỡ ngỡ lắm. Cái gì cũng phải học. Từ cách cho con ăn đến thay tã, tắm rửa, mọi thứ cứ rối bù lên. Cũng có mấy người vào làm một thời gian nhưng rồi không chịu nổi phải bỏ đi. Cái cốt yếu là phải xem tụi nhỏ như con đẻ của chính mình thì mọi thứ đều làm được hết. Nếu không có tình yêu thương thì nơi đây đâu khác nào một trại giáo dưỡng…”.
Mỗi gia đình ở Làng mang tên một loài hoa, như hàm chứa mong ước luôn tỏa sắc hương làm đẹp cho đời. Trong gia đình hoa Thược Dược, hình ảnh người mẹ đã ngoài bốn mươi tuổi Trần Thanh Loan đang chăm cùng lúc hai đứa con nhỏ, bên cạnh những đứa con lớn hơn, khiến nhiều người không khỏi khâm phục. Chị Loan kể trong ngôi nhà của chị có hai đứa con bị bỏ rơi tại cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định hồi tháng 3-2015.
Con được đưa vào Làng và chị nhận nuôi từ lúc còn đỏ hỏn đến tận bây giờ và tên hai đứa trẻ trong giấy khai sinh được mang theo họ của chị Loan. “Chăm con nhỏ đã khổ, những lúc chúng ốm đau bệnh tật lại càng vất vả hơn. Chỉ với tình yêu đong đầy của một người mẹ mới có thể sốt sắng, lo lắng cho con mình. Chúng tôi đã là một mái ấm thật sự, không có bất kỳ rào cản, cách ngăn nào nữa”, chị Loan tâm sự.
Giống chị Loan, hầu hết các mẹ nơi đây đều nhận nuôi những trẻ nhỏ bị bỏ rơi từ khi còn đỏ hỏn. Chị Thủy nuôi cậu bé Minh, chị Oanh nuôi bé Yến, chị Đức nuôi bé Thảo, chị Bích nuôi bé Tuấn Tú…
Làm mẹ ở Làng, các chị phải chấp nhận “dậy sớm, ngủ trễ”, lo tất tần tật từ cơm áo, giặt giũ đến dạy dỗ, uốn nắn và ứng xử sao cho công bằng, để các con cảm nhận được yêu thương và có thể phát triển bình thường. Trải qua biết bao gian nan, có những đứa con lớn lên đã hiểu chuyện, thương mẹ và chăm ngoan.
Mẹ ơi!
Tại Làng trẻ này hiện có 14 nhà gia đình, 147 trẻ, 1 lưu xá. Từ lâu, những người mẹ chẳng còn trông ngóng đến hai ngày nghỉ phép trong tháng như lúc mới bắt đầu vào Làng nữa. Ở đây, họ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc giản đơn của một người mẹ.
Các mẹ chỉ cần các con lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ, yêu đời, nhìn thấy những nỗ lực, cố gắng học hành của các con, hay chỉ giản đơn với hai tiếng gọi “Mẹ ơi!” từ các con thôi cũng làm họ hạnh phúc ngập tràn.
Những cháu ở Làng được các mẹ chăm sóc chu đáo
Chị Ngô Thị Đức không giấu được cảm xúc của mình khi chia sẻ những câu chuyện xoay quanh cảnh đời của các con mình: “Sau một thời gian dài gần gũi, cảm thấy đủ tin tưởng, nhiều đứa con thủ thỉ chuyện trước đây của nó mà tôi không cầm được nước mắt. Trong số mấy con của tôi, có đứa ba ruột bị bệnh tâm thần, mẹ bỏ đi, chỉ còn ông bà ngoại tuổi cao sức yếu không thể chăm sóc.
Con được nhận vào đây ở với tôi đã hơn 5 năm nay, hiện giờ đang học lớp 9, phụ giúp tôi được nhiều việc. Mẹ con hiểu nhau, dìu dắt nhau qua tháng ngày buồn vui. Thương lắm!”.
Khi được hỏi về điều mang lại niềm vui và hạnh phúc lớn nhất cho mình trong những tháng ngày ở Làng, chị Đức cho biết: “Niềm vui lớn nhất đối với tôi không gì khác là lần đầu tiên được các con gọi là mẹ. Cảm giác thật hạnh phúc. Đến bây giờ, tôi nghĩ chính mình đã sinh ra cả chục đứa trẻ ấy chứ không phải một ai khác…”.
Cũng như chị Đức, chị Trần Thị Kim Oanh, gia đình hoa Thủy Tiên cũng đầy ắp kỷ niệm với các con. Chị là người đã nhận chăm sóc cháu Nguyễn Anh T., cậu bé bị bố mẹ ngược đãi. Từ khi còn rất nhỏ, T. đã hứng chịu biết bao đau thương do sự nhẫn tâm và vô trách nhiệm của người lớn. Mười tuổi, cháu vẫn chưa được cho đi học, phải sống trong cảnh đòn roi và quát tháo của cha và dì ghẻ. Chỉ đến khi chính quyền địa phương can thiệp, cháu mới được đưa đến Làng vào ngày 25-8-2012.
Lúc ấy, T. ở trong tình trạng rất khó hòa nhập với mọi người xung quanh. Mặc cảm quá khứ, T. cứ lầm lì không nói chuyện không giao tiếp suốt một thời gian dài, nhưng rồi cảm nhận được tấm lòng yêu thương của mẹ Oanh, T. bắt đầu mở lòng hòa nhập cùng gia đình mình. Đến một ngày, chị Oanh như vỡ òa trong hạnh phúc khi nghe cậu nhóc thỏ thẻ: “Từ nhỏ đến giờ chưa ai đối xử tốt với con như mẹ Oanh cả…”.
Trong ánh ráng chiều đang phủ xuống ngôi làng đặc biệt này, chị Oanh vẫn ngồi đó tâm sự với những đứa con của mình. Ở một khoảnh sân trống giữa Làng, những đứa trẻ tung tăng quanh trái bóng tròn, xung quanh sân những đôi mắt háo hức dõi theo, những búp tay non vẫy xòe thích thú, những đôi má phụng phịu, tiếng gọi nhau í a í ới…
Cuộc sống nơi đây yên bình đến lạ thường, như một thiên đường cổ tích. Ở đó, phép mầu đã chạm đến những mảnh đời bé nhỏ sớm bị chụp lên bao bất hạnh và biến cố cuộc đời.