GN - Trường Sa, Hoàng Sa là động mạch, là máu thịt của dân tộc. Mỗi một người Việt
Hãy tin và xem lại những gì khi ta đến và rời khỏi nơi này, đó là gửi thêm sức sống và niềm tin cho những con người ở đảo xa hay chính chúng ta, khi trở về đã được thắp lên thêm niềm tin và sức sống từ những nơi đầu sóng, ngọn gió...
TT.Thích Giác Nghĩa với người dân trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: Hạnh Ý
Đến thăm Trường Sa vào những ngày tháng 5, biển khá êm, thế nhưng, lần đầu tiên đi tàu, trải qua 2 ngày, 2 đêm lênh đênh trên biển, không ít lần sóng ngầm làm tôi say rã rời. Vậy mà, khi bước chân đến đảo đầu tiên, tôi nhận ra, cái cảm giác mệt mỏi do say sóng không là gì so với sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ, người dân, chư Tăng đã và đang sinh sống nơi đầu sóng ngọn gió này, bởi vì tất cả mọi người sống ở đây đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ - vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Quần đảo Trường Sa, có những ngôi chùa sừng sững hiên ngang hướng ra biển Đông. Trên các ngôi chùa Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Phật pháp đã và đang phát triển; còn trên đảo Nam Yết, Sơn Ca, các ngôi chùa cũng đang trong giai đoạn trùng tu.
Nơi đâu có chùa thì nơi đó có Phật tử và đặc biệt là các thầy trụ trì. Các thầy đến đảo hoằng pháp đều ý thức về trách nhiệm công dân rất lớn; quý thầy luôn gắn tâm hồn của mình với đảo, cùng sống chung, tu học, hoằng pháp và gieo hạt từ tâm.
Từ Song Tử Tây và Sinh Tồn
Giới thiệu với đoàn công tác khi bước chân lên đảo Song Tử Tây, Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: “Ở đảo này, không chỉ riêng gì người dân, trẻ con mà ngay cả các anh bộ đội, chiến sĩ cũng thường đến chùa Song Tử Tây lắm. Ở đây, ai ai cũng quý mến, xem thầy Thích Thánh Thành, trụ trì chùa hiền như… ‘ông Bụt’ vậy”.
Tìm đến chùa Song Tử Tây, hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp đó chính là thầy Thánh Thành đang lui cui dưới bếp, cùng bà con Phật tử đảo Song Tử Tây chuẩn bị các món ăn để tiếp đón đoàn công tác đến thăm. Cổng tam quan chùa Song Tử Tây nước biển ăn mòn dần những cây cột gỗ, dưới cái nắng gắt cháy thịt, cháy da, đoàn công tác ai cũng phải đỏ người, đen sạm; đến nỗi cây đặc thù ở Trường Sa là cây bàng vuông trước phong ba cũng khó nở hoa.
Theo người dân sống nơi đây thì thầy Thánh Thành dễ gần và sống bao dung với bà con lắm. Thầy chịu thương, chịu khó, sống rất đạm bạc. Anh Trần Ngọc Tài, lính đảo Song Tử Tây cho biết: “Từ ngày tôi ra đây công tác đến bây giờ, chưa ngày nào thấy thầy để chùa vắng tiếng chuông, tiếng tụng kinh cho dù ngày đó thầy bệnh. Khuya, quân dân dậy là thầy dậy. Đến giờ công phu là thầy nghiêm trang có mặt tại chánh điện để tụng kinh cùng bà con Phật tử. Học theo hạnh nguyện của thầy, nên bà con nơi đây, dù bận cách mấy, ngày nào cũng rủ nhau đến chùa cùng thầy tụng kinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, quân dân ta sống ở quần đảo Trường Sa được bình yên, hạnh phúc”.
Còn tại đảo Sinh Tồn, thầy trụ trì Thích Minh Huy luôn xắn tay áo cùng lính đảo xây dựng những công trình. Ở đây, dân, quân đã quen với hình ảnh thầy mặc bộ đồ lam, đi lao động. Trước cổng tam quan chùa Sinh Tồn, chúng tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy bon sai, phối cảnh Đức Bổn Sư đích thân thầy đã tạo ra.
Thầy Minh Huy tâm sự: “Cuộc sống tu học có một mình, ăn mì cho nó gọn, đỡ cực mọi người nấu nướng cho mình”. Thầy quan niệm, đến đảo là để cống hiến chứ không phải đến để được phục vụ nên những gì mình làm được thì tự làm; có thời gian thì phụ lính, phụ dân.
Đến Trường Sa Lớn
Nếu ở Song Tử Tây và Sinh Tồn, mọi người đều quý thầy trụ trì, thì ở Trường Sa Lớn cũng vậy. Vừa bước chân lên đảo, hình ảnh đẹp mà ai cũng thấy đó là: quân, dân, trẻ em trên đảo từ lớn đến bé đều nở nụ cười tươi để đón thầy trụ trì về sau chuyến công tác Phật sự nơi đất liền. Điều mà ai cũng ngạc nhiên, đó là tất cả trẻ em trên đảo đều gọi TT.Thích Giác Nghĩa với cái tên trìu mến là “sư phụ”. Các anh lính đảo cũng gọi thầy như thế.
Thầy Thích Thánh Thành - trụ trì chùa Song Tử Tây thỉnh đại hồng chung - Ảnh: H.Ý
Theo cô Bùi Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Trường Sa thì: “Thầy Giác Nghĩa sống tình cảm lắm. Thầy như cha, là chỗ dựa tinh thần cho người dân khắp đảo. Những ngày không có thầy ở đảo, mặc dù vẫn có các anh dân quân lên chùa đánh chuông và tụng kinh, nhưng cảm giác không ấm áp bằng khi có thầy. Trẻ nhỏ, đứa nào cũng trông thầy hết. Nghe tin thầy về là đêm đó nó không ngủ được. Lên lớp học, đứa nào cũng hỏi cô ơi, bao giờ sư phụ con về vậy cô. Thầy về, các em như bầy chim vỡ tổ vậy. Gần gũi với thầy, các em trên đảo ngoan lắm. Lúc thầy hành trì bộ kinh Pháp hoa, 1 chữ 1 lạy, nguyên năm ròng, ngày nào các em cũng đến xem sư phụ lễ Phật.”
Sống nặng tình, nặng nghĩa thế nên Phật tử trong đất liền hay biển đảo ai cũng muốn có thầy bên cạnh. Xúc động nhất là khi chứng kiến hình ảnh đệ tử nơi đất liền tháp tùng thầy Giác Nghĩa ra biển đảo; lúc mọi người phải về đất liền, thầy ở lại Trường Sa Lớn thực hiện nhiệm vụ Giáo hội giao phó, đệ tử của thầy trong đoàn đi cùng đã khóc.
Anh Lương Xuân Giáp, chính trị viên phó đảo Trường Sa Lớn cho biết: “Từ ngày thầy đến với đảo, thầy đã làm rất nhiều việc tốt đời đẹp đạo. Trong vòng 1 năm, thầy đã quy y cho hơn 150 bộ đội; quyên góp cho Trường Sa Lớn hơn 2 tỷ đồng. Ngày nào thầy cũng gần gũi, trò chuyện, động viên mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những bài giáo lý của thầy giảng không những gắn kết mọi người mà còn làm cho mọi người thấy yêu hơn Tổ quốc và tha thiết với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có ngư dân nào mắc nạn trên vùng biển quản lý là thầy lấy tiền Nhà nước hỗ trợ thầy để giúp bà con. Thầy thường xuyên tổ chức lễ cầu an, lính và dân nơi đây hầu như tham gia đầy đủ. Có thầy, có chỗ dựa tâm linh nên mọi người có thêm dũng khí bảo vệ vùng trời, vùng biển của ta”.
Những ước vọng, gửi gắm
Đến với đảo, hành trang mà những người con Phật xuất gia mang theo đơn giản chỉ là y, bát, kinh sách Phật học. Mục đích đến đảo là để cống hiến nên không có khái niệm “cực” hay “sướng” trong tư tưởng của quý thầy. Mặc dù, trong các ngôi chùa, chỉ riêng chùa Song Tử Tây là có phòng Tăng, gắn liền với chùa, còn những chùa còn lại, thầy trụ trì phải ở văn phòng. Thầy Giác Nghĩa chỉ gửi gắm nguyện vọng Giáo hội Phật giáo xúc tiến thành lập Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Trường Sa để hợp thức hóa, khẳng định hạ tầng cơ sở pháp lý, để công tác Phật sự trên quần đảo được mạch lạc, vững chắc hơn nữa.
TT.Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa Lớn tha thiết: “Giờ đất nước mình đã và đang phát triển; các công tác quản lý chùa chiền, bổ nhiệm của Giáo hội ngày càng được nâng cao, hoàn thiện … thế nên việc thành lập BTS GHPG nơi biển đảo là rất cần thiết. Đối với người tu sĩ như tôi nói riêng, các thầy đến Trường Sa trụ trì nói chung, lúc nào cũng mong mỏi công tác Phật sự được viên thành, cơ sở pháp lý được khôi phục, các chùa được trùng tu vững chắc để khẳng định với bạn bè quốc tế rằng: Trường Sa là của Việt Nam, nơi mà người Việt luôn muốn bình an với tiếng chuông chùa ngày nào cũng vang vọng muôn nơi”.
Trước nguyện vọng chính đáng ấy, ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đã cảm kích chia sẻ: “Ban Tôn giáo Chính phủ lúc nào cũng tạo điều kiện, ủng hộ nguyện vọng chính đáng của thầy Giác Nghĩa. Vì quý thầy đã không ngại khó, ngại khổ để làm được nhiều việc cho quê hương của mình. Chỉ cần Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn tất công văn, thủ tục, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ giúp hết mình, thực hiện đúng chức năng để giá trị pháp lý của Phật giáo huyện Trường Sa được khẳng định trong hệ thống GHPGVN. Trường Sa là của Việt
Hạnh Ý
___________________________________________________________
Kỳ 2: Tấm lòng công dân, lính đảo