Những người trẻ giàu nghị lực - Kỳ 2: Người chị 17 tuổi “gánh” ước mơ của 5 đứa em thơ

Phút giây hạnh phúc của Thúy khi chăm em út 1 tuổi
Phút giây hạnh phúc của Thúy khi chăm em út 1 tuổi
0:00 / 0:00
0:00
GNO - 17 tuổi, lứa tuổi đáng lẽ chỉ tập trung cho việc học thì em Phan Thị Thu Thúy (thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận, tỉnh Ninh Thuận) phải vừa đi làm để nuôi chữ, vừa phụ cha mẹ nuôi các em, có khi phụ bà nội lo cho ông nội bị tai biến nằm một chỗ.

Rất nhiều lần một mình em phải đương đầu, tự xoay xở những việc ngoài tầm với của một em học sinh, nhưng khi hỏi có bao giờ trách hay hờn giận cha mẹ không, vài phút đắn đo suy nghĩ, Thúy trả lời: dạ, không.

“Nhưng em luôn muốn học…”

Trong lá thư gửi đến Báo Giác Ngộ, Thúy viết: “Em rất thích đi học và muốn đến trường. Bởi vì trong cuộc sống này cho dù mình có khó khăn hay là có bị vấp ngã hay gì thì chỉ có đi học và mỗi ngày đến trường là một niềm vui, một niềm hạnh phúc.

Đi học có thầy cô giảng dạy mình hiểu về nhiều điều tốt nhiều điều hay. Chỉ có đi học mới có thể giúp cho em và tương lai em sẽ tốt hơn sau này em sẽ có một công việc, một nơi làm việc ổn định để giúp cho em thoát khỏi cảnh khó khăn, giúp đỡ ba mẹ em và gia đình em nữa”.

Nhà Thúy có 6 chị em. Thúy là chị cả, năm nay 17 tuổi, dưới là em trai 15 tuổi đã nghỉ học, đang đi làm phụ hái dừa cho chú hàng xóm. Em gái 13 tuổi cũng nghỉ học, đang làm công cho cửa hàng bán vé số. Đứa em gái kế nữa 11 tuổi cũng nghỉ học đi theo ba mẹ làm thuê. Hai đứa em kế vừa lên 3 và tròn 1 tuổi. Cả nhà chỉ có mình Thúy đi học.

17 tuổi đáng lý phải học lớp 11, nhưng chỉ vừa kết thúc kỳ thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, Thúy lý giải: “Vì em đi học muộn, gia đình khó khăn. Nhưng em luôn muốn học, không muốn nghỉ”.

Thúy kể, vì gia đình quá khó, không có chi phí đóng tiền học, nhiều khi em phải suy nghĩ và áp lực rất nhiều. Có khi em tính đến chuyện nghỉ học để đi làm phụ cho ba mẹ và giúp cho ba mẹ một phần nào đó. Nhưng rồi, nghĩ đi lại nếu bây giờ mình không có cái chữ thì làm sao có thể sau này mà có công việc để chăm lo cho các em và ba mẹ. Cho nên hàng ngày em vừa đi học vừa đi làm thêm một công việc nào đó để có thể giúp cho ba mẹ và mình được đến lớp.

Sáng em đi học, buổi chiều em qua nhà cô hàng xóm phụ dọn dẹp nhà cửa, quét nhà, lau nhà, rửa chén. Phụ như vậy một ngày cô cho 10 ngàn hoặc 20 ngàn. Số tiền đó Thúy để dành mua đồ cần thiết và tự trang trải hàng ngày. Em cũng tự dành dụm để đóng các khoản học phí, em không phải xin ba mẹ, hay bà nội.

Đi qua những ngày giông bão

Trong khi các bạn cùng lớp lo thi không đậu, học lực yếu, thì Thúy lại có nỗi sợ khác biệt mà ai trong hoàn cảnh em cũng hiểu: “Em sợ nhất là chi phí học tập. Em sợ em lên cấp 3 đóng tiền học nhiều, vì ba mẹ cũng phải lo cơm áo cho gia đình và các em nhỏ nữa nên sẽ không cho em đóng tiền học. Em có một ước mơ nho nhỏ là gia đình sẽ vượt qua khó khăn, đoàn tụ, hạnh phúc bên nhau và sẽ sớm sống chung một ngôi nhà”.

Ba mẹ thì đi làm xa, Thúy sống chung với nhà ông bà nội. Ông nội bị bệnh tai biến mấy năm nay, đang ở bệnh viện để bác sĩ châm cứu, điều trị. Hàng ngày nếu như bà nội không đi làm cỏ thuê cho người ta thì bà sẽ nấu cơm đem vào cho ông. Nếu ngày nào bà đi làm công xa, không thể chạy về kịp thì Thúy sau giờ học phải nấu cơm, mượn xe đạp chạy vào bệnh viện lo cơm nước cho ông nội.

Vì làm thuê bữa có bữa không, tiền bà nội dành hết lo cho ông nên không thể lo cho Thúy. Ngoài gạo từ thiện thì mắm, muối, bột ngọt đều phải mua cho từng bữa. Có khi tiền điện nhiều tháng liền không có tiền đóng, Thúy cũng không dám đốt đèn ban đêm để học bài. Mỗi ngày em đều phải chạy nước rút, vừa làm công xong cho người ta là tranh thủ học, học khi trời còn sáng để tiết kiệm tiền điện. Nhiều khi thấy cháu như vậy, bà nội dù thương đứt ruột nhưng cũng chỉ có thể động viên.

Thúy bên cạnh bà nội trong căn nhà chắp vá

Thúy bên cạnh bà nội trong căn nhà chắp vá

Khi được hỏi tế nhị, những lúc khó như thế này có khi nào em giận ba mẹ không, suy nghĩ phút chốc em thiệt thà nói: “Dạ ba mẹ làm như vậy cũng đều có lý do ba mẹ. Cuộc sống nó như vậy nên nhiều khi em cũng buồn lắm nhưng em suy nghĩ lại, ba mẹ nào cũng yêu thương con cái không muốn con phải chịu khổ cực hết mà do là số phận nó như vậy nên em không có oán hay hận gì ba mẹ cả, mà em thấy thương ba mẹ nhiều hơn nữa”.

Thúy lý giải thêm, ba mẹ của em rời nhà, dẫn theo ba đứa em đến nơi khác làm ăn. Mẹ đi làm cá khi có người thuê, khi không ai thuê thì bán vé số trong cái nắng đổ lửa. Ba của em đi làm hồ, khi thất nghiệp thì ai kêu gì làm nấy, vất vả vô cùng. Số tiền ba với mẹ kiếm không được là bao, đó là lý do vì sao Thúy từ chối tiền ba mẹ cho: “Các em cần phải có tiền mua sữa, nếu em lấy tiền của ba mẹ thì em 1 tuổi không có sữa uống, đứa em 11 tuổi và 3 tuổi sẽ không có cơm ăn. Em có thể chịu cực còn các em nhỏ của em nữa”, trong vai người chị của các em thơ, Thúy suy nghĩ sâu sắc như thế.

Và, có đôi khi tiền dành dụm được Thúy cũng nhín ra cho em mình cái kẹo, cái bánh. Dù quà bánh không nhiều nhưng đủ để cảm nhận tình thương mà Thúy dành cho các em của mình. Ước mơ và mục tiêu của Thúy cho tương lai cũng gắn liền với bọn trẻ: “Cố gắng học để sau này phụ ba mẹ lo cho hai đứa em nhỏ đi học cho đàng hoàng, để các em đỡ nhọc hơn và để đưa cả gia đình đến gần hơn ánh sáng, để thoát nghèo, thoát khổ”.

Kỳ 3: Cô gái xương thủy tinh thắp niềm tin cho người khuyết tật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày