Những tấm lòng phía sau trang báo

Một năm qua gắn với mảng công tác từ thiện xã hội, tôi nhận được nhiều sự chia sẻ, đồng cảm và niềm vui phía sau trang báo. Đây là mảng được nhiều bạn đọc quan tâm, đặc biệt ấn tượng với những tấm lòng đầy trân quý, đầy nhân bản của bạn đọc, qua đó giúp chúng tôi làm nhịp cầu tương tác thân thiết giữa bạn đọc với những số phận không may còn nhiều lắm giữa dòng đời...

Từ nhân vật của mục “Mở rộng lòng từ” trở  thành người bán báo, đó là bác Phương, nhân vật đăng trên GN 487 vì hoàn cảnh quá khó khăn với người vợ bị tâm thần nhẹ, một con gái bị bại liệt và hai đứa con khác còn đi học. Bản thân bác Phương là người kém may mắn, trong một lần đi cuốc đất thuê bị mìn nổ đã cướp đi ánh sáng của đôi mắt và tay trái. Nhưng với trách nhiệm của một người trụ cột gia đình, bác đã làm đủ nghề để nuôi sống gia đình. Sau khi hoàn cảnh của bác Phương được đăng báo, nhiều độc giả đã đến tận tòa soạn chia sẻ và chung tay hỗ trợ tổng số tiền trên 13 triệu đồng. Đó là số tiền khá lớn đối với bác Phương, nó giúp gia đình trang trải, chữa bệnh cho vợ con, trả tiền nhiều tháng thuê nhà còn nợ và nhiều khoản chi tiêu khác.

baogiacngo-1.gif

PT.Diệu Thư hơn 10 năm dành dụm tiền lương hưu giúp đỡ những nhân vật
khó khăn trên mặt báo

Cảm động trước sự chia sẻ của bạn đọc, bác Phương đã trở thành người bán báo Giác Ngộ, mỗi tuần ra báo, bác phát hành từ 50 đến 100 tờ. Bác tâm sự, mỗi ngày với cây gậy dẫn đường bác rong ruổi khắp nơi để bán báo Giác Ngộ, bởi lẽ: “Trước khi biết báo Giác Ngộ, tôi cũng đã biết đến chùa và Phật pháp. Bán báo Giác Ngộ ngoài kiếm thêm thu nhập chính tôi còn mong muốn mọi người biết đến tờ báo và qua đó giúp họ tìm hiểu Phật pháp nữa”. Nhà trọ của gia đình bác Phương ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Diệu, quận 4 nhưng mỗi ngày bác lặn lội đi bộ đến các khu vực chợ Bến Thành, chùa Bà, chợ Bàn Cờ, chợ Bồn Nước, Vườn Chuối… để bán báo dạo. Bác nói, dù có bán thêm vé số nhưng bao giờ bác cũng ưu tiên bán báo Giác Ngộ hết rồi mới bán vé số.

Với số tiền ít ỏi kiếm được hàng ngày, bác đã nuôi nấng cả gia đình và lo cho hai đứa con còn đi học. “Là một người khiếm thị đi bán báo, vé số dạo có lúc cũng bị người ta chế giễu, đuổi xua nhưng tôi vẫn một mực thấy đây là nghề chân chính, mình làm với sức lao động của mình”, bác tâm sự.

Nhờ những người tận tâm như bác Phương, tờ Giác Ngộ đã đến mọi ngõ ngách, thông tin trên tờ báo chuyển tải cũng nhờ đó đến với từng nhà, từng người. Nhiều độc giả mới đến với Báo Giác Ngộ và nhiều tấm lòng hảo tâm của bạn đọc đã đến chia sẻ với những thân phận trên mặt báo cũng từ những nhân duyên như thế.

Đó là Những con heo đất no đầy của hai đứa bé hơn 10 tuổi ở Q.Phú Nhuận mang đến Ban TTXH Báo Giác Ngộ để chia sẻ với những người bệnh nặng. Số tiền dành được từ những đồng bạc lẻ mà mẹ của hai bé bán ve chai, hoặc đi chợ còn thừa cho và bé nhịn ăn sáng để dành vào con heo đất. Cứ khi nào đầy thì mang đến tặng nguyên con heo đất cho những nhân vật bị bệnh nặng trên mục “Mở rộng lòng từ”  và nhờ các vị ở Ban TTXH Báo Giác Ngộ tự đập heo. “Mẹ (chị Ngụy Lai-NV) dành dụm những đồng bạc lẻ cho con bỏ vào heo đất khi đầy thì mang đến tòa soạn tặng cho người nghèo bị bệnh để làm phước. Bao giờ con cũng ghi tên của mẹ để mong mẹ được mạnh khỏe. Con rất thích làm như vậy”, bé nói.

Cũng từ thông tin trên báo Giác Ngộ, Phật tử Diệu Thư (83 tuổi), một độc giả lâu năm của báo đã dành dụm từ tiền lương hưu giáo viên để tặng cho bệnh nhân nghèo. Từ hơn 10 năm qua, cứ hai ba tháng, có khi hai ba tuần bà lại thuê xe ôm hoặc nhờ cháu chở đến tận tòa soạn để gởi tiền cho bệnh nhân nghèo. Bà nói mình không có gia đình riêng nhưng có nuôi cháu ruột giờ lại có hai cháu nội rất ngoan. Bà tin mình sống hiền lành và nhân duyên làm một Phật tử nên dù đã lớn tuổi nhưng vẫn cố gắng làm việc thiện dù là nho nhỏ thôi để tích đức cho hai cháu nội là Pháp Tâm và Pháp Thiện.

baogiacngo-2.gif

Cụ Huỳnh Thị Mai trở thành độc giả dài hạn từ

nhân duyên là nhân vật của “Mở rộng lòng từ”

Hơn ai hết, là người trực tiếp tiếp nhận những tấm lòng của bạn đọc, chúng tôi rất xúc động và nó tạo nên động lực để chúng tôi tiếp tục làm chiếc cầu nối thông tin giữa tòa soạn và bạn đọc, giữa bạn đọc và nhân vật trên mặt báo. Có những nhân duyên rất bất ngờ và thú vị làm chúng tôi nhớ mãi. Đó là cụ Huỳnh Thị Mai (86 tuổi) già cả neo đơn, mù một mắt, thêm bị tật ở chân không đi lại được, có một con gái bị bệnh tâm thần bỏ nhà đi mất nên cụ sống một mình. Hoàn cảnh của cụ Mai đã được bạn đọc khắp nơi quan tâm, có người tìm đến tận nhà, có người tìm đến tòa soạn để chia sẻ và gởi tiền giúp cụ sinh sống, số tiền lên đến hơn 35 triệu đồng. Nhưng khi đại diện bạn đọc đến nhà trao tiền thì cụ nhất định không nhận mà dành số tiền đó chuyển cho người bị mất nhà cửa vì lũ lụt ở miền Trung. Cụ nói: “Nghe báo Giác Ngộ từ mấy chục năm trước nhưng chưa đủ duyên nên giờ mới thấy được tờ báo, à mà bạn đọc Giác Ngộ sao tốt quá, cho tiền tui nhiều vậy?”, rồi cụ lấy chiếc kính hiển vi nhỏ xíu ra dò, đọc to từng chữ một. Và nhờ vào sự hỗ trợ của Ban TTXH, từ đó cụ trở thành độc giả dài hạn của báo Giác Ngộ.

Chiếc cầu nối ấy ngày càng có nhiều tấm lòng nối dài và rộng thêm những nhịp vui bởi tình thương và sự chia sẻ. Từ thông tin của bài báo “Những mảnh đời bên bến sông” viết về 47 cụ già neo đơn đa số bị bệnh mãn tính đang nương náu dưới mái ấm tịnh xá Ngọc Quang, quận 8, bác sĩ Phong, bác sĩ Khê của Phòng khám Nhân Đức (Q.Phú Nhuận) cùng với Đại đức Phương Bình, Huệ Lưu và những bạn trẻ quen nhau trên blog đã đến khám bệnh, thăm nom, trò chuyện với các cụ. Và cứ thế, hai tuần một lần, nhóm lại đến tái khám, tặng sữa, chăn ấm, thuốc men, máy đo huyết áp… Mới đây, bác sĩ Phong gọi điện cho tôi tâm sự: “Phòng khám không nỡ xa các cụ được, nhóm quyết định điều trị cho các cụ đến cùng, đến khi nào không còn bệnh mới thôi”.

baogiacngo-3.gif

          BS.Phong khám bệnh cho người neo đơn tại Mái ấm TX.Ngọc Quang (Q.8)

Những món quà kỳ diệu của cuộc sống như thế luôn lan tỏa một sức tinh thần to lớn, giúp nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục bước tới, vượt qua nghiệp lực nặng nề, tìm vui trong niềm tin Phật pháp. Và với người làm báo đó là sự chia sẻ, cảm thông và tạo nên động lực, tiếp sức cho chúng tôi tiếp tục vượt qua cái khó, cái khổ tìm kiếm những thông tin đắt giá chuyển đến cho bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hành trình đời người, sinh ra không mang gì theo và đến lúc đi cũng vậy, chỉ có nghiệp đã tạo thì theo mình như bóng với hình - Ảnh minh họa

Lòng tham không đáy

GNO - Mỗi chúng ta khi vừa lọt lòng mẹ đã cất những tiếng khóc thét oe oe chào đời. Tiếng khóc linh cảm tâm thức trẻ thơ, đỏ hỏn dường như dự báo về những ngày tháng rộng dài nỗi buồn vui, hy sinh, chịu đựng hay ân huệ hạnh phúc chờ đón trước mặt...
Áo tràng lam đi chùa lễ Phật - Ảnh minh họa

Bỏ áo tràng vào cốp xe máy được không?

GNO - Khi đi chùa, Phật tử chúng ta cần đem theo áo tràng, đến chùa mặc áo tràng vào để tham dự lễ. Phật tử luôn tôn trọng chiếc áo lễ, giữ gìn sạch sẽ, không để nhăn nhúm, mặc vào là trang nghiêm và thanh tịnh.

Thông tin hàng ngày