Niệm Phật trong đời thường

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1182 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1182 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với người Việt thì Phật giáo Bắc truyền có ảnh hưởng lớn nhất. Đa phần Phật tử Việt đều biết đến danh hiệu Phật A Di Đà và pháp môn Tịnh độ, nhiều người không phải Phật tử cũng biết và nói đến bốn chữ A Di Đà Phật.

Có thể nói hình ảnh và danh hiệu của Đức Phật A Di Đà phổ biến cùng khắp và sâu rộng.

Pháp môn Tịnh độ căn cứ chủ yếu vào ba kinh: kinh A Di Đà, kinh Vô lượng thọ và kinh Quán Vô lượng thọ. Đức Phật A Di Đà với bốn mươi tám đại nguyện độ sinh. Tông chỉ của pháp môn là: Tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên; cõi Ta-bà đầy ngũ trược cần phải chán bỏ để vãng sinh về cõi Cực lạc thanh tịnh của Phật A Di Đà. Niệm Phật là nghĩ, nhớ, tưởng đến dung quang tướng hảo, công đức, cõi nước thanh tịnh của Đức Phật A Di Đà. Niệm Phật là làm theo những lời dạy của Phật, ăn chay, giữ giới, làm thiện, bố thí, phóng sinh… Làm tất cả việc thiện, không làm việc ác, thân tâm thanh tịnh chứ không phải chỉ ngồi niệm suông!

Tôi học Phật, đến với Phật pháp cũng bắt đầu từ giáo điển Tịnh độ. Ông tôi, ba tôi và tôi vẫn thường thầm niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Ngoài công khóa mỗi cuối tuần, tôi vẫn thầm niệm danh hiệu Phật suốt trong quá trình làm việc, sinh hoạt trong đời sống, tất nhiên là những lúc nào có thể và những lúc nhớ, lúc giữ được chánh niệm. Niệm Phật chẳng cản trở gì công việc hoặc đời sống, thậm chí còn lợi ích và thuận tiện hơn nữa là khác (cũng còn tùy tính chất công việc). Thầm niệm và nhớ danh hiệu Phật giúp mình kiềm chế bớt những cảm xúc mạnh (quá giận hay quá phấn khích), giúp mình quan sát hoạt động các giác quan…

Không chỉ niệm Phật trong lúc làm việc, tôi còn niệm thầm danh hiệu Phật cả trong lúc tập thể thao, chạy bộ. Khi chú tâm vào câu Phật hiệu làm cho các giác quan bớt chụp bắt những cảnh trần bên ngoài. Có những lúc niệm quá nhập tâm làm quên đi cái mệt và vượt qua một quãng đường khá dài mà không hay biết. Cứ mỗi bước chân tương ưng với một chữ trong danh hiệu và đến khi chạy tăng tốc lên thì chỉ còn câu Phật hiệu chứ không còn đếm bước chân. Những hôm nào không chạy mà đi bơi thì cũng áp dụng niệm Phật trong lúc bơi, cứ mỗi sải tay là một câu Phật hiệu, nhờ thế mà bơi lâu và xa.

Nhân đây cũng xin chia sẻ thêm một tí về kinh nghiệm cá nhân: Tôi bị bệnh viêm khớp vai đã lâu, mỗi khi trở bệnh thì vai đau lắm, đau không nhấc cánh tay lên nổi, bác sĩ cũng bó tay, chỉ cho thuốc giảm đau hoặc kháng viêm mà thôi. Bác sĩ còn bảo không thể chữa hết. Qua một thời gian đi bơi, tôi vô tình phát hiện ra một sự kỳ diệu lạ thường, cứ như là phép mầu vậy.

Trong nhiều lần sau khi bơi về thì thấy hết đau, từ đó cứ mỗi khi vai đau thì tôi đi bơi, chỉ cần bơi hai buổi là cơn đau gần như biến mất, tay cử động dễ dàng. Nhờ đi bơi (và thầm niệm Phật trong lúc bơi) mà căn bệnh viêm khớp vai của tôi thuyên giảm và tôi cũng không còn phải uống thuốc giảm đau. Nói thì khó tin nhưng đây là sự thật! Tôi chẳng có lý do gì phải nói sai sự thật để nhận lấy quả báo xấu. Tuy nhiên hiệu quả và lợi ích của bơi lội có thể còn tùy từng cơ địa và nhân duyên của mỗi người.

Cuộc sống vẫn đều đều trôi qua, tôi vẫn ngày ngày đi làm, tập thể thao và vẫn thầm niệm Phật. Tôi cố gắng ở mức tốt nhất mà tôi có thể, tất nhiên là vẫn có lúc thất niệm và để thân tâm lăn theo dòng đời. Khoan nói vội đến chuyện “nhất tâm bất loạn” hay “vãng sinh”, niệm Phật giúp tôi bớt bốc đồng, kiềm chế được thân tâm, sống lạc quan và nhẹ nhàng hơn, giảm khá nhiều ham muốn đua đòi… Niệm Phật làm cho tín tâm tăng trưởng và kiên cố, tin sâu vào nhân quả, vững tin vào Phật pháp… Hàng đêm, trước khi ngủ cũng niệm thầm một lát, thế là đi vào giấc ngủ nhanh, dễ và êm.

Gần đây tôi nghe pháp và gặp một số người công kích pháp môn Tịnh độ, bài xích việc niệm Phật, thậm chí xuyên tạc “Làm gì có chuyện réo gào tên Phật để được Phật cứu độ!”. Các vị ấy cho Tịnh độ không phải Chánh pháp, do người Tàu chế ra… Niệm Phật là nghĩ, nhớ, tưởng đức tướng công hạnh của Phật chứ đâu phải réo gào tên Phật (?!) Niệm Phật là làm theo lời Phật dạy “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý” chứ đâu phải réo tên Phật để được độ!

Tất nhiên học Phật không chỉ là niệm Phật, mình phải biết căn bản cốt lõi Đức Bổn Sư Thích Ca dạy gì, nói gì, tỷ như: Tứ niệm xứ, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo... Ngay cái chữ “độ” cũng cần phải nói cho rõ ràng, ngoài độ tha còn tự độ; độ là chỉ đường, chỉ phương pháp, chỉ cách hành trì để đi đến bớt khổ, giảm khổ, hết khổ… Mình phải dấn thân mới đi đến được chứ không phải Phật chìa tay ra vớt hay kéo mình. Nếu những ai tinh tấn đến độ tự thân thoát hết phiền não, ràng buộc… thì xem như đến cõi tịnh ngay trong lúc còn sống vậy!

Ban đầu khi nghe công kích và bác bỏ Tịnh độ tôi cũng có hoang mang, sợ mình đi sai đường, không đúng Chánh pháp. Ba tôi cũng đem vấn đề này ra bàn với tôi, may thay, nhờ Phật gia hộ chúng tôi vượt qua những hoang mang của mình và vẫn tiếp tục niệm Phật trong đời. Tôi vui vì có được chút ít an lạc trong công việc và đời sống. Tôi và ba tôi vẫn tin tưởng ở Phật pháp và tiếp tục niệm Phật trong đời sống thường ngày.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày