Niềm vui còn lại của... 'người đưa đò"

GNO - Gần 10 năm không ngừng “thắp lửa”, Bếp ăn khuyến học của Hội Cựu giáo chức (HCGC) TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) đã kịp thời tiếp sức cho hàng ngàn học sinh nghèo có điều kiện tiếp tục đến trường.

Thành viên tham gia phục vụ bếp là những giáo viên về hưu tại địa phương, mái đầu điểm bạc nhưng những việc công ích xã hội, nhất là công việc gần gũi, chăm chút cho học trò vẫn là niềm vui và lẽ sống của những người trót mang sứ mệnh “trồng người”…

Từ gần 10 thành viên ban đầu (năm 2010), đến nay bếp ăn đã có 36 cô giáo về hưu tuổi từ 56 đến trên 70 tham gia, được chia thành 6 nhóm luân phiên trực từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Ngoài ra, Hội CGC TP.Sa Đéc còn có một nhóm tham gia phục vụ cơm cháo, nước sôi cho bệnh nhân tại Tổ Từ thiện, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc.

hxh 975.JPG

Các cô giáo về hưu chuẩn bị bữa ăn cho học trò nghèo - Ảnh: Thanh Tuyền

Nhóm này do một số thành viên của bếp ăn tự nguyện thành lập. Mỗi ngày, bình quân bếp ăn phục vụ 150 suất cơm trưa cho học sinh nghèo, nhà xa trường, kinh phí tài trợ từ Công ty TNNHH Cỏ May và các mạnh thường quân.

Từ năm 2016, mỗi ngày bếp ăn khuyến học còn phục vụ 200 suất cơm trưa cho người bán vé số dạo trên địa bàn thành phố, chi phí do Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp tài trợ.

Cô Phạm Thị Tùng Trinh, sinh năm 1961, giáo viên Trường Tiểu học Tân Khánh Đông 3, xã Tân Khánh Đông tham gia bếp ăn ngay sau khi về hưu năm 2016. Cô hiện là nhóm trưởng của hai nhóm trực thứ Tư, thứ Sáu và là tình nguyện viên của hai nhóm trực thứ Hai, thứ Bảy. Hàng ngày, cô đi về trên đoạn đường hơn 10 cây số đến bếp để cắt gọt rau củ, phụ tiếp chia cơm, phát cơm.

Cô chia sẻ : “Ông xã tôi mất năm 2005, ba con đều trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Lúc mới nghỉ hưu, tôi định đi nhận hột sen về lột gia công cho đỡ buồn nhưng các con không đồng ý. Từ khi đến bếp ăn, tuy bận rộn nhưng tôi cảm thấy thoải mái vì tìm được niềm vui cùng chị em đồng nghiệp”.

Với cô Nguyễn Thị Đỉnh, sinh năm 1948, giáo viên Trường Tiểu học Bình Tiên, xã Tân Bình (H.Châu Thành, Đồng Tháp) thì về hưu năm 2003. Cô sống độc thân, anh em lo gia đình riêng, một mình cô phụng dưỡng cha mẹ già đến lúc cuối đời. Cô cho biết, lúc về hưu cô phụ các cháu chăn nuôi, cảm thấy hụt hẫng, trống vắng khi rời xa bục giảng. “Từ năm 2011 đến nay, bếp ăn khuyến học như một gia đình lớn của những người đồng hội đồng thuyền.

Trong HCGC, chị em hòa đồng vui vẻ, quan tâm chia sẻ và đỡ đần công việc cho nhau. Sống năng động làm cho tôi thấy mình khỏe hơn, trước đây những hôm trời trở gió tôi hay bị cảm. Bây giờ mặc dù được HCGC cắt đặt thêm việc sắp xếp, trưng bày quầy quần áo cũ cho người nghèo, chẳng những tôi không thấy mệt mà còn thấy rất vui”, cô cho biết.

Các cô giáo về hưu chẳng những tự lo chi phí xăng cộ mà còn nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động nhân đạo của HCGC. Điển hình như cô Dương Thị Thu Hà, sinh năm 1952, giáo viên Trường Tiểu học Phú Long, xã Tân Phú Đông (TP.Sa Đéc). Chị em trong HCGC cho biết, chồng cô Hà mất, ba người con đều thành đạt, ở xa, một mình rỗi rảnh nên cô trồng thuốc Nam ở vườn nhà, chặt, nhổ và chở đến chùa Tịnh Độ tặng làm thuốc từ thiện.

Cô nói: “Lúc đó, tôi chở thuốc đến chùa và ở đó chặt thuốc cùng chị em thiện nguyện. Đến năm 2015, khi tôi đến ủng hộ chi phí cho bếp ăn khuyến học mới gặp chị em mời vào tham gia. Những ngày trực bếp, tôi cũng chở rau củ vườn nhà do tôi trồng đến ủng hộ cho bếp. Có hôm xe bị sự cố dọc đường, tôi vào trễ là chị em gọi điện thăm hỏi, lo tôi bị bệnh. Nhận sự quan tâm chia sẻ chân tình, tôi thấy lòng được an ủi, ấm áp”.

Một đời chèo chống “đưa đò”, xã hội thầm tri ân những người thầy tận tụy. Nhưng ở tuổi về chiều, các cựu giáo viên cho rằng, mình rất cảm ơn đời về những hoạt động xã hội thiết thực.

Bởi lẽ, ở nơi đó, các cô đã và đang tiếp tục góp sức cho học trò nghèo và tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày