Nietzsche & đạo Phật

NSGN - Vào một ngày mùa thu năm 1864, ở thành phố Leipzig, Nietzsche, chàng thanh niên ‘21 tuổi, tuyệt vọng, mất phương hướng’1, đang xem lướt qua những cuốn sách trong hiệu sách cũ của ông chủ nhà trọ, và tình cờ anh bắt gặp cuốn sách nhan đề Thế giới như là Ý chí và Biểu tượng2.

Nietzsche.jpg

Friedrich Nietzsche (1844-1900)

Dù đang chần chừ khi mua cuốn sách của một tác giả mà anh chưa từng nghe đến, nhưng có tiếng thầm thì ma quỷ bên tai anh: ‘Hãy mua cuốn sách đó đi!’3 Anh vâng lời và sau đó, khám phá sự định hướng mà cuộc đời mình đã thiếu. Cuốn sách này đã gây một ấn tượng cho anh để trong tác phẩm đầu đời của mình, ‘Schopenhauer nhà giáo dục’4, anh kể lại ngày đó như là lúc nhận ra con người chân thật của chính mình: 

Chắc có lẽ có một ý nghĩa khác khi tìm ra chính mình, khi đem mình ra khỏi nỗi hoang mang, trong đó, con người thường vật vờ như đi trong đám mây đen, nhưng tôi biết chẳng có gì khác hơn là nghĩ về một nhà sư phạm chân chính của mình. Và thế nên đến ngày hôm nay, tôi nhớ ra trong những bậc thầy và người giám học mà tôi có thể khoe khoang, đó là Arthur Schopenhauer5

Thêm vào việc nhận ra thiên hướng trong đời mình thông qua đọc tác phẩm của Schopenhauer, chắc chắn Schopenhauer là người đầu tiên đã giới thiệu Nietzsche đến với đạo Phật và tư tưởng Ấn Độ nói chung6

Schopenhauer thấy quan niệm hiện hữu trong đạo Phật là một quan niệm cổ xưa của tư tưởng Ấn Độ, tương tự như quan niệm của chính ông: cuộc sống là bất như ý một cách vô điều kiện, nó không bao giờ ban tặng cho con người niềm hạnh phúc chân thật đời đời hoặc sự thành tựu, mà chỉ đưa đến những niềm thất vọng và nỗi ưu phiền vô biên. Con đường duy nhất thoát khỏi tình huống khó xử này là thông qua khước từ sự thôi thúc cơ bản của đời sống: "ý chí sinh tồn".  

Ban đầu, Nietzsche có ảnh hưởng rất lớn quan niệm này, nhưng vào lúc tác phẩm đầu tay của ông ra đời, Sự khai sinh của bi kịch7, Nietzsche bắt đầu rời bỏ thế giới quan8 yếm thế như vậy và, trong các tác phẩm sau này, ông đi đến một quan niệm hoàn toàn trái ngược với điều trước đó - cuộc đời không bị chối bỏ mà khẳng định một cách tuyệt đối. Triết học Schopenhauer được xem như là triệu chứng ban sơ của căn bệnh liên quan đến thuyết hiện sinh mà châu Âu đang ở trên bờ vực thẳm với sự chống chọi: chủ nghĩa hư vô - nihilism (có nghĩa là tình trạng tuyệt vọng, hậu quả tất yếu của việc hoàn toàn đánh mất niềm tin trong sự công nhận một thế giới quan và giá trị cố hữu của nó). Schopenhauer đã đạt đến thời kỳ cực điểm của chủ nghĩa bi quan9. Sự xuất hiện của chủ nghĩa hư vô được xem như một tác động trong lòng lịch sử văn hóa phương Tây một tiền đề căn nguyên từ cơ cấu của học thuyết Platon, mà theo Nietzsche, trở thành nền tảng cho mọi quan niệm siêu hình học tiếp theo sau đó và quan niệm tôn giáo về con người và vị trí của họ trong vũ trụ này. 

Nietzsche1.jpg

Nói chung, tiền đề căn nguyên đó là sự hiện hữu được phân thành hai phạm trù riêng biệt không đối xứng nhau, một là ngắn ngủi, phù du, phàm trần, thuộc về bản chất của "hiện thể", và cái kia là siêu phàm hằng vĩnh, là chân "thực tại"10. Chính cái chân thực mới cho đời sống ý nghĩa và giá trị. Con người và sự định hướng trong đó, cũng như khả năng của nó, thông qua lý trí để nhận thức rõ chúng. Cái trước là thế giới tự nhiên, lại tương đối không có giá trị và không có ý nghĩa, ngoại trừ có khả năng là ý nghĩa phản ánh một cách yếu ớt về thực tại chân thật (chân như). Cuộc sống chân thực duy nhất của con người là khi họ sống và theo đuổi thực tại vĩnh hằng ấy. Nhưng Nietzsche bây giờ đã thấy được rằng, điều mỉa mai khi hệ quả của sự theo đuổi ấy, con người hiện đại đang tiếp cận một hiểu biết chân thực về chính mình và căn nguyên của chính mình cũng như thể chế văn hóa phản ánh lịch sử quá khứ của họ. Con người hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên và dù có nói gì về nguồn gốc phi tự nhiên hoặc nguồn gốc thần thánh, đều là chẳng gì khác hơn huyễn tạo tính vô nghĩa của kiếp người. Khi suy nghĩ ấy vốn đã bắt rễ từ nền văn hóa phương Tây thì nó sẽ xói mòn triệt để mọi cấu trúc, và Nietzsche đã thấy trước khả tính của bóng mờ ấy, như một phản ứng cho những mất mát từ hỗn độn chủ nghĩa hư vô sẽ tàn phá châu Âu. Nhưng Nietzsche cũng cho rằng nó có thể, ít nhất trong số những người có văn hóa và giáo dục hơn, họ phải được đề cập đến. Nietzsche thấy rằng khi mình chỉ là khán giả, một sự phản ứng văn minh hơn đối với thảm trạng báo trước này có thể sẽ là sự phát triển "Phật giáo châu Âu" - một tiếng reo mừng và đáp ứng trọn vẹn cho tính vô nghĩa hiển nhiên của sự hiện hữu con người. Nhưng đối với Nietzsche, đáp ứng như vậy cũng chỉ là một hình thức của chủ nghĩa hư vô, cái mà ông gọi là "chủ nghĩa hư vô thụ động", là dấu hiệu của "yếu đuối"11, một "hiện hữu rốt ráo không làm gì cả, đã đánh mất "ý nghĩa" của nó"12. Phản ứng ấy tương đương với chấp nhận chủ nghĩa hư vô như lời khẳng định và phán xét tuyệt đối về cuộc đời: một hình thức châu Âu của đạo Phật vốn chỉ giúp con người hoan hỷ điều chỉnh lại cái dường như vô nghĩa của hiện hữu. Đối với Nietzsche, phản ứng như vậy dù thích hợp hơn đối với hỗn độn của chủ nghĩa hư vô, nhưng sẽ là một sai lầm lớn: sẽ chẳng có gì khác hơn là phản ứng tâm lý trong cùng khuôn mẫu triết lý Platon vốn đã thấy rõ là quá sai lầm. Nếu toàn thể hai cơ cấu thế giới chẳng gì khác hơn là sự phát kiến của con người thì theo sau sẽ là vấn đề đối với giá trị cuộc sống và vị trí con người trong đó, một lần nữa vẫn còn là một vấn đề bỏ ngõ. Như Nietzsche đã đề cập một cách đầy chất thơ trong The Gay Science:  

Đến cuối cùng thì chân trời lại hiện ra hào phóng cho chúng ta, dù nó chưa được chói sáng; đến cuối cùng thì chuyến hải hành của chúng ta lại mạo hiểm lần nữa, liều lĩnh đối diện với nguy nan, tất cả sự táo bạo của người yêu mến tri thức được thấm nhuần lần nữa, có lẽ chưa bao giờ có một "đại dương mênh mông" như vậy13

Nơi đâu đó trong đại dương mênh mông, sau cùng Nietzsche kết luận rằng phản ứng có thể chấp nhận được đối với chủ nghĩa hư vô không phải là lập nên một đạo Phật châu Âu, mà tạo ra một nhãn quan mới cho con người và tồn tại bằng giá trị không lập trên thế giới hữu thể siêu việt, tưởng tượng, mà là một thế giới hữu thể ngay trong cuộc đời như nó đang có trong thế giới tự nhiên. Thế nên sự ra đời của hình thái đạo Phật châu Âu là một nguy hiểm sẽ làm mờ đi quang cảnh của đại dương rộng mở ấy, và do vậy đó là điều mà ông muốn tránh. Tuy nhiên, đạo Phật ắt phải có một mục đích: ‘một đạo Phật châu Âu có lẽ là không thể thiếu được’ như là một trong nhiều loại triết học cần phải được truyền dạy... bằng cái búa’14

Ẩn dụ về cái búa, tuy vậy, không hàm ý phá hủy mà với ý nghĩa là "báo hiệu", như khi người ta đánh chuông để xem thử nó kêu vang hoặc là bị rạn nứt. Ngụ ý ở đây là vết rạn sẽ là cái được tiêu dung vào trong đạo Phật15.

Thích Nhuận Châu dịch

_______________________

Phần mở đầu của tác phẩm Nietzsche and Budhism của Robert G. Morrison, do Oxford University Press ấn hành năm 1997.

(1) Theo tự thuật của chính Nietzsche, trích trong Janaway (1989), 342.

(2) The World as Will and Representation.

(3) Copleston (1980), 216.

(4) Schopenhauer as Educator.

(5) Theo tự thuật của chính Nietzsche, trích trong Janaway (1989), 342. (Viết tắt SE).

(6) Sao lục đầu tiên có liên quan đến đạo Phật trong thư tín của Nietzsche là từ năm 1865, khi Nietzsche và người bạn Rohde, gọi kỳ nghỉ hè của họ là Niết-bàn (nirvāṇa). (Xem Welbon (1968), 185). Nhưng như Dumoulin nói rằng Nietzsche "có được sự hiểu biết về đạo Phật là hoàn toàn nhờ vào Schopenhauer" (1981: 469), như chúng ta sẽ thấy, là hoàn toàn chưa chính xác.

(7) Tên gọi đầy đủ là: Die Geburt der Tragödie aus dem Geiste der Musik (Ger), The Birth of Tragedy out of the Spirit of Music (E) - Sự khai sinh của Bi kịch từ tinh thần âm nhạc. Như Kaufmann phát biểu trong lời giới thiệu cho bản dịch của ông, "Sự khai sinh gồm một tuyên bố độc lập đối với Schopenhauer: trong khi Nietzsche tán thán Schopenhauer về sự đối diện trung thực với sự kinh hoàng của hiện hữu, chính Nietzsche tán dương bi kịch của Hy Lạp như là thay thế ưu việt cho “Sự phủ nhận ý chí mang tinh thần đạo Phật” của Schopenhauer. Từ tác phẩm Bi kịch, Nietzsche học được một điều là con người có thể khẳng định cuộc đời là vi diệu, tươi đẹp và hoan lạc mặc dù đầy dẫy khổ đau và tàn ác [3]. Trong Ecce Homo (EC) iv, Nietzsche nhận định cuốn sách nặng mùi tư tưởng Hegel, đó chỉ là một ít thể thức bị nhiễm bởi mùi tử khí của Schopenhauer".

(8) Đức ngữ: Weltanschauung: quan niệm về vũ trụ, thế giới.

(9) Ý chí hùng tráng; The Will to Power (WP) 9.

(10) e: true reality. Một cách dịch từ chân như, thật tế... trong kinh luận Phật giáo.

(11) Ý chí hùng tráng; The Will to Power; (WP) 23.

(12) WP 55.

(13) The Gay Science (GS 343).

(14) WP 132.

(15) Xem Hoàng hôn của những thần tượng, hay Làm cách nào để triết lý với cây búa. Twilight of the Idols, or How One Philosophizes with a Hammer (Götzen-Dämmerung, oder Wie man mit dem Hammer philosophiert, August-September 1888).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày