Những cơn lũ liên tiếp xảy ra trên khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị cho đến Khánh Hòa trong vòng một tháng vừa qua, người dân nghèo đã oằn lưng kiệt sức. Cảm thông sâu sắc nỗi khổ cực, thiếu thốn của bà con, từ sau khi cơn lũ cuối cùng rút đi, chư tôn đức trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh TT Huế đã chỉ đạo cho Ban Từ thiện xã hội mở cuộc vận động, quyên góp nhằm kịp thời cứu trợ động viên chia sẻ cùng dân nghèo vượt qua khổ nạn này. BTTXH THPG TT.Huế cứu trợ tại Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi Công tác cứu trợ đã diễn ra cũng được gần 1 tháng. Từ đồng bằng sông nước mênh mông cho đến vùng núi cao rừng sâu cách trở. Từ những vùng thấp trũng ngập tràn nước lụt của tỉnh Phú Yên, Bình Định đến những vùng xa xôi hẻo lánh của tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, những chuyến hàng là những thùng mì ăn liền, những bao gạo, những chăn, màn, áo quần, thuốc men, dầu muối... cùng ít tịnh tài cứu trợ tính đến nay đã qua 5 đợt với gần 3 tỷ đồng đã được trao trực tiếp đến tận tay người dân. Trong gần 1 tháng tham gia cứu trợ vừa qua, chúng tôi bắt gặp trong từng ánh mắt của quý thầy, quý cô thoáng đượm những nỗi buồn man mác. Và càng đi, chúng tôi lại càng thấu hiểu được những nỗi buồn ấy. "Làm từ thiện trong thời buổi ngày nay quả thật không phải đơn giản, quý thầy quý cô đã chấp nhận vượt qua những gian khổ để đem lại lợi ích cho dân", đó là lời nhận xét của các vị đại diện chính quyền và một số bà con ở các địa phương cảm thông trước những khó khăn, vất vả của đoàn. Đọc trên các báo, xem trên các đài, có rất nhiều thành phần xã hội tham gia hoạt động cứu trợ mà mừng cho dân nhưng rồi cũng lắm những hiện tượng "con sâu" đã làm rầu "nồi canh", những vụ việc như "áo quần cứu trợ trở thành giẻ chùi xe", hoặc "đừng biến hàng cứu trợ thành bãi rác"…đã làm cho hình ảnh đẹp "lá lành đùm lá rách" bị xấu đi. Ni trưởng Thích nữ Chơn Viên, NS.TN Như Minh, NS.TN Diệu Đàm và nhiều thành viên trong đoàn càng buồn hơn khi biết được tin do danh sách của địa phương đưa lên chưa thật công bằng để nhiều người dân thực sự nghèo không nhận được quà mà đành nghẹn ngào "móc những đồng tiền còn lại trong túi ra cho". Tuy nhiều lắm những nỗi buồn như vậy, nhưng không nỗi buồn nào hơn "lực bất tòng tâm". Dân thì quá đông, tâm chúng sanh thì vô tận, phải làm sao để khỏi mang tiếng là thương người này mà bỏ người kia. Nhưng biết làm sao được, móc hết những gì còn lại trong túi ra cho dân cũng không đủ, đành ngậm ngùi buồn bã nhìn bà con người có, kẻ không mà lòng nặng trĩu… Niềm vui thường đến sau nỗi buồn, các thành viên trong đoàn đã rất hoan hỷ chứng kiến bà con tay run run xúc động khi nhận những phần quà của "vạn niềm thương, của tuy ít ỏi nhưng lòng bao la". Vui lắm chứ khi nghe một cụ già hơn 80 tuổi rơm rớm nước mắt cầm một trăm ngàn đồng vừa mừng vừa nói lập cập "chừ về hốt một thang thuốc uống, chứ bấy lâu nay hai cái chân hắn đau quá đi không được, thầy ơi", nghe cụ nói, lòng chúng tôi nhẹ đi rất nhiều. Xúc động lắm chứ khi nhìn thấy một em bé vừa tròn 4 tuổi theo mẹ ôm những gói quà lội suối, ngây ngô nhìn mấy ông thầy tu vui vui, là lạ nở nụ cười hồn nhiên. Và nhiều lắm những niềm vui đến bất ngờ, những em thơ tự nhiên ôm chầm lấy quý sư, một cụ già bỗng dưng hô lên "sướng lắm, vui lắm, cả cuộc đời tui chừ mới được quý sư cho quà nhiều như ri"... Vui lắm khi những chiếc đò bồng bềnh trên sóng nước mênh mông chở các thành viên trong đoàn vượt qua những đoạn đường ngập lụt mà không một ai hề hấn chi thì làm sao mà không vui mừng cho được. Và niềm vui lớn lao nhất mà chúng tôi cảm nhận được từ quý thầy, cô và Phật tử là thể hiện được tình thương của người con Phật. Hình ảnh của Phật giáo đã về khắp các địa phương trong vùng bão lũ đi qua. Nên mặc dù đợt cứu trợ rất dài ngày (gần 1 tháng) mà mọi người vẫn vui tươi, vẫn khỏe mạnh và vẫn hoan hỷ tiếp tục đến với đồng bào như lời phát biểu của một vị đại diện xã "với những phần quà và tiền tuy nhỏ nhưng quý vị đã vượt rừng lội suối đến trao tận tay cho bà con đã thể hiện được tính nhân văn cao cả của đạo Phật".