Nơi chắp cánh cho những ước mơ

GN - Từ nhiều năm nay tịnh xá Ngọc Đức do Sư cô Thích nữ Tiến Liên trụ trì đã trở thành mái ấm tình thương cưu mang, giúp đỡ, chắp cánh cho những ước mơ của nhiều cuộc đời bất hạnh.

Tôi đến tịnh xá Ngọc Đức khi mọi người đang hối hả làm cơm để chuẩn bị cho bữa trưa. Mỗi người một công việc, người nhặt rau, người nấu ăn, người rửa chén… nhưng trên khuôn mặt của mỗi người luôn nở những nụ cười rạng ngời.

Những tâm nguyện

Sau khi phát nguyện xuất gia tu học tại tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp, TP.HCM), SC.TN Tiến Liên được điều về tịnh xá Ngọc Đức năm 1991, từ đó Sư cô đã phát nguyện mở rộng vòng tay giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để đền ơn Thầy Tổ, đền ơn Phật trong suốt 15 năm qua.

ANH HD (2).jpg

SC.TN Tiến Liên chăm sóc các cháu khó khăn

Từ ngày về tiếp nhận ngôi tịnh xá Ngọc Đức, hàng ngày thấy hình ảnh những đứa trẻ bán vé số, người lang thang cơ nhỡ qua lại trước cổng chùa, Sư cô thầm nghĩ các cháu còn rất nhỏ, sớm chịu cảnh nhọc nhằn cùng cha mẹ nên Sư cô đã phát tâm nhận các em về nuôi. Qua thời gian, số lượng dần tăng lên, lúc đầu chỉ có 15 em được tiếp nhận, tới nay đã có 110 người, bao gồm là các cháu mồ côi, các em cơ nhỡ, các em có hoàn cảnh khó khăn, cụ già neo đơn không nơi nương tựa…

Từ năm 2006, các lớp học tình thương tại tịnh xá Ngọc Đức được thành lập. Ban đầu lớp học tình thương chỉ có khoảng 30 em theo học các lớp mầm, chồi, lá. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân nhập cư, lao động nghèo ở TP.Vũng Tàu không có điều kiện cho con đến trường đều xin đến học ở tịnh xá Ngọc Đức. Từ tháng 9-2011, ngoài các lớp mầm non, tịnh xá Ngọc Đức còn mở thêm các lớp học văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5 vào hai buổi sáng chiều.

Tại đây, các cháu nhỏ con của các gia đình công nhân, lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn được Sư cô nhận nuôi dạy miễn phí cho các cháu mẫu giáo từ 6 giờ 30 đến 17 giờ, các em được ăn trưa, ngủ trưa và ăn bữa xế. Trước những việc làm và hành động ý nghĩa này, năm 2012, tịnh xá Ngọc Đức được UBND thành phố cấp giấy phép thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội ngoài công lập.

Đồng hành với Sư cô trong việc hướng dẫn các em nhỏ học tập có cô Hòa đã gần 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn tận tụy đến tịnh xá Ngọc Đức dạy cho các em viết từng chữ, tập đánh vần và làm những bài toán đơn giản, uốn nắn từng nét chữ, rồi lại xem từng bức tranh, từng nét vẽ... Cô Hòa chia sẻ, dạy học ở đây vất vả lắm, vì các em không cùng trình độ nên giáo viên phải dạy từng em một. Có thể em này học toán lớp 2 nhưng em kia lại học tập viết lớp 1...

Hơn nữa, các em đến đây đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nên dường như sự nhạy bén, nắm bắt kiến thức của các em cũng không được như các bạn cùng trang lứa khác. Công việc dạy học cho các em khó khăn là thế nhưng cô Hòa vẫn tự nguyện xóa mù chữ cho các em suốt nhiều năm qua.

Lan tỏa những tấm lòng

Không chỉ là tổ ấm của các em mồ côi, cơ nhỡ, nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, tịnh xá Ngọc Đức còn là nơi tổ chức các hoạt động từ thiện. Hàng ngày, tại địa chỉ 436 Lê Lợi, từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa và 16 giờ đến 18 giờ chiều, quán cơm chay từ thiện Tình Thương mở cửa phục vụ 1.000 suất cơm chay miễn phí cho những lao động nghèo, người bán vé số, học sinh nghèo…

Mỗi tuần vào ngày Chủ nhật, tịnh xá còn phát 1.000 suất ăn miễn phí tại Bệnh viện Bà Rịa. Hàng tháng, tịnh xá cấp phát gạo cho những hộ nghèo, mỗi hộ 10kg/tháng, ngoài ra, còn hỗ trợ mai táng cho người nghèo từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, phát quà cho người nghèo ăn Tết…

Để duy trì được bếp cơm từ thiện hoạt động đều đặn mỗi ngày nấu phát cơm hai bữa trưa chiều, Sư cô đã nghĩ ra một cách làm hay, đó là chia các thành viên đang sinh hoạt thành 30 tổ tương ứng với số ngày trong tháng. Mỗi tổ sẽ có từ 20 tới 30 thành viên, có thể là các cô chú Phật tử lớn tuổi hay các bạn thanh niên, công nhân, viên chức... Sau đó chia ra mỗi một tổ sẽ đăng ký phụ trách nấu ăn vào một ngày nào đó trong tháng, nguồn kinh phí do các thành viên trong tổ phát tâm ủng hộ hoặc các mạnh thường quân đóng góp.

Có nhân duyên với bếp cơm chay từ những ngày xin về làm công quả, anh Nguyễn Văn Hải (pháp danh Thiện Hải) chia sẻ thêm: “Trước đây, mình làm đầu bếp tại nhà hàng Lan Rừng khá nổi tiếng ở TP.Vũng Tàu, sau khi nghe bạn bè giới thiệu về bếp cơm từ thiện miễn phí cho người nghèo, mình xin phát tâm về đây làm công quả ba tháng. Nhưng sau ba tháng công quả tại đây, mình xin nghỉ việc hẳn ở nhà hàng và chuyển về đây phụ giúp Sư cô đứng bếp nấu ăn tại quán cơm từ thiện này luôn ngày 2 buổi trưa và chiều”.

Chắp cánh cho những ước mơ

Khác với các lớp học văn hóa, mỗi buổi chỉ học 2 tiếng đồng hồ, ở những lớp mầm non các em ở lớp cả ngày. Cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên dạy lớp chồi ở tịnh xá Ngọc Đức cho biết: “Nhiều em đến lớp quần áo dơ bẩn, đầu tóc rối bù lại vừa đói, vừa khát nên chúng tôi phải tắm rửa, làm vệ sinh cá nhân và cả phục vụ bữa sáng cho các em trước khi vào lớp học”.

ANH HD (1).jpg

Chăm chút cho từng học trò

Cô Mai cho biết thêm, hai năm gắn bó với công việc của giáo viên mầm non ở tịnh xá Ngọc Đức, nếu không có tình yêu, không có tấm lòng thì giáo viên không thể làm được, bởi hầu hết các em khi mới vào lớp học còn chửi thề, nói bậy nên việc dạy bảo các em vào nề nếp, lễ phép, sạch sẽ... không hề đơn giản.

“Cuộc đời này có quá nhiều khổ đau, chúng tôi đến với lớp học tình thương để nâng đỡ những em nhỏ thiếu may mắn sống với tuổi thơ ngây của mình. Chúng tôi mong rằng, mai này lớn lên, tất cả các em, những học trò lớp mầm, chồi, lá và các lớp phổ cập văn hóa ở đây sẽ trở thành những công dân tốt, là những đứa con hiếu thuận trong gia đình, là những người bạn đáng tin cậy của mọi người...” - cô giáo Mai hy vọng.

Với những em nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa hoặc gia đình có hoàn cảnh quá đặc biệt, thì tịnh xá Ngọc Đức tạo điều kiện cho các em vừa học vừa ở luôn tại chùa. Cũng như các trường công lập khác, ngoài thời gian học trong lớp, các em học sinh ở tịnh xá Ngọc Đức cũng có những buổi sinh hoạt ngoài trời, các em tập thể dục, rồi cùng hát cùng chơi.

SC.Thích nữ Tiến Liên cho hay, ở tịnh xá Ngọc Đức chỉ dạy văn hóa cho các em đến lớp 5 nhưng trong quá trình học, những em nào học tốt đều được tịnh xá tạo điều kiện để học bổ túc đến hết lớp 12. Đặc biệt là năm 2012, tịnh xá đã mở thêm trung tâm dạy nghề làm tóc, vẽ móng miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn các nơi theo học với mỗi khóa khoảng 20 học viên. Nhờ vậy mà nhiều em dù khó khăn sau khi được trung tâm dạy nghề làm tóc, vẽ móng đến nay đã ra trường, đi làm nuôi được bản thân và gia đình.

Những câu chuyện cảm động ấy tưởng chừng chỉ gặp trong chuyện cổ tích, vậy mà lại tồn tại rất gần gũi ngay chính cuộc sống đời thường này...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hình chỉ mang tính minh họa

Chay và mặn

GNO - Vợ tôi nói: Hôm nay mùng một, em nấu vài món chay thật ngon, anh có thể mời bạn về dùng bữa cho vui. Tôi cười khi nghĩ rằng hôm nay vợ tôi thật “biết điều”.
Phật lịch được tính như thế nào?

Phật lịch được tính như thế nào?

GNO - Gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh về việc ghi Phật lịch trên các sự kiện của Giáo hội, gây ngộ nhận rằng Phật lịch được tính theo... năm mới Tây lịch, hoặc âm lịch... Vậy theo Phật giáo, cách tính Phật lịch thế nào là đúng và thời gian thay đổi Phật lịch từ lúc nào?

Thông tin hàng ngày