GN - Nói thêm về câu chuyện “giới thứ tư” trên trang PG-TT (Giác Ngộ số 839), GS.TS Vũ Gia Hiền (chuyên gia tâm lý về Giáo dục - Hôn nhân - Gia đình) chia sẻ:
Hành vi nói dối gây ra cho chính bản thân người nói nhiều tác hại. Thứ nhất, người nói dối dễ bị trầm cảm hoặc hưng phấn quá khích. Khi nói dối, trong một thời gian ngắn bộ não phải làm việc hết công suất để bịa ra những điều không có thật để nói và đó là lý do chúng ta cảm thấy khó chịu, căng thẳng. Các nhà khoa học còn cho rằng việc thường xuyên nói dối sẽ gây ra các bệnh như viêm loét dạ dày, đau đầu, mất ngủ…
Thứ hai, nói dối khiến người ta mất niềm tin ở bạn. Sẽ chẳng còn ai đủ kiên nhẫn để thêm một lần nữa đặt niềm tin vào những người thường xuyên nói dối. Cho dù những lời nói dối của bạn là vô hại thì người ta cũng cho rằng bạn là một con người nói dối chuyên nghiệp và không đáng tin cậy.
Thứ ba, nói dối là nguyên nhân của những cuộc “ẩu đả”. Khi lời nói dối bị phát hiện sẽ gây ra một cuộc cãi vã. Khi đó người ta sẽ mắng mình không ra gì, sân si nổi lên ta sẽ có những hành động “thượng cẳng hạ tay”.
Thứ tư, một tác hại đáng sợ của nói dối là quán tính tâm lý dây chuyền. Bạn đã nói dối một lần thì nhất định sẽ có lần thứ hai và càng ngày mức độ nói dối càng nghiêm trọng và sẽ thành bệnh nói dối. Khi đó bạn sẽ trở thành người bị bệnh mà không biết. Đến lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy sợ hãi và mệt mỏi, thậm chí suy sụp tinh thần, và nếu là lừa đảo thì phải vào tù.
Minh Tiến ghi