Nỗi khổ hành hương

Lượng người đổ về Yên Tử rất đông khiến các chùa, tháp, cáp treo, điểm lễ bị quá tải. Trên đỉnh chùa Đồng người người chen vai thích cánh.

Chen chúc hành hương

Trong bộ quần áo mưa, chúng tôi hòa vào dòng người hành hương. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, người mỗi lúc một đông. Người này kéo người kia, tất cả già, trẻ, thanh niên trai, gái xô đẩy lẫn nhau, cốt sao cũng chỉ để len lên đến đỉnh chùa Đồng.

Nỗi khổ hành hương ảnh 1

Cheo leo trên đỉnh Chùa Đồng

Chị Nguyễn Thị Liên, quê ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), bị xô đẩy đến trẹo tay bức xúc: “Người bên trái đẩy, người bên phải cũng đẩy, thành ra mình ở giữa bẹp dí. Người thì đông mà người có ý thức thì quá ít , trẹo tay thế này là còn may…”. Nhích được một bước thì lại chờ và… chờ, ai không giỏi…chen thì không biết bao giờ mới đến được chùa Đồng. Nhiều người đã phải bỏ đường chính, để chuyển sang đi đường “phụ” bằng cách đi các lối mòn cheo leo, hiểm trở khác gần đấy. Kể cả trên các lối mòn nguy hiểm ấy thì hiện tượng chen chúc xô đẩy vẫn diễn ra như thường. “Đường quá hep, quá dốc, không phải đoạn nào cũng có lan can ở hai bên nên khi hiện tượng tắc đường xảy ra ở đây thì rất nguy hiểm, đặc biệt đoạn lên gần chùa Đồng vách đá mấp mô, có ít bậc khiến việc đi lại rất khó khăn” - Anh Hòa ở Đông Hưng (Thái Bình) cho biết.

Lượng người lên Yên Tử quá đông khiến các “lều” vệ sinh ven đường đi cũng vì thế mà quá tải. Những khuôn mặt cau có, những lời chửi tục phát ra vì chờ đợi đến lượt quá lâu khiến không khí càng thêm căng thẳng.

Tưởng đi cáp treo là biện pháp tốt nhất để không phải xô đẩy chen chúc nhưng anh Minh ở Hải Dương đã nhầm. Tại ga cáp treo dòng người đứng đợi mua vé đông nghịt. Chen mãi và đứng đợi khoảng hơn hai tiếng anh Minh mới mua được vé nhưng cuối cùng anh và gia đình đành phải đi bộ vì “không biết đến bao giờ mới tới lượt lên”.

Chen chân để lên được chùa Đồng đã là cả một quá trình gian nan nhưng khi xuống mới là… kỳ tích. Người ta tranh nhau sắp lễ cúng bái, tranh nhau sờ chuông đồng để mong lấy may cho cả năm. Khói hương nghi ngút, tiền thật tiền giả lẫn lộn tung bay trên đầu dòng người, dưới chân là cả một sân rác rưởi, gậy tre vứt bừa bãi.

Cố gắng mãi chúng tôi mới tách ra khỏi được dòng người đông đặc, ngồi nghỉ ở chùa Hoa Yên. Mặc dù trời đã nhá nhem tối nhưng gia đình chị Mai ở Cầu Giấy (Hà Nội) lúc này mới tay xách nách mang tới khu ăn nghỉ ở gần chùa. Chị Mai chia sẻ: “Mấy người bạn đi về mách nước nên gia đình mình chọn cách đi muộn một chút, sau đó thì nghỉ ở khu ăn nghỉ, sáng hôm sau dậy sớm lên chùa Đồng. Như thế không phải đi cáp treo, vẫn thành tâm mà lại không phải chen chúc xô đẩy”.

Nỗi khổ hành hương ảnh 2

Chen nhau nhặt tiền

Tại suối Giải oan, khách thập phương hành hương đến Yên Tử không khỏi bàng hoàng và ngỡ ngàng khi thấy hơn hai chục đứa trẻ bơi lội bì bõm dưới nước lạnh để tranh giành rồi cãi nhau om xòm. Tò mò chúng tôi lại gần mới vỡ lẽ, thì ra chúng đang tranh nhau nhặt tiền do khách thập phương vứt xuống cúng tế. Trên cầu mọi người cứ vứt tiền xuống, dưới cầu lũ trẻ cứ chí chóe, chạy nhảy, giành giật. Không biết đằng sau có người lớn chỉ đạo hay chỉ do trò nghịch của trẻ con nhưng trông thấy cảnh tượng đó ai đi qua cũng ái ngại lắc đầu. Một người đàn ông đứng trên cầu thở dài ngao ngán: “Không thể tin vào mắt mình được nữa, vứt tiền xuống lễ cũng chẳng mong  được giải oan, chỉ mong lòng được thanh thản, nhưng nhìn thấy cảnh tượng thế này thì sao mà thanh thản được”.

Tôi lại gần chụp một kiểu ảnh, lũ trẻ nhao nhao: “Vứt tiền xuống thì mới cho chụp, vứt nhiều chụp nhiều…”. Trên cầu tiền rơi xuống, lũ trẻ lại lao vào giành giật lẫn nhau…

Vậy là từ một nơi để các phật tử trút bỏ những sầu não, phiền muộn của tâm hồn, một nơi để hóa giải những oan ức trong đời sống tâm linh thì nay chính họ đã vô tình góp phần làm cho biến dạng, mất đi sự linh thiêng vốn có.

Mặc dù khâu tổ chức trong dịp lễ hội năm nay chu đáo hơn những năm trước rất nhiều nhưng hiện tượng tắc đường, chen lấn xô đẩy vẫn xảy ra gây ức chế cho du khách hành hương. Bên cạnh đó rất nhiều những tệ nạn khác vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng không tốt cũng như làm mất đi nét đẹp của lễ hội văn hóa tâm linh.

Rất mong ban quản lý lễ hội Yên Tử cùng các ban ngành chức năng xem xét và có những giải pháp cụ thể để không xảy ra hiện tượng như trên vào lễ hội năm tới, để Yên Tử luôn là điểm đến an toàn và thanh tịnh cho những tấm lòng thành tâm hướng Phật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày