Nỗi lo thực phẩm chay bẩn

GN - Trong xã hội hiện đại, ăn chay trở nên phổ biến không những ở người theo đạo Phật mà còn cả những người theo tôn giáo khác, người già, bạn trẻ, nghệ sĩ, doanh nhân... Tuy nhiên, trước nguy cơ thực phẩm bẩn đang lan tràn, trong đó có thực phẩm chay, giới Tăng Ni, Phật tử và người ăn chay cần phải cẩn thận hơn khi chọn thực phẩm…

Thực phẩm chay bẩn tràn lan

Ngày 16-1-2013, Đội 3 thuộc Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an TP.HCM thông tin trước giới truyền thông rằng đơn vị này liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở dùng hóa chất tẩy trắng và tạo màu công nghiệp để chế biến măng tươi, chặn đứng hàng tấn măng độc chuẩn bị đưa ra thị trường. Trước đó, ngày 13-1, các trinh sát PC49 ập vào kiểm tra cơ sở chế biến tại hẻm 61, QL1 (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) phát hiện gần 10 tấn măng tươi, trong đó có 300kg măng đang được ngâm trong các thùng hóa chất.

anhb.JPG

Rau bán ngoài chợ rất khó phân biệt rau sạch hay không

Cùng ngày, Đội 3 PC49 cũng đã kiểm tra lò chế biến măng chua tại 61/9, QL22 (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM), đã bắt quả tang tại đây đang tổ chức tẩy trắng, ngâm 300kg măng chua. Sáng 15-1-2016, PC49 kiểm tra cơ sở chế biến măng Tùng Hương (đường Nguyễn Thị Sóc, xã Xuân Thới Đông, Hóc Môn, TP.HCM), phát hiện 7 tấn măng tươi và 300kg măng đang ngâm trong các thùng phuy loại lớn.

Đa số những chủ cơ sở trên đều thừa nhận sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để giữ măng không hư và nhuộm màu vàng tươi cho măng. Ngoài măng ra, còn rất nhiều loại rau, củ, quả đều được “tắm” hóa chất để giữ tươi lâu, màu sáng bóng bắt mắt người mua.

Măng tươi là thực phẩm thông dụng để chế biến nhiều món ăn chay ngon như măng xào nấm, canh măng, bún măng... nên thông tin măng có chất độc làm người tiêu dùng lo ngại. Với kinh nghiệm "dày dặn" trong việc lựa chọn thực phẩm chay, bảo vệ sức khỏe cho gia đình trên bàn ăn, chị Ngọc Điệp, nhân viên văn phòng tại một công ty ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: "Gia đình tôi thường ăn chay vào ngày mồng một và ngày rằm âm lịch mỗi tháng nên tôi rất quan tâm đến thực phẩm chay. Tôi không bao giờ mua măng tươi ngâm ngoài chợ. Chỉ nhìn thấy thôi, tôi đã sợ. Bạn thử nghĩ xem, để măng ngâm lâu hư thì người ta dùng gì, tất nhiên là hóa chất rồi, nên việc những hộ kinh doanh gian dối bị bắt quả tang không có gì lạ. Nhà mình chỉ mua mụt măng về chế biến liền, hoặc nếu có mua măng tươi ngâm thì vào siêu thị uy tín cho an toàn. Chợ truyền thống bây giờ cũng lập lờ lắm".

Chị Điệp còn cho biết thêm, dù nhà xa siêu thị nhưng chị vẫn siêng đi, mỗi tuần đi vài lần mua thật nhiều rau củ bỏ tủ lạnh ăn trong 2 ngày. Trái ngược với chị Ngọc Điệp, chị Kim Hoa (quận 12, TP.HCM), một Phật tử thường ăn chay, cho rằng siêu thị bây giờ chưa chắc đã an toàn. Chị Hoa dẫn chứng siêu thị B. đã nhiều lần bán hàng quá hạn, hàng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng dán nhãn ở Việt Nam bị cơ quan chức năng phát hiện nên không yên tâm.

“Tôi thường mua ở chợ gần nhà, từ những tiểu thương quen nên có phần chắc hơn. Bữa chay là điều rất cần thiết đối với gia đình nên tôi luôn coi trọng. Nếu họ bán hàng gian dối, dù là quen thân, tôi cũng không mua lần thứ hai. Vì sức khỏe của mình và người thân mà” - chị Kim Hoa bộc bạch.

Nói về vấn đề thực phẩm chay bẩn, Hòa thượng Thích Đạt Niệm, trụ trì chùa Pháp Trí (Q.Thủ Đức, TP.HCM) nói: “Bây giờ thực phẩm bẩn nhiều quá, dễ bệnh ung thư lắm. Ở chùa của tôi hạn chế ăn đậu hủ vì có nhiều hàn the, đồ nguội cũng ít dùng vì không rõ hạn sử dụng. Tàu hủ ky bây giờ cũng giả nhiều lắm, có nơi còn trộn bọc ny-lon nên ở chùa chủ yếu dùng rau xanh”.

Nên dùng thực phẩm chay có nguồn gốc rõ ràng

Hiện nay đang nổi lên phong trào trồng rau sạch trong nhà nhằm hạn chế ăn những thực phẩm chay bẩn. Chị Trúc Mai, nội trợ ở quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Không gian nhà tôi tuy chật hẹp nhưng ông xã vẫn dành một chỗ phía sau nhà để trồng rau. Giờ thực phẩm chay cũng dùng hóa chất nhiều lắm. Tôi là người thích dùng rau muống luộc chấm chao, ăn hoài không ngán, nhưng nghe ti-vi nói rau muống xịt nhớt nên hoang mang. Thế là gia đình mua hạt rau muống về nhà gieo. Vì vậy mỗi khi dùng bữa chay vào ngày rằm, tôi không còn phải đi chợ mua rau nữa”.

Không riêng gì chị Trúc Mai, chị Kim Phượng, nhà cũng ở Q.Bình Tân, TP.HCM chia sẻ việc ăn chay sạch của mình: “Tôi thích ăn nấm rơm, nấm mối, nấm mèo và những loại rau cải. Tuy nhiên mua ngoài chợ hay trong siêu thị cũng lo lắng lắm. Thấy bây giờ người bệnh ung thư nhiều quá, từ việc ăn uống không hợp vệ sinh mà ra, nên ăn cái gì phải biết rõ nguồn gốc.” - Chị Kim Phượng thường mua rau sạch ở Đà Lạt gửi qua đường xe đò. Trên ấy có người quen, nên họ bảo đảm chất lượng. Cứ mỗi chuyến chị lấy vài thùng đồ chay, rồi chia lại cho 5 hộ trong hẻm cùng dùng. Còn mỗi lần dùng nấm rơm, nấm mối hay nấm mèo, chị Kim Phượng nhờ bà con có chuyến về miền Tây mua giúp rồi để tủ lạnh dùng vài ngày.

HT.Thích Thanh Hùng, trụ trì tổ đình Phổ Quang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) bày tỏ: “Nhà chùa thường mua thực phẩm chay trong siêu thị hoặc những cửa hàng chuyên bán đồ chay uy tín ”. Còn HT.Thích Đạt Niệm cho biết, có Phật tử trồng rau sạch ở Bình Dương, thỉnh thoảng hay cắt rau mang về chùa biếu nên phía nhà chùa rất yên tâm khi dùng bữa cơm chay. “Chúng tôi chẳng những lo sức khỏe cho chư Tăng ở chùa mà cả Phật tử. Vì những ngày lễ, ngày rằm và mồng một, Phật tử đến viếng chùa rất đông” - HT.Thích Đạt Niệm nói.

Hãy là người tiêu dùng khó tính

Chị Ngọc Hạnh (quận 5, TP.HCM) kể, cuối năm 2015, chị có đi chợ truyền thống mua quà biếu Tết cho bà con. Chị thấy sâm Cao Ly - Hàn Quốc giảm giá, định bụng sẽ mua vài hộp. Tuy nhiên khi cầm lên xem thì thấy mã vạch không phải xuất xứ ở Hàn Quốc (3 số đầu là 880) mà là tại Trung Quốc vì rõ ràng mã vạch này là 690, lại có chữ “Made in PRC” (PRC có nghĩa là People Republic of China tức là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Cần lưu ý, hiện nay, do hàng Trung Quốc (có mã vạch 3 số đầu từ 690-695) bị người tiêu dùng thế giới quay lưng nên các doanh nghiệp xứ họ đã viết tắt cụm từ tiếng Anh này để lập lờ, khiến người tiêu dùng không biết ở quốc gia nào. Khi chị nói với người bán rằng đây là hàng Trung Quốc, thì ngay lập tức người bán giật hộp sâm lại và bảo: “Đồ rẻ thúi mà còn soi mói”.

Bàn về đạo đức kinh doanh của người bán, HT.Thích Thanh Hùng trăn trở: “Tôi cũng hay truyền đạt điều này trong đạo tràng, hy vọng Phật tử của mình giữ được đạo đức, đừng vì cái lợi trước mắt mà hủy hoại sức khỏe của mọi người. Nhưng chỉ là ở đạo tràng thôi, chứ ngoài xã hội thì có các cơ quan chức năng lo rồi”. Bởi cho dù chúng ta có nhiều cách để phòng ngừa thực phẩm chay bẩn nhưng đó không phải là tất cả. Điều cần nhất hiện nay là đạo đức kinh doanh của người bán phải tốt, phải nghĩ cho sức khỏe của cộng đồng, không vì lợi nhuận mà bất chấp, tự “giết nhau” vì thực phẩm độc hại. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày