GN - Nhà thơ Diêu Linh sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Úc. Hiện chị đang sống ở thành phố Adelaide, tiểu bang Nam Úc. Diêu Linh tốt nghiệp ngành Tâm lý học (Psychology) và Khoa học Điện toán (Computer Science) và chị đang công tác trong lãnh vực công nghệ thông tin.
Ngoài văn thơ, chị còn thực tập thiền, yêu thiên nhiên và hoạt động ngoài trời, du lịch, đàn, hát, vẽ, nhiếp ảnh, đọc sách. Diêu Linh vừa ra mắt tập thơ “Cõi linh” (Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ).
Nhà thơ Diêu Linh - Ảnh: NVCC
Đọc thơ chị rất nhẹ nhàng, như đang ở trong cõi thiền với những vần thơ như “Rời am mây về phổ độ/ Khua chuông mõ lắng vọng cuồng/ Ta-người một lần mê-ngộ/ Lời nào nay bỗng vô ngôn”. Chị có trò chuyện với Giác Ngộ, bắt đầu bằng chuyện thấy một con đường:
- Khoảng hơn 20 năm trước Diêu Linh có tình cờ dự khoá Thiền do Tăng thân Làng Mai tổ chức ở Úc, lúc đó tôi vẫn chưa là phải Phật tử và không am hiểu gì về đạo Phật. Từ những phút giây an lạc qua thực hành Chánh niệm trong khóa thiền đó, tạo nhân duyên để đưa Diêu Linh vào đạo Phật qua việc tìm hiểu kinh sách, đi chùa, tham gia sinh hoạt vào Gia đình Phật tử, tham gia các khóa tu học Phật pháp, khóa tu thiền.
Điều mà Diêu Linh tâm đắc nhất từ lời Phật dạy là mọi vấn đề của chúng ta là ở bên trong chúng ta, không phải ở bên ngoài. Chúng ta có thể làm chủ được số mệnh của mình, làm chủ cuộc đời mình, làm chủ vận mạng của mình qua việc làm chủ ý niệm, làm chủ được suy nghĩ, hay làm chủ “tâm” của mình.
* Thật là một duyên lành! Thế có bao giờ chị trải qua những đau khổ, khó khăn khiến bản thân bị quật ngã, lúc đó chị đã đứng lên như thế nào?
- Không ai không từng trải qua những phiền não và khổ đau của cuộc đời. Bản thân Diêu Linh cũng thế. Có những biến cố tưởng chừng có thể làm chúng ta quỵ ngã nhưng nhờ học Phật, hiểu lý vô thường, nhân quả và biết buông bỏ nên dù có gặp những đau khổ, khó khăn - tuy không phải lúc nào cùng vượt qua dễ dàng nhưng không bị trầm luân trong ấy. Nói chung ý niệm khổ được thành lập là do những xung đột bên trong tâm. Nếu chúng ta có thể chuyển hóa tâm, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của chúng ta về những xung đột ấy, thì chúng ta bớt khổ đi nhiều.
Tập thơ Cõi Linh của Diêu Linh
* Sống ở Úc nhiều năm, chị cảm nhận Phật giáo trong cộng đồng người Việt bên đó như thế nào? Người Úc có biết đến đạo Phật?
- Ở Úc có kha khá chùa chiền, tu viện Việt Nam và người Việt theo đạo Phật ở đây cũng hay đi chùa, nghe thuyết pháp, tham dự các khóa học Phật pháp, các khóa tu thiền... Với người sống ở Úc, có lẽ vì đời sống vật chất tương đối ổn định và xã hội tương đối thanh bình nên họ tìm tới đạo Phật như một nơi để tìm về với tâm linh, chứ ít khi để cầu xin điều này điều khác.
Đạo Phật càng ngày càng phổ biến ở xã hội Tây phương. Hiện nay người Úc tìm hiểu, học Phật và trở thành Phật tử càng nhiều. Điểm đặc biệt là khi người Úc (hay người Tây phương) khi nghiên cứu Phật pháp thì họ nắm rất rõ các giáo lý căn bản và hiểu rất sâu sắc. Đối với họ, Phật giáo không phải là một tôn giáo mà còn có thể xem như là một triết học, hay nói đúng hơn, đó là “một lối sống”.
* Còn với chị, học Phật đã giúp gì cho chị trong cuộc sống, công việc?
- Học Phật giúp Diêu Linh hiểu và chuyển hóa bản thân mình để sống an lạc hơn. Nếu hiểu và hành th-eo giáo lý một cách chánh tín thì đạo Phật giúp con người chuyển hóa những khổ đau để có được một đời sống hạnh phúc đích thực.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Chúc Thiệu thực hiện