GN - Chúng tôi đến thăm lớp học của thầy Hùng vào lúc thầy đang tất bật nấu ăn cho quán cơm chay. Vừa làm, thầy vừa vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về lớp học tình thương đã gắp bó với thầy và gia đình. Lớp học được thành lập hơn 6 năm, 3 lần chuyển địa điểm với hơn 130 học sinh nghèo là trẻ em bán vé số, lượm ve chai… vẫn tới lớp đều đặn một tuần sáu buổi.
Ước mơ làm “thầy giáo” của ông bán hàng dạo
Hàng ngày, cứ 16 giờ 30, các em học sinh nghèo lại tập trung tại căn nhà 168 Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú (TP.HCM) của ông Đoàn Minh Hùng (pháp danh Thiện Hòa) mà các em học sinh ở đây gọi một cách thân thương là thầy Hùng để ăn cơm chay miễn phí và tham gia lớp học tình thương.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình lao động nghèo, lại trải qua tuổi thơ rất khó khăn nên thầy Hùng thấu hiểu được khó khăn của những người cùng chung cảnh ngộ với mình. Hàng ngày, ông phải cật lực kiếm từng miếng cơm cho gia đình bằng nghề buôn bán dạo, thu lượm ve chai, bán vé số, có con nhưng không được học hành, cho nên ông mong muốn sau này có điều kiện sẽ mở lớp học để dạy cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn được biết đọc, biết viết.
Ông giáo dạy chữ cho trò nghèo
Từ ước mơ đó, cách đây 6 năm, với sự giúp đỡ của gia đình, đặc biệt là anh Tùng, con trai thầy Hùng lúc đó đang là sinh viên Trường Kinh tế, đã cùng với bố bắt tay mở lớp học tình thương. Lớp học mở ngay tại ngôi nhà thầy thuê ở, để dạy học cho các em trong phường có hoàn cảnh nghèo, khó khăn không thể tới trường. Những ngày đầu lớp học thành lập chỉ có vài em học sinh là những đứa trẻ bán vé số, giờ thì sỉ số của lớp đã lên tới 130 em, đa số có chung hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Thầy Hùng tâm sự: “Dù không được học qua trường lớp chính quy nhưng tôi vẫn quyết định mở lớp học này với ước mong sao các em có cái chữ để sau này vào đời không bị thiệt thòi”.
Để duy trì lớp học, thầy mở tiệm cơm chay để bán, giá 10.000 đồng/suất nhưng với người già neo đơn và những người quá nghèo, thầy miễn phí cho họ.
Mặc dù gia đình thầy không có chỗ ở cố định, địa điểm lớp học phải thuê, mỗi tháng gia đình thầy Hùng phải trả 9 triệu đồng cho nơi sinh hoạt của gia đình, vừa bán quán cơm ban ngày và cũng là lớp học vào buổi chiều tối cho các em. Ngoài khoản tiền thuê mặt bằng, mỗi tháng gia đình thầy phải bỏ ra 15 triệu đồng để hỗ trợ cho các em ăn uống một bữa vào buổi chiều trước giờ lên lớp, mua sách vở, bút viết cho các em học tập. Bên cạnh đó, một số nhà hảo tâm cũng ủng hộ gạo, sữa bánh kẹo cho các em.
Niềm vui đem đạo vào đời
Đến với lớp học tình thương của thầy Hùng, các em không chỉ được học chữ mà còn được học cách làm người, ứng xử lễ phép với mọi người, nhiều trẻ đã trở thành con ngoan, trò giỏi và biết giúp đỡ cha mẹ.
Học sinh lớp học tình thương của thầy Hùng học các môn học như Ngữ văn, Toán, cuối tuần thứ Bảy thì học Anh văn. Thời khóa biểu được chia từ thứ Hai đến thứ Bảy, bắt đầu từ 18 giờ và kết thúc lúc 19 giờ 45, mỗi buổi là một môn học khác nhau. Có 9 lớp, từ vỡ lòng cho các em chưa biết đọc, viết đến các em học từ lớp 1 đến lớp 8. Ngoài ra còn có một số công nhân chưa biết chữ cũng theo học. Không chỉ dạy cho trẻ em mồ côi, bán vé số, ông Hùng còn nhận dạy thêm cho các học sinh nghèo, gia đình không có tiền để các em đi học thêm.
Hỗ trợ thầy trong thời gian qua là các bạn tình nguyện viên sinh viên các trường đại học: Bách khoa, Sư phạm, Sài Gòn. Chia sẻ về những ngày dạy tại lớp học tình thương, Đặng Thị Trang, sinh viên năm cuối Trường Đại học Sài Gòn cho biết: “Ngoài thời gian học ở trường, mỗi đêm rảnh rỗi em lại đến lớp học tình thương của chú Hùng để dạy chữ cho các em”.
Nhiều lúc quá khó khăn vợ chồng thầy Hùng như muốn buông xuôi nhưng nghĩ tới những đứa trẻ lang thang ham chữ, vợ chồng thầy lại động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.
Nhìn những đứa trẻ nắn nót từng con chữ, thầy Hùng chỉ mong các em sau này trở thành “những con ngoan trò giỏi là niềm vui vô bờ bến đối với tôi khi mang đạo vào đời” của người Phật tử tại gia.