PG Tiền Giang phản hồi bài viết của báo Thanh Niên

GNO - Báo Thanh Niên số 255 ra ngày 12-9-2013 trong loạt bài “Biến dạng di tích”, kỳ 4 có bài viết “Chùa Vĩnh Tràng mất dần nét xưa” đã đưa sai lệch một số thông tin, không đúng như thực tế. Chư tôn thiền đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang vừa chia sẻ với PV Giác Ngộ Online...

TGiang4.JPG

Chùa Vĩnh Tràng - Tiền Giang - Ảnh: Vũ Giang

TGiang1.jpg

Theo đó, HT.Thích Huệ Minh, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang cho biết: "Quan điểm đầu tiên của BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang là rất đáng tiếc cho một sự thiếu hiểu biết về truyền thống văn hóa tâm linh Phật giáo của tác giả Ngọc Phan - Hoàng Phương, kể cả việc hai tác giả này chưa hiểu đúng sự thật về quy trình quản lý khu di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Vĩnh Tràng, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Cho đến thời điểm này, tại Chùa Vĩnh Tràng chưa có bất cứ một tượng Phật cổ nào trong chánh điện và hậu Tổ được sơn phết lại, bộ tượng La-hán có được sơn lại một lần trước năm 1981, thời điểm chùa Vĩnh Tràng chưa được xác lập di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hai bức tượng HT.Trà Chánh Hậu và HT.Minh Đàn trang trí hai bên trên cổng ra vào, khi ra vào ai cũng phải đi lòn phía dưới chân, dẫn đến dư luận xã hội châm biếm. BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức phiên họp thống nhất cho di dời 2 bức tượng vào trong nhà Tổ thờ, thế vào chỗ đó là hai bức tượng Phật Di Đà. Sau khi dời hai bức tượng vào, lâu ngày nắng mưa tượng bị nhiều vết loang lổ, BTS có cho sơn lại nhưng không hề “dán giấy trang kim xanh hay vẽ râu thêm tóc” gì cho tượng như tác giả Ngọc Phan - Hoàng Phương đã viết. Việc di dời hai bức tượng HT.Trà Chánh Hậu và HT.Minh Đàn, có sự thống nhất ký tên của 22 thành viên BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang. Ngoài ra, Ban Tôn giáo tỉnh Tiền Giang, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tiền Giang, UBMTTQVN tỉnh Tiền Giang đều có công văn nhất trí.

Hàng cây sao dẫn lối vào cổng chùa Vĩnh Tràng không hề bị đốn bỏ để xây dựng tượng Phật. Có hai cây đã chết, BTS đệ trình cho Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tiền Giang, sau đó Sở nhất trí cho đốn hạ hai cây đã chết, nguyên hàng cây hiện tại vẫn còn từ xưa đến nay.

Trong bài viết ngoài những việc vừa nêu, tác giả Ngọc Phan - Hoàng Phương còn có nhận định chùa Vĩnh Tràng giống như một công viên “tượng Phật…”. Tất cả những sự nâng cấp, tu tạo các công trình trong khu di tích chùa Vĩnh Tràng đều có sự thống nhất của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tiền Giang và cho phép của UBND tỉnh Tiền Giang.

Cách nói, cách viết cẩu thả như vậy cần phải được xây dựng lại, để trả sự tôn nghiêm cho một khu di tích tâm linh Phật giáo, nơi có biết bao công sức của những người đang gìn giữ và phát huy…

TGiang2.jpg

Còn theo ĐĐ.Thích Thiện Tâm, Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang,Trưởng ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Khu di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Vĩnh Tràng được quản lý, bảo vệ rất nghiêm túc. Từ trước năm 2000, chùa Vĩnh Tràng rất sầm uất, hàng ngàn ngôi mộ bao quanh… BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang lên kế hoạch cải tán khu mộ, thế vào đó là tôn tạo những bức tượng Phật lớn để góp phần cho cảnh quang khu di tích vừa phong phú, vừa trang nghiêm khi khách tham quan du lịch đến đây.

Trong bài viết tác giả dẫn lời của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường nhận định về sự trái ngược của tôn tượng Phật A Di Đà được tôn trí trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng. Tượng Phật A Di Đà cao 18 m được xây dựng trong Chùa Vĩnh Tràng là kết hợp bởi hai truyền thống Mật, Tịnh song hành… Đây là tượng Phật Di Đà thủ ấn không phải phóng quang như nhận định nhầm lẫn trên. Kiến trúc Phật Di Đà thủ ấn cũng được xây dựng ở một số danh lam cổ tự trong nước ta như: núi Tà Cú; chùa Nam Thành, quận Nam Ô, TP.Đà Nẵng… đều là những kiệt tác trong thời hiện đại.

Với những vấn đề hiểu biết chưa rõ của tác giả đã tạo ra một luồng dư luận xã hội không cần thiết, làm ảnh hưởng đến việc điều hành, quản lý một khu di tích lịch sử cấp quốc gia, không những phương hại đến uy tín của BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang mà còn ảnh hưởng đến các nhà chức trách lãnh đạo hữu quan đối với khu di tích.

Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Tiền Giang kết hợp cùng Ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Tiền Giang chúng tôi sẽ đệ trình lãnh đạo các cấp Giáo hội, các ngành chức năng vào cuộc để trả lại sự trong sạch cho khu di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Vĩnh Tràng. Tránh tình trạng không hiểu biết, bóp méo sự thật”.

TGiang3.jpg

Trong khi đó, ĐĐ.Thích Quảng Cường, Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Tiền Giang nói: “Việc tác giả Ngọc Phan - Hoàng Phương có bài viết thiếu hiểu biết như thế là việc cần phải làm sáng tỏ, trả lại sự trong sạch, tôn nghiêm cho khu di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Vĩnh Tràng.

Viết như thế làm phương hại đến uy tín, tiếng tăm của khu di tích vốn đã hiện hữu trên 150 năm, ảnh hưởng đến cách quản lý của các ban, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang trong đó có sự quản lý của GHPGVN tỉnh Tiền Giang.

Theo góc độ của Ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Tiền Giang chúng tôi sẽ đề nghị các ngành chức năng hữu quan vào cuộc để làm rõ nguyên nhân, động cơ dẫn đến bài viết mang tính tiêu cực như thế”.

Vũ Giang

---------------------------------------

LTS: Để rộng đường dư luận, Giác Ngộ Online mời bạn đọc đọc bài trên báo Thanh Niên đưa tới phản hồi của BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang.

Biến dạng di tích - Kỳ 4: Chùa Vĩnh Tràng mất dần nét xưa

Với lịch sử hơn 150 năm và được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia, nhưng sau những lần trùng tu, chùa Vĩnh Tràng (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng gây ra nhiều ý kiến đáng lưu ý.

PG Tiền Giang phản hồi bài viết của báo Thanh Niên ảnh 5
Cổng chùa Vĩnh Tràng ngày nay - Ảnh: H.P  

Chùa cổ đẹp nhất vùng

Là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo nhất Nam bộ, điểm nhấn của chùa Vĩnh Tràng là cổng tam quan với nghệ thuật ghép mảnh sành, sứ. Từ màu sắc của các loại sành sứ, những nghệ nhân xưa đã khéo léo xếp đặt thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ. Các bức thủ quyển mềm mại ghi những câu Phật hiệu bằng nét chữ điêu luyện: Trấn tịnh sơn môn, Quảng đại nguyện môn, Tịnh độ huyền môn…

Bên trong chùa là nơi tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ nghệ nhân khắp ba miền Trung, Nam, Bắc. Chẳng hạn như giữa lòng cột cái là bộ bao lam bát tiên kỵ thú. Tác phẩm này ra đời vào khoảng năm 1907 - 1908 do những nghệ nhân tại địa phương thực hiện. So với các bộ bao lam xung quanh, bộ này có niên đại sớm hơn, nhưng đạt trình độ mỹ thuật cao hơn. Đây là một bức phù điêu hiếm có của những năm đầu thế kỷ 20, chứng tỏ nghệ thuật tạo hình ở Nam bộ phát triển khá sớm. Bốn cột cái của chùa Vĩnh Tràng đều treo long trụ. Đôi phía ngoài chạm tứ linh do bà Lê Thị Ngởi ở Ba Tri (Bến Tre) hiến cúng vào năm 1909. Nét đặc biệt là đôi long trụ này có lối sắp xếp bố cục độc đáo có một không hai: chạm chim phượng đứng trên đầu rồng. Có thể nói toàn bộ cái đẹp của chùa Vĩnh Tràng đều tập trung vào nghệ thuật tạo hình, trong đó phần tượng chiếm đa số.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường xác định những pho tượng đẹp nhất của chùa này là nhóm tượng bằng gỗ do thầy trò nghệ nhân Tài Công Nguyên thực hiện khoảng đầu thế kỷ 20. To nhất là tượng Di Đà do ông Tống Hữu Trung ở Vĩnh Long hiến cúng. Ngoài ra còn có tượng Hộ Pháp khuyến thiện trừng ác… đều là những tác phẩm rất độc đáo. “Bộ La Hán chùa Vĩnh Tràng cũng không kém về mặt nghệ thuật so với các vị La Hán chùa Tây Phương. Nét khác biệt là nó được tạc bằng gỗ. Các vị La Hán đều cưỡi thú, tay cầm bửu bối. Lối đặc tả của nhóm tượng này cũng mang dáng dấp riêng, rất Nam bộ, nhưng lại thành công trong việc mô tả cảm xúc đặc trưng của từng vị La Hán, chứng tỏ ngoài tay nghề, tác giả còn khá am tường giáo lý nhà Phật”, ông Tường nhận định.

Vẽ râu, thêm tóc cho tượng

Có thể nói chùa Vĩnh Tràng là bản tổng kết lịch sử mỹ thuật của đồng bằng sông Cửu Long. Tiếc rằng do cách làm thiếu ý thức của người thời nay đã làm mất đi giá trị các tác phẩm tiền nhân. Ngoài việc xáo trộn, sơn phết các tượng Phật, trong đó có bộ La Hán kỵ thú nêu trên, thậm chí người ta còn làm chuyện khôi hài như vẽ râu tượng ông Huỳnh Trí Phú thay vì chỉ đắp lại sống mũi bị gãy. Ngoài ra, hai bức tượng kiệt tác hòa thượng Trà Chánh Hậu và hòa thượng Minh Đàn còn bị dán giấy trang kim xanh đỏ và vẽ thêm tóc… Trong khi đó thì ở phía sau chánh điện lại dán thông báo của Ban quản lý: “Cấm mọi hình thức di chuyển, thay đổi hình dạng các di vật, cạo gỡ các hoa văn, vẽ bậy, bôi bẩn...”.

Một số người kể lại rằng, ngày xưa ở 2 cổng chùa Vĩnh Tràng có đặt 2 pho tượng của hòa thượng Trà Chánh Hậu và hòa thượng Minh Đàn. Lúc bấy giờ hòa thượng Trà Chánh Hậu đã viên tịch, hòa thượng Minh Đàn còn sống nên có người đặt ca dao châm biếm khiến hòa thượng hổ thẹn nên đã đem hai pho tượng này xuống. Mấy năm sau khi hòa thượng Minh Đàn qua đời, tín đồ nhớ ơn công đức hai vị nên đã đem tượng đặt lại chỗ cũ. Qua thời gian, 2 cổng chùa bị lún và nghiêng, vì vậy năm 2003 ban trị sự chùa đã mời “thần đèn” Cẩm Lũy đến chỉnh sửa. Nhưng sau đó, người ta thấy sân chùa được tôn tạo lại, hàng cây sao cổ thụ dẫn vào chùa bị đốn bỏ rồi xây dựng những bức tượng Phật cao đến hàng chục mét khiến cảnh chùa giống như một công viên tượng Phật.

Theo ông Trương Ngọc Tường thì: “Việc thay thế 2 pho tượng hòa thượng Trà Chánh Hậu và hòa thượng Minh Đàn bằng tượng Phật Di Đà ở 2 cổng là việc làm cẩu thả, bởi vì câu đối khoán thủ hai bên cổng có nội dung ca ngợi 2 vị tổ Chánh Hậu và Minh Đàn”. Đó là chưa nói tượng Phật Di Đà cao 18 m, đặt trên bệ 6 m, có sự trái ngược là Phật Di Đà phóng quang lại giơ tay trái lên, tay phải chỉ xuống đất. Điều này, theo hòa thượng Thích Thanh Từ thì tượng Di Đà phóng quang là tượng đứng trên hoa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng dậy chập chùng, mắt nhìn xuống, tay mặt đưa lên ngang vai, tay trái duỗi xuống như sẵn sàng chờ đợi tiếp cứu những người đang trầm mịch” (Thâm ý qua hình tượng Phật, Bồ tát, bản in 1967). 

“Những kiểu làm cẩu thả, đánh đố như vậy cần phải xem lại, bởi vì trong số khách du lịch đến viếng chùa có nhiều người nước ngoài và có cả bậc thức giả am hiểu chữ nghĩa, điển tích nhà Phật”, ông Tường nhấn mạnh.

Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng vào năm 1849, từ đó đến nay đã qua nhiều đợt trùng tu, mỗi đợt đều có bổ sung những tác phẩm mỹ thuật từ hoành phi, long trụ, tượng thờ... Các di sản văn hóa ấy chứng minh rằng đất Mỹ Tho xưa sớm phát triển nghệ thuật tạo hình. Điển hình là nhiều bộ tượng bằng gỗ, bằng đồng, thậm chí bằng đất sét, sơn son thếp vàng như bộ tượng Thập điện đều đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đặc biệt là bức chân dung hòa thượng Trà Chánh Hậu tại nhà tổ. Nhiều cụ cao niên kể lại rằng đương thời hòa thượng Trà Chánh Hậu không thích chụp ảnh, vì vậy nhà điêu khắc phải tiếp xúc thường xuyên với ông để thực hiện công trình này. Tượng rất sống động giống như người thật.

Ngọc Phan - Hoàng Phương (Thanh Niên)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày