GN - Kể từ ngày được thành lập đến nay, Phật giáo Vĩnh Long đã trải qua 6 nhiệm kỳ hoạt động. Nhờ thắng duyên, tinh thần đoàn kết, hòa hợp và tâm nguyện phụng sự, sinh hoạt Phật sự nơi mảnh đất trung tâm của miền Tây sông nước luôn được đầu tư và gạn lọc.
Lễ tạ Tam bảo và an vị các bảo tượng tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long,
một Phật sự lớn của tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: PG Vĩnh Long
Hoàn thành nhiều mục tiêu
Khi được tiếp kiến và trao đổi về kết quả công tác Phật sự nhiệm kỳ qua (2012 -2017) của Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà, HT.Thích Như Tước - Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đã đúc kết bằng một câu ngắn gọn nhưng bao hàm tất cả khi khẳng định đã hoàn thành nhiều mục tiêu đặt ra”.
Vị giáo phẩm đứng đầu Phật giáo Vĩnh Long cho biết Phật sự lớn nhất trong nhiệm kỳ qua được hoàn thành là kết thúc giai đoạn 1 công trình xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và Bảo tháp Xá-lợi miền Tây. Đây là cơ sở Phật giáo bị bỏ hoang phế 30 năm, đến nay được tiến hành xây dựng mới trên khu đất có diện tích 17.322m2 do UBND tỉnh Vĩnh Long cấp, mang đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam. Công trình bao gồm 11 hạng mục, như: chánh điện, bảo tháp cao 45m, tượng đài Đức Quán Thế Âm lộ thiên cao 32m, cổng tam quan, giảng đường, trai đường, bảo tàng, thư viện…
Nhân mùa Phật đản vừa qua, Phật giáo tỉnh đã cử hành lễ khánh tạ Tam bảo và an vị bảo tượng kim thân Đức Phật nặng 4,5 tấn tại chính điện, tôn tượng Tổ sư Đạt Ma nặng 2,5 tấn tại hậu Tổ. Đây là hai bức tượng được làm bằng đồng lớn nhất Vĩnh Long tính đến hiện tại. Ngoài ra, Bảo tháp Xá-lợi miền Tây và tượng đài Bồ-tát Quán Thế Âm lộ thiên cũng đang được hoàn thiện với kinh kinh phí dự kiến khoảng 40 tỷ đồng.
Việc xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và Bảo tháp Xá-lợi miền Tây là mong đợi của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà muốn có một trung tâm tu học, tín ngưỡng, văn hóa của Phật giáo tỉnh nói riêng và cả khu vực miền Tây nói chung. “Với thế mạnh về giao thông, địa điểm thuận lợi vì tọa lạc ngay dưới dốc cầu Mỹ Thuận nối liền TP.HCM với các tỉnh miền Tây, BTS GHPGVN tỉnh quyết tâm xây dựng công trình với quy mô, tầm vóc khu vực để làm nơi tổ chức các hội nghị Phật giáo cấp Trung ương, cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trường cao trung Phật học, trung tâm văn hóa Phật giáo , nơi tổ chức các khóa an cư kiết hạ, bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì cho Tăng Ni, nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho Phật tử”, HT.Thích Như Tước chia sẻ.
Ngoài ra, theo Hòa thượng, được sự giúp đỡ của các đơn vị liên quan, đến nay hầu hết cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường của Phật giáo Vĩnh Long đều được trùng tu và xây dựng mới khang trang, tạo thêm vẻ mỹ quan cho xã hội, địa phương. Toàn tỉnh hiện có 8 cơ sở thờ tự (3 cơ sở thuộc Phật giáo Kinh và 5 cơ sở thuộc Phật giáo Nam tông Khmer) được cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử” cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Không những thế, các lĩnh vực khác của công tác Phật sự cũng mang lại nhiều tín hiệu khả quan khi Phật giáo tỉnh hoàn thiện tốt đẹp cơ cấu tổ chức hành chánh 8 BTS GHPGVN cấp huyện, riêng BTS GHPGVN huyện Mang Thít sau nhiều năm chờ đợi cuối cùng đã được suy cử, bổ nhiệm. Đối với hoạt động ngành Tăng sự, việc quản lý tự viện và danh bộ Tăng Ni tương đối ổn định, an cư kiết hạ được tổ chức tại nhiều địa điểm, lịch trình tổ chức Đại giới đàn giữ vững; ngành giáo dục Tăng Ni ổn định cơ sở trường và xây dựng mới Tăng xá khang trang, sạch đẹp; ngành hoằng pháp phân công giảng sư thuyết giảng thường xuyên, liên tục; ngành hướng dẫn Phật tử tổ chức thêm nhiều địa điểm tu học mới cho hàng Phật tử tại gia như Bát quan trai, niệm Phật; hoạt động từ thiện xã hội đạt 105 tỷ đồng, góp phần thiết thực vào việc chăm lo đời sống của nhân dân.
Một Phật sự của PG tỉnh Vĩnh Long có đông chư Tăng, Phật tử tham dự
“Nhìn chung, quá trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI, BTS GHPGVN tỉnh quyết tâm chấp hành chủ trương đường lối của Trung ương Giáo hội, gìn giữ tinh thần đoàn kết hòa hợp trong nội bộ các hệ phái Phật giáo tỉnh nhà, phát huy sự hài hòa, quan hệ tốt đối với các ban ngành, đoàn thể, tranh thủ được sự giúp đỡ nhiệt tình của các ngành để hoạt động Phật sự đạt hiệu quả đáng trân trọng”, HT.Thích Như Tước cho hay.
Tìm hướng đi mới
Với sự ổn định sẵn có, nói về kế hoạch sắp tới, HT.Thích Như Tước cho rằng nhiệm kỳ VII (2017-2022), Phật giáo tỉnh cần tạo nên những hướng đi mới để xứng đáng với tiềm năng về vị trí địa lý, lượng Tăng Ni, tín đồ, cơ sở thờ tự và sự kỳ công gầy dựng của các bậc tiền nhân.
Cũng theo Hòa thượng, tất cả đều bắt nguồn từ công tác chọn lựa, suy cử nhân sự và phân công nhiệm vụ ở các cấp khác nhau. Vì từ kinh nghiệm của các thế hệ đi trước và từ thực tiễn công tác Phật sự tại địa phương nhiều năm liền, tập thể BTS luôn ý thức được nhân sự luôn là yếu tố quan trọng nhất, đảm bảo sự tiến triển và hưng thịnh ở bất cứ cấp hoạt động nào của hệ thống tổ chức Giáo hội.
Trên cơ sở đó, ngay sau khi hoàn thành Đại hội kỳ VII, toàn tỉnh sẽ tập trung vào việc củng cố, tăng cường nhân sự các ban chuyên ngành Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Nghi lễ, Từ thiện xã hội, Thông tin-Truyền thông nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Song song đó, Phật giáo tỉnh sẽ thể hiện sự quan tâm hỗ trợ BTS GHPGVN các huyện còn mỏng nhân sự như Mang Thít, thị xã Bình Minh, huyện Tam Bình, huyện Trà Ôn để từng bước hạn chế những mặt yếu kém, phát huy thế mạnh, nâng cao hiệu quả các Phật sự địa phương.
“Vì là một tỉnh có đông chư Tăng và Phật tử thuộc hệ phái Nam tông Khmer nên Phật giáo tỉnh cũng sẽ dành sự hỗ trợ theo hướng lâu dài đối với sinh hoạt, tu học hệ phái, trong đó sẽ có kế hoạch cụ thể duy trì lớp học Pali hiện có và nhân rộng mô hình này ra các chùa Phật giáo Nam tông Khmer còn lại trong tỉnh”, HT.Thích Như Tước khẳng định.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ mới, Phật giáo Vĩnh Long sẽ tăng cường hoạt động Ban Hoằng pháp tỉnh trên cơ sở kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử, BTS Phật giáo cấp huyện của nhiều địa phương tổ chức nhiều điểm thuyết giảng giáo lý ở vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho đồng bào Phật tử nhận ý thức đúng đắn về Chánh pháp, từ đó xa dần mê tín dị đoan.
“Đây là cách Giáo hội tận dụng được nguồn nhân sự trẻ đã được đào tạo nghiêm túc, chuẩn mực tại các trường Phật học tốt nghiệp quay về lại quê nhà tham gia phụng sự, vừa tạo nên phong trào tu học sôi nổi, vừa tìm kiếm và phát hiện lực lượng kế thừa gánh vác Phật sự ở các nhiệm kỳ sau”, Hòa thượng chia sẻ.
Riêng với công trình xây dựng trọng điểm chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và Bảo tháp Xá-lợi miền Tây, nhiệm kỳ mới là giai đoạn đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện các hạng mục còn lại để đưa vào sử dụng tổng thể.
Bảo Thiên