Pháp đơn giản

NSGN - Ajahn Chah (1919-1992) là vị Thiền sư người Thái rất được tin kính. Các bài thuyết pháp của ngài rất thông thoáng, rõ ràng, dứt khoát - sự dứt khoát của vị đã chứng thực được giáo lý của Đức Phật. 

46.jpg
Đức Phật dạy ta phải buông bỏ mọi ác pháp, Ảnh minh họa

Ngài là người có nhiều ảnh hưởng sâu đậm đối với nhiều Thiền sư người Mỹ. Tỳ-kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff) là một tu sĩ người Mỹ theo truyền thống tu trong rừng của Thái Lan. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oberlin năm 1971 với chuyên ngành về Lịch sử Tri thức Âu châu, ông theo học thiền với Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko ở Thái Lan và xuất gia năm 1976. Năm 1991, ông giúp xây dựng một tu viện ở San Diego, California, nơi ông là trụ trì. Ông là một dịch giả, người viết năng nổ. Nhiều tác phẩm của ông có thể được tìm thấy trên mạng có tên: www.accesstoinsight.org.

Con cái, đạn dược

Cây súng bắn các viên đạn - các con của nó - ra phía ngoài.Còn ta bắn con cái vào trong, vào trái tim ta. Khi các con ngoan, tim ta rộn rã. Khi chúng hư, tim ta cũng không an. Con cái, chúng là một vấn đề của nghiệp. Có nghiệp xấu, có nghiệp tốt, nhưng tốt hay xấu, cũng là con cái của ta, không có gì khác hơn. 

Khi sinh chúng ra, chúng càng khiếm khuyết, ta càng yêu chúng hơn. Nếu có đứa sinh ra bị tàn tật, đó là đứa ta thương yêu nhất. Mỗi khi ra khỏi nhà, ta căn dặn đứa lớn, “Hãy trông chừng em con. Hãy coi chừng nó” - vì ta thương đứa đó. Khi sắp lìa bỏ cõi trần, ta căn dặn, “Hãy chăm sóc nó. Hãy bảo vệ con tôi”. Đứa trẻ đó khiếm khuyết, nên bạn càng thương nó hơn.

Đuôi rắn 

Phàm phu chúng ta không thích khổ. Ta chỉ muốn được hạnh phúc. Nhưng thực ra, hạnh phúc chỉ là đau khổ trá hình. Đau thì là cái khổ rõ ràng. Nói một cách đơn giản, khổ đau và hạnh phúc giống như rắn. Đầu nó là khổ, đuôi là hạnh phúc. Đầu nó chứa độc tố. Miệng nó chứa độc. Nếu bạn đến gần đầu rắn, nó sẽ cắn bạn. Nếu nắm đuôi rắn, bạn tưởng là an toàn, nhưng nếu nắm lâu, rắn sẽ quay đầu và cắn bạn như thường. Đó là vì đầu và đuôi rắn đều thuộc về một con rắn. 

Cả hạnh phúc và khổ đau đến từ một nguồn gốc: tham ái và si mê. Đó là lý do tại sao có nhiều khi bạn cảm thấy hạnh phúc nhưng vẫn bất an - ngay cả khi bạn đã đạt được điều mình mong muốn, thí dụ được của cải vật chất, địa vị, danh tiếng. Khi có được những thứ này, bạn cảm thấy hạnh phúc, nhưng tâm không thực sự yên vì vẫn còn một nỗi lo sợ len lỏi vào, nhắc rằng bạn có thể đánh mất chúng. Bạn sợ rằng chúng sẽ biến mất. Chính nỗi sợ này là cái khiến bạn bất an. Đôi khi bạn thực sự mất tất cả những thứ này và thực sự khổ đau. Điều đó có nghĩa là dầu những thứ này đem lại hạnh phúc, khổ đau vẫn ẩn tiềm trong đó. Đơn giản là chúng ta không ý thức về điều đó. Cũng như khi bắt rắn: Dầu ta nắm được đuôi nó, nếu ta không buông ra, nó sẽ quay lại cắn ta.

Như thế, đầu và đuôi rắn, cái xấu và cái tốt: Những thứ này tạo ra cái vòng luôn quay. Đó là lý do tại sao dục lạc và khổ đau, tốt và xấu không phải là con đường đạo. 

Tử thần 

Chúng ta sống như gà, không biết điều gì đang xảy ra. Sáng thì dẫn gà con đi kiếm ăn. Tối về chuồng ngủ. Sáng mai lại đi kiếm ăn. Chủ trại rải gạo cho gà ăn mỗi ngày, nhưng chúng không hiểu tại sao chủ lại cho mình ăn. Gà và chủ trại suy nghĩ rất khác nhau. 

Chủ trại nghĩ, “Không biết mấy chú gà này cân nặng bao nhiêu?” Gà thì chỉ lo cắm đầu ăn. Khi chủ trại nhấc nó lên để ước tính trọng lượng, nó còn tưởng chủ trại biểu lộ tình thương mến với nó. 

Chúng ta cũng không biết điều gì đang xảy ra: ta từ đâu đến, còn sống được bao năm nữa, sẽ đi đâu, ai sẽ đưa ta đến đó. Chúng ta chẳng biết gì cả.

Tử thần thì giống như người chủ trại. Chúng ta không biết lúc nào thì hắn đến tìm ta, vì chúng ta đang đắm đuối - đắm đuối trong cảnh, âm thanh, mùi vị, xúc chạm và suy tư. Chúng ta không cảm nhận mình đang già đi. Chúng ta không biết đâu là đủ. 

Cái bắt đầu là cái kết thúc 

Khi được sinh ra là ta đã chết, bạn có biết không. Tuổi già và chết là một thứ. Giống như cái cây. Có phần gốc; có phần ngọn. Khi có gốc, phải có ngọn. Khi có ngọn, phải có gốc. Khi không có gốc, không có ngọn. Không thể có ngọn mà không có gốc: Không có chuyện đó. Nó phải như thế. 

Vì thế có vẻ buồn cười: Khi có người mất đi, chúng ta buồn, khổ. Chúng ta khóc lóc, đớn đau - biết bao thứ. Đó là ảo tưởng. Ảo tưởng bạn biết không. Khi một người mất đi, ta khóc. Đó là cách phải như thế không biết tự bao giờ. Chúng ta không dừng lại để quán sát cẩn thận. Thực ra - nếu sư được phép nói- ta nên khóc khi một người được sinh ra. Nhưng chúng ta đã làm ngược lại. Khi đứa trẻ được sinh ra đời, người ta hớn hở, vui cười hạnh phúc. Nhưng thực sự sinh là tử. Tử là sinh. Cái bắt đầu là kết thúc; cái kết thúc là cái khởi đầu. 

Lá cây 

Khi chúng ta ngồi trong một khu rừng lặng gió, lá cây lặng yên. Khi có gió thổi, lá cây xào xạc. 

Tâm ta cũng tựa lá cây. Khi gặp đối tượng, nó xao động theo bản tánh của nó. Bạn càng không biết Pháp, tâm bạn càng xao động. Khi được thỏa ý, nó chết vì dục lạc. Khi gặp điều bất toại, nó chết vì khổ đau. Tâm cứ xao động theo cách đó. 

Màu nước 

Tâm ta, lúc bình thường, giống như nước mưa. Sạch, trong, bình thường. Nếu ta bỏ màu xanh, màu vàng vào, màu của nước sẽ thành màu xanh, màu vàng. 

Tâm ta cũng thế: Khi gặp đối tượng nó thích, nó hạnh phúc. Khi gặp điều không ưa thích, nó bực bội, khó chịu - giống như nước đổi màu khi bạn cho màu xanh, màu vàng vào. Nó cứ đổi màu như thế. 

Mồ côi 

Tâm ta, khi không được ai chăm lo, nó giống như đứa trẻ không có cha mẹ chăm lo - một đứa trẻ mồ côi, một đứa trẻ không người bảo vệ. Người không được ai chăm lo, bảo vệ sẽ khổ đau, và tâm ta cũng thế. Nếu tâm không được huấn luyện, nếu quan điểm của tâm không chân chính, không đưa đến chánh kiến, nó sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Tại sao là gánh nặng 

Khi đau khổ phát sinh, bạn cần nhận biết khổ, và xét xem cái khổ này phát khởi từ đâu. Bạn có thấy ra điều gì không? Nếu ta nhìn sự vật với cái nhìn bình thường, thì không có khổ. Thí dụ, khi đang ngồi đây, chúng ta thấy rất tự tại. Nhưng được một lúc, chúng ta muốn lấy cái ống nhổ, nên cầm nó lên. Giờ thì mọi thứ đã khác. Khác với khi ta chưa cầm cái ống nhổ lên. Khi cầm ống nhổ lên, ta cảm nhận sức nặng. Có lý do cho việc đó. Tại sao ta cảm thấy nặng nếu không phải vì ta đã cầm cái ống nhổ lên? Nếu ta không làm vậy, thì không có gì xảy ra. Nếu ta không nhấc nó lên, ta cảm thấy nhẹ nhàng. Vậy thì gì là nhân, gì là quả? Chúng ta chỉ việc quán sát chừng ấy, ta cũng hiểu. Chúng ta không cần phải đi học hỏi ở tận đâu. Khi ta bám chấp vào thứ gì, đó là nhân của khổ. Khi ta buông xả, không có khổ đau. 

Cây kim chích

 ... Đây là khổ. Cái khổ thông thường là một việc; cái khổ vượt lên trên cái bình thường lại là chuyện khác. Các cái đau do thân tạo ra - đau khi đứng, đau khi ngồi, đau khi nằm: Những thứ này là cái đau thông thường, cái đau do thân tạo ra. Đức Phật cũng cảm nhận những cái đau giống như thế. Ngài cũng cảm nhận được lạc giống như thế, khổ giống như thế, nhưng Ngài nhận thức được rằng chúng bình thường. Tất cả mọi hạnh phúc và khổ đau thông thường này, Ngài có thể khiến chúng lặng yên vì Ngài hiểu chúng. Ngài hiểu cái khổ thông thường: Đó là cách của chúng. Không thực sự lớn lao gì. Bên cạnh đó, Ngài còn đón nhận khổ, cái khổ vượt lên trên cái khổ thông thường. 

Giống như khi bạn bị bệnh và đi bác sĩ để tiêm thuốc. Mũi kim xuyên qua da, đến tận thịt. Có đau một chút, nhưng đó là chuyện bình thường. Không có gì to tát. Với ai điều này cũng xảy ra như thế. Cái khổ vượt lên trên cái bình thường là cái khổ của bám víu. Giống như ngâm mũi kim vào thuốc độc, rồi chích vào cơ thể. Làm thế ta không đau theo cách bình thường; đó không phải cái đau bình thường. Cái đau này đủ để giết bạn.

Thịt dính kẽ răng 

Sự ham muốn dục lạc là điều khó tránh. Không khác gì khi ăn thịt, ta bị thịt dính vào kẽ răng. Rất đau. Ngay cả khi chưa dùng xong bữa, bạn phải dừng lại để tìm cây tăm lấy nó ra. Khi lấy nó ra được rồi, bạn cảm thấy nhẹ nhõm được một lúc và không muốn ăn thịt nữa. Nhưng lúc khác thấy thịt, bạn lại ăn, lại bị dính kẽ răng. Lại phải cạy ra, lại thấy nhẹ nhõm. Đối với dục lạc cũng giống như thế: không khác gì hơn miếng thịt nhét kẽ răng. Bạn cảm thấy bực bội, khó chịu, sau đó bạn phải cạy bỏ nó ra khỏi cơ thể bằng bất cứ cách nào. Bạn không hiểu thế là thế nào. Đúng là điên rồ. 

Chết khát 

Như người lữ hành đường xa đang rất khát nước. Anh ta xin nước, nhưng người ta bảo anh, “Anh có thể uống nước này nếu muốn. Nước trong, không có mùi, vị ngọt, nhưng là nước độc, tôi cảnh báo anh. Nó độc đến chết người hay khiến anh đau như chết”. Nhưng người lữ hành không quan tâm vì anh ta quá khát. Hoặc giống như người sau giải phẫu. Bác sĩ bảo không được uống nước, nhưng bệnh nhân vẫn xin nước uống. 

Người khát dục lạc cũng giống như thế: khát cái nhìn, khát âm thanh, mùi, vị, tất cả những thứ độc hại. 

Đức Phật dạy rằng sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp là độc hại. Chúng là những cái bẫy. Nhưng ta không lắng nghe Đức Phật. Giống như kẻ lữ hành khát nước không màng đến lời cảnh báo vì anh ta quá khát: Không cần biết sẽ bị ngộ độc, đau đớn đến thế nào, anh ta vẫn xin được uống nước. Anh ta không quan tâm, nếu sau khi uống, anh sẽ chết hay bị đau đớn như chết. Ngay khi có ly nước trong tay, anh ta sẽ uống không ngừng. Người khát dục lạc uống cảnh, uống âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và suy tư. Chúng có vẻ ngon lành, nên anh ta cứ tiếp tục uống chúng vào. Anh không thể dừng lại. Anh ta uống mãi cho đến khi chết - ngay trong lúc hưởng thụ dục lạc.

Chạm ổ kiến lửa 

Dục lạc tựa như nhánh cây chọc vào ổ kiến lửa. Ta càng chọc vào ổ, kiến lửa càng túa ra nhiều, tràn vào người, vào mặt, vào mắt, cắn tai, cắn mắt. Nhưng ta vẫn không thấy tác hại của việc ta làm. Ta chỉ thấy thích hành động như thế. Hãy hiểu rằng nếu ta không thấy được điều tai hại của những việc này, ta sẽ không tìm phương cách để thoát ra. 

Ếch mắc câu 

Thú bị bẫy rập đều khổ. Chúng bị cột xuống, bị dính chặt. Chúng chỉ biết nằm chờ thợ săn đến bắt chúng đi. Giống như chim bị mắc bẫy: cổ nó bị bẫy siết, nên dù nó có vùng vẫy bao nhiêu, nó cũng chẳng thể thoát. Nó cứ vẫy đạp, vật mình bên này, bên kia, nhưng nó không thể thoát khỏi bẫy. Nó chỉ có thể chờ thợ săn đến. Khi người thợ săn đến, thế là hết. Đó là Ma vương. Chim chóc rất sợ người này: tất cả mọi loại thú đều sợ người này vì chúng biết không thể chạy thoát. 

Những chiếc bẫy của chúng ta là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng cột ta xuống. Khi ta bám chấp vào sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, ta cũng giống như con cá bị mắc câu, chờ đợi người câu cá đến bắt. Dầu ta có vùng vẫy đến đâu, ta cũng không thể thoát. Thực sự ra, ta còn khổ hơn con cá bị mắc câu. Ta giống như con ếch bị mắc câu hơn - vì khi ếch mắc câu, lưỡi câu chui tuốt luôn xuống bụng. Khi cá mắc câu, lưỡi câu chỉ ở trong miệng cá. 

Cánh tay ngắn

Giáo lý của Đức Phật rất đơn giản, trực tiếp, và nhắm thẳng tới đích, nhưng lại khó cho người mới tu tập vì sự hiểu biết của họ có giới hạn. Giống như có cái lỗ hang: hàng trăm, hàng ngàn người than phiền rằng lỗ hang quá sâu, họ không thể với tới đáy. Gần như không có ai nói rằng vấn đề là vì cánh tay họ quá ngắn. Đức Phật dạy ta phải buông bỏ mọi ác pháp. Nhưng chúng ta tảng lờ phần này đi và lao thẳng vào việc tạo công đức mà không buông bỏ các ác pháp. Như thế khác gì bảo lỗ hang quá sâu. Những người bảo rằng cánh tay họ ngắn là rất hiếm. 

Gâu! Gâu! Gâu! 

Có lần sư thấy một con chó không ăn hết chỗ cơm sư đã cho, nó chỉ nằm nhìn dĩa cơm ngay đó. Nó no quá rồi, không thể ăn thêm nữa, nhưng vẫn nằm trông chừng. Nó dần lờ đờ, muốn ngủ, rồi lại ngó tới chỗ cơm còn lại. Nếu có con chó khác đến ăn, dù to hay nhỏ, nó cũng sừng sộ. Nếu mấy con gà đến ăn, nó cũng gầm gừ: Gâu! Gâu! Gâu! Bụng nó no căng, nhưng nó không muốn cho ai khác ăn. Nó thật là ích kỷ, keo kiệt. 

Con người ta cũng thế. Nếu họ không biết Pháp, nếu họ không biết bổn phận của mình đối với người trên, kẻ dưới, nếu tâm họ tràn đầy uế nhiễm tham, sân và si, thì dầu họ có bao nhiêu tài sản, họ vẫn là người keo kiệt và ích kỷ. Họ không biết chia sẻ. Họ khó thể chia sẻ với trẻ em nghèo hay người già không có cái để ăn. Sư đã nghĩ nhiều về điều này và cảm thấy họ giống như súc vật bình thường. Họ không có tính cách của con người chút nào. Đức Phật gọi những người đó là con người - súc sinh (manussa-tiracchano). Họ chính là như thế vì họ không có thiện tâm, từ ái, hoan hỷ và rộng lượng.

Con chó nằm trên đống thóc

 …Giống như chú chó nằm trên đống thóc. Bụng nó kêu đói, nhưng nó nằm đó, suy nghĩ, “Không biết tìm đồ ăn ở đâu đây?”. Bụng thêm đói, nên nó nhảy xuống khỏi đống thóc chưa xay, đi tìm mấy túi rác. 

Đồ ăn ngay đó, trong đống thóc, nhưng nó không biết. Nó không nhìn thấy cơm gạo. Nó không thể ăn thóc chưa xay. 

Trí tuệ hiện hữu, nhưng nếu ta không thực hành, ta sẽ không hiểu. Ta cũng ngu si như con chó nằm trên đống thóc. Thật đáng thương. Gạo ăn được đó, nhưng bị trấu che - cũng giống như sự giải thoát ở ngay đây, nhưng nó bị các ảo tưởng của ta che mờ. 

Ghẻ lác 

Đức Phật thuyết rằng: “Này các Tỷ-kheo, các ông có thấy con chó rừng chạy loanh quanh ở đây vào buổi tối? Các ông có thấy nó không? Đứng yên, nó cũng khổ. Chạy lòng vòng, nó cũng khổ. Ngồi xuống, nó cũng khổ. Nằm xuống, nó cũng khổ. Trốn vào hốc cây, nó khổ. Vào trong hang, nó cũng không yên. Nó khổ vì nó nghĩ: ‘Đứng chỗ này không tốt. Ngồi không tốt. Nằm không yên. Bụi cây không ổn. Hốc cây không im. Hang động không được’. Nên nó cứ chạy loanh quanh suốt. Thực ra, con chó rừng đó bị ghẻ lác. Sự khó chịu của nó không phải là ở bụi cây, hốc cây, hay hang động, hay ở việc ngồi, đứng, hay nằm. Nó khổ vì ghẻ lác”. 

Quý vị cũng thế. Sự khó chịu của quý vị là do tà tư duy. Quý vị bám chấp vào các tư tưởng độc hại, rồi khổ đau. Quý vị không tập thu thúc các căn, rồi đổ lỗi cho những thứ khác. Quý vị không biết điều gì đang xảy ra trong tâm mình. Khi ở tu viện Nong Pah Pong, quý vị bức bối. Quý vị qua Mỹ, rồi cũng khổ. Qua Anh, cũng không yên. Đến chùa Bung Wai, cũng khổ. Quý vị đi đến các tu viện chi nhánh, rồi cũng khổ. Dẫu đi tới đâu, quý vị cũng không an ổn. Đó là do các tà kiến vẫn còn nằm bên trong quý vị. Quan điểm của quý vị không chính đáng, nhưng quý vị bám chấp vào chúng, vào những ý nghĩ độc hại trong tâm. Dẫu đi tới đâu, quý vị cũng không được bình an. Quý vị giống như con chó rừng ghẻ lác nọ. 

Một khi quý vị đã chữa lành khỏi bệnh ghẻ lác, ở đâu quý vị cũng thấy dễ chịu: dễ chịu ở chỗ thông thoáng, dễ chịu ở chỗ hoang vu. Sư thường nghĩ về điều này và lúc nào cũng muốn nhắn nhủ đến quý vị vì giáo pháp này rất hữu dụng. 

Giòi Maggot 

Khi có chánh kiến trong tâm, ta có thể hạnh phúc ở bất cứ nơi nào. Chỉ khi ta còn tà kiến, còn bám chấp vào các ý tưởng độc hại, thì ta sẽ khổ đau. Bám chấp theo cách đó thì khác chi con giòi. Nơi chúng sinh sống bẩn thỉu; đồ chúng ăn bẩn thỉu. Đồ ăn của chúng không đáng gọi là đồ ăn - nhưng đối với con giòi thì không có vấn đề gì. Thử lấy que gạt nó ra khỏi đống phân mà nó đang ăn, xem điều gì sẽ xảy ra. Nó sẽ ngọ nguậy, ngọ nguậy, nhanh chóng trở lại với đống phân cũ. Chỉ khi đó nó mới thấy hạnh phúc.

 Đối với quý sư và các Sa-di cũng thế. Các ông vẫn còn tà kiến trong tâm. Quý thầy có đến khuyên dạy các ông phương cách để có được chánh kiến, nhưng các ông không thấy thích. Các ông tiếp tục quay về đống phân cũ. Chánh kiến không thích hợp với các ông vì các ông đã quen với đống phân cũ. Chừng nào giòi bọ còn chưa thấy nơi chúng sinh sống là bẩn thỉu, chúng sẽ không rời bỏ. Chúng ta cũng thế. Chừng nào ta còn chưa thấy những khiếm khuyết của tà kiến, ta không thể tránh khỏi chúng. Chúng khiến cho việc tu tập của ta trở nên khó khăn.

 Sông ngòi 

Sông thường chảy xuống đồng bằng. Chúng chảy theo bản chất tự nhiên. Sông Ayutthaya, sông Muun - bất cứ sông gì: Tất cả đều chảy xuống dưới thấp. Không có dòng sông nào chảy ngược lên cao. Đó là bản chất thông thường của chúng.

Giả dụ có người đang đứng bên bờ sông, nhìn dòng sông chảy nhanh xuống đồi, nhưng anh ta suy nghĩ ngược đời. Anh muốn dòng sông chảy ngược lên đồi. Anh ta sẽ phải khổ thôi. Anh ta sẽ không tìm được chút an bình nào. Ngồi, đứng, đi, hay nằm, anh ta vẫn không yên. Tại sao vậy? Vì cách suy nghĩ của anh ta không đúng. 

Gà & vịt 

Hai người kia thấy một con gà và một con vịt. Người thứ nhất muốn con gà là con vịt, và con vịt là con gà, nhưng không thể nào được. Có cả đời, điều này cũng không xảy ra. Nếu người thứ nhất không dừng suy nghĩ theo cách đó, anh ta sẽ khổ đau. Người thứ hai thấy con gà là gà, con vịt là vịt. Vậy thì không có vấn đề. Khi quan điểm của bạn chân chính, thì không có khổ đau.

Ở đây cũng thế. Anicca - những thứ vô thường - ta muốn chúng thường hằng. Khi chúng vô thường, ta buồn khổ. Người có thể thấy các pháp vô thường là vô thường, sẽ được tự tại. Không có vấn đề với họ.

Từ ngày có mặt trên đời, chúng ta đã chạy trốn sự thật. Ta không muốn sự vật như chúng là, nhưng ta cũng không thể khiến chúng khác đi. Đó chỉ là cách của chúng. Chúng không thể khác đi. Giống như cố gắng biến con vịt thành con gà. Điều đó không thể xảy ra. Con vịt là con vịt. Hoặc muốn biến con gà thành giống con vịt. Không thể giống được. Con gà là con gà. Ai nghĩ rằng mình muốn hoán đổi mọi việc như thế, sẽ phải khổ đau. Nhưng nếu ta nghĩ, “Sự vật là như thế”, ta sẽ tự tại - vì dầu bạn có cố gắng đến mức nào, bạn cũng không thể khiến thân bền vững hay tồn tại mãi. 

Muối mà không mặn 

Có một vị tự xưng là thiền giả, đến thăm và xin được ở lại thiền viện. Ông hỏi về phương cách chúng tôi tu tập, và tôi trả lời, “Nếu sống ở đây, ông không thể giữ tiền hay lưu giữ thứ gì. Chúng tôi sống theo giới luật”. 

Vị ấy nói mình thực hành hạnh không bám chấp.

Sư nói: “Tôi không hiểu ý ông”. 

Ông ta hỏi, “Nếu con sử dụng tiền mà không bám chấp, con có thể ở lại đây không?” 

Nên sư nói, “Dĩ nhiên. Nếu ông ăn muối mà nói muối không mặn, thì ông có thể ở lại. Nếu ông chỉ tuyên bố là mình không bám chấp chỉ vì ông không muốn tuân giữ giới luật rắc rối, thì khó mà ở lại đây. Nhưng nếu ông ăn muối mà không thấy mặn, thì tôi sẽ tin ông. Ông có thể thực sự ăn cả ký muối mà không thấy mặn? Việc không bám chấp là điều không thể chỉ nói ngoài cửa miệng. Nếu ông nói năng theo kiểu đó, thì ông không thể sống ở tu viện này”. 

Sau đó, vị thiền giả ra đi. 

Con đường đơn độc 

Dầu trong tâm có gì: Nếu suy nghĩ của ta không tốt, ta có thể buông nó đi. Nói cách khác, tâm có hai mặt: mặt bên này và mặt bên kia. Người ta thường đi dọc theo bên này hay bên kia. Ít có ai đi ở giữa lộ. Đó là con đường đơn độc. Khi có tình thương yêu, chúng ta đi dọc theo con đường tình yêu. Khi có sân hận, ta đi dọc theo con đường sân hận. Nếu ta cố gắng đi theo con đường không có ái, không có sân, đó là con đường đơn độc. Chúng ta không muốn đi theo con đường đó. 

Cái gai 

Vạn pháp chỉ đơn giản là như thế. Chúng không nhằm đem lại đau khổ cho ta. Giống như cái gai: Cái gai nhọn có khiến ta đau không? Không. Đơn giản nó chỉ là cái gai. Nó không làm khổ ai. Chỉ khi ta giẫm lên nó, ta liền đau. 

Tại sao ta đau? Vì ta giẫm lên gai. Nên chính ta mang cái đau đến cho bản thân.

Khiêng đá 

“Buông xả” thực sự có nghĩa như thế này: Như thể ta đang khiêng một tảng đá nặng. Ta thấy nặng khi khiêng tảng đá, nhưng không biết phải làm sao, nên tiếp tục khiêng nó. Khi có người bảo ta hãy vứt nó đi, ta nghĩ: “Cái gì? Nếu vứt nó đi, tôi không còn gì cả”. Nên ta lại tiếp tục khiêng tảng đá. Ta không muốn vứt nó đi. 

Ngay cả khi người ta bảo: “Nào, vứt nó đi. Như thế sẽ tốt hơn, bạn sẽ được lợi ích hơn”, ta vẫn không muốn vứt tảng đá đi vì sợ rằng mình không còn gì cả. Nên ta tiếp tục khiêng đá cho đến khi đã kiệt sức, đã yếu đến nỗi không còn có thể khiêng nó nữa. Đó là lúc chúng ta phải buông nó.

Chỉ khi đã buông xả thì ta mới hiểu ý nghĩa của nó. Ta cảm thấy tự tại. Và cảm nhận được từ bên trong rằng khi khiêng tảng đá, ta thực sự cảm thấy nặng nề làm sao. Nhưng khi đang khiêng đá, ta không biết sự buông xả có ích lợi dường nào. 

Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Trích dịch theo IN SIMPLE TERMS -108 SIMILES, bảng tiếng Anh do Tỳ-kheo Thanissaro dịch từ tiếng Thái

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày