Pháp đơn giản

NSGN - Ajahn Chah (1919 - 1992) là vị thiền sư người Thái rất được tin kính. Các bài  thuyết pháp của ngài rất thông thoáng, rõ ràng, dứt khoát - sự dứt khoát của vị đã chứng thực được giáo lý của Đức Phật.

Buddhism-5.jpg
Thiền chỉ là vấn đề thực hành - Ảnh minh họa

Con mèo

Uế nhiễm giống như mèo. Nếu ta cho mèo ăn bất cứ khi nào nó muốn, nó sẽ quay lại mỗi lúc một thường xuyên hơn. Nhưng sẽ có ngày, nó sẽ cào ta, nếu ta không cho nó ăn. Vì thế ta không cần phải cho nó ăn. Nó sẽ kêu meo meo hoài, nhưng nếu ta không cho nó ăn một hay hai ngày, nó sẽ không quay trở lại.

Với uế nhiễm cũng thế. Nếu ta không dung dưỡng chúng, chúng sẽ không làm phiền ta. Lúc đó tâm ta sẽ có thể lắng xuống và an tịnh.

Làm trước, trả tiền sau

Nhiều người đến tu tập không muốn gì ngoài an lạc. Nhưng an lạc ở đâu ra chứ? Duyên nào đưa nó đến? Mọi hình thái của an lạc phải đến từ sự khổ luyện.Sau đó mới mong có an lạc. Bất cứ chúng ta làm gì: Ta phải làm việc trước, sau mới có lương để chi tiêu, đúng không? Ta phải đổ mồ hôi trên cánh đồng, sau mới có lúa gạo để ăn. Mọi thứ trước tiên phải trải qua khổ nhọc.

 Ăn mía

Bạn đã từng ăn mía chưa? Khi bạn ăn từ ngọn xuống gốc, bạn thấy thế nào? Càng gần đến gốc, càng thấy ngọt - đến nỗi dầu chỉ còn tí tẹo, bạn cũng không muốn vứt nó đi. Sợ uổng phí. Mấy con kiến muốn ăn, bạn cũng không cho.

Vậy hãy tu tập giống như thế. Hãy thực hành Pháp giống như người ăn mía.

Hàng rào

Đối với việc thực hành, hãy bắt đầu bằng cách thiết lập năng lực của kham nhẫn, sau đó tập quán sát. Quán sát các hoạt động của mình, việc đi, việc đến. Quán sát xem bạn đang dự tính điều gì. Bất cứ điều gì phát khởi, Đức Phật cũng đã dạy ta. Sự vật đến từ phương hướng nào, Đức Phật cũng đã dạy ta. Nếu ta đã biết mọi thứ, biết điều gì sẽ đến ở đây, ta sẽ thấy nó. Điều gì sẽ đến ở đó, ta sẽ thấy nó. Đúng ta biết. Sai ta cũng biết. Buồn ta biết. Hoan hỷ ta hay. Ta biết rõ mọi thứ.

Nhưng các tâm của ta, khi chúng quán sát, chúng chưa biết rõ ràng. Tâm chỉ biết mặt này, nhưng bỏ ngỏ mặt kia. Giống như khi ta làm hàng rào quanh vườn hay nhà nhưng không làm trọn vẹn. Ta chỉ rào một bên này, trộm cướp sẽ vào phía bên kia, nơi không có hàng rào. Tại sao vậy? Vì ta chưa đóng cổng. Hàng rào ta làm chưa hoàn tất. Nên trộm cướp đi vào chỗ trống, đó là chuyện bình thường. Nên chúng ta quán sát tiếp, làm thêm rào, tiếp tục đóng mọi thứ lại.

Dựng hàng rào ở đây có nghĩa là thiết lập chánh niệm và luôn tỉnh thức. Nếu ta làm thế, Pháp sẽ không đi đâu cả. Nó sẽ đến ngay tại đây. Tốt hay xấu, Pháp ta cần thấy và cần biết, sẽ phát khởi tại đây.

 Vòng tròn

Đối với việc thực hành, đừng nghĩ rằng phải ngồi mới là hành thiền, rằng phải đi qua, lại mới là hành thiền. Đừng nghĩ như thế. Thiền chỉ là vấn đề thực hành. Dầu bạn đang diễn thuyết, ngồi đây lắng nghe, hay đi khỏi nơi đây, hãy giữ sự thực hành trong tâm. Hãy tỉnh thức để biết điều gì đúng, điều gì sai.

Đừng cho rằng chỉ cần thực hành giới luật trong mấy tháng an cư mùa mưa, rồi buông bỏ chúng sau khi mùa an cư đã qua. Như thế là không được. Mọi thứ không thể giải quyết theo cách đó. Giống như dọn vườn. Ta phải luôn cắt tỉa, cắt tỉa, sau đó khi mỏi mệt ta mới dừng lại nghỉ ngơi. Ta dọn cuốc xẻng, rồi một hay hai tháng sau sẽ trở lại. Cỏ dại giờ còn cao gốc rễ đã cắt trước đó. Nếu chúng ta cố gắng dọn lại những nơi ta đã dọn, ta sẽ phí sức. Ngài Ajaan Mun có lần đã nói rằng, chúng ta phải giữ cho sự thực hành của mình giống như một vòng tròn. Vòng tròn không có chỗ dừng. Hãy khiến nó tiếp tục, không dừng nghỉ. Khi tôi lắng nghe ngài, tôi nghĩ, “Vậy khi tôi đã lắng nghe xong pháp thoại này, tôi sẽ phải làm gì?”

Câu trả lời là hãy khiến sự tỉnh thức akaliko: vô thời hạn. Hãy chắc chắn rằng tâm luôn biết và nhận thấy được điều gì là đúng, điều gì sai.

Lửa & Lũ

Đức Phật dạy rằng đó là cách của thân và tâm. Chúng sẽ tiếp tục theo cách đó. Chúng không thể khác hơn. Nói cách khác, trước tiên chúng phát khởi, rồi chúng già đi, rồi chúng hư hoại, sau cùng chúng chết. Đó là sự thật, là chân lý, mà bạn đang trải nghiệm ngay hiện tại. Đó là chơn đế. Vì thế hãy quán sát với trí tuệ để thấy được nó, chỉ có thế.

Ngay nếu như nhà bạn bị cháy, nếu như nhà bạn bị nước ngập, thì cũng chỉ nên quan tâm đến cái nhà. Nếu lửa cháy, đừng để nó đốt cả tâm bạn. Nếu nước ngập, đừng để nước tràn tâm bạn. Hãy để nước chỉ ngập nhà. Hãy để lửa chỉ cháy nhà, là thứ nằm ngoài thân. Còn tâm, hãy buông xả nó, vì đây đúng là thời điểm. Đã đến lúc phải buông bỏ.

Để ly xuống

Tu tập bằng cách buông. Đừng nắm giữ. Hoặc giả nếu có nắm giữ, đừng nắm chặt. Bạn có hiểu việc không nắm giữ là gì không? Cái ly này đây: Ta cầm nắm nó lên và quán sát nó. Khi ta đã biết nó là thế nào, ta đặt nó xuống. Đó gọi là không nắm giữ - nói cách khác, nắm giữ nhưng không nắm chặt. Ta chỉ nắm giữ để quán sát, để biết, xong rồi ta để nó xuống.  Ta bình thản. Cũng thế với mọi thứ khác...

 Chuối có độc

Sư đến sống ở một tu viện, xuất gia làm Sa-di khi mới chín tuổi. Những ngày ấy, sư cứ cố gắng thực hành, nhưng không hiểu nhiều về mọi thứ. Sư chỉ bắt đầu có hiểu biết khi được thọ giới làm Tỳ-kheo. Ôi! Sư thấy sợ tất cả mọi thứ. Khi quán sát đời sống đầy dục lạc của người thế tục, thay vì thấy vui vẻ, hạnh phúc như họ nghĩ, sư chỉ thấy khổ đau. Giống như bánh chuối. Khi ăn ta thấy nó ngon, ngọt. Ta biết vị ngọt của nó. Nhưng nếu ta biết ai đó đã bỏ thuốc độc vào chuối, nếu biết rằng ta sẽ tử vong sau khi ăn chuối, ta sẽ không màng chuối ngọt đến đâu, đúng không? Quan điểm của sư luôn là thế. Khi sư sắp sửa ăn thứ gì, sư luôn nhìn thấy chất độc bên trong. Đó là lý do tại sao càng ngày sư càng lánh xa thế tục, cho đến ngày nay, sư đã tu hành được bao năm rồi. Một khi bạn có hiểu biết, những thứ như thế không thể hấp dẫn bạn.

Học & hành

Một số quý vị là học giả, đã nghiên cứu kinh điển, đã học nhiều thứ. Sư bảo, vậy thử hành thiền. Vấn đề của quý vị là ở việc bám sát theo sách vở: Khi bạn học, bạn học theo sách vở, nhưng khi thực hành, bạn phải thoát ra khỏi sách vở. Nếu bạn chỉ biết chiến đấu theo như sách vở, bạn sẽ không phải là đối thủ của kẻ thù. Đối với những vấn đề nghiêm trọng, bạn phải vượt thoát lên trên sách vở.

 Bàn tay

Những người học kinh điển và những người thực hành Pháp thường hiểu lầm nhau. Người nghiên cứu kinh điển sẽ nói, “Quý vị không học đạo, chỉ thực hành, chỉ nói theo quan điểm cá nhân”. Có nghĩa là họ nói mà không có bất cứ chứng cứ gì.

Thực sự có phương cách chứng tỏ cả hai quan điểm đều giống nhau. Điều đó giúp ta hiểu sự việc tốt hơn. Giống như phía trong và phía ngoài của bàn tay. Khi bạn đưa tay thẳng ra phía trước mặt, lòng bàn tay dường như biến mất. Nhưng thực sự nó không biến đi đâu cả. Nó chỉ giấu mình ở phía bên kia. Tương tự, khi bạn ngửa bàn tay lên, lưng bàn tay dường như biến mất. Nhưng thực sự nó không biến đi đâu. Nó chỉ ở phía dưới.

Bạn nên nhớ điều đó khi quán sát thực hành. Nếu bạn nghĩ là việc thực hành của mình giảm sút, bạn nên dừng việc học và chú tâm vào việc thực hành sao cho có kết quả.

Nhưng dầu bạn có học Pháp nhiều tới đâu, bạn cũng không hiểu vì bạn chưa biết đúng theo chân đế. Một khi bạn hiểu bản chất thực sự của Pháp, bạn bắt đầu xả bỏ. Đây là sự quyết tâm tháo gỡ mọi chấp giữ, bạn không còn bám víu vào bất cứ thứ gì nữa. Hoặc giả có còn nắm giữ, thì nó cũng dần dần sút giảm.

Đó là sự khác biệt giữa học và hành.

Chữ viết

Dừng lại. Hãy bỏ các hiểu biết qua sách vở vào tủ. Đừng đem chúng ra nói ở đây. Bạn không thể mang thứ hiểu biết đó vào đây. Ở đây có loại hiểu biết mới. Khi sự việc thực sự phát sinh, nó không phải cùng một thứ.

Như khi bạn viết chữ, “tham”, và khi tham phát khởi trong tâm, nó không giống như chữ viết. Cũng thế khi bạn giận và khi bạn viết chữ “giận” trên bảng, đó không phải là một thứ. Đó là các chữ. Nhưng khi giận phát khởi trong tâm, nó xảy ra quá nhanh khiến bạn không thể đọc được gì. Nó phát khởi ngay lập tức trong tâm. Điều này quan trọng. Rất quan trọng.

 Té cây

Cũng thế đối với lý duyên hệ. “Vô minh duyên hành. Hành duyên thức. Thức duyên danh và sắc”. Chúng ta đã học thuộc lòng điều đó, và đúng là như thế, cách Đức Phật đã chia sự vật ra thế để ta dễ học. Nhưng khi những thứ này thực sự phát khởi, chúng quá nhanh để ta nhận diện.

Giống như khi ta té từ trên cây xuống dưới đất bụp! Ta không biết mình đã vượt qua bao nhiêu cành cây. Ngay khi tâm vừa chạm vào một đối tượng, nếu đó là cái nó thích, nó đi thẳng đến “tốt”. Nó không nhận biết các bước liên hệ trong quá trình. Các duyên đi theo đúng với kinh điển, mà cũng vượt lên kinh điển. Chúng không khẳng định: “Đây là vô minh. Đây là hành. Đây là thức. Đây là danh và sắc”. Chúng không có tín hiệu để ta nắm bắt. Giống như khi ta té từ trên cây. Đức Phật đã nói về các khoảnh khắc tâm linh đầy chi tiết, nhưng ở đây sư so sánh điều đó với té cây. Khi ta trượt tay khỏi cây - bụp! - ta không đo được mình đã rơi bao nhiêu thước, bao nhiêu mét. Ta chỉ biết là mình đã té xuống đất và bị đau, bị thương.

Học viết

Bạn phải thực hành mỗi ngày, mỗi ngày. Khi cảm thấy lười biếng, cứ tiếp tục thực hành. Khi cảm thấy siêng năng, cũng thực hành. Hãy thực hành Pháp bất kể ngày hay đêm. Khi tâm an bình, hãy thực hành. Khi nó bất an, hãy thực hành. Giống như khi bạn còn là đứa trẻ đang học viết. Lúc đầu các nét chữ không đẹp. Nét lớn, nét bé. Bạn viết như một đứa trẻ. Tuy nhiên, với thời gian, các nét chữ sẽ đẹp hơn nhờ bạn cứ tiếp tục thực hành.

Trẻ con & người lớn

Định và tuệ phải đi đôi với nhau. Ở giai đoạn đầu, tâm sẽ được bình an, tĩnh lặng nhờ các phương pháp thiền. Tâm sẽ có thể định tĩnh khi bạn ngồi với đôi mắt nhắm lại. Đó là sự tĩnh lặng. Bạn phải dựa trên thiền chỉ như một nền tảng để giúp trí tuệ cuối cùng phát khởi. Lúc đó tâm sẽ tĩnh lặng dù bạn ngồi nhắm mắt hay đang đi giữa đường phố náo nhiệt.

Điều đó giống như thế này: Hồi xưa bạn là một đứa trẻ. Giờ bạn đã trưởng thành. Đứa trẻ và người lớn đó cũng là một người. Tương tự, bạn có thể nói là định và tuệ là khác biệt. Hay giống như thức ăn và phân thải: Bạn có thể nói chúng là một, nhưng nếu nhìn từ một khía cạnh khác bạn có thể nói chúng khác nhau.

 Cây que

Thiền giống như cây que. Tuệ nằm ở đầu này của cây. Định nằm ở đầu kia của cây. Nếu bạn nâng que cây lên, thì chỉ có một đầu cây được nâng lên cao, hay cả hai đầu cây đều được nâng lên? Nếu ta nâng que cây lên, thì cả hai đầu cây đều được nâng lên cao. Tuệ là gì, mà định là gì, tất cả đều là tâm này. 

 Vẽ tranh

Sự chứng đắc trong tu tập được gắn với tuệ: thiền minh sát, nơi trí tuệ và tâm cũng là một. Một số người không cần nhiều công sức, nhưng thành tựu vẫn đến với họ. Thật thế, những người có trí tuệ không phải bỏ nhiều công sức làm gì. Hành thiền giống như là người họa sĩ. Bạn quán sát điều gì đó và bạn hiểu được nó. Bạn hiểu nó cho đến nỗi nó in vào tâm bạn. Bạn có thể vẽ tranh từ những gì trong tâm bạn. Bạn không cần phải ngồi trước cảnh vật và vẽ lên từ cái thấy của mình. Người không hiểu là người phải ngồi đó phác họa cho tới khi nó len lỏi vào tâm. Với trí tuệ, bạn không phải ngồi đó để phác họa.  Bạn nhìn và bạn hiểu. Bạn có thể vẽ thẳng từ sự hiểu biết của mình. Đó là cách nó phải là.

 Món ưa thích

Đối tượng của thiền vắng lặng, nếu không phù hợp với tính cách của bạn, sẽ không làm phát khởi sự nhàm chán. Đối tượng phù hợp với tính cách là cái bạn nhận thấy mình thường xuyên nghĩ đến. Chúng ta thường không để ý đến điều này, nhưng ta nên thay đổi để được lợi ích từ đó. Giống như có nhiều món ăn được bày trên một cái khay. Bạn nếm thử món ăn từ mỗi dĩa, mỗi loại thức ăn, rồi bạn biết là mình thích món nào và không thích món nào. Bạn cho là món mình thích ngon hơn các món khác. Ở đây sư đang nói về các món ăn. Nhưng quý vị cũng có thể so sánh nó với việc hành thiền của mình. Đối tượng nào phù hợp với tính cách của mình sẽ khiến mình cảm thấy thoải mái.

 Bắt tắc kè

Phương cách để tập trung vào một đối tượng, để nắm bắt đối tượng, là làm quen với tâm, làm quen với các đối tượng của mình. Giống như cách người ta bắt tắc kè. Tắc kè nằm sâu trong ổ mối có sáu lỗ. Người bắt sẽ bít hết năm lỗ, chỉ chừa lại một cho tắc kè chui ra. Sau đó họ sẽ ngồi canh chừng lỗ hang đó. Khi tắc kè chui ra, họ có thể bắt nó.

Ta cũng phải chú tâm như thế. Nhắm mắt, bịt tai, đóng mũi, ghim lưỡi, thu thúc thân; và chỉ để tâm mở. Nói cách khác, hãy tập thu thúc các căn và chỉ chú ý đến tâm.

Hành thiền cũng giống như bắt tắc kè. Ta chú tâm vào hơi thở, chánh niệm tỉnh giác. Làm gì ta biết nấy. Cảm giác phát khởi trong tâm vào lúc ấy giúp ta ý thức ta đang làm gì. Cảm giác đó khiến ta tỉnh thức.

 Nước nhỏ giọt,nước theo dòng

Mọi thứ đều ở ngay đây, bắt đầu với thân tâm này. Nói một cách đơn giản, ta cần giữ năm giới làm nền tảng. Quý vị không cần phải học kinh tạng Pali. Hãy giữ năm giới. Luôn cố gắng giữ giới. Giữ giới với tất cả sự cẩn trọng. Lúc đầu có thể ta vẫn còn lầm lỗi. Khi nhận biết điều đó, hãy dừng lại, quay về và bắt đầu trở lại. Có thể ta lại phóng dật, lại lầm lỗi. Hãy quay trở lại, mỗi lần và mọi lần đều như thế.

Chánh niệm của ta sẽ tăng lên, giống như nước ta đổ ra từ bình. Nếu ta chỉ hơi nghiêng bình để nước nhỏ giọt ra ngoài - tỏn… tỏn… tỏn - dường như có khoảng ngắt trong dòng chảy. Nếu ta nghiêng bình thêm chút nữa, nước chảy tỏn-tỏn-tỏn. Nếu nghiêng bình thêm nữa, sẽ không còn âm thanh đó. Nước đã chảy thành dòng. Không còn nhỏ giọt nữa. Các giọt nước đã đi đâu? Chúng không đi đâu cả. Chúng chỉ chuyển thành dòng nước chảy. Chúng chảy đều. Chúng hòa vào nhau thành một, đúng không? Đó là cách chảy của dòng nước.

 Chăn trâu

Việc tu hành cũng thế. Khi ta luôn quán sát tâm, luôn canh chừng tâm khi tỉnh thức, thì người biết xem chừng tâm đó sẽ thoát khỏi nanh vuốt của Ma vương.

Giống như chăn trâu, phải có:

  - Ruộng lúa

  - Trâu

  - Người chủ trâu.

Trâu muốn ăn lúa. Lúa ruộng là thứ mà trâu muốn ăn. Tâm giống như trâu. Đối tượng tâm giống như ruộng lúa. Sự tỉnh giác, chánh niệm giống như chủ trâu. Khi chăn trâu, ta phải dõi theo nó để chắc rằng nó không ăn lúa ruộng. Ta không cột trâu, nhưng luôn trông chừng nó. Nếu trâu đến gần ruộng lúa, ta la trâu. Khi nghe ta la, nó sẽ lùi lại. Nhưng không thể chắc chắn về điều đó. Tốt nhất là không được ngủ trưa. Nếu bạn ngủ trưa, thì chắc chắn trâu sẽ ăn hết lúa ruộng.

Đánh trâu

Tâm giống như trâu. Đối tượng tâm giống như ruộng lúa. Sự tỉnh giác giống như chủ trâu. Bạn sẽ làm gì nếu phải chăn trâu? Ta không cột trâu, nhưng luôn trông chừng nó. Nếu trâu đến gần ruộng lúa, ta la trâu. Khi nghe ta la, nó sẽ lùi lại. Nhưng không thể chắc chắn về điều đó. Nếu trâu cứng đầu, không nghe, thì ta phải lấy roi đánh nó.

Lúc đó, bạn nghĩ trâu sẽ đi đâu?

 Dạy trẻ

Theo phương cách tu tập này, ta được dạy phải ngồi. Đó là tọa thiền. Sau đó là tiếp tục quán sát. Sẽ có những cảm giác thoải mái và bực bội đan chen đúng theo bản chất tự nhiên của chúng. Đừng chỉ tán thán tâm bạn; đừng chỉ trách móc nó. Hãy cảm nhận thời gian và nơi chốn cùng tâm. Khi đến thời điểm cần tán thán tâm, hãy khen nó một chút - chỉ vừa đủ, đừng nuông chiều nó. Cũng giống như khi dạy một đứa trẻ. Đôi khi ta phải đánh nó. Hãy lấy một cây roi nhỏ để đánh nó. Bạn không thể không đánh nó. Nói cách khác, đôi khi bạn phải phạt nó.

Nhưng bạn cũng không thể phạt nó hoài. Nếu bạn làm thế, nó sẽ lì lợm. Nếu bạn cứ nuông chiều, cứ cho nó quà cáp, nó sẽ không thể tiến bộ.

 Cách thức chuẩn

Cách thức chuẩn để ngồi thiền là ngồi với hai chân tréo nhau, chân phải trên chân trái, tay phải trên tay trái. Ngồi thẳng lưng. Người ta nói bạn có thể thiền khi đi, khi ngồi, vậy khi quỳ bạn có thiền được không? Chắc chắn được rồi - nhưng bạn là thiền sinh mới. Khi bắt đầu học viết, ta phải thực hành viết các nét chữ rõ ràng, từng nét một. Một khi đã biết viết, và chỉ viết cho cá nhân mình đọc, thì nếu muốn, bạn có thể viết nguệch ngoạc. Không có gì sai. Nhưng trước tiên bạn phải học cách thức chuẩn.

 Xạ lúa

Ngồi quán hơi thở vào-ra. Ngồi thư giãn và thoải mái, nhưng đừng phóng dật. Nếu bạn bị lo ra, dừng lại. Hãy quán xét xem tâm đi đâu và tại sao nó không theo dõi hơi thở. Hãy tìm và mang nó trở lại. Hãy giữ nó luôn theo hơi thở, rồi có ngày một điều tốt đẹp gì đó sẽ xảy ra. Nhưng cứ hãy tiếp tục thực hành. Thực hành như thể bạn không trông đợi sẽ được gì từ đó, không có gì sẽ xảy ra, bạn không biết ai đang tu tập, thực hành - nhưng bạn cứ tiếp tục việc mình làm. Giống như lấy hạt giống trong kho thóc, rồi gieo xuống đất. Thấy như là bạn đang vứt chúng đi. Bạn rải khắp mặt đất như thể bạn không màng tới chúng. Nhưng rồi chúng sẽ mọc mầm, lên cây. Bạn trồng cây xuống ruộng, kết quả là bạn sẽ có gạo để ăn. Đó là cách sự việc vận hành.

 Dạy trẻ

Đôi khi hơi thở không bình ổn. Lúc quá dài, lúc quá ngắn, khiến bạn phát rồ. Đó là vì bạn gắn tâm vào hơi thở quá chặt, bạn chèn ép nó quá đáng. Giống như khi bạn dạy đứa trẻ cách ngồi thiền. Nếu bạn cứ đánh, mỗi khi nó làm sai, liệu nó có thông minh hơn không? Bạn kiềm chế nó quá chặt. Ở đây cũng thế. Hãy quán như thế này: Khi bạn đi từ nhà ra vườn hoa, hay từ nhà đến sở làm, sao bạn không bực bội với hơi thở? Là vì bạn không để ý đến nó. Bạn để nó tự vận hành. Cũng thế, những nơi trên thân cảm thấy đau nhức là vì bạn quan tâm, chú trọng đến chúng nhiều quá.

Diệu Liên Lý Thu Linh dịch

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày