Pháp Tri vọng với bài kinh Có pháp môn nào

NSGN - Trong bài kinh Có pháp môn nào,Phật hỏi chư Tỷ-kheo: 

- Có pháp môn nào, do pháp môn ấy, Tỷ-kheo ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về pháp, ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng chánh trí, vị ấy biết rõ “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa?”.


1378.jpg
 Muốn biết được vọng thì phải phản quan tự kỷ

Ngoài lòng tin là ngoài việc tin Tam bảo, tin Nhân quả, tin vào các lý như Tứ đế, Thập nhị duyên sinh, v.v. 

Ngoài ưa thích là ngoài những gì được ưa thích, như với giới luật Phật đã đặt ra, với những chánh lý đã được học, với các pháp tu đã và đang hành...  

Ngoài lắng nghe là ngoài việc lắng nghe pháp. 

Ngoài suy tư về pháp là ngoài tư duy, suy nghĩ về những gì đã học và hành. 

Ngoài kham nhẫn là ngoài việc kham nhẫn đối với những bức hại của thân, kham nhẫn với các thói quen đời, kham nhẫn với tham, sân, si, v.v... 

Ngoài thích thú biện luận là ngoài những thích thú về việc tranh luận pháp với đồng môn hay ngoại đạo.

Ngoài các thứ nêu trên, còn pháp gì có thể giúp người tu xác chứng chánh trí rằng ta sanh đã tận, phạm đã thành…? 

Nói ngoài là ngoài những việc người tu đang có đó, không phải phủ nhận các việc đó. Bởi đến với Phật pháp, trước cần phải có lòng tin, sự thích thú, lắng nghe v.v. mới có thể vào trong biển pháp. Vì thế, nói ngoài… là ngoài những pháp đó, còn có pháp gì có thể giúp người tu liễu thoát sanh tử. Không phải bác bỏ các pháp đó. 

Xác chứng chánh trí là bằng sự hiểu biết chân chính, xác nhận rằng ta đã được cái gọi là “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”. Quả vị cuối cùng trong Tứ quả Thanh văn được như vậy.

Đặt câu hỏi xong, Phật tự xác chứng chánh trí rằng: Ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư, ngoài kham nhẫn, ngoài ưa thích biện luận, còn một pháp môn có thể xác chứng chánh trí rõ ràng ta sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. 

Pháp đó là pháp gì? 

Hãy nghe Phật dạy: 

- Ở đây, này các Tỷ-kheo! Khi mắt thấy sắc, nội tâm có tham, sân, si, biết rõ “Nội tâm ta có tham, sân, si”, nội tâm không có tham, sân, si, biết rõ “Nội tâm ta không có tham, sân, si”. Này các Tỷ-kheo! Người ấy biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm mình. 

Năm căn còn lại cũng như vậy. Pháp môn mà Phật muốn nói đến là biết rõ những gì đang khởi lên trong tâm khi ta tiếp duyên hoặc không tiếp duyên. Tiếp duyên, là trong các trường hợp mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, v.v. Không tiếp duyên là khi không có duyên bên ngoài tác động mà pháp trần vẫn tuôn trào, là đối tượng của ý thức. Tất cả đều phải biết rõ. 

Biết rõ, nói theo Phật học là tuệ tri, là cái biết trí tuệ, nói theo thời đại bây giờ cho dễ hiểu là ghi nhận. Ghi nhận là pháp thể nào thấy đúng thế ấy, không thêm, không bớt, như máy ảnh ghi hình, không thêm phán xét, phê bình, giải thích v.v., không lấy sở tri cũng như phiền não làm nền tảng cho cái biết ấy. Các căn trần còn lại cũng như vậy.  

Khi Nguyễn Du nói “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ” là đang nói đến tình trạng thường tình của phàm phu. Dùng tâm cảm xúc, tâm phiền não, làm nền tảng cho cái thấy của mình. Đó không phải là ghi nhận, là tuệ tri, là biết rõ khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng. Không phải. Chỉ khi phản quan, nhìn lại cái buồn đang hiện khởi trong tâm như nó đang hiện diện, chỉ một việc như thế, mới là “Mắt thấy sắc, nội tâm khởi tham, sân, si, biết rõ nội tâm đang khởi tham, sân, si”. Nội tâm trong trường hợp này là buồn. Buồn, thấy nội tâm đang buồn. Chỉ chừng ấy thôi là đang biết cách sử dụng pháp môn Phật dạy ở đây. 

Trưởng lão Kala,2 khi ở thành Xá-vệ, được một phụ nữ cung dưỡng như mẹ cung dưỡng con. Sau, nghe thiên hạ tán thán Đức Phật là người thuyết pháp vi diệu, bà khởi tâm muốn tìm gặp Phật. Bà thưa với Trưởng lão việc này, nhưng ông ngăn cản. Tuy vậy, một sáng tinh mơ, điểm tâm xong, bà đến tinh xá gặp Phật. Trước khi đi, không quên dặn con gái lo đầy đủ cho Trưởng lão. 

Nghe tin bà ra đi, lửa sân phừng phực, không quên được tư tưởng “Bà ta đã cắt đứt với mình”, Trưởng lão bèn đi thẳng đến tinh xá. Thấy bà ngồi trước mặt Phật, ông liền thưa: “Bạch Thế Tôn! Người phụ nữ ngu ngốc này không thể hiểu nổi bài pháp thâm diệu mà Thế Tôn đã nói. Chỉ nên giảng cho bà ta bổn phận bố thí, cúng dường và trì giới”. 

Trưởng lão đã không phản quan để ghi nhận những gì đang khởi lên trong tâm khi tiếp duyên. Tiếp duyên ở đây, là tai nghe tiếng. Ông nghe tin người phụ nữ đến tinh xá. Căn tiếp xúc với trần, nội tâm khởi lên sân nhuế mà không thấy, không biết, không ghi nhận được. Cứ theo căn và trần ấy mà đi thẳng đến tinh xá, tạo ra khẩu nghiệp bất chính. Để Phật phải quở: “Đừng tự phụ! Vì ác kiến, ông đã phỉ báng giáo pháp của chư Phật. Mà như thế, ông chỉ tự làm tổn hại mình”. 

Ác kiến là cái thấy tà ác, sai lệch, đưa đến quả báo xấu ác. Giáo pháp của Đức Phật dạy người từ bỏ tham, sân, si, chỉ lấy lợi ích của tha nhân làm trọng. Ông là Tỷ-kheo, nhưng lại nổi tâm tham, quyết giành giật Phật tử vì lợi dưỡng. Không kham nhẫn được với tham ấy, nội tâm khởi tiếp sân nhuế. Không kham nhẫn được với sân nhuế, thân liền chạy đến tinh xá, tâm khởi bất kính đối với Thế Tôn, khẩu thì vu khống hại người. Đó gọi là phỉ báng giáo pháp của chư Phật. Sao gọi là phỉ báng giáo pháp của chư Phật? Vì làm ngược lại những gì giáo pháp đã dạy. Làm ngược lại như thế là tự làm tổn hại mình. 

Người phụ nữ cũng do nghe mà đến tinh xá, sao không bị quở? 

Bởi người phụ nữ chưa biết gì về giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã dạy. Bà phải vào biển pháp bằng đức tin và sự ưa thích, v.v. Vì thế, nghe như thế, đến tinh xá như thế, là đúng với duyên học pháp của bà. Gọi là đúng thời, đúng pháp, nên không bị quở. Tỷ-kheo đối với nội tâm, khởi tham, sân, si, lại không tự biết kham nhẫn. Lỗi nên bị Phật quở trách là tự phụ, ác kiến và phỉ báng giáo pháp của Phật. Tự phụ bởi không có được cái nhìn chính xác đối với Đức Phật, không biết rằng Phật đã nhìn thấu tâm đố kỵ của mình. Lại dạy Phật phải thế này thế kia. Bị quở trách tự phụ là vậy. Đó chỉ mới nói ở mặt kham nhẫn, chưa y vào bài pháp vừa giảng mà nói.

 Với những gì Phật đã dạy về pháp môn Có một pháp môn nào, rõ ràng pháp môn ấy không thuộc niềm tin, sự ưa thích, lắng nghe, suy tư về phương pháp, kham nhẫn, thích thú biện luận. 

 Vì thế Phật hỏi:  

- Này các Tỷ-kheo! Biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy, có phải đó là pháp do lòng tin được hiểu biết, do ưa thích được hiểu biết, do lắng nghe được hiểu biết, do suy tư pháp được hiểu biết, do kham nhẫn được hiểu biết, do thích thú biện luận được hiểu biết? 

Chư Tỷ-kheo trả lời:

 - Thưa không bạch Thế Tôn. 

 Đức Phật hỏi tiếp: 

- Có phải các pháp đó do thấy với trí tuệ mà được hiểu biết? 

Chư Tỷ-kheo thưa: 

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

Rồi Phật kết luận:

 - Đây là pháp môn, này các Tỷ-kheo! Do pháp môn này, ngoài lòng tin, sự ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về pháp, ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng với chánh trí, vị ấy biết rõ “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn trở lui trạng thái này nữa”

 Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành… là biểu hiện cho cái gọi là ngã chấp đã hết. Quả vị A-la-hán phá xong phần ngã chấp, trú vào Niết-bàn tịch lặng.  

Pháp Tri vọng 

Tri vọng hay Biết vọng là một dạng của pháp Biết vọng không theo hay Biết vọng buông đi. Nói “không theo” hay “buông đi” là tùy tâm của chúng sinh khi ứng dụng mà nói, nhưng vẫn không ngoài việc Biết vọng

Biết, trong trường hợp này là cái biết của ý thức. Vọng là pháp trần. Chỉ cho những gì đang hiện khởi trong tâm, từ sự phân biệt, tư tưởng, suy nghĩ, cho đến những xúc cảm vui, buồn… Gọi là vọng vì chúng không có gốc riêng, đều y chân tánh mà hiện khởi. Hiện khởi được là do bất giác, do huân tập mà thành. Không huân tập nữa thì không còn lực hiện khởi. Ngay cái khởi ấy cũng là một loại huân tập. Quen khởi nên đủ duyên là khởi, không muốn khởi vẫn cứ khởi. Huân tập càng nhiều thì lực khởi càng mạnh, lực dẫn càng tăng. Phật gọi lực dẫn này là lực nghiệp. Là lực khiến chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử. Cũng do lực này mà chân tánh dù ngay đó, phàm phu vẫn không nhận được, một mực theo vọng mà đi. Vọng nhưng không còn là vọng cũng do chính lực này. Lực này khiến mọi thứ hiện khởi đều như thật, dù bản chất là vọng.

Gọi những hiện khởi trong tâm là vọng là do đối với chân mà nói. Thanh văn Duyên giác không bàn đến chân và vọng. Chỉ kẻ tu Phật, lấy việc thành tựu Phật quả làm đích đến, mới biết các nghĩa tánh Không, Phật tánh, mới nói các pháp duy tâm sở hiện. Vọng và chân từ đó xuất hiện. Vọng, là do đối với chân mà nói. Gọi những hiện khởi trong tâm là vọng, là do đối với tánh chân thật mà gọi. Vọng không chỉ là những hiện khởi trong tâm mà “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng3. Tất cả những gì có tướng đều là hư vọng. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cho đến sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thảy đều hư vọng. Không chỉ căn và trần hư vọng, ngay cả lý Tứ đế, Thập nhị duyên sinh v.v. thảy đều hư vọng. Tất cả là do đối với tánh chân thật mà nói. Vì thế, Bát-nhã Tâm kinh khi nói về tánh chân thật, thảy đều phủ định các tướng ở thế gian. 

Nhị thừa không biết mình có tánh chân thật nên diệt các hiện khởi trong tâm mà chứng Niết-bàn. Tức vẫn thấy ngoài tâm có pháp, ngoài sinh tử có Niết-bàn. Đại sư Hàm Thị nói: “Nhị thừa tuy biết lìa ngã, ngã sở, chứng nhân vô ngã, mà chẳng biết do tàng thức lập bày, đều từ tự tâm hiện, nên không thể ngay đó phát minh cảnh giới bất tư nghì4.  Cũng nói: “Nhị thừa, thức hiện hành diệt mà chủng tử chẳng diệt, đối với pháp trong ngoài không thể chóng không”. Tức ngã tuy không mà pháp vẫn chưa không. 

Bồ-tát, học hiểu chân vọng, biết tam giới đều duy thức hiện, quán tất cả pháp bên ngoài thảy như mộng huyễn, không có tự tánh, lìa các kiến chấp sinh, trụ, diệt, được tự giác thánh trí thiện lạc, đạt Vô sinh pháp nhẫn…5. Quán các pháp như mộng huyễn nên Bồ-tát không cần diệt vọng thủ chấp Niết-bàn, chỉ cần khiến vọng mất lực. Một khi vọng đã mất lực, vọng hiện nguyên hình là vọng, chẳng còn lực dẫn lưu chuyển, ngay đó có chân. Chân nếu nhận được, vọng thành diệu dụng khó lường. Đối duyên liền hiện. Hết duyên liền không. Không cần diệt vọng cầu chân. Đại sư Huyền Giác nói: “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân/ Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân6. Chẳng trừ, là chẳng cần diệt hết vọng niệm như hàng Nhị thừa rồi nhập Niết-bàn. Đã nói là vọng, đâu cần phải diệt. Không diệt, nhưng vọng phải đúng là vọng, chẳng còn lực dẫn. Nếu không, vọng chẳng là vọng, phàm phu vẫn hoàn phàm phu, luân hồi sinh tử triền miên, niệm niệm dẫn chạy không dừng, vọng mà trói buộc nhân sinh tạo đủ thứ nghiệp, tương tục tương tục chẳng dứt. Vì thế, chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân đi liền với duyên tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân, không phải cho hàng phàm phu còn lắm vọng tưởng, nhưng là hướng đến của hàng phàm phu tu Phật.

Niệm tưởng, nếu không mất lực thì tuy là vọng mà không phải vọng, phàm phu vẫn hoàn phàm phu, chỉ theo lực đó mà đi. Cho nên, tuy không diệt niệm để chứng Niết-bàn, vẫn phải trừ đi lực khởi của niệm. Lực khởi dính liền với niệm, nên trừ lực khởi cũng là trừ niệm. Trừ niệm, không để hết niệm mà chính là để lực khởi chấm dứt, niệm niệm hiện đúng bản chất là vọng. Vọng đúng là vọng, cần khởi thì khởi, không cần liền lặng. Tướng đó mà tánh vẫn không. Thiền sư Hương Hải nói “Nhạn quá trường không/ Ảnh trầm hàn thủy/ Nhạn vô di tích chi ý/ Thủy vô lưu ảnh chi tâm7. Nhạn bay trên không. Bóng chìm đáy nước. Nhạn không có ý để dấu. Nước không có tâm lưu bóng. Nhưng với phàm phu, niệm niệm tương tục, hết duyên vẫn khởi, qua rồi bóng vẫn lưu hình. Cho nên, trừ niệm không phải là để hết niệm, chính là diệt trừ lực khởi của niệm. Lực khởi mất rồi, ứng duyên thì bóng hiện khởi, hết duyên không còn để dấu. 

 Muốn biết được vọng thì phải phản quan tự kỷ. 

Tổ Trúc Lâm hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:

 - Bổn phận tông chỉ là gì? 

 Tuệ Trung trả lời:

 - Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc8

Bổn phận tông chỉ là bổn phận chính yếu của người tu, cũng là điểm chủ yếu trong việc tu hành của người tu thiền. Đó là quay về nhìn lại tâm mình, không hướng ra ngoài mà được. Tông chỉ của bổn phận là thế. Nhiều người nhận lầm câu này, lấy tông chỉ của bổn phận làm tông chỉ của Thiền tông. Không phải. Tông chỉ của Thiền tông là vô niệm. Trong kinh Pháp bảo đàn, Lục tổ nói: “Lấy vô niệm làm tông, vô trụ làm bản, vô tướng làm thể”. Như vậy, tông chỉ của Thiền tông là vô niệm. Thiền tông nói ở đây là Tổ sư thiền, là Tối thượng thừa thiền, không phải nói chung cho các pháp thiền.

Có phản quan thì mới thấy được nội tâm đang khởi hay không khởi như kinh đã nói: “Khi mắt thấy sắc, nội tâm có tham, sân, si, biết rõ ‘Nội tâm ta có tham, sân, si’, nội tâm không có tham, sân, si, biết rõ ‘Nội tâm ta không có tham, sân, si’. Này các Tỷ-kheo! Người ấy biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm mình”. Nói theo Biết vọng thì tham, sân, si chính là vọng. Biết vọng có mặt hay không có mặt. Đó là cách hành của pháp Biết vọng. Điều này chẳng khác với lời dạy trong bài kinh Có một pháp môn nào. Chỉ cần ứng dụng theo đó là đã phá được phần ngã chấp. Khi nhận được tánh chân thật thì “kiến tánh khởi tu”, phá dần phần pháp chấp, viên mãn quả Phật. Trên thực tế, khi mới hàng phục vọng tâm, do lực vọng tưởng còn mạnh nên tuy niệm tưởng là vọng, muốn dừng cũng không dừng được. Khi nhận được vọng có mặt, vọng lập tức dừng. Dừng rồi nối tiếp không ngừng. Nên khi nói Biết vọng buông đi là muốn nhấn mạnh rằng, biết vọng mà vọng dừng liền là điểm thiết yếu trong pháp tu này. Cần biết thường xuyên. Biết vọng mà vọng không dừng thì cần một tác ý để dừng. Không phải bỏ mặc vọng tưởng tuôn trào. Trong kinh Có pháp môn nào chỉ thấy Phật dạy biết rõ, không thấy Phật dạy buông đi, là vì khi biết thì ngay đó vọng dừng. Không phải không dạy trừ vọng. Trong các bài kinh như kinh Đoạn tận, thuộc Tương ưng bộ kinh tập IV, Phật dạy: “Tham tùy miên đối với lạc thọ cần phải đoạn tận. Sân tùy miên đối với khổ thọ cần phải đoạn tận. Vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ cần phải đoạn tận”. Ở đây nói tham đoạn tận, sân đoạn tận, vậy những thứ thuộc vô tham hay vô sân có đoạn tận? Để trừ lực khởi, thảy đều đoạn tận. Vì tất cả đều là hệ quả của vô minh. Mọi thứ đều phải đoạn tận, không để tuôn trào hay lưu giữ. Chỉ khác là, Nhị thừa đoạn tận vọng niệm để nhập Niết-bàn, không còn trở lại thân sau, chủng tử tập khí vẫn còn đó mà không điều kiện hiện khởi, y đó mà nhận Niết-bàn. Đại sư Hàm Thị nói: “Cảnh giới nhiếp thọ là các thứ tướng trần. Khi tướng này diệt, thức lưu chú vẫn tiềm phục. Người lầm không biết vọng thấy không lặng, bèn cho là đoạn…”9. Bồ-tát rõ vọng rõ chân, đoạn mà không đoạn, lưu hoặc độ sanh10, lực dẫn không còn, vọng hiện nguyên hình là vọng, sinh tử như hoa đốm trong hư không, nương nguyện độ sinh. Kinh Lăng-già nói: “Thế gian lìa sinh diệt/ Ví như hoa trên không/ Trí chẳng thấy có không/ Mà khởi tâm đại bi/ Tất cả pháp như huyễn/ Xa lìa nơi tâm thức/ Trí chẳng thấy có không/ Mà khởi tâm đại bi…”. Đó là do sống được với tánh chân thật, nhận ra bản chất thật của thế gian và Niết-bàn, không cần tránh sinh tử nhập Niết-bàn. Nếu đủ kiên trì biết vọng, tất cả hiện rõ nguyên hình là vọng, không lực dẫn chạy, như mây ngang trời, không còn lực dẫn hành giả theo nó. Đã có được phần tự tại với vọng, nên nói Biết vọng không theo. Khách là khách. Chủ là chủ. Khách tự sinh tự diệt, không cần tác ý của chủ mới diệt. Hòa thượng Trúc Lâm từng dạy: “Chỉ cần tỉnh chút là xong11

 Kết luận 

Trong kinh Lăng-già, Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Bồ-tát trụ tướng trí tuệ mà vẫn dùng thiền tịch của Nhị thừa để trừ sạch pháp chấp vi tế”12. Kinh Viên giác cũng nói đến 25 cách tu xoay quanh Thiền, Chỉ và Quán13. Trong Lục diệu pháp môn, một pháp môn được Đại sư Trí Khải gọi là dành cho bậc đại căn thực hành, cũng nói đến Chỉ và Quán. Bởi “Chỉ là nhân, định là quả. Quán là nhân, tuệ là quả14. Không có Quán thì không có tuệ. Không có Chỉ thì không có định. Định là nền tảng để tuệ hiển phát. Như vậy đủ biết, dù là Bồ-tát đại căn, trụ tướng trí tuệ thấu rõ các pháp, vẫn phải tu tập thiền tịch, trừ sạch dòng pháp chấp vi tế. 

Phàm phu chưa thấu hiểu kinh tạng, phản quan còn rất yếu, có thể không tu tập thiền tịch mà nhìn các pháp đúng như thật sao? Chớ nói “Kinh Đại thừa không dạy Bồ-tát tu thiền định. Bồ-tát chỉ tu tuệ, không tu thiền định như hàng Thanh văn”. Chớ nói như thế, rồi dạy người những thiền ngữ sáo rỗng, học thuộc lòng các câu “Thân có già, có trẻ, tâm không già, không trẻ. Tóc có bạc, tâm không bạc v.v.” và gọi là tu tuệ. Học các câu đó theo kiểu Bàn Đặc thì còn hy vọng. Phải miên mật như tham công án. Còn học thuộc lòng theo kiểu phàm phu thì khó mà thấu rõ bản chất các pháp. Tất cả chỉ là tưởng. Tưởng là vọng, chẳng phải thật để nhìn các pháp đúng như thật. 

Phàm phu, nếu chẳng nhờ công phu thiền định thì tâm toàn thời là tướng sinh diệt tương tục. Sinh diệt thì có già có trẻ, chẳng thể dụng cái gọi là tâm không già, không trẻ, dù có thuộc lòng bao nhiêu. 

Cho nên, luôn phải có pháp để ứng dụng trừ vọng, cho đến khi mọi thứ hiện nguyên hình là vọng. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Thế gian như không hoa, tất cả pháp như huyễn, thế gian hằng như mộng… là ngay nơi nhật dụng của chúng sinh, liền thấy cảnh giới khó nghĩ bàn của Như Lai, chẳng phải là cái trí thuộc phạm trù năng sở có không”15. Khi nào thấy được như thế thì mới có thể ứng dụng cái gọi là vô công dụng hạnh. 

Nguyện hết thảy Phật tử, nhận pháp không lầm, ứng duyên trao pháp cũng không lầm.  

Chân Hiền Tâm

__________

 (1) Kinh Tương ưng bộ tập IV. HT.Thích Minh Châu dịch. 

 (2) Tích truyện pháp cú II. Phẩm vị Tỷ-kheo đố kỵ. Viên Chiếu dịch. 

 (3) Kinh Kim cang. 

(4) Kinh Lăng-già tâm ấn - Đại sư Hàm Thị trực giải. HT.Thanh Từ dịch và chú.

 (5) Sđd. 

 (6) Chứng đạo ca - Thiền sư Huyền Giác.  

(7) Thiền sư Việt Nam - HT.Thích Thanh Từ. 

 (8) Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục - HT.Thích Thanh Từ dịch và giải. 

(9) Kinh Lăng-già tâm ấn, Thiền sư Hàm Thị trực giải. HT.Thanh Từ dịch và chú.  

(10) Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký. Đại sư Hiền Thủ trực giải. 

(11) Lời dạy nhận được trực tiếp từ HT.Trúc Lâm. 

 (12) Kinh Lăng-già tâm ấn. Phần Chỉ thẳng ba tướng tự giác thánh trí. Thiền sư Hàm Thị trực giải. HT.Thanh Từ dịch và chú. 

 (13) Kinh Viên giác. Chương VIII. HT.Thanh Từ dịch và giảng. 

 (14) Đại thừa khởi tín luận trực giải. Đại sư Hám Sơn. 

(15) Kinh Lăng-già tâm ấn. Phần Đương cơ kệ tán. Thiền sư Hàm Thị trực giải.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày