Phật & chúng sanh

Phật &  chúng sanh
Trong lúc bàn về văn  chương, một pháp lữ hồn nhiên phát biểu: Văn cô   viết xem là thích liền. Mình ghét nhất là làm thơ, viết văn mà cứ xài mấy từ: Vô thường!...  Đọc chán chết đi...

Trong lúc bàn về văn  chương, một pháp lữ hồn nhiên phát biểu: Văn cô   viết xem là thích liền. Mình ghét nhất là làm thơ, viết văn mà cứ xài mấy từ: Vô thường!...  Đọc chán chết đi...

Tôi mỉm cười, chẳng nói. Bởi chị không biết tôi có bài thơ mang tựa "Vô thường":

Ta cúi lặng tiễn người về đáy mộ

Chợt ngỡ ngàng trong khúc vô thường ca...

Ngay bài "Bệnh" của chị Thủy cũng có:

Từng hơi thở mỏng như sương

Phải chăng thông điệp vô thường  gởi ta.

Và trong bài "Ngày về":

 Nhặt bông hoa héo bên đường

Nghe hoàng hôn thổi vô thường qua đây...

Vậy đó, chị bạn tôi hẳn phải ghét nhiều lắm? Nhưng tại sao mình ghét và phản cảm với mấy từ này? Vì mình không có cái nhìn giống Phật.

Nếu tôi được sinh ra trong dòng dõi tôn quý thuộc hàng con vua cháu chúa (hay con ông cháu cha), sống giàu sang, có tài, dung mạo thanh tú... bảo đảm tôi sẽ tận hưởng, chứ không tìm cách thoát ra như  Phật. Tôi sẽ đi thi trai thanh gái lịch, lái xe hơi lượn vi vút, dự đại tiệc, tổ chức yến ẩm tha hồ, tôi sẽ phô trương danh vọng, sử dụng uy lực, quyền năng hết cỡ...  nghĩa là phải “Vui xuân kẻo hết tuổi xuân”, chứ không cư xử như Thái tử Tất Đạt Đa, tuổi hoa niên thân ở lầu son gác tía, nếm đủ mùi vương giả mà cứ bảo hiền thê Da Du (trang giai nhân bậc nhất) rằng:

- Ôi, mắt trong của em rồi sẽ mờ đục. Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu... Đôi bàn tay mỹ miều này sẽ co quắp lại như những que củi khô! Ta nghe trong ta, trong em trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian... (1).

Ngay trong thời này, ai còn trẻ mà sớm có quan niệm và cái nhìn như thế chắc chắn sẽ bị mọi người cho là tư duy bất thường, bi quan yếm thế...

Khi nghe lại mấy đĩa Kinh Hiền Nhân, Kinh Hiền Ngu, tôi lại khám phá ra một điều: trong các tiền thân Phật, điểm đặc biệt nhất là lòng vị tha hy sinh, tâm Bồ đề rộng lớn. Dù Ngài mang thân nai, thân dã can hay loài người, Ngài đều sống không ích kỷ, luôn có một lời nguyện duy nhất xuyên suốt, không hề thay đổi suốt quá trình mang thân chúng sinh là: “Xin hồi hướng công đức này cho quả vị Vô thượng Bồ đề. Nguyện ngày sau thành đạo, sẽ độ tất cả chúng sinh...”.

Khi Ngài làm vua cõi người, trời Đế Thích muốn thử lòng Ngài, bèn hóa ra chim ưng, chúng trời hóa thành bồ câu. Chim ưng bắt bồ câu ăn thịt, bồ câu đến nép bên vua cầu cứu. Thông thường, nếu lọt vào tay chúng ta thì chim ưng ta bắt bỏ vào sở thú, bồ câu sẽ đem... hầm ăn cho bổ. Đằng này, vua lấy thịt mình đền cho chim ưng khỏi đói, cứu bồ câu. Tất cả nghĩa cử đó Ngài đều hồi hướng cho quả giải thoát.

Vậy thì, ai dạy Ngài, mà đời nào kiếp nào, làm gì cũng biết hồi hướng cho quả Phật? Hễ sống trong cảnh nhung lụa ấm êm, Ngài luôn nhớ vô thường, luôn nhìn sự vật bằng con mắt tỉnh thức, không mê đắm, luôn vượt ngoài vòng trói buộc của dục vọng lợi danh.

Phải chăng kinh nghiệm khổ đau nhiều kiếp trong cuộc sống được tích lũy, đã biến thành lực đẩy cực mạnh khiến Ngài luôn khao khát giải thoát đau khổ cho mình và chúng sinh?

Đọc lại những mẩu chuyện tiền thân Phật, mới thấy rõ là đời Ngài trải qua vô vàn thống khổ: làm thái tử thì bị mẹ kế móc mắt, bày mưu giết hại; cưới vợ thì vợ phản bội, ngoại tình, ra tay khử mình. Có bạn thì bạn phản ác; làm vua thì bị chiếm nước, phải nhường ngôi... Càng nếm khổ đau, Ngài càng nhân hậu, nhường nhịn, phát đại bi tâm rộng lớn, luôn nhận thiệt thòi về mình.

Hồi nhỏ, khi đọc đến chuyện vua Trường Sinh bị nước láng giềng xâm lấn, vua không chịu đánh trả mà lại bỏ ngôi, nhường nước... tôi bất bình cho đây là hành động yếu hèn! Sau này lớn lên, tôi mới hiểu vua Trường Sinh do quá nhân từ, không muốn chiến tranh xảy ra làm dân chúng khổ, nên Ngài chọn giải pháp hy sinh. Vua còn dặn thái tử con mình (tiền thân Tôn giả A Nan) không được rửa hận phục thù mà phải biết tha thứ cho kẻ địch...

Kiếp nào, đời nào cũng thấy tánh hạnh tiền thân Phật rất tốt, rất tuyệt vời, có lẽ vì vậy mà Ngài thành Phật. Cái nhìn của Ngài cũng khác người. Chúng ta mà sinh trong cảnh phú quý, ắt sẽ ngụp lặn tận hưởng. Nhưng Ngài thì không, chí xuất trần của thái tử Tất Đạt Đa lộ liễu đến nỗi vua cha phải nhốt Ngài trong cung son, bao quanh bằng ngũ dục tuyệt đỉnh, không để Ngài chứng kiến một chiếc lá úa hay một dung nhan kém tươi...

Vậy mà trong chỗ xuân sắc Ngài nhìn ra nét úa tàn; trong vui, biết có khổ bàng bạc; hiểu trong thường luôn tiềm ẩn vô thường... Ngài phát hiện trần gian này sao mà mong manh, bấp bênh quá nên quyết chí thoát tục, tu hành, mong đem đến hạnh phúc thật sự vĩnh cửu cho mình và nhân loại.

Chúng ta xưng là đệ tử Phật, nhưng giống Ngài rất ít. Về đức hạnh ta thua xa, mà cái nhìn thì: mê trùng mê. Ta xưng là Phật tử, nhưng ta không thực hành giống Ngài. Phật xuất thân vương giả, tôn quý nhưng Ngài xả bỏ hết, không giữ gì lại cho mình. Còn ta từ kẻ không có gì, ta sở hữu mỗi lúc càng nhiều, của cải lẫn tật xấu-nếu có cơ hội thủ đắc, thì ta ráng giữ, tích góp cho nhiều, quên rằng lúc chết phải ra đi tay không.

Bạn của anh tôi, rất báng bổ đạo, dù tổ tiên anh thờ Phật. Mấy mươi năm trước, thấy tôi đi tu, anh bất bình nói: -“Tao mà có quyền, tao lôi  người tu ra hết...”.

Câu nói của anh làm tôi phật ý, càng xa lánh anh.

Anh tốt bụng, nhưng không tin đạo. Anh làm ăn phất, nhà cửa lầu ba lầu tư, hưởng thụ ngũ dục tận tình, hết nhậu nhẹt lại yến ẩm, lắm thê nhiều thiếp; con anh cũng giống cha, không tin Phật, chỉ tin tiền, nghĩ rằng tiền tạo ra hạnh phúc và tất cả.

Rồi anh lâm bạo bệnh, bị xơ gan, ung thư... phút cuối đời, anh nằm liệt giường, bán thân bất toại, vợ con không thèm đếm xỉa tới. Rõ ràng trong gia đình tiền vẫn còn nhiều, vật chất anh không thiếu, nhưng hạnh phúc đà vắng bóng. Ngày ngày anh đau đớn quằn quại với cơn bệnh không ai có thể cứu chữa hay chịu thay. Trước đây, anh sát sinh nhiều, giờ cổ họng mổ, bụng cũng mổ, anh nói hay phát âm chẳng rõ, cầu chết không được, cầu sống không xong, ngày đêm đau đớn triền miên.

Tôi đến thăm, nước mắt anh lăn thành dòng, anh nắm tay tôi, ráng sức tàn, niệm danh hiệu Phật. Đây có lẽ là lần đầu tiên anh quy phục. Anh khóc và niệm Phật rất nhiều, anh thì thào bảo tôi:

- Anh sai rồi, anh quan niệm sai, nên sống sai. Các con anh ngày sau chúng sẽ khổ như anh. Anh đang nhận quả khổ từ nhân xấu của mình.

Tôi thở dài. Thế gian này có bao người quan niệm như anh, sống như anh. Và chính khổ đau đã làm anh giác ngộ, nhưng tiếc thay, quá muộn màng.

Lúc tuổi xuân mạnh mẽ cường tráng, anh cho đạo Phật là yếu hèn, rằng chỉ có hạng người già, phụ nữ, con nít nhẹ dạ mới tin theo. Thuở ăn nên làm ra, tiền của vào như nước, anh tưởng mình nắm cả thế giới.

Nhưng khi sức khỏe đội nón ra đi, cận kề cái chết, vào phút cuối, ngũ quan yếu nhược, nỗi đau thân xác cũng làm tâm loạn thêm. Bình thường nếu ta sống không biết tịnh hóa tâm, đầu óc luôn tính toan tận hưởng vật dục, thì khi chết càng tối tăm. Vì vậy mà cổ đức hằng khuyên ta phải tu khi tuổi còn trẻ, ngũ quan còn tinh anh, sức khỏe còn khang kiện, đừng để lâm vào cảnh cái chết đến, có hối cũng muộn, không biết mình sẽ đi đâu về đâu, chung quanh chỉ có nghiệp ác chầu chực chờ lôi, nhân xấu đồng trổ quả hành hạ...

Phật là giác, theo Phật là tỉnh giác, không sống mê, gột rửa hết tam độc u mê trong tâm, gìn giữ thân khẩu ý không tạo ác; là nuôi dưỡng lòng từ, phát huy trí tuệ. Ta có khả năng thành thánh, nhưng lại quen làm theo phàm. Trong ta có hạt giống xấu lẫn tốt, thánh thiện lẫn uế trược. Tu theo Phật, là phát triển nhân tốt, làm thui chột tất cả hạt giống xấu. Là khai triển Bồ đề tâm để làm lợi mình lợi người, mở kho từ bi của nội tâm ra mà xài, khéo dùng trí tuệ quán chiếu để đối cảnh không bị khổ làm điên đảo; không để tham sân si mê hoặc, khiến tính tật bành trướng hành mình, hành người. Thế thì càng tin Phật, càng học pháp, càng hành theo giáo lý Ngài, ta càng thu được ích lợi... chứ chẳng phải mê tín không đâu. Phật luôn xác nhận: Nếu tu đúng đường (chánh đạo), thì càng tu phước trí, đức hạnh càng tăng, càng được người ái kính, vì tâm hạnh Bồ tát, lòng vị tha rộng lớn tỏa lan.

Thuở 15, tôi tập chạy xe gắn máy, phóng vi vút khắp nẻo đường Sài Gòn, lúc ấy lòng không sợ, không ngán gì, cứ nghĩ mình còn lâu mới chết, chẳng tai nạn nào có thể xảy ra.

Ở độ tuổi xuân dồi dào sức khỏe, thể lực và dung nhan tươi tắn, tôi ôm kiêu khí đi vào đời, thấy rằng: hình như mình khôn lắm, tốt lắm, tuyệt lắm... tâm ngạo mạn chẳng khuất phục ai, chỉ biết sống ích kỷ, cống cao ngã mạn, nên thói tật tha hồ sinh sôi như cỏ mùa mưa. Lâu lâu, nếu có tu sửa được chút gì thì đã vội tự mãn, ngỡ là mình suýt soát thánh hiền rồi, hình như mình cao thượng, đức hạnh lắm? Bởi tôi chưa có kinh nghiệm sống nhiều, chưa khổ nhiều, nên chưa giác tỉnh. Hồi đó, thấy đời vui muốn chết mà Phật cứ bảo vô thường, khổ không, vô ngã, tứ đại giai không... (làm sao tin?).

Rồi khi bệnh tới, thân già, cử động đi đứng đều khó khăn, mới hiểu thân xác, sức khỏe vô thường! Bạn bè mới gặp hôm qua, bữa nay đã chết, chứng kiến phút cuối họ đau đớn, ra đi quằn quại, mới thấm thía thuyết “già, bệnh, tử”... khổ của Phật.

 Phật bảo: “Kẻ mê chìu theo tính xấu, người trí lo hoàn thiện mình”. Rồi hôm nao phát hiện ra, chính mớ tính xấu mình hằng cưu mang đang làm khổ mình nhừ tử, mới chịu từ bỏ...

Có đi trọn quãng đường đời

Có khổ mới thấm hết lời Thế Tôn...

Hóa ra, Phật thường giác vì vô số kiếp Ngài đã từng khổ nhiều. “Cầu mong sao khổ đau đời này con ghi nhớ mãi đến đời sau, để hễ sinh ra là tỉnh liền”. Không phải vô lý khi các bạn bè tôi (ở tuổi xế chiều) thường tiếc nuối phát biểu: “Phải mà lúc nhỏ tôi có được bộ óc tỉnh giác như bây giờ thì tôi sống cho mà biết, tu ngon cho mà biết, đừng hòng bị ba cái chuyện nhánh nhóc phù phiếm dụ khị”. 

Đây là lý do vì sao các bậc thánh sư Tây Tạng hằng khuyên đệ tử nên nguyện: “Cầu cho con sinh ra là gặp Phật pháp liền, được minh sư thiện hữu nhắc nhở mình tu liền”.

Phật sinh ra từ bé xíu đã có lòng nhân, đã sớm giác tỉnh. Ta cũng vậy. Những khổ đau tích lũy làm mình tỉnh ngộ. Biết giác quán thường xuyên sẽ tạo thành thói quen, nên hễ vừa sinh ra là có ngay thói quen giác tỉnh.

Nếu như chúng ta luôn phát huy Phật tâm, Phật tánh, Phật hạnh như Ngài, thì con đường thành Phật, thành thánh hiền không xa lắm, và trong thời gian chưa thành đạt, ta cũng hưởng cái phúc lạc “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Thật bất hạnh khi cuộc sống ta không có Phật, không có giáo pháp của Ngài. Mùa Đản sinh đang đến, nhắc ta nhớ rằng mình còn diễm phúc lắm, khi được tổ chức cung nghinh Thánh đản, được bày tỏ và kính dâng tấm lòng tri ân vô cùng đến Ngài.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày