Phật giáo Đà Nẵng: Những điểm nhấn đáng nhớ

GN - Từ thiện xã hội, lễ hội, kiến trúc chùa chiền… là những mặt nổi đáng nhớ, đáng ghi nhận của Phật giáo TP.Đà Nẵng - thành phố bên bờ biển Đông, có sông Hàn chạy ngang, có Bà Nà đẹp như mơ, có kỳ quan Ngũ Hành Sơn linh thiêng…

Dấu tích đạo Phật vào Đà Nẵng

Khi đi tìm hiểu về những ngôi chùa cổ hay những dấu tích Phật giáo còn lại đánh dấu sự truyền thừa, phát triển của Phật giáo nơi quê hương Đà Nẵng, ĐĐ.Thích Thông Đạo, Chánh Thư ký BTS THPG TP.Đà Nẵng cũng như quý thầy trong BTS đều nhận định rằng đó là chùa Tam Thai, ngôi chùa cổ nhất còn lại.

Chúng tôi lần tìm về chùa này (nằm trong khu du lịch Ngũ Hành Sơn) cũng như lật lại những dấu tích sử xưa và được biết chùa Tam Thai được khởi dựng năm 1630 vào thời đô thị cổ Hội An vừa được hình thành. Vào cuối thế kỷ XVII, Thiền sư Hưng Liên, từ Trung Quốc sang Đại Việt, đã trụ trì chùa Tam Thai. Ngài là người đầu tiên đưa phái thiền Tào Động vào Đàng Trong và đã lập đạo tràng tại chùa này.

Chùa Pháp Lâm Đà Nẵng.jpg

Chùa Pháp Lâm - VP BTS THPG TP.Đà Nẵng

Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua đã cho xây dựng lại chùa Tam Thai. Dưới triều Nguyễn, chùa Tam Thai được sắc tứ là Quốc tự. Những biến cố giao tranh binh hỏa trong nhiều thế kỷ đã làm thay đổi diện mạo cảnh quan và kiến trúc xưa của Tam Thai. Từ năm 1907 đến 1995, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Hiện nay, chùa còn lưu giữ tấm biển Tam Thai tự và tấm kim bài hình trái tim lửa khắc theo ngự bút của vua Minh Mạng, ngợi ca Phật pháp vô lượng từ bi phổ độ chúng sinh.

Theo tác giả Đồng Dưỡng trong bài Tìm hiểu Văn bia Thái Bình tự thạch bi thì “Chùa Thái Bình là một ngôi chùa cổ tại vùng Quảng Nam xưa, nay thuộc vùng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Theo Ngũ Hành Sơn lục thì “Dưới thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tôn đánh Chiêm Thành, đặt đạo Quảng Nam, người Bắc kỳ đến ở đây. Phía dưới núi có hai chùa Vân Long và Thái Bình (biển chùa ở hai làng Hóa Khuê, Quán Khái)”. Như thế, hai chùa Vân Long và Thái Bình được tạo dựng từ rất sớm nhưng qua thời gian đã bị hư hại nhiều. Văn bia có thể được viết bởi giới tử Nguyễn Phúc An (pháp danh Như Minh), vừa là người soạn văn, vừa là người lập thạch; được tạc vào ngày 11 tháng 7 năm Tân Sửu niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1721), nội dung nêu sơ lược tiểu sử của Thiền sư Đương Cơ Chân Dĩnh và ca ngợi đạo hạnh của ngài. Đây là văn bia cổ có ghi niên hiệu các vua Lê, tương đương với đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) tại Đàng Trong.

Cả hai dấu tích trên cho thấy, Phật giáo Đà Nẵng được ghi dấu cụ thể vào khoảng thế kỷ đầu XVII cùng với công cuộc mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn, cùng mang ánh sáng đạo Phật đến vùng đất này.

Tiềm năng và sự phát triển

Chia sẻ với PV Giác Ngộ, TT.Thích Thiện Nguyện, Phó ban Thường trực BTS và ĐĐ.Thích Thông Đạo đều khẳng định những tiềm năng to lớn của Phật giáo Đà Nẵng chính là ở con người và văn hóa, lịch sử để lại. Ở phía con người thì TP.Đà Nẵng với số lượng Tăng Ni, Phật tử khá đông, đến từ nhiều vùng miền, trong đó có Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng… với tâm huyết lớn trong việc hoằng dương Chánh pháp, phụng sự chúng sinh. Hơn nữa, ở đây còn được chính quyền địa phương rất đồng tình và luôn luôn yểm trợ trong các mặt Phật sự lợi đạo, ích đời như xây dựng chùa chiền, từ thiện, phát triển lễ hội tâm linh - du lịch để giới thiệu hình ảnh Đức Phật, đạo Phật trong lòng nhân dân.

ĐĐ.Thích Thông Đạo cho biết, đặc biệt nhất là Lễ hội Quán Thế Âm ở TP.Đà Nẵng thu hút hàng chục ngàn lượt người quy tụ về chùa Quán Thế Âm, cùng hướng về Đức Bồ-tát Quán Thế Âm trong niềm tín cẩn, tôn trọng. Hoạt động này ngoài yếu tố tâm linh - văn hóa còn là cơ hội phát triển du lịch địa phương nên cũng được địa phương quan tâm hỗ trợ. Bên cạnh đó, theo đánh giá của quý thầy trong BTS thì việc xây dựng chùa chiền, mở mang mối đạo, kết hợp với du lịch tâm linh ở những cơ sở chùa chiền trên Ngũ Hành Sơn, Bãi Bụt, Bà Nà… cũng là một hình ảnh gần gũi của đạo Phật với nhân dân và bạn bè quốc tế.

Ngoài Lễ hội Quán Thế Âm thì chương trình Phật đản hàng năm do THPG TP.Đà Nẵng tổ chức cũng đa dạng sắc màu như việc diễu hành xe hoa, các chương trình văn nghệ. Đồng thời, lễ Vu lan cũng là dịp mà THPG tổ chức các Đại lễ cầu siêu cho anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn… thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân và sự đồng tình của lãnh đạo địa phương trong tinh thần từ bi - trí tuệ của Phật giáo. Song song đó, hoạt động từ thiện xã hội trong những dịp lễ lớn của Phật giáo và dân tộc cũng như trong những trường hợp bất thường của thời tiết, thiên tai cũng được THPG TP.Đà Nẵng quan tâm sâu sắc.

Đại đức Chánh Thư ký cho biết, con số từ thiện của toàn thành trong nhiệm kỳ qua là trên 34,5 tỷ đồng. Có những chương trình thường xuyên như hoạt động khám, phát thuốc miễn phí của Tuệ Tĩnh đường Pháp Lâm (22 năm hình thành và phát triển, nhiệm kỳ qua đã chi phí hoạt động gần 700 triệu đồng), Tuệ Tĩnh đường Lộc Quang, hoạt động hỗ trợ, tư vấn, giúp những người nhiễm HIV, nồi cháo tình thương, cơm từ thiện… vẫn được duy trì bên cạnh những chương trình thời vụ. ĐĐ.Thích Thông Đạo cũng cho biết mối quan hệ giữa đạo Phật và Dân tộc còn được thể hiện sâu sắc trong việc hưởng ứng các chủ trương, chính sách về xã hội của địa phương như xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết… Được biết, thời gian tới, Tuệ Tĩnh đường Pháp Lâm còn được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại để phục vụ tốt hơn cho đồng bào, Phật tử nghèo có nhu cầu khám chữa bệnh.

Với lợi thế về con người như kể trên, khi được lãnh đạo thành phố bày tỏ niềm tin, mong muốn cùng BTS THPG phát triển đạo Phật, du lịch tâm linh Phật giáo thông qua việc xây dựng các ngôi tự viện trên những vị thế đẹp, quan trọng của địa phương và BTS đã ủy nhiệm cho TT.Thích Thiện Nguyện làm công tác này. Hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2002-2012, hai ngôi Tam bảo bề thế gồm Linh Ứng Bà Nà và Linh Ứng Bãi Bụt đã được dựng xây, khắc một hình ảnh tuyệt đẹp trong nhiều người, không chỉ Phật tử và người dân trong nước mà còn là của bạn bè quốc tế.

Ngành hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử cũng có nhiều thành tựu như có trên 20 cơ sở tổ chức khóa tu (Một ngày an lạc, Niệm Phật, Bát quan trai). Đặc biệt, lớp giáo lý sáng Chủ nhật hàng tuần do quý thầy trong Ban Hoằng pháp đảm nhận đã duy trì đều đặn tại chùa Pháp Lâm, với hơn 200 học viên theo học. TT.Thích Thiện Nguyện đánh giá đây là một trong những hoạt động chất lượng, giúp Phật tử hiểu hơn về giáo lý và kết quả là đã có nhiều Phật tử đạt thành tích tốt trong các kỳ thi giáo lý tại địa phương và trung ương.

Nhiệm kỳ qua, theo báo cáo của BTS THPG TP.Đà Nẵng thì việc mở Đại giới đàn Trí Thủ (năm 2008) cũng đã thu kết quả tốt khi có 356 giới tử xuất gia và 1.414 giới tử tại gia thọ giới để tu học. Đồng thời, Trường TCPH TP.Đà Nẵng cũng đã đào tạo được 5 khóa, và hiện số Tăng Ni sinh khóa V đang theo học là 80 vị. Cơ sở mới của Trường TCPH TP.Đà Nẵng khánh thành khang trang vào ngày 10-4-Nhâm Thìn hứa hẹn sẽ là nơi tiếp tục sự nghiệp đào tạo Tăng tài phụng sự Đạo pháp, Dân tộc, nhất là các hoạt động Phật sự tại địa phương.

Thượng tọa Phó ban Thường trực BTS cũng cho biết, TP.Đà Nẵng trong nhiệm kỳ qua đã đăng cai và tổ chức thành công hai hội thảo cấp trung ương là Hội thảo về ngành hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử vào năm 2009 và 2011, góp phần cho công tác Phật sự chung của Phật giáo Việt Nam.

Lưu Đình Long

TT.Thích Thiện Nguyện (ảnh), Phó ban Thường trực BTS Phật giáo Đà Nẵng:

Phát huy tiềm năng, vững bước trong nhiệm kỳ mới!

Với tiềm năng và thế mạnh của địa phương có số Tăng Ni đông (747 vị) và cơ sở chùa chiền tương đối nhiều (112 chùa sinh hoạt trong lòng Giáo hội), chúng tôi nhận thức rằng mình phải dấn thân để làm nhiều hơn nữa. TP.Đà Nẵng là thành phố trẻ, năng động, đang phát triển rất nhanh nên Phật giáo cũng phải phát triển cùng với sự phát triển chung của xã hội.

TT Thiện Nguyện.jpg

Trong nhiệm kỳ mới, với nỗ lực và sự cố gắng của toàn BTS và trên cơ sở của những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua, cũng như cơ cấu nhân sự trẻ đã được Đà Nẵng tiên phong thực hiện trong nhiệm kỳ 2007-2012 nay đã trưởng thành sẽ là tiềm lực để Phật giáo Đà Nẵng đi lên. Cụ thể, trong công tác giáo dục sẽ nâng cao chất lượng đào tạo; ngành văn hóa thì cố gắng học hỏi, tổ chức các hoạt động, sự kiện Phật giáo tốt hơn… Ngoài ra, BTS cũng đang xúc tiến xây dựng trụ sở Ban Trị sự tại chùa Pháp Lâm và Nghĩa trang Tăng Ni Phật giáo TP trên diện tích 20.000m2 tại xã Hòa Sơn.

Trong suốt ba nhiệm kỳ, kể từ khi tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính (TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam) thì Phật giáo TP.Đà Nẵng cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể về các mặt. Hy vọng, trong nhiệm kỳ mới BTS sẽ phát huy vai trò của mình trong mọi hoạt động Phật sự, hoạt động xã hội để làm lợi lạc quần sanh, hoằng dương Chánh pháp…

P.Châu ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày