GN - Đắk Lắk là tỉnh miền núi, diện tích rộng, người thưa; đất bazan màu mỡ, thích hợp sản xuất nông nghiệp. Nơi đây quy tụ hầu hết các dân tộc trên cả nước, trong đó đa phần là người Kinh. Khi di dân, người Kinh đến ở rải rác tại các vùng sâu vùng xa của tỉnh, mang theo lòng tin Phật đã thấm sâu bao đời. Do thực tiễn như thế mà các hoạt động Phật sự của tỉnh càng được nâng chất để xứng tầm với nhu cầu chung.
Những thay đổi ấn tượng
Hồi tưởng lại dòng thời gian phát triển của Phật giáo Đắk Lắk trong gần 20 năm qua, HT.Thích Châu Quang, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Lắk khẳng định, dù nhu cầu tâm linh của bổn đạo tín đồ rất cao nhưng mãi đến cuối năm 2007, lực lượng nhân sự của Phật giáo tỉnh, đặc biệt là thành phần Tăng Ni vẫn còn quá mỏng, tập trung chủ yếu ở thành thị; hàng cư sĩ thì có đạo tâm nhưng trình độ học Phật và năng lực chuyên môn còn hạn chế. Nhiều cơ sở thờ tự do cư sĩ hướng dẫn sinh hoạt và Phật tử đến chùa đa phần chỉ biết lễ bái cầu nguyện.
“Tuy đứng trước những trở ngại như vậy, nhưng nhờ hàng cư sĩ có đạo tâm, sẵn sàng đóng góp công sức của mình, do đó vẫn duy trì và phát triển cơ sở tự viện trong khả năng nhất định”, HT.Thích Châu Quang nhớ lại.
Theo HT.Thích Châu Quang, sau năm 2007, chư Tăng Ni trong tỉnh và tỉnh bạn đã tốt nghiệp tại các trường Phật học trong nước cũng như ngoài nước, phát tâm về Đắk Lắk để phụng sự đạo pháp, được Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh tạo điều kiện tiếp nhận, bổ xứ đến trụ trì các tự viện ngày càng nhiều, đây là tiền đề cho sự phát triển Phật giáo tỉnh nhà.
Qua đó, chỉ trong vòng 5 năm của nhiệm kỳ 2012 - 2017, Phật giáo tỉnh đã ban hành quyết định bổ nhiệm 46 vị Tăng Ni trụ trì các tự viện, gồm 25 Tăng và 21 Ni. Hiện nay, toàn tỉnh có 120 cơ sở tự viện đã hoàn tất bổ nhiệm Tăng Ni trụ trì; 63 cơ sở tự viện có Tăng Ni tạm trú hướng dẫn Phật tử tu học; 24 cơ sở tự viện chưa có Tăng Ni, do Ban Hộ tự quản lý. Ngoài ra, trong khoảng thời gian này đã có 48 chư Tăng, Ni nhận quyết định chấp thuận gia nhập Tăng đoàn; 165 Phật tử gồm 81 nam và 84 nữ được phép xuất gia; 72 Tăng Ni được thuyên chuyển về hoạt động tôn giáo tại các tự viện.
Khi số lượng Tăng Ni tăng lên, như một xu thế tất yếu, cơ sở thờ tự tại tỉnh Đắk Lắk cũng tăng theo. Cuối năm 2012, tỉnh Đắk Lắk có 162 cơ sở thờ tự sinh hoạt, trong đó 40 đơn vị chưa chính thức. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 207 cơ sở thờ tự với 154 tự viện được công nhận chính thức, 53 tự viện chưa được công nhận chính thức. “Đây là con số khá ấn tượng và đầy tin tưởng cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh Đắk Lắk. Vì nhu cầu về nhân sự được đáp ứng thì sẽ tạo nên những bước đi vững chắc khi có con người phụ trách cụ thể”, HT.Thích Châu Quang tâm sự.
Chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử làm việc chuyên ngành với Ban HDPT T.Ư năm 2015
Nâng tầm chất lượng
Một trong những biểu hiện đầu tiên về việc nâng cao chất lượng các hoạt động Phật sự trong thời gian qua mà vị giáo phẩm đứng đầu Phật giáo tỉnh Đắk Lắk thông tin đó là đã củng cố được các ban, phân ban trực thuộc BTS cấp tỉnh, gồm: Ban Hoằng pháp, Ban Văn hóa, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Từ thiện xã hội, Phân ban Ni giới, Phân ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử, Phân ban Phật tử dân tộc cũng như thành lập mới Ban Thông tin - Truyền thông.
Phật giáo tỉnh cũng thành lập Tổ công tác truy tìm và xác định niên đại Phật giáo du nhập vào tỉnh Đắk Lắk, đã thu hoạch được kết quả tương đối, qua đó khẳng định Phật giáo du nhập đầu tiên tại Đắk Lắk do các nhà sư Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) người Lào truyền sang, vào cuối thế kỷ XIX tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, cách nay trên 115 năm. Tại đây có trồng cây bồ-đề và cất một thảo am. Từ kết quả này, chư tôn giáo phẩm lãnh đạo BTS GHPGVN tỉnh đã làm hồ sơ đề nghị phục hồi di tích Phật giáo nơi này và chuyển thành cơ sở Phật giáo thuộc xã Ea Na, huyện Buôn Đôn.
Ngoài ra, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã có những cuộc tiếp xúc và làm việc với các cơ quan chức năng huyện Ea Súp, xã Ea Lê, đây là huyện cuối cùng không có cơ sở Phật giáo, để tiến hành thành lập những cơ sở thờ tự đầu tiên, đến nay đã thành lập được 3 cơ sở. Cũng liên quan đến vấn đề tạo dựng cơ sở, Phật giáo tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh và huyện Krông Pắc cấp quỹ đất thành lập Trung tâm Văn hóa Hành chánh Phật giáo huyện Krông Pắc.
Trong khi đó, TT.Thích Giác Tiến, Phó ban kiêm Chánh Thư ký cho hay biểu hiện tiếp theo của sự phát triển chất lượng hoạt động Phật sự là việc hướng đến sự tu học của hàng Phật tử tại gia, đặc biệt là Phật tử người dân tộc. Theo đó, chùa Nam Thiên, chùa Phổ Minh, chùa Liên Trì (TP.Buôn Ma Thuột), chùa Hoa Nghiêm (H.Cư M’gar) mở nhiều khóa tu mùa hè cho các thanh thiếu nhi Phật tử, Phật tử dân tộc trẻ, thời gian mỗi khóa tu 7 ngày và có khoảng 200 đến 500 em tham dự.
Các tự viện khác như tịnh xá Ngọc Quang, tịnh xá Ngọc Khánh, chùa Hoa Nghiêm, chùa Bửu Thắng, chùa Phước Bình, chùa Thọ Thành, chùa Phước Điền, chùa Quảng Trạch đã tổ chức cho hàng ngàn thiện tín người dân tộc quy y Tam bảo, trở thành những Phật tử chính thức.
Không những thế, các giảng đường của chùa Sắc tứ Khải Đoan, tịnh xá Ngọc Quang luôn có thời thuyết giảng giáo lý thường kỳ vào sáng Chủ nhật mỗi tuần; đến mùa hè, Ban Trị sự GHPGVN TP.Buôn Ma Thuột, chùa Liên Trì đã tổ chức khóa tu mùa hè, trại hè cho giới trẻ. Nhiều năm qua Phật giáo huyện Krông Pắk thường xuyên tổ chức khóa tu tại chùa Phước An; các đạo tràng Pháp Hoa, đạo tràng Niệm Phật, đạo tràng Bát quan trai được nhiều tự viện mở vào cuối tuần hoặc ngày sóc vọng, thu hút hàng chục ngàn Phật tử đến tu tập. Riêng chùa Khải Đoan đã thành lập và ra mắt Đoàn Thiện sinh Phật tử từ nhiệm kỳ trước đến nay hoạt động đều đặn với khoảng 100 đoàn viên. Một số tự viện như chùa Hồng Phước, chùa Phước Hòa, chùa Liên Trì, chùa Quán Thế Âm, chùa Linh Thứu, chùa Thọ Thành v.v... đã thành lập Đoàn Thanh thiếu nhi Phật tử.
“Đặc biệt, để giúp cho hàng Phật tử được học Phật có hệ thống và chuyên sâu, Ban Hoằng pháp đã kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh khai giảng lớp giáo lý căn bản kéo dài 4 năm tại giảng đường chùa Sắc tứ Khải Đoan, tịnh xá Ngọc Quang. Số lượng học viên tham gia dao động từ 100 đến 150 người”, TT.Thích Giác Tiến thông tin thêm.
Ở phương diện khác, sinh hoạt của tổ chức Gia đình Phật tử dần đi vào nề nếp và ổn định. Đầu nhiệm kỳ 2012-2017, toàn tỉnh Đắk Lắk có 62 đơn vị GĐPT với 514 huynh trưởng và 3.246 đoàn sinh. Hiện tại, con số này đã có sự thay đổi với 69 đơn vị GĐPT sinh hoạt, gồm 794 huynh trưởng và 3.378 đoàn sinh. Nhiều trại huấn luyện, trại họp bạn, bồi dưỡng khả năng kiến thức sinh hoạt chuyên môn, khóa đào tạo huynh trưởng được tổ chức; các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, từ thiện xã hội được duy trì tạo nên sức sống của tổ chức Áo Lam nơi vùng đất trung tâm cao nguyên.
Theo HT.Thích Châu Quang, chất lượng hoạt động Phật sự của Tăng Ni, Phật tử tỉnh Đắk Lắk được tăng trưởng trong nhiệm kỳ qua là một sự cố gắng nhất định, trên cơ sở vận dụng công sức, trí tuệ tập thể và tinh thần đoàn kết, thống nhất của mỗi thành viên trực thuộc.