“Phật giáo thành phố cần nỗ lực để xứng tầm với tiềm năng của mình”

Giác Ngộ - Là một trong những trung tâm của cả nước, Phật giáo TP. Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện các hoạt động Phật sự với nguồn lực dồi dào, điều kiện vật chất đảm bảo, hệ thống tổ chức hoàn thiện và sự ngoại hộ nhiệt thành của đồng bào Phật tử.
Trong năm qua, cùng với cả nước, Phật giáo thành phố đã hoàn thành nhiều Phật sự quan trọng tạo tiền đề cho năm bản lề 2011, trước khi kết thúc nhiệm kỳ VII, chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ VIII sẽ diễn ra vào năm 2012. Nhân dịp năm mới Tân Mão, HT.Thích Nhật Quang - Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS có cuộc trò chuyện đầy cởi mở với Giác Ngộ tân niên.
nhatquang.gif

HT.Thích Nhật Quang

- Năm 2010, cùng với cả nước, Phật giáo thành phố đã thực hiện nhiều Phật sự quan trọng và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Hòa thượng có thể khái quát những thành tựu đó?

- HT. Thích Nhật Quang: Cùng với cả nước, trong năm qua, dù đứng trước khó khăn bởi sự tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan nhưng Phật giáo thành phố đã chủ động, tích cực, thể hiện sự sáng tạo trong các công tác Phật sự và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, trước nhất phải nói đến hoạt động của ngành Tăng sự - một ngành mà lâu nay được xem là trầm lắng nhất.

Năm đã qua, ngành Tăng sự đã nỗ lực lớn khi tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề với sự tham gia của hơn 1.000 chư tôn đức Tăng Ni. Nội dung của Hội thảo đưa ra đã thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu làm sáng tỏ nhiều vấn đề khi nghị quyết được thông qua.

Ngoài ra, các hoạt động chuyên ngành khác cũng đạt kết quả không kém thể hiện qua việc, nhiều giảng đường thuyết pháp được mở ra và thu hút khá đông giới trẻ; công tác từ thiện đạt trên 200 tỷ đồng, phối hợp với các cơ quan thành phố, khánh thành và đưa vào sử dụng Công viên Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức trong sự mong chờ của đông đảo Phật tử thành phố; sinh hoạt của các đạo tràng tu học toàn thành khởi sắc và gia tăng về số lượng cũng như chất lượng; đón tiếp thành công chư tôn túc lãnh đạo Phật giáo một số nước đến thăm và thuyết giảng.

-  Thế còn tồn tại và hạn chế thì sao, bạch Hòa thượng?

- Nói như thế không có nghĩa là mọi thứ chúng ta đều tốt mà trong thực tế cũng còn khá nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các công tác Phật sự. Biểu hiện cụ thể nhất là các chuyên ngành của chúng ta làm việc chưa đồng đều và thể hiện sự gắn kết với Văn phòng Thành hội dẫn đến tình trạng nhiều hoạt động trọng tâm không được đưa ra bàn bạc và thực hiện đầy đủ; Thành hội vẫn chưa giữ vai trò đầu tàu và đi sâu vào việc hỗ trợ các quận, huyện khi phát sinh sự việc khó khăn…

Đây là những vấn đề tồn đọng mà chúng ta cần khắc phục trong thời gian tới.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động của Phật giáo thành phố bắt đầu lối mòn và mang tính hình thức, Hòa thượng suy nghĩ như thế nào về nhận định này?

- Nhận định trên có cơ sở và bản thân tôi công nhận điều đó. Phải nói rằng, trong thời gian vừa qua, chư tôn lãnh đạo Thành hội chúng ta kiêm nhiệm khá nhiều chức vụ và nhiều vị chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình dù đã được phân công. Song song đó, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì có không ít vị trí lãnh đạo từ thành phố cho đến quận, huyện không thể hiện sự tích cực cho công tác chung. Đó là chưa nói đến tình trạng chồng chéo, đan xen trách nhiệm lẫn nhau ở một số đầu việc, nhìn thì cứ ngỡ rất nhiều nhưng cuối cùng không vị nào đảm nhiệm. Đôi lúc, sự phân công của chúng ta lại không đúng chuyên môn, năng lực và tầm nhìn. Chính vì lẽ đó mà dù đã có người đảm trách nhưng nhiều hoạt động bị ngưng trệ, thiếu sáng tạo, rơi vào lối mòn và đôi lúc rất hình thức. Đơn cử rõ ràng nhất là các hoạt động Kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2554 vừa qua. Chúng ta đã không được đồng thuận từ Tăng Ni, Phật tử thành phố khi chọn địa điểm tổ chức bị khuất, chật hẹp không mang tính công cộng; nội dung thì khô khan và không thu hút được quần chúng Phật tử, thiếu các sinh hoạt mang tính trẻ trung và cộng đồng cao. Do vậy mà tôi đã nghe rất nhiều sự trách cứ từ nhiều phía rằng chúng ta chưa thực sự làm cho ngày Phật đản trở thành ngày hội tôn giáo lớn mặc dù Liên Hiệp Quốc đã công nhận đó là sự kiện văn hóa - tâm linh của thế giới từ lâu.

- Từ những ưu và khuyết như thế, theo Hòa thượng, chúng ta sẽ phải làm gì cho những hoạt động Phật sự trong năm nay ?

- Năm 2011 là năm mà Phật giáo cả nước cũng như thành phố đón chào nhiều sự kiện trọng đại và ý nghĩa. Đó là Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kỷ niệm tròn năm ngày Phật đản PL.2555, tổ chức Đại giới đàn truyền giới cho Tăng Ni trẻ và đặc biệt là chuẩn bị công tác nhân sự, tiến hành đại hội Phật giáo cấp quận huyện để chuẩn bị Đại hội đại biểu Phật giáo thành phố vào năm 2012. Đó là các hoạt động diễn ra trong thời gian dài và cần sự chuẩn bị chu đáo từ mọi phía. Để thực hiện thành công những nội dung như vừa nêu, theo tôi, Thành hội trước hết phải quyết liệt giao nhiệm vụ đúng chức năng, tránh kiêm nhiệm; thực hiện sự trẻ hóa nhân sự và chọn người đủ đức đủ tài trên cơ sở tín nhiệm của Tăng Ni, Phật tử địa phương để phụ giúp chư tôn túc lãnh đạo một số đầu việc nhằm chuẩn bị cho bước kế thừa sắp đến.

Hơn nữa, chúng ta cũng cần thiết phải đi sâu, đi sát hơn nữa các ban chuyên ngành và quận, huyện. Phải thực sự lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của địa phương để có những quyết định và điều chỉnh cho phù hợp trong công tác chỉ đạo. Nói tóm lại, Phật giáo thành phố cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới xứng tầm với tiềm năng của mình.

"Các hoạt động Kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2554 vừa qua, chúng ta đã không được đồng thuận từ Tăng Ni, Phật tử thành phố khi chọn địa điểm tổ chức bị khuất, chật hẹp không mang tính công cộng; nội dung thì khô khan và không thu hút được quần chúng Phật tử, thiếu các sinh hoạt mang tính trẻ trung và cộng đồng cao. Do vậy mà tôi đã nghe rất nhiều sự trách cứ từ nhiều phía rằng chúng ta chưa thực sự làm cho ngày Phật đản trở thành ngày hội tôn giáo lớn mặc dù Liên Hiệp Quốc đã công nhận đó là sự kiện văn hóa - tâm linh của thế giới từ lâu."

-  Trong thời gian vừa qua, đâu đó diễn ra tình trạng vận động cải đạo, có lẽ sẽ trở nên phổ biến ở thành phố mà Phật giáo chúng ta phải đối mặt, ý kiến của Hòa thượng về vấn đề này như thế nào?

- Qua các phương tiện truyền thông, tôi cũng bắt đầu nghe nhắc đến hiện tượng này nhưng ở thành phố chúng ta thì chưa có biểu hiện rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta cũng cần phải có những động thái của riêng mình để kịp thời ứng phó nếu thật sự cấp bách trong thời gian đến. Trước hết, Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử cần tăng cường công tác thuyết giảng và giáo dục quần chúng để chỉ rõ đâu là nếp sống hướng thượng và truyền thống, đâu là niềm tin chân chính và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Trong công tác này, tôi nghĩ báo Giác Ngộ cần đóng vai trò tích cực và đi tiên phong, phát hiện và phản ánh cụ thể, trung thực những gì đã và đang diễn ra làm cơ sở cho những quyết định sau này của chư tôn túc lãnh đạo Giáo hội các cấp.

phatdan-13.gif
Lễ Phật đản được tổ chức
tại Sân vận động Quân khu 7 - Ảnh: H. Diệu

-  Một năm mới lại đến, thông điệp mà Hòa thượng muốn gởi đến chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử thành phố cũng như bạn đọc báo Giác Ngộ là gì ?

- Theo quy luật của thiên nhiên, một mùa xuân nữa lại về, tôi thành tâm kính gởi đến chư tôn túc lãnh đạo các cấp, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử thành phố và bạn đọc báo Giác Ngộ tròn đầy niềm hỷ lạc, hanh thông và thuận duyên trong mọi mặt. Chúng ta nguyện đồng sức, đồng lòng, hòa hợp để thực hiện thành công những hoạt động Phật sự trong thời gian tới.

- Chân thành cảm ơn Hòa thượng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày