Phật giáo vùng Mê-kông là một tài sản quý

GNO - Đó là khẳng định của đa số các học giả trong phiên làm việc hôm nay, 14-11 của Hội thảo “Phật giáo vùng Mê-kông - Lịch sử và phát triển”.

gtruc1.JPG


Toàn cảnh phiên toàn thể của Hội thảo diễn ra hôm nay 14-11 - Ảnh: Bảo Thiên

Các phiên làm việc hôm nay diễn ra tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) với sự tham dự của HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM, GS.TS Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và đông đảo các học giả trong, ngoài nước cùng chư Tăng Ni sinh Học viện.

Mở đầu phiên làm việc, TT.Thích Nhật Từ phát biểu chào mừng và khái quát lại các kết quả đạt được từ những thảo luận diễn ra hôm qua, 13-11 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Theo Thượng tọa, bằng trí tuệ tập thể và tiếng nói tập thể của cộng đồng học giả trong, ngoài nước, các diễn đàn đã tạo ra nên tảng vững chắc cho các cơ hội hợp tác quốc tế, hướng đến phát triển vững bền trong tương lai của vùng Mê-kông.

gtruc3.JPG


TT.Thích Nhật Từ phát biểu và báo cáo các kết quả của ngày 13-11 - Ảnh: Bảo Thiên

gtruc4.JPG
GS.TS Lê Mạnh Thát trình bày tham luận - Ảnh: Bảo Thiên

Tiếp theo, GS.TS Lê Mạnh Thát phát biểu về những phát hiện mới của tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam từ thời Lý Trần - qua đó khẳng định Phật giáo tại Việt Nam giữ vai trò to lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần và phát triển kinh của xã hội Việt Nam suốt một thời gian dài. Cũng chính vai trò đó đã tạo nên sự kết nối và giao thoa với Phật giáo các nước trong khu vực, làm tiền đề cho sự ổn định và hài hòa giữa các quốc gia.

Những đóng góp về văn hóa giáo dục

Ngay sau đó là phần phát biểu tham luận và trao đổi của các học giả tại 2 diễn đàn tiếng Anh và tiếng Việt. Với những nghiên cứu xác thực và công phu, nhiều nhà khoa học đã thống nhất khẳng định, chính sự giao lưu và tiếp biến văn hóa trong khu vực đã hình thành nên một đạo Phật nhập thế mang tính định hướng cuộc sống người dân bản địa.

“Chính Phật giáo đã chi phối mọi hành động ứng xử của cư dân vùng Mê-kông, hướng họ đến cái thiện, cái đẹp. Phật giáo còn là tổng hòa các sắc thái của người dân như lễ tục, lễ hội, nghệ thuật tạo hình”, ThS Nguyễn Thị Tâm Anh, Khoa Xã hội học - Công tác Xã hội - Đông Nam Á, Trường Đại học Mở TP.HCM cho biết.

Theo bà Tâm Anh, do những thay đổi của xã hội và trong nhận thức đã làm cho sư sãi tại khu vực này, đặc biệt là trong cộng đồng người Khmer chọn đi tu trọn đời có khuynh hướng giảm mà thay vào đó là ngắn hạn. Ngoài ra, thanh thiếu niên người Khmer cũng ít đến chùa hơn do bận học tập, làm ăn và tham gia các hoạt động văn hóa khác nên việc hiểu biết giáo lý đạo Phật và văn hóa truyền thống bị mai một và dần hạn hẹp. Đây là một thực trạng mà Phật giáo khu vực này cần lưu tâm và có những điều chỉnh phù hợp.

gtruc2.JPG


Đoàn chủ tọa phiên toàn thể - Ảnh: Bảo Thiên

Xuất phát từ một góc nhìn khác, ThS Hoàng Văn Khải đến từ Học viện Chính trị khu vực IV (TP.Cần Thơ) cho rằng, tài sản của Phật giáo vùng Mê-kông, đặc biệt là Phật giáo Nam tông Khmer cống hiến cộng đồng dân cư chính là giáo dục.

Hoạt động giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer thể hiện đa dạng, phong phú thông qua hệ thông giáo dục các trường chùa, các trường bổ túc văn hóa Pali, trung cấp Phật học và Học viện Phật giáo.

Tại Việt Nam, giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer đã góp phần rất lớn vào việc giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa dân tộc, đào tạo đội ngũ trí thức, tăng cường sự đoàn kết trong dân cư.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục của Phật giáo vùng này, ông Hoàng Văn Khải đề nghị cần thể hiện sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và hướng đến việc định hướng nghề nghiệp cho học viên theo học để khi hoàn tất chương trình có thể hòa nhập cuộc sống cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo để có thể theo kịp xu thế toàn cầu hóa.

Bảo vệ môi trường

Tại diễn đàn tiếng Anh, Tiến sĩ M.P.M. Peiris, Giáo sư Viện Nghiên cứu Phật học và Pali thuộc Đại học Kalaniya (Sri Lanka) cho rằng con người vùng Mê-kông đang thừa hưởng nhiều di sản quý giá từ tiền nhân - đó chính là Phật giáo và chính tôn giáo này đã góp phần rất lớn vào việc bảo vệ hiện tượng suy thoái môi trường của vùng.

Trong bài tham luận của mình, vị học giả đến từ đất nước Sri Lanka cho hay, sông Mê-kông đang bị thay đổi dòng chảy tự nhiên đã dẫn đến sự ô nhiễm môi trường sống của động thực vật cũng như sự tuyệt chủng của một số loài sinh vật quý hiếm.

“Ở một số nơi trong khu vực này, con người đang lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến sự suy thoái môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của các thế hệ mai sau. Thông qua tuệ giác Phật giáo, đây là những biểu hiện của cái nhìn và hành động thiếu trí tuệ, làm giảm thiểu hạnh phục và an lạc”, bà Peiris khẳng định.

Từ đó, bà khuyến nghị việc thực tập tâm từ bi, con đường trung đạo và ứng xử thân thiện với môi trường để duy trì sự phát triển vững bền trong khu vực Mê-kông.

“Hệ thống đạo đức Phật giáo khuyến nghị nên thể hiện mối quan hệ tôn trọng môi trường cũng giống như việc giảm thiểu những hành động gây tổn thương cho người khác. Đức Phật nhấn mạnh chúng hữu tình hay vô tình cần được bảo vệ như nhau bởi những hành động của con người cũng giống như người mẹ bảo vệ những đứa con bé nhỏ của mình. Áp dụng nguyên tắc này, mọi người cần tránh những hành động đánh bắt tuyệt chủng và hành động khai thác cần có chọn lọc”.

Để thực hiện khuyến nghị này, vị nữ Giáo sư cho rằng Tăng đoàn trong khu vực cần là lực lượng tiên phong và đưa ra những định hướng cho cộng đồng.

Cuối buổi chiều nay, 14-11, Hội thảo bế mạc sau 2 ngày làm việc trong tinh thần nghiêm túc và cầu thị.

gtruc5.JPG

gtruc6.JPG
Đại biểu quốc tế và chư Tăng Ni sinh tham dự hội thảo - Ảnh: Bảo Thiên

gtruc8.JPG
GS.TS Lê Mạnh Thát trao đổi với một học giả đến từ Ấn Độ - Ảnh: Bảo Thiên

gtruc7.JPG
Lắng nghe tham luận - Ảnh: Bảo Thiên

>> Xem thêm: Sáng tỏ nhiều giá trị của Phật giáo vùng Mê-kông || Khai mạc Hội thảo quốc tế về Phật giáo vùng Mê-kông ||

Bảo Thiên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày