GN - HT.Thích Như Tước, Phó ban Thường trực BTS PG tỉnh Vĩnh Long cho biết, trên đất Vĩnh Long, thời kỳ chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX, là nơi xuất hiện các vị Tổ minh triết như chư Tổ Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải, Từ Phong…
Đất lành sinh hiền nhân
Sách sử ghi lại, đạo Phật theo truyền thống Bắc tông được truyền bá đến vùng đất Vĩnh Long vào hạ bán thế kỷ thứ XVIII, và chùa chiền thuở ban đầu được hình thành dưới dạng am tranh, lợp lá. Còn các chùa theo truyền thống Nam tông Khmer cũng dạng đơn sơ, có dạng hình mái cong, nóc nhọn. “Tuy nhiên, do cùng là con Phật nên hai truyền thống Phật giáo nhanh chóng hòa hợp, cùng tu tập, hành đạo, kiến tạo Phật giáo trở thành nền tảng tâm linh gần gũi trong lòng nhân dân địa phương nơi đây”, HT.Thích Như Tước chia sẻ.
Chùa Giác Thiên - Văn phòng BTS PG tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: L.Đ.L
Theo Vĩnh Long Phật giáo sử lược của tác giả Trí Không, nơi đất Vĩnh Long còn lưu dấu chân hành đạo của chư vị thạc đức như HT.Thiện Hoa, HT.Thiện Hòa…, và nhiều vị tôn đức hiện nay đang đảm trách nhiều công tác Phật sự tại nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực khác nhau…
Tiếp nối sự nghiệp Tổ sư
Những giá trị thiêng liêng của thế hệ tiền bối để lại đã được chư tôn thiền đức BTS PG tỉnh Vĩnh Long ngày nay thừa kế và phát huy. Nhất là trong nhiệm kỳ lần V (2007-2012) vừa qua, những con số thể hiện trong báo cáo tổng kết Phật sự cho thấy rất rõ điều đó. Cụ thể, HT.Thích Như Tước cho hay, trong nhiệm kỳ qua, PG tỉnh nhà đã công nhận 7/8 Ban Đại diện (BĐD) PG huyện, thành thuộc tỉnh, đồng thời cử một cá nhân đặc trách đại diện PG huyện Mang Thít (chưa có BĐD).
BTS cũng đã hoàn thành việc khắc, cấp khuôn dấu tròn cho 7/8 BĐD PG huyện, thành cũng như 92/193 con dấu tròn cho cơ sở tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường… Hiện nay, theo thống kê tự viện, danh bộ Tăng Ni thì toàn tỉnh có 788 Tăng Ni với 193 cơ sở thờ tự, trong đó có 13 tự viện thuộc Phật giáo Nam tông Khmer với số lượng chư Tăng khoảng 234 vị.
Ngày 5-11-2009, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long đại hội và ra mắt Ban Chấp hành có 19 vị và 133 hội viên do TT.Sơn Ngọc Huynh làm Chủ tịch Hội. Đây là tổ chức có tính chất đoàn kết, gắn liền giữa Phật giáo với dân tộc mà PG tỉnh nhà luôn quan tâm. Hòa thượng Phó ban Thường trực BTS cũng cho biết, nhiệm kỳ qua Vĩnh Long đã tổ chức hai Đại giới đàn thành công, đều mang tên Thiện Hoa (năm 2008 và 2011) với số giới tử đăng đàn thọ giới lên tới trên 1.300 vị.
Công tác bổ nhiệm trụ trì cũng được quan tâm, trong đó bổ nhiệm 27 trụ trì và toàn tỉnh có 153/180 Tăng Ni được cấp quyết định công nhận trụ trì cơ sở tự viện. Đồng thời, cũng đã cấp chứng nhận cho 67 Tăng Ni và đến nay có 441 Tăng Ni đã được cấp Giấy chứng nhận.
Năm 2011, Trường TCPH tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức thi tốt nghiệp khóa V, 80 Tăng Ni đều tốt nghiệp và hiện đang đào tạo khóa VI với 130 Tăng Ni đang theo học. Từ mái trường Phật học Vĩnh Long, nhiều vị đã du học trong và ngoài nước, tốt nghiệp các học vị cao hơn như cao đẳng Phật học (44 vị), đại học (42 vị), du học Ấn Độ và đã tốt nghiệp 3 vị cử nhân, 4 vị thạc sĩ, 20 tiến sĩ… Đặc biệt, đối với chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer thì Giáo hội được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Ban Dân tộc nên đã có 7/13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer mở các lớp Sơ cấp Phật học. Từ năm 2007-2012 đã mở 32 lớp với 735 lượt Tăng sinh tham dự.
Trong công tác hoằng pháp, HT.Thích Như Tước cho biết tỉnh nhà thường xuyên tổ chức thuyết giảng tại 81 đạo tràng, trung bình mỗi đạo tràng có từ 100-700 thính chúng tham gia. Trong 5 năm qua, đã có 2.250 thời pháp tại các đạo tràng trong tỉnh. Công tác hướng dẫn Phật tử cũng được chú trọng với các hoạt động thường xuyên của 6 GĐPT, 445 đoàn sinh được quý thầy hướng dẫn.
Trong những ngày trước thềm Đại hội, tiếp xúc với PV Giác Ngộ, quý Hòa thượng lãnh đạo BTS còn cho biết: “Một niềm vui lớn cho PG Vĩnh Long sau 30 năm Tăng Ni, Phật tử mong đợi là được trùng tu xây dựng lại Bảo tháp Miền Tây cũ. Hiện công trình đã động thổ khởi công xây dựng hạng mục đầu tiên là chùa Tháp Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và xây đài An vị Bồ-tát Quán Thế Âm lộ thiên”. Theo thống kê, 8 cơ sở thờ tự của PG đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Cũng giống như các tỉnh, thành khác, hoạt động từ thiện-xã hội, theo BTS đánh giá là hoạt động nổi bật của Phật giáo tỉnh nhà. Với trên 72 tỷ đồng thực hiện công tác này, PG Vĩnh Long đã tập trung vào các lĩnh vực như Tuệ Tĩnh đường (7 đơn vị) giúp khám, điều trị gần 240.000 lượt bệnh nhân, cất nhà tình thương, tình nghĩa, nồi cháo tình thương, cứu trợ…
Với những kết quả đạt được, theo đánh giá chung của BTS tỉnh Vĩnh Long thì đó là những điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc các ngài còn ưu tư chính là trong suốt 5 nhiệm kỳ mà BTS vẫn chưa có phương cách tốt nhất để bổ nhiệm BĐD PG huyện Mang Thít, do đó việc thực hiện chương trình hoạt động chưa đồng bộ, sâu sát…
Chúc Thiệu