Phòng cháy chùa để tránh hậu quả lớn về tinh thần

GN - Vào tối 17-7 vừa qua, vụ cháy đã thiêu rụi chánh điện và hậu tổ chùa Hội Sơn, một ngôi chùa cổ gần 300 năm tuổi gắn liền với vùng đất phương Nam. Những bảo vật bao gồm tôn tượng thờ tự, pháp khí… đã bị thiêu hủy, biến dạng. Những ai quan tâm đến văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa Phật giáo đều sững sờ và đau xót trước cảnh tượng trên. Chúng tôi nghĩ rằng, sau vụ cháy chùa cổ Hội Sơn, thì có nhắc lại đến hàng trăm lần việc phòng cháy đối với nhà chùa vẫn không phải là thừa.

_MG_5959.JPG

Sau vụ cháy chùa cổ Hội Sơn, thì có nhắc lại đến hàng trăm lần việc phòng cháy đối
với các chùa vẫn không phải là thừa - Ảnh: V.Giang

Vấn đề

Hiện nay, vào các cơ quan, cao ốc văn phòng, khách sạn... cứ đi một quãng ngắn là chúng ta có thể thấy ngay các bình chữa cháy đủ kiểu, bảng tiêu lệnh chữa cháy, đầu báo cháy, báo khói…

Việc phòng cháy cẩn thận như vậy rất hiếm thấy ở các chùa. Trên mạng, có Phật tử cho biết, thậm chí, quý thầy khi nhận bình cứu hỏa do Phật tử cúng dường thì mang cất vào kho, những chỗ khi cần không lấy được, có thầy còn cười…

Cũng có nhiều Phật tử nghĩ rằng chùa có Long thần Hộ pháp thủ hộ, vì vậy, việc phòng cháy là không cần thiết.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, chánh điện nhiều chùa là nơi có nhiều nguy cơ cháy. Nhiều chùa thắp nhiều đèn dầu, đèn cầy 24/24 mà nếu ngã xuống bàn sẽ dễ gây ra hỏa hoạn. Nguy hiểm nhất là loại đèn dầu ống cao, chứa nhiều dầu, nhưng rất chông chênh dễ ngã, ngày càng được sử dụng phổ biến, hết sức nguy hiểm.

Thắp đèn lửa liên tục trên các bàn thờ trong chùa là một điều cần thiết trong nghi lễ Phật giáo, nên cách phòng cháy là hết sức cẩn trọng đối với việc chọn lựa kiểu đèn và cần trang bị đầy đủ các thiết bị báo cháy (báo khói, báo nhiệt), thiết bị chữa cháy, mà thông dụng nhất là các loại bình chữa cháy. Bình chữa cháy phải phù hợp với yêu cầu chữa cháy trong chánh điện nhà chùa (có thể nhờ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hay nhà cung cấp tư vấn), phải được kiểm tra thường xuyên, phải bảo trì đúng hạn, được đặt ở chỗ dễ nhìn thấy và dễ lấy ra khi cần sử dụng đến.

Trong vụ cháy chùa Hội Sơn vừa qua, nếu chánh điện nhà chùa có lắp đặt báo cháy (loại đơn giản chỉ khoảng 200.000đ), khi có lửa là nó báo bằng âm thanh, nghe rất lớn nếu vào đêm khuya, và vài bình chữa cháy, thì đâu đến nỗi. Chánh điện các chùa hầu như đều không có người ngủ lại đêm. Nếu chờ lửa phát thành ngọn, từ xa nhìn thấy, thì việc chữa cháy đã muộn màng.

Chúng ta hãy làm thí nghiệm về tình huống dễ xảy ra ở nhà chùa: Một chiếc đèn dầu cao chứa đầy dầu ngã xuống một chiếc bàn gỗ, hay ly thủy tinh đặt đèn cầy bị vỡ khi đèn đang cháy đặt trên một chiếc bàn gỗ. Chỉ trong vài phút ngọn lửa sẽ thiêu rụi chiếc bàn và làm bùng lên một khối lửa to. Trong chánh điện chùa nào cũng có rất nhiều đèn dầu, đèn cầy như thế. Cảnh báo với nội dung như trên là không cường điệu nguy cơ một chút nào hết.

Hậu quả nặng nề về tinh thần

Sau một vụ cháy chùa như đối với chùa Hội Sơn, thiệt hại vật chất là điều rõ ràng, khó có thể tính đến. Thiệt hại về tinh thần lại càng nhiều hơn bội phần.

Chúng tôi không chỉ nói đến sự hoang mang, khủng hoảng về tinh thần Tăng Ni Phật tử, mà nói đến cái có thể bị lợi dụng, gây bất lợi cho đạo Phật.

Đó là trường hợp những ngôi chùa Hàn Quốc bị cháy một cách bí hiểm, hoặc điều tra được thủ phạm gây cháy, trong thời điểm cao điểm cải đạo ở Hàn Quốc vào những thập niên trước. Đến nay, trừ việc các cổ vật quý giá bị tiêu hủy, việc khôi phục cơ sở vật chất thiêu rụi trong hỏa hoạn cơ bản hoàn tất, nhưng hình ảnh các pho tượng Phật cháy đen, cháy xém, đứt đầu, vỡ đầu, cụt tay, cụt chân vẫn được khai thác cho mục tiêu cải đạo. Có những người muốn dùng sự việc chùa bị hỏa hoạn, tượng Phật bị thiêu cháy, bàn thờ Phật tan hoang để chứng tỏ là Phật không có, hay Phật không linh ứng. Hậu quả tinh thần nặng nề mà bài viết này muốn đề cập đến là ở điểm này.

Trong 2 tôn giáo cải đạo tín đồ Phật giáo mạnh mẽ tại Hàn Quốc, một tôn giáo có thờ tượng thánh, một tôn giáo thì tuyệt đối không thờ. Chính tôn giáo ở Hàn Quốc không thờ tượng thánh thường xuyên chỉ trích Phật giáo là thờ ngẫu tượng. Họ dùng hình ảnh những tượng Phật bị hư hại vì hỏa hoạn ở các chùa Hàn Quốc như là sự minh họa cho lời họ chỉ trích việc thờ ngẫu tượng. Cố gắng hạ thấp sự linh thiêng của đạo Phật như thế thường xuyên được lặp đi lặp lại bằng những hình ảnh như đã nói. Ít nhiều gì nó cũng làm thối thất niềm tin của những người theo đạo Phật. Quả là hết sức sâu độc, thâm hiểm!

Vì vậy, tích cực phòng cháy chùa chiền không chỉ là việc bảo vệ tài sản và nhân mạng, mà xa hơn, còn là bảo vệ niềm tin Phật giáo. Chùa cháy có thể xây dựng lại trong vài ba năm nhưng việc thối thất tín tâm do cái cách dùng hình ảnh tượng Phật bị cháy để bôi bẩn sự thiêng liêng của Phật giáo thì di hại không biết đến bao giờ. Ở Hàn Quốc người ta làm rất khôn khéo. Hình ảnh tượng Phật bị cháy bị hỏng đầy ở một nơi, không có bình luận gì. Nhưng ở một nơi khác người ta nói đến việc vô dụng của việc tôn thờ và cầu nguyện các ngẫu tượng, rằng chính các ngẫu tượng được tôn thờ còn không thể tự bảo vệ nữa là đi phù hộ, giúp đỡ ai theo lời cầu nguyện. Người học Phật thâm sâu thì ý thức về lẽ vô thường sinh diệt, còn người tin Phật bình dân quen van vái, cầu xin thì chắc chắn không tránh khỏi dao động trước những lời gièm pha hiểm độc như vậy.

Vì tín tâm vào Phật pháp, quý Tăng Ni hãy quan tâm nhiều hơn đối với việc phòng cháy chùa chiền. Phòng cháy cho nhà chùa không chỉ có tác dụng như phòng cháy bình thường, mà còn có tác dụng gìn giữ lòng tin Phật cho không biết bao nhiêu Phật tử. Không thể bỏ qua sự kiện chùa cháy với hệ lụy cải đạo  ở Hàn Quốc. Thiêu hủy một số chùa chiền thì thiệt hại có thể nhiều, có thể ít, mà vấn đề thực ra ở chỗ nói lên rằng chùa cũng bị cháy, Phật cũng bị cháy không nên tín ngưỡng cầu xin nữa. Cái người ta cần là như thế đó, chứ không phải chỉ là việc chùa chiền bị tổn thất cơ sở vật chất.

Minh Thạnh


thu nho.jpg

Tổ đình Hội Sơn gắn liền với đời sống tâm linh của người dân phương Nam
gần 300 năm qua - Ảnh: trinhquy


"Đối với chùa Hội Sơn, Giáo hội và những vị đứng đầu môn phái tổ đình, các cơ quan chức năng và những nhà chuyên môn phải ngồi lại với nhau. Nếu có khả năng tái thiết lại ngôi chùa cổ như cũ thì đó là điều đáng quý, nhưng nếu không làm được điều đó thì có thể làm mới nhưng phải hài hòa trong quần thể đã có, trong vùng đất, cảnh quan chung. Nếu đại trùng tu thì phải nghiên cứu làm sao chánh điện phải có nét kiến trúc như cũ, tức nét đặc trưng của chùa chiền miền Nam.

Nếu xây chùa mới mà bê nguyên kiểu cách kiến trúc từ chùa miền Bắc, miền Trung, hay chùa Đài Loan, Trung Quốc dĩ nhiên là không phù hợp, bởi vì mỗi vùng miền có một đặc trưng riêng. Chùa Hội Sơn mới phải phù hợp với cảnh quan, với cộng đồng dân cư, nét văn hóa Phật giáo, lịch sử ở nơi đó.

Công tác phòng cháy chữa cháy hiện nay đối với các di tích hoàn toàn phụ thuộc vào các vị trụ trì. Nếu các vị trụ trì quan tâm đến cổ vật, di sản, có ý thức giữ gìn thì công tác bảo vệ di sản tốt. Điều đáng cảnh báo là hiện nay vấn đề bảo vệ di sản, cổ vật ở chùa vẫn chưa được quan tâm đúng mức, không có sự kiểm tra chặt chẽ. Điều này là khe hở cho những kẻ có lòng tham trộm cắp, cũng như những tai họa như cháy vừa xảy ra, gây nên những mất mát rất lớn về vật chất lẫn tinh thần.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Phó ban Văn hóa T.Ư GHPGVN

(H.Diệu ghi)

>> Xem thêm: Sự mất mát không thể bù đắp

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày