Quyết không leo lề, tuyệt đối không vượt đèn đỏ

GN - Đây là ý thức cá nhân nhưng nếu ý thức đó được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng thì đến một lúc nào đó, mỗi người dân khi tham gia giao thông đều tuân thủ như một nét đẹp cần phải gìn giữ cho chính mình.

5be78af7.jpg


Một người leo lề và chở trẻ em không đội nón bảo hiểm bị bắt phạt - Ảnh minh họa: TTO

Còn nhớ, khi mới có chủ trương đội nón bảo hiểm, ai cũng than, kêu đội nón khó chịu, nóng đầu này nọ, nhưng đến lúc quy định đó thành bắt buộc, vào luật (không đội sẽ phạt) thì người dân chấp hành dần. Cho tới khi, đi ra đường - ai cũng thấy cần thiết đội nón (không chỉ vì sợ bị phạt) mà vì nếu không đội thì mình sẽ trở thành “người lạ”, sẽ bị nhiều ánh mắt nhìn ngó. Do vậy, mỗi người cảm thấy đội nón bảo hiểm như là cách để mình hòa vào dòng người trên phố một cách bình-thường-nhất, tự nhiên nhất. Thiết nghĩ, trong việc dừng đèn đỏ hay leo lề cũng cần được bắt đầu theo “công thức” đội nón bảo hiểm trước đây.

Có câu, thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận, có thể đổi câu ấy lại thành thói quen tạo nên nếp sống, nếp sống tạo nên bộ mặt của một thành phố (hoặc một đất nước). Để từ đó, người ngoài (du khách) nhìn vào sẽ thấy được, đây là một quốc gia có văn hóa đẹp, ngay từ việc tham gia giao thông. Tôi nghĩ, đôi khi chúng ta nói về yêu nước này nọ quá cao siêu, nhưng lại thiếu hành động cụ thể, thiết thực như chấp hành đúng luật pháp trong giao thông cũng là góp phần làm đẹp đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam văn minh với thế giới rồi.

Có thể nói, điểm gặp nhau của các chuyên gia khi nói về vấn nạn kẹt xe ở các thành phố lớn, trong đó có TP.HCM là xác định nguyên nhân do xe cá nhân quá nhiều. Trong khi đó, các phương tiện giao thông công cộng được trợ giá, đầu tư lớn nhưng lại chưa hiệu quả (chưa thu hút được người dân) nên từ đó dẫn tới việc người dân vẫn cứ chọn phương tiện cá nhân để đi làm, đi học...

Người ta không chọn xe buýt hay không dám sử dụng phương tiện công cộng này là vì nó thật sự chưa hấp dẫn, nếu không muốn nói là vẫn còn nhiều tiếng xấu. Tiếp viên thiếu chuyên nghiệp, tài xế thô lỗ (nói bậy, hút thuốc trong khi lái xe) hoặc chạy ẩu trên đường, bỏ khách... Rồi trên xe thì hành khách vẫn giành nhau từng chiếc ghế, kể cả ghế ưu tiên vẫn ngồi và khi gặp trường hợp ưu tiên (người già, thai phụ, trẻ em...) vẫn không chịu nhường.

Tất cả những điểm trừ đó đã làm cho người ta ngại đi xe buýt - vốn là phương tiện công cộng được xem là tiện lợi ở nhiều quốc gia khác. Do vậy, xây dựng văn hóa giao thông (giảm xe cá nhân, tăng cường đi lại bằng phương tiện xe buýt) không thể thiếu việc huấn luyện tài xế, tiếp viên trở nên văn minh, lịch sự hơn; hành khách tham gia phương tiện này cũng cần thể hiện nét đẹp (không hút thuốc, biết nhường ghế cho đối tượng ưu tiên...).

* Tin, bài liên quan: Đi đường cũng phải... thiền || Tượng Phật giúp lái xe an toàn và thận trọng ||

Tâm Nguyện

-------------

* Mời bạn tiếp tục chia sẻ việc tham gia giao thông của chính mình trong tư cách của người học Phật, bạn đã ứng dụng ra sao trong việc "thực tập ngoài đường" của mình? Bài gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày